UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1628/SGDĐT-CTTT | Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 2020 |
Kính gửi: | - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã; |
Nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống tai nạn thương tích và phòng, chống dịch bệnh trong trường học trên địa bàn Thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội đề nghị phòng GDĐT các quận, huyện, thị xã; các trường học trực thuộc Sở, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Công tác phòng chống tai nạn thương tích
a) Rà soát hệ thống cây xanh trong nhà trường không để gây mất an toàn trong trường học
Để đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong mùa mưa bão, yêu cầu các trường học trên địa bàn thành phố chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát toàn bộ cây xanh trong khuôn viên nhà trường. Xử lý ngay những cây bị nghiêng, có hiện tượng mối mọt, với những cây lâu năm cần lưu ý việc cắt tỉa cành, nhánh cây, cắt bỏ những nhánh mục, hư hỏng, tránh tình trạng cây gãy đổ có thể gây tai nạn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường.
Trường hợp nếu phát hiện cây có nguy cơ gẫy, đổ nhưng chưa kịp xử lí nhà trường phải có cảnh báo nguy hiểm và liên hệ ngay với cơ quan chuyên môn để được xử lí trong thời gian sớm nhất.
b) Công tác phòng chống đuối nước
Tiếp tục quán triệt và triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT, Thành phố về phòng chống tai nạn đuối nước đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của gia đình và cộng đồng, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng của việc phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em. Vận động các gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát con em mình, không để các em vui chơi, đi bơi, tắm ở những vùng sông, hồ, ao... đảm bảo an toàn cho học sinh trong dịp hè.
Thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phổ biến kiến thức, kỹ năng tới cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh về phòng, chống tai nạn thương tích, trong đó nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của việc phòng, chống đuối nước.
Chỉ đạo giáo viên ở các tiết học cuối trước khi học sinh tan trường, thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo học sinh không được chơi, đùa gần sông, hồ, ao, ... nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; không tự ý hoặc rủ nhau đi tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng, đặc biệt khoảng thời gian từ nhà đến trường, từ trường về nhà và thời gian được nghỉ học, nghỉ hè.
Chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương lắp đặt các biển cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao có thể xảy ra đuối nước, những khu vực vắng người qua lại trên địa bàn và có phương án kiểm tra đột xuất sau giờ học tại các điểm sông, hồ, ao... gần trường; hướng dẫn các em tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh; tổ chức các lớp học bơi, học kỹ năng an toàn phòng chống tại nạn đuối nước trong thời gian nghỉ hè. Kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai bão, lũ, lụt... nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước.
2. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn
a) Công tác giáo dục an toàn giao thông (ATGT)
Nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền đến cha mẹ học sinh kiên quyết không giao xe máy cho con khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; yêu cầu học sinh cam kết nghiêm túc thực hiện việc điều khiển các phương tiện xe máy, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm, khi tham gia giao thông không lạng lách, đánh võng, không chở quá số người theo quy định, không dàn hàng ngang.
Phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT khu vực cổng trường, không để xảy ra ùn tắc giao thông; phối hợp với các lực lượng chức năng nghiên cứu mở các cửa phụ, tổ chức các điểm dừng, đỗ cho phương tiện chờ, đưa đón học sinh giảm ùn tắc giao thông.
Đối với các trường có học sinh đưa đón bằng xe bus, các đơn vị chủ động lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, xe đảm bảo chất lượng, yêu cầu kỹ thuật để vận hành an toàn; lái xe phải có ý thức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tiến hành xây dựng các phương án đưa, đón đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh.
Nghiêm cấm việc điều khiển, dừng đỗ trái phép các phương tiện giao thông trong khuôn viên nhà trường.
b) Công tác phòng cháy, chữa cháy
Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra và tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhằm chủ động, kịp thời phát hiện và khắc phục những tồn tại thiếu sót về công tác PCCC tại các nhà trường, cơ sở giáo dục.
Xây dựng, chỉnh lý các phương án chữa cháy theo quy định; có phương án thoát hiểm cho cán bộ, giáo viên, học sinh khi xảy ra cháy nổ tại đơn vị.
c) Tổ chức kiểm tra cơ sở vật chất của nhà trường như tường bao, móng, trần, tường nhà, bể nước, cống rãnh rà soát hệ thống lưới điện (aptomat, ổ cắm điện, đường dây, công tắc...), hệ thống quạt, điều hòa, đèn chiếu sáng trong trường, trong đó đặc biệt chú ý đường dây tải điện trong các lớp học nhằm tránh trường hợp dùng quá tải dòng điện gây cháy, nổ mất an toàn cho giáo viên và học sinh.
d) Tăng cường công tác bảo vệ, kiểm soát chặt chẽ khách đến liên hệ công tác, người lạ vào trường học. Giám sát phương tiện xe cơ giới ra vào trường học, đặc biệt vào các thời điểm có học sinh hoạt động và vui chơi trong khuôn viên nhà trường.
a) Chủ động phòng, chống dịch bệnh
Tiếp tục tổ chức tuyên truyền cho học sinh, giáo viên bằng nhiều hình thức khác nhau các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong mùa hè, đặc biệt chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, dịch sốt xuất huyết, dịch sởi, cúm, tay chân miệng. Khuyến khích cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng.
Hàng ngày, theo dõi, giám sát sĩ số và diễn biến tình hình sức khỏe học sinh, giáo viên phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh. Tất cả các trường hợp mắc bệnh dịch phải nghỉ học, nghỉ làm việc và đến cơ sở y tế để được khám, điều trị và thực hiện cách ly, chăm sóc y tế theo hướng dẫn.
Khi có bệnh dịch xảy ra tại trường học, phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương giám sát, xử lý ổ dịch và thực hiện thông tin, báo cáo theo quy định.
b) Đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, nước sạch, an toàn thực phẩm
Tăng cường các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, rác thải, duy trì vệ sinh phòng học, lớp học hàng ngày, tổng vệ sinh toàn trường hàng tuần, trong đó chú ý các biện pháp diệt bọ gậy để phòng chống dịch sốt xuất huyết đang có nguy cơ lan rộng.
Thực hiện cung cấp đủ nước ăn uống, sinh hoạt; đảm bảo đầy đủ nước sạch tại các nhà vệ sinh trong trường học; tổ chức hưởng ứng “Tuần lễ quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2020” trên địa bàn Thành phố.
Các cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể, căng tin trường học phải rà soát, bổ sung ngay cơ sở vật chất, trang thiết bị, hồ sơ pháp lý.. .đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm và tiến hành tổng vệ sinh bếp ăn, nhà ăn, căng tin trước khi tổ chức phục vụ học sinh, giáo viên không để xảy ra sự cố an toàn thực phẩm trong nhà trường.
c) Tăng cường các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá trong trường học
Tuyên truyền phổ biến về tác hại của thuốc lá, các quy định của Luật phòng chống tác hại của thuốc lá. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc thực hiện môi trường không khói thuốc tại cơ sở giáo dục, nơi làm việc, quyền của người không hút thuốc lá, trách nhiệm của người hút thuốc lá. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Quy định tại Chỉ thị số 6036/CT-BGDĐT ngày 17/12/2014 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về tăng cường công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và lạm dụng đồ uống có cồn trong ngành giáo dục.
Thực hiện môi trường cơ quan, trường học không khói thuốc lá, treo biển báo cấm hút thuốc lá tại các khu vực có quy định cấm theo quy định của Luật. Thực hiện cấm bán thuốc lá trong trường học, căng tin, nhà ăn tập thể, ký túc xá các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Bổ sung quy định cấm hút thuốc lá vào nội quy, quy chế của nhà trường.
Sở GDĐT đề nghị các đơn vị nghiêm túc triển khai các nội dung trên và báo cáo kết quả thực hiện về Sở qua email: cttt@hanoiedu.vn trước ngày 01/9/2020./.
Nơi nhận: | KT. GIÁM ĐỐC |
- 1 Công văn 1498/GDĐT-CTTT năm 2020 về tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo an toàn tường học, phòng chống tai nạn thương tích do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2 Kế hoạch 102/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội năm 2020
- 3 Công văn 679/SGDĐT-CTTT năm 2020 về những việc cần làm để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trường học do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội ban hành
- 4 Chỉ thị 6036/CT-BGDĐT năm 2014 tăng cường thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá và lạm dụng đồ uống có cồn trong ngành Giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 5 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012
- 1 Công văn 679/SGDĐT-CTTT năm 2020 về những việc cần làm để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trường học do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội ban hành
- 2 Kế hoạch 102/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội năm 2020
- 3 Công văn 1498/GDĐT-CTTT năm 2020 về tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo an toàn tường học, phòng chống tai nạn thương tích do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4 Công văn 838/SGDĐT-CTTT năm 2021 về tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống tai nạn thương tích và phòng chống dịch bệnh trong trường học do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội ban hành