Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16673/BTC-TCT
V/v tháo gỡ điểm 1 Công văn số 10024/BTC-TCT

Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2014

 

Kính gửi: Công ty TNHH An Tuấn

Bộ Tài chính nhận được Công văn số 25-2014-AT/CV của Công ty TNHH An Tuấn về việc tháo gỡ điểm 1 Công văn số 10024/BTC-TCT ngày 22/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

- Tại điểm a, điểm b, khoản 4, Điều 4 Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung quy định:

“1. Bổ sung các khoản 4, 5 và 6 vào Điều 4 như sau:

4. Áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế:

a) Việc áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế bao gồm: thu thập thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế; xây dựng các bộ tiêu chí quản lý thuế; đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; đề xuất, áp dụng các biện pháp quản lý thuế;

b) Cơ quan quản lý thuế quản lý, ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ để đánh giá rủi ro về thuế, mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, lựa chọn đối tượng kiểm tra, thanh tra về thuế và hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ khác trong quản lý thuế.”

Qua công tác quản lý thuế, hoạt động kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý thuế, hoạt động điều tra của cơ quan Công an đối với hoạt động xuất khẩu quan biên giới đất liền thì các Công ty xuất khẩu và xin hoàn thuế GTGT qua biên giới đất liền thuộc các trường hợp “Mới thành lập trong thời gian 24 tháng trở lại tính đến ngày cơ quan thuế nhận được hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế, không trực tiếp sản xuất hàng hóa xuất khẩu, có quy mô kinh doanh bất hợp lý (doanh số kinh doanh bình quân năm cao gấp 5 lần trở lên so với vốn chủ sở hữu) và không có cơ sở vật chất (nhà máy, xưởng sản xuất, kho hàng, phương tiện vận tải, hệ thống các cửa hàng,...) hoặc cơ sở vật chất không tương ứng với sản phẩm hàng hóa xuất khẩu” được đánh giá có mức độ rủi ro cao về thuế và hải quan theo đúng quy định của Luật quản lý Thuế.

- Tại điểm c, khoản 4, Điều 13 và điểm a, điểm b, khoản 2, Điều 14 Thông tư số 22/2014/TT-BTC ngày 14/02/2014 của Bộ Tài chính quy định:

“Điều 13. Tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, phân luồng tờ khai hải quan

4. Trường hợp thông tin khai báo được chấp nhận thì Hệ thống tự động cấp số tờ khai hải quan và phân luồng theo một trong các hình thức sau:

c) Yêu cầu xuất trình, nộp chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan và hàng hóa để kiểm tra (luồng 3 - đỏ). Việc kiểm tra thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.

Điều 14. Kiểm tra hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình làm thủ tục hải quan

2. Kiểm tra thực tế hàng hóa

a) Hình thức kiểm tra: do công chức hải quan trực tiếp thực hiện thủ công hoặc bằng dụng cụ, máy móc, thiết bị kỹ thuật hay bằng các biện pháp nghiệp vụ khác;

b) Mức độ kiểm tra: miễn kiểm tra, kiểm tra một phần lô hàng, kiểm tra toàn bộ lô hàng;”

Việc kiểm tra hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu quan biên giới đất liền có mức độ rủi ro cao được phân luồng đỏ thì mức độ kiểm tra là toàn bộ lô hàng theo đúng quy định của Luật Hải quan.

Từ các căn cứ nêu trên, công văn số 12485/BTC-TCT ngày 18/9/2013 về tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan liên quan đến hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền của Bộ Tài chính đã quy định: “1. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua biên giới đất liền thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Mới thành lập trong thời gian 24 tháng trở lại tính đến ngày cơ quan thuế nhận được hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế, không trực tiếp sản xuất hàng hóa xuất khẩu, có quy mô kinh doanh bất hợp lý (doanh số kinh doanh bình quân năm cao gấp 5 lần trở lên so với vốn chủ sở hữu) và không có cơ sở vật chất (nhà máy, xưởng sản xuất, kho hàng, phương tiện vận tải, hệ thống các cửa hàng,...) hoặc cơ sở vật chất không tương ứng với sản phẩm hàng hóa xuất khẩu.

- Việc nhận thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu từ tài khoản vãng lai của người mua nước ngoài mở tại ngân hàng thương mại Việt Nam và hàng hóa xuất khẩu thuộc loại có rủi ro (như: điện thoại di động, thiết bị điện tử, phân bón, vải,...).

- Thuộc danh sách doanh nghiệp được phân loại có rủi ro cao về thuế, hải quan.” thuộc đối tượng phải kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng (100%) khi xuất khẩu qua biên giới đất liền và thuộc đối tượng kiểm tra trước hoàn thuế sau để giải quyết hoàn thuế chậm nhất không quá 40 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế hợp lệ.

Căn cứ vào đặc điểm hoạt động kinh doanh của Công ty về hoàn thuế xuất khẩu hàng hóa qua biên giới đất liền:

- Doanh nghiệp xuất khẩu qua biên giới đất liền mặt hàng tinh bột sắn (nông sản).

- Mặt hàng doanh nghiệp xuất khẩu không do doanh nghiệp trực tiếp sản xuất mà được mua lại của các đơn vị trực tiếp sản xuất tại tỉnh Tây Ninh.

- Có quy mô kinh doanh bất hợp lý, doanh số bình quân năm so với vốn chủ sở hữu rất cao; Cụ thể: năm 2010 gấp 22 lần (181,7 tỷ đồng/8 tỷ đồng), năm 2011 gấp 43 lần (346,8 tỷ đồng/8 tỷ đồng), năm 2012 gấp 27 lần (216,8 tỷ đồng/8 tỷ đồng), năm 2013 gấp 57 lần (461,7 tỷ đồng/8 tỷ đồng).

Như vậy, từ các căn cứ nêu trên Công ty thuộc đối tượng phải áp dụng tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan liên quan đến hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền theo hướng dẫn tại Điểm 1 Công văn số 12485/BTC-TCT ngày 18/9/2013 của Bộ Tài chính “Mới thành lập trong thời gian 24 tháng trở lại tính đến ngày cơ quan thuế nhận được hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế, không trực tiếp sản xuất hàng hóa xuất khẩu, có quy mô kinh doanh bất hợp lý (doanh số kinh doanh bình quân năm cao gấp 5 lần trở lên so với vốn chủ sở hữu) và không có cơ sở vật chất (nhà máy, xưởng sản xuất, kho hàng, phương tiện vận tải, hệ thống các cửa hàng,...) hoặc cơ sở vật chất không tương ứng với sản phẩm hàng hóa xuất khẩu” và được cơ quan Hải quan xếp doanh nghiệp có rủi ro cao là đúng quy định của Luật Quản lý thuế. Do đó, Công ty thuộc đối tượng phải kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng (100%) khi xuất khẩu qua biên giới đất liền và thuộc đối tượng kiểm tra trước hoàn thuế sau để giải quyết hoàn thuế chậm nhất không quá 40 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế hợp lệ.

Bộ Tài chính trả lời để Công ty biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh;
- Cục Hải quan Quảng Ninh;
- Chi cục Hải quan CK Móng Cái;
- Lưu: VT, TCT (VT,Ttra).

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phi Vân Tuấn