TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 168/TANDTC-HTQT | Hà Nội, ngày 27 tháng 07 năm 2016 |
Kính gửi: | - Các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao; |
Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang phối hợp với Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15/9/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật tương trợ tư pháp”.
Để có cơ sở chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch trước khi trình Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cho ý kiến, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị các đồng chí chỉ đạo đơn vị mình tổ chức đóng góp ý kiến và gửi Công văn đóng góp ý kiến về Tòa án nhân dân tối cao thông qua hộp thư điện tử:
vkhxx.quocte@toaan.gov.vn trước ngày 20/8/2016.
Tòa án nhân dân tối cao giao Vụ Hợp tác quốc tế theo dõi, đôn đốc và báo cáo với Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao về chất lượng, tiến độ gửi Công văn đóng góp ý kiến đối với dự thảo dự thảo Thông tư liên tịch của các Tòa án nhân dân cấp cao và các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương./.
| TL. CHÁNH ÁN |
BỘ TƯ PHÁP - BỘ NGOẠI GIAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /TTLT-BTP-BNG-TANDTC | Hà Nội, ngày tháng năm 2016 |
HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ DÂN SỰ CỦA LUẬT TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP
Căn cứ Luật Tương trợ tư pháp số 08/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 92/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tương trợ tư pháp;
Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao thống nhất hướng dẫn áp dụng một số quy định tương trợ tư pháp về dân sự của Luật Tương trợ tư pháp như sau:
Thông tư liên tịch này hướng dẫn áp dụng một số quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong công tác tương trợ tư pháp về dân sự.
Thông tư liên tịch này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam với nước ngoài.
Trong Thông tư liên tịch này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Ủy thác tư pháp của Việt Nam ra nước ngoài là yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự.
2. Ủy thác tư pháp của nước ngoài tại Việt Nam là yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự.
3. Người có nghĩa vụ nộp chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự bao gồm:
a) Người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của Việt Nam:
- Đương sự quy định tại Điều 152 của Bộ luật tố tụng dân sự;
- Cá nhân, tổ chức có yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài làm phát sinh ủy thác tư pháp ra nước ngoài
b) Người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài tại Việt Nam là cá nhân, tổ chức nước ngoài có yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự với Việt Nam.
4. Người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự phải nộp phí, lệ phí và chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự, trừ trường hợp pháp luật hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
5. Công ước Tống đạt là Công ước La Hay năm 1965 về Tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại.
6. Kênh tống đạt chính là cách thức gửi giấy tờ cần được tống đạt thông qua Cơ quan Trung ương của nước được yêu cầu theo quy định từ Điều 2 đến Điều 7 của Công ước Tống đạt.
7. Kênh lãnh sự gián tiếp là cách thức gửi giấy tờ cần được tống đạt thông qua cơ quan đại diện lãnh sự của nước yêu cầu và cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu theo quy định tại đoạn 1 Điều 9 của Công ước Tống đạt.
8. Kênh ngoại giao gián tiếp là cách thức gửi giấy tờ cần được tống đạt thông qua cơ quan đại diện ngoại giao của nước yêu cầu và cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu theo quy định tại đoạn 2 Điều 9 của Công ước Tống đạt.
9. Kênh ngoại giao, lãnh sự trực tiếp là cách thức gửi giấy tờ cần được tống đạt cho người nhận thông qua cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước gửi mà không thông qua cơ quan có thẩm quyền của nước nhận theo Điều 8 của Công ước Tống đạt.
Điều 4. Áp dụng pháp luật nước ngoài trong tương trợ tư pháp về dân sự
1. Pháp luật nước ngoài được áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Tương trợ tư pháp khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài quy định về vấn đề này;
b) Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đề nghị áp dụng pháp luật của nước đó;
c) Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
2. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định việc áp dụng pháp luật nước ngoài. Trong trường hợp không đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này hoặc việc áp dụng pháp luật nước ngoài không thực hiện được, Bộ Tư pháp trả lời bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc thông báo để Bộ Ngoại giao trả lời đối với các yêu cầu áp dụng pháp luật nước ngoài được gửi qua kênh ngoại giao.
Điều 5. Áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về dân sự
Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam có thể từ chối thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự cho nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Tương trợ tư pháp trong những trường hợp sau:
1. Khi có căn cứ cho thấy phía nước ngoài không thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự cho Việt Nam;
2. Việc thực hiện tương trợ tư pháp đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Điều 6. Chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự
1. Chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của Việt Nam ra nước ngoài bao gồm phí, lệ phí và chi phí thực tế phát sinh khi thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc gia liên quan.
2. Mức thu, cơ quan có thẩm quyền thu và trình tự thu nộp phí, lệ phí ủy thác tư pháp về dân sự được thực hiện theo quy định pháp luật về phí, lệ phí.
3. Căn cứ vào nội dung yêu cầu ủy thác tư pháp cụ thể, chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự ra nước ngoài bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:
a) Chi phí dịch thuật, công chứng, chứng thực hồ sơ ủy thác tư pháp;
b) Chi phí tống đạt hồ sơ ủy thác tư pháp ở nước ngoài;
c) Chi phí lấy lời khai, thu thập tài liệu, giấy tờ, giám định, định giá tài sản ở nước ngoài;
d) Chi phí khác (nếu có) theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của quốc gia liên quan.
4. Chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài tại Việt Nam bao gồm phí, lệ phí và chi phí thực tế phát sinh khi thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
5. Căn cứ vào nội dung yêu cầu ủy thác tư pháp cụ thể, chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài tại Việt Nam bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:
a) Chi phí tống đạt hồ sơ ủy thác tư pháp do tổ chức, cá nhân có chức năng tống đạt thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Chi phí giám định, định giá tài sản, xem xét, thẩm định tại chỗ;
c) Chi phí khác (nếu có) theo quy định của pháp luật Việt Nam.
7. Chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự quy định tại khoản 3 và khoản 6 Điều này được thu nộp theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Thông tư liên tịch này.
Điều 7. Thu, nộp chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam ra nước ngoài
1. Các chi phí thực tế phát sinh trong nước do người có nghĩa vụ nộp thanh toán trực tiếp cho người cung cấp dịch vụ.
2. Đối với chi phí thực tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thu:
a) Trường hợp chi phí thực tế đã xác định được trước theo quy định của phía nước ngoài tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam lập hồ sơ, người có nghĩa vụ nộp chi phí ủy thác tư pháp về dân sự phải thanh toán trực tiếp chi phí này với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
b) Trường hợp chi phí thực tế chưa xác định được hoặc đã xác định được nhưng cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài chưa yêu cầu nộp tại thời điểm Cơ quan có thẩm quyền ủy thác tư pháp của Việt Nam lập hồ sơ thì người có nghĩa vụ nộp phải nộp tạm ứng 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng) tại Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.
Khi có thông báo của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về chi phí thực tế, Cơ quan tiếp nhận thông báo có trách nhiệm gửi thông báo này theo quy trình thông báo kết quả ủy thác tư pháp quy định tại Điều 14 của Thông tư liên tịch này. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ khi nhận được thông báo, Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh nơi Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam có trụ sở và người có nghĩa vụ nộp chi phí ủy thác tư pháp về dân sự. Trong mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày nêu trong thông báo, người có nghĩa vụ nộp chi phí ủy thác tư pháp về dân sự có trách nhiệm thanh toán chi phí này tại Cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp chi phí thực tế cao hơn số tiền tạm ứng thì người có nghĩa vụ nộp chi phí ủy thác tư pháp về dân sự phải nộp bổ sung. Trường hợp chi phí thực tế ít hơn số tiền tạm ứng thì Cơ quan thi hành án dân sự trả lại cho người có nghĩa vụ nộp chi phí ủy thác tư pháp về dân sự. Sau khi người có nghĩa vụ thanh toán, Cơ quan thi hành án dân sự nộp ngay khoản đã thu cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và thông báo lại cho cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam và người có nghĩa vụ nộp về công việc đã thực hiện.
Hết thời hạn mười (10) ngày làm việc, nếu người có nghĩa vụ nộp chi phí ủy thác tư pháp về dân sự không thực hiện thanh toán chi phí, Cơ quan thi hành án dân sự căn cứ vào thông báo về chi phí thực tế của nước ngoài, thực hiện thanh toán cho phía nước ngoài từ khoản tiền tạm ứng và thông báo cho Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp và người có nghĩa vụ nộp chi phí ủy thác tư pháp về công việc đã thực hiện và khoản tiền còn thiếu hoặc thừa. Sau khi người có nghĩa vụ nộp chi phí ủy thác tư pháp thanh toán phần còn thiếu với Cơ quan thi hành án dân sự, Cơ quan thi hành án dân sự nộp phần chi phí này cho Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
3. Ngay sau khi hoàn thành việc tạm ứng hoặc thanh toán chi phí thực tế, người có nghĩa vụ nộp phải nộp biên lai tạm ứng hoặc biên lai thanh toán cho Cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự để hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Điều 11 của Thông tư liên tịch này.
Điều 8. Thu, nộp chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài tại Việt Nam
1. Trường hợp các chi phí thực tế đã xác định được tại thời điểm Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tiếp nhận hồ sơ ủy thác tư pháp thì Cơ quan này phải thông báo cho người có yêu cầu ủy thác tư pháp nộp chi phí thực tế cho Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh nơi Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện ủy thác tư pháp.
2. Trường hợp chi phí thực tế chưa xác định được tại thời điểm Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam tiếp nhận hồ sơ ủy thác tư pháp, trong thời hạn tối đa là hai mươi (20) ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ ủy thác của nước ngoài, Cơ quan có thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài thông báo về mức chi phí, phương thức và thời hạn nộp. Quy trình thông báo về việc thu, nộp chi phí được thực hiện theo quy trình thông báo kết quả ủy thác tư pháp của nước ngoài quy định tại Điều 20 Thông tư liên tịch này.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn trong thông báo mà người có nghĩa vụ nộp không nộp chi phí thực tế phát sinh, Cơ quan có thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp thông báo về việc không thực hiện được ủy thác tư pháp và trả lại hồ sơ cho Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
THỰC HIỆN ỦY THÁC TƯ PHÁP CỦA VIỆT NAM
Điều 9. Thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam
1. Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam là Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan cấp dưới trực thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, thi hành án dân sự có phát sinh ủy thác tư pháp thì lập hồ sơ theo quy định tại Điều 11 Luật tương trợ tư pháp và Điều 10 Thông tư liên tịch này, gửi tới cơ quan cấp trên có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều này để thực hiện theo thủ tục chung.
3. Ngoài Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam được quy định tại khoản 1 Điều này thì Thừa phát lại được phép thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam
1. Hồ sơ ủy thác tư pháp phải có các văn bản quy định tại Điều 11 Luật Tương trợ tư pháp, cụ thể như sau:
a) Văn bản yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;
b) Văn bản ủy thác tư pháp về dân sự quy định tại Điều 12 Luật Tương trợ tư pháp được lập theo Mẫu số 02A ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này. Trường hợp ủy thác tư pháp được thực hiện theo kênh chính của Công ước Tống đạt, văn bản ủy thác tư pháp được lập theo Mẫu số 02B ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;
c) Giấy tờ khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu ủy thác (nếu có);
d) Các giấy tờ, tài liệu khác phục vụ cho việc thực hiện ủy thác tư pháp.
2. Hồ sơ ủy thác tư pháp được cơ quan có thẩm quyền lập theo cách thức sau đây:
a) Các văn bản tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này phải do người có thẩm quyền giải quyết vụ việc có yêu cầu ủy thác tư pháp ký và được lập thành hai (02) bộ;
b) Văn bản yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp do cơ quan có thẩm quyền lập phải là bản chính và các văn bản, giấy tờ, tài liệu khác phục vụ cho việc thực hiện ủy thác tư pháp là bản chính hoặc bản sao. Bản sao và bản dịch của các văn bản, giấy tờ, tài liệu này phải được chứng thực hợp lệ theo quy định của pháp luật về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.
Đối với các giấy tờ không phải của cơ quan có thẩm quyền lập hoặc xác nhận thì cơ quan có thẩm quyền, nơi lập hồ sơ ủy thác tư pháp phải đối chiếu bản sao các giấy tờ này với bản gốc và đóng dấu xác nhận;
c) Trường hợp vụ việc cần ủy thác tư pháp cho nhiều đương sự có nội dung ủy thác khác nhau hoặc có địa chỉ khác nhau hoặc khác quốc tịch thì cơ quan có thẩm quyền phải lập riêng hồ sơ ủy thác tư pháp cho từng đương sự và từng nội dung ủy thác.
3. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ không xác định được ngôn ngữ chính thức hoặc ngôn ngữ khác mà được nước được yêu cầu chấp nhận, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp gửi văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao xác định. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp, Bộ Ngoại giao phải có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông tin về ngôn ngữ tương trợ tư pháp. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận được trả lời của phía nước ngoài, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam.
Điều 11. Điều kiện hợp lệ của hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam
Hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Hồ sơ ủy thác tư pháp đã được lập theo đúng quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch này;
2. Hồ sơ ủy thác tư pháp được lập theo ngôn ngữ quy định tại Điều 5 Luật Tương trợ tư pháp;
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp phí, lệ phí theo quy định hiện hành và nộp chi phí hoặc tạm ứng chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch này.
Điều 12. Trình tự, thủ tục nhận và gửi hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam tại Bộ Tư pháp
Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền gửi đến, Bộ Tư pháp có trách nhiệm vào sổ hồ sơ ủy thác tư pháp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ theo quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch này và thực hiện các công việc sau đây:
1. Trường hợp hồ sơ ủy thác tư pháp đầy đủ và hợp lệ thì thực hiện một trong các thủ tục sau:
a) Chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó là thành viên;
b) Chuyển hồ sơ cho Bộ Ngoại giao trong trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa ký kết điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự hoặc trường hợp hồ sơ được chuyển qua kênh ngoại giao gián tiếp, kênh lãnh sự gián tiếp theo quy định của Công ước Tống đạt.
2. Trường hợp hồ sơ ủy thác tư pháp không đầy đủ hoặc không hợp lệ theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 Thông tư liên tịch này, Bộ Tư pháp trả lại hồ sơ ủy thác tư pháp cho cơ quan đã gửi hồ sơ ủy thác tư pháp và nêu rõ lý do.
1. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm vào sổ hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam và chuyển hồ sơ cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp do Bộ Tư pháp chuyển đến.
2. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm vào sổ hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam và chuyển hồ sơ ủy thác tư pháp cho Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp.
3. Việc thực hiện tống đạt theo kênh ngoại giao, lãnh sự trực tiếp theo Công ước Tống đạt cho công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài nếu nước đó không phản đối hoặc pháp luật nước đó cho phép thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 14. Thông báo kết quả, tiến độ thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam
1. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả thực hiện ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và tài liệu kèm theo (nếu có), cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài gửi văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và tài liệu kèm theo (nếu có) về Bộ Ngoại giao.
2. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo và tài liệu kèm theo (nếu có) do Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi về, Bộ Ngoại giao chuyển văn bản thông báo và tài liệu kèm theo (nếu có) cho Bộ Tư pháp.
3. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả thực hiện ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và tài liệu kèm theo (nếu có), Bộ Tư pháp gửi văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và tài liệu kèm theo (nếu có) cho cơ quan có thẩm quyền Việt Nam yêu cầu ủy thác.
4. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam có văn bản yêu cầu Bộ Tư pháp đề nghị Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông báo về tình hình thực hiện ủy thác tư pháp thì việc gửi văn bản đề nghị Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông báo về tình hình thực hiện ủy thác và thông báo việc trả lời của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện như quy trình thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam.
1. Việc xử lý kết quả ủy thác tư pháp để giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
2. Việc xử lý kết quả ủy thác tư pháp để giải quyết yêu cầu thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
3. Việc xử lý kết quả ủy thác tư pháp để giải quyết yêu cầu khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
THỰC HIỆN ỦY THÁC TƯ PHÁP CỦA NƯỚC NGOÀI
Điều 16. Thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài
1. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài là Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Trong quá trình thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, thông tin theo quy định pháp luật về tố tụng dân sự.
Trường hợp ủy thác tư pháp về dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài liên quan đến thi hành án dân sự, cơ quan có thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài là Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.
2. Ngoài Cơ quan có thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài được quy định tại khoản 1 Điều này thì Thừa phát lại được phép thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài theo quy định của pháp luật.
3. Thẩm quyền của cơ quan thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Nơi người được tống đạt là cá nhân cư trú, làm việc hoặc nơi cơ quan, tổ chức được tống đạt có trụ sở, chi nhánh của tổ chức đó theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
b) Nơi người được triệu tập làm chứng, người giám định cư trú, làm việc.
c) Nơi thực hiện việc thu thập, cung cấp chứng cứ;
Điều 17. Hồ sơ ủy thác tư pháp của nước ngoài
Hồ sơ ủy thác tư pháp của nước ngoài gồm những văn bản sau đây:
1. Các văn bản được quy định tại Điều 11 và Điều 12 Luật Tương trợ tư pháp;
2. Bản chính hoặc bản sao biên lai nộp lệ phí ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài tại Việt Nam theo quy định hiện hành về lệ phí ủy thác tư pháp về dân sự.
Điều 18. Nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ ủy thác tư pháp của nước ngoài
1. Bộ Tư pháp tiếp nhận hồ sơ ủy thác tư pháp của nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp mà Việt Nam và nước đó là thành viên hoặc theo kênh chính, kênh ngoại giao gián tiếp, kênh lãnh sự gián tiếp của Công ước Tống đạt.
Trường hợp Bộ Ngoại giao nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp của nước ngoài, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chuyển hồ sơ và các tài liệu kèm theo (nếu có) cho Bộ Tư pháp trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ.
Trường hợp cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp của nước ngoài, cơ quan này có trách nhiệm chuyển hồ sơ và các tài liệu kèm theo (nếu có) cho Bộ Ngoại giao trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ để Bộ Ngoại giao chuyển cho Bộ Tư pháp theo quy định tại đoạn trên.
2. Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp của nước ngoài, Bộ Tư pháp vào sổ hồ sơ ủy thác tư pháp, xem xét, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và thực hiện một trong các công việc sau đây:
a) Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Bộ Tư pháp chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài quy định tại Điều 16 Thông tư liên tịch này.
b) Trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ, Bộ Tư pháp trả lại hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và nêu rõ lý do.
Điều 19. Trình tự, thủ tục và thời hạn thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài
1. Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp của nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài vào sổ hồ sơ ủy thác tư pháp và thực hiện một trong các công việc sau đây:
a) Tiến hành tiếp nhận để thực hiện ủy thác tư pháp trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết;
b) Trả lại hồ sơ cho Bộ Tư pháp trong trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết;
c) Trường hợp cần bổ sung thông tin, tài liệu liên quan hoặc việc thực hiện ủy thác làm phát sinh chi phí thực tế, trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày xác định được thông tin, tài liệu cần bổ sung hoặc chi phí thực tế phát sinh, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài để bổ sung thông tin, tài liệu hoặc nộp chi phí thực tế theo Điều 8 Thông tư liên tịch này.
2. Kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng các phương thức sau đây để thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài trong thời hạn mà cơ quan có thẩm quyền nước ngoài yêu cầu:
a) Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật về thi hành án dân sự tương tự như các vụ việc trong nước.
b) Theo phương thức đặc biệt trên cơ sở yêu cầu của Cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Trường hợp các cơ quan có thẩm quyền tại Điều 4 Thông tư liên tịch này đã quyết định áp dụng pháp luật nước ngoài nhưng phương thức đặc biệt không thực hiện được trên thực tế thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện phải thông báo lại ngay cho Bộ Tư pháp để trả lời cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy trình trả kết quả thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài.
3. Trường hợp Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không xác định rõ yêu cầu thực hiện thì thời hạn thực hiện không được vượt quá 03 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thụ lý hồ sơ.
Quá thời hạn này, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam vẫn chưa thực hiện được ủy thác tư pháp thì cơ quan này phải thông báo lại cho Bộ Tư pháp lý do của việc chưa thực hiện được để trả lời cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy trình trả kết quả thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài.
4. Trường hợp việc thực hiện ủy thác tư pháp làm phát sinh chi phí thực tế, Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chỉ thực hiện sau khi đã thu đủ chi phí thực tế.
Điều 20. Trình tự, thủ tục và thời hạn thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài
1. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày thực hiện xong phương thức quy định tại Điều 19 Thông tư liên tịch này, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam gửi văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp theo Mẫu số 03 được ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này với số lượng hai (02) bản và tài liệu kèm theo (nếu có) cho Bộ Tư pháp.
2. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền theo khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này, Bộ Tư pháp gửi thông báo và các tài liệu kèm theo (nếu có) cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu theo quy định của điều ước quốc tế hoặc cho Bộ Ngoại giao đối với trường hợp hồ sơ ủy thác tư pháp được gửi thông qua Bộ Ngoại giao.
3. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo và tài liệu kèm theo (nếu có) từ Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao gửi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp đó cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài nếu hồ sơ được gửi qua cơ quan này.
4. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo và tài liệu kèm theo (nếu có) từ Bộ ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp đó cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu.
5. Trường hợp Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài yêu cầu thông báo về tình hình thực hiện ủy thác tư pháp thì trình tự nhận, gửi và trả lời yêu cầu này được thực hiện như trình tự nhận, gửi và thông báo kết quả ủy thác tư pháp của nước ngoài. Thời hạn thực hiện tại từng cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam là 05 ngày làm việc.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN
Điều 21. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp
1. Kiểm tra, đôn đốc, thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài và ủy thác tư pháp của Việt Nam trong trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài đã ký kết điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự;
2. Cập nhật điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự có hiệu lực mà Việt Nam là thành viên trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp;
3. Cập nhật quy định về yêu cầu ngôn ngữ đối với hồ sơ ủy thác tư pháp, phí, chi phí và các quy định khác có liên quan của nước ngoài đã ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam về tương trợ tư pháp về dân sự và của các nước chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự với Việt Nam trên cơ sở thông tin do Bộ Ngoại giao cung cấp. Các thông tin này được đăng trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp;
4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao trong việc xác định, cập nhật tình hình thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài cho Việt Nam để làm căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền quyết định từ chối áp dụng nguyên tắc có đi có lại. Các thông tin này được đăng trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp;
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Điều 22. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
1. Kiểm tra, đôn đốc, thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài và ủy thác tư pháp của Việt Nam trong trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa ký kết điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự, thực hiện ủy thác tống đạt văn bản tố tụng đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài, kênh ngoại giao gián tiếp, kênh lãnh sự gián tiếp, kênh ngoại giao, lãnh sự trực tiếp theo Công ước Tống đạt;
2. Cập nhật quy định về yêu cầu ngôn ngữ đối với hồ sơ ủy thác tư pháp, phí, chi phí và các quy định khác có liên quan của nước ngoài nơi ủy thác của Việt Nam được gửi đến mà Việt Nam và nước đó chưa ký kết điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự. Các thông tin này được đăng trên trang thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao đồng thời được gửi cho Bộ Tư pháp để cập nhật chung.
3. Cung cấp thông tin về chi phí thực hiện ủy thác tư pháp ở nước ngoài theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam; hỗ trợ chuyển tiền thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự cho cơ quan, tổ chức ở nước ngoài trong những trường hợp đặc biệt;
4. Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc xác định, cập nhật tình hình thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài cho Việt Nam.
5. Thông báo tình hình thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam và ủy thác tư pháp của nước ngoài thuộc thẩm quyền, tình hình thực hiện ủy thác tống đạt văn bản tố tụng đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài cho Bộ Tư pháp theo định kỳ hàng năm hoặc khi Bộ Tư pháp có đề nghị.
6. Công khai, cập nhật địa chỉ và đầu mối liên lạc về ủy thác tư pháp của cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trên trang thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao.
7. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Điều 23. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao
1. Đôn đốc các Tòa án có thẩm quyền thực hiện tương trợ tư pháp theo quy định của Thông tư liên tịch này và các quy định của pháp luật có liên quan;
2. Phối hợp với Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao hướng dẫn các Tòa án có thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự và rà soát, tổng kết tình hình thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự;
3. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Điều 24. Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự
1. Thực hiện ủy thác tư pháp theo đúng quy định của Thông tư liên tịch này và các quy định của pháp luật có liên quan;
2. Thông báo cho người có nghĩa vụ về mức và phương thức nộp, tiền tạm ứng chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp, thông tin về mức tạm ứng và phương thức tạm ứng hoặc thu nộp chi phí ủy thác tư pháp theo quy định của Thông tư liên tịch này;
3. Cập nhật về tình hình thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp của nước ngoài cho Bộ Tư pháp hoặc Bộ Ngoại giao theo định kỳ hàng năm hoặc khi có yêu cầu;
4. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày... và thay thế Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15 tháng 9 năm 2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp, trừ Chương III thực hiện ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài thông qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Việc thực hiện tống đạt văn bản giấy tờ theo quy định của Công ước Tống đạt hướng dẫn trong Thông tư liên tịch này được áp dụng kể từ ngày Công ước này có hiệu lực với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15 tháng 9 năm 2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp tiếp tục được áp dụng đối với hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam và ủy thác tư pháp của nước ngoài được lập trước ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực.
Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch này, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh những vấn đề mới thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác có liên quan và Thừa phát lại thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự phản ánh về Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao để kịp thời xử lý./.
KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG | KT. CHÁNH ÁN |
|
- 1 Công văn 297/TANDTC-HTQT năm 2017 về lưu ý khi yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự đối với Hồng Kông, Trung Quốc do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 2 Công văn 2368/BTP-PLQT năm 2017 về hướng dẫn thực hiện quy định về ủy thác tư pháp trong lĩnh vực dân sự ra nước ngoài do Bộ Tư pháp ban hành
- 3 Công văn 1824/BGTVT-PC năm 2017 về góp ý kiến đối với dự thảo Thông tư thướng dẫn Nghị định 70/2016/NĐ-CP do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 4 Quyết định 2312/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước La Hay năm 1965 về Tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Thông tư 203/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự có yếu tố nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 6 Công văn 12681/BTC-CST năm 2016 góp ý dự thảo Thông tư do Bộ Tài chính ban hành
- 7 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
- 8 Công văn 7304/VPCP-QHQT năm 2014 về đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Ấn Độ do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 9 Thông tư 18/2014/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 10 Thông tư liên tịch 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp do Bộ Tư pháp - Bộ Ngoại giao - Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 11 Nghị định 92/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Tương trợ tư pháp
- 12 Luật tương trợ tư pháp 2007
- 1 Công văn 2008/TTg-QHQT về việc đàm phán và ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Thông tư 18/2014/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3 Công văn 7304/VPCP-QHQT năm 2014 về đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Ấn Độ do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4 Công văn 12681/BTC-CST năm 2016 góp ý dự thảo Thông tư do Bộ Tài chính ban hành
- 5 Quyết định 2312/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước La Hay năm 1965 về Tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Thông tư 203/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự có yếu tố nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 7 Công văn 1824/BGTVT-PC năm 2017 về góp ý kiến đối với dự thảo Thông tư thướng dẫn Nghị định 70/2016/NĐ-CP do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 8 Công văn 297/TANDTC-HTQT năm 2017 về lưu ý khi yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự đối với Hồng Kông, Trung Quốc do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 9 Công văn 2368/BTP-PLQT năm 2017 về hướng dẫn thực hiện quy định về ủy thác tư pháp trong lĩnh vực dân sự ra nước ngoài do Bộ Tư pháp ban hành