UBND TỈNH BÌNH ĐỊNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1681/SXD-QLXD | Bình Định, ngày 25 tháng 12 năm 2014 |
Kính gửi: | - Các Sở, ban, ngành; |
Thực hiện Chỉ thị số 02/2014/CT-UBND (sau đây viết tắt là CT02) ngày 17 tháng 12 năm 2014 của UBND tỉnh Bình Định về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng hướng dẫn việc triển khai sử dụng vật liệu xây không nung (viết tắt VLXKN) trong các công trình xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, một số trường hợp cụ thể như sau:
1. Dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn các huyện và thị xã An Nhơn, kể từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/12/2015 sử dụng không dưới 50% VLXKN theo thể tích khối xây đối với tổng khối xây của các công trình, hạng mục công trình của dự án. Để đảm bảo yêu cầu sử dụng VLXKN theo quy định và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, thực hiện theo các hướng dẫn sau đây:
a) Đối với dự án nhiều công trình, hạng mục công trình: Ưu tiên sử dụng toàn bộ VLXKN cho một số công trình, hạng mục thấp tầng để đảm bảo tính đồng bộ trong kiến trúc và kết cấu; đảm bảo nguyên tắc tổng khối xây sử dụng VLXKN không nhỏ hơn 50% thể tích khối xây của toàn dự án.
Ví dụ 1: Dự án đầu tư xây dựng Trường Tiểu học A, có 3 hạng mục công trình đầu tư mới như sau:
- Nhà lớp học 2 tầng: Khối xây gạch 100,0m3 (mỗi tầng 50,0m3);
- Nhà hiệu bộ 1 tầng: Khối xây gạch 40,0m3;
- Tường rào cổng ngõ dài 380,0m: Khối xây gạch 70,0m3;
Tổng khối xây gạch theo tính toán cho toàn dự án:
Vx = 100,0+40,0+70,0 = 210m3
Khối xây VLXKN theo yêu cầu Chỉ thị CT02:
Vvlxkn ≥ 210x50% = 105m3
Chủ đầu tư có thể chọn các hạng mục sử dụng VLXKN như sau:
- Tường rào cổng ngõ: 70,0m3 (xây toàn bộ);
- Nhà hiệu bộ 1 tầng: 40,0m3 (xây toàn bộ);
(Tổng cộng VLXKN của dự án: 110m3 ≥ 105m3 đảm bảo theo yêu cầu của Chỉ thị CT02).
b) Đối với dự án có công trình, hạng mục công trình có chiều cao từ 02 tầng đến 08 tầng, yêu cầu phải sử dụng VLXKN để đảm bảo tỷ lệ theo quy định của Chỉ thị CT02: Khối lượng VLXKN phải sử dụng đồng bộ cho từng tầng, số tầng sử dụng VLXKN phải tính toán cân đối với toàn dự án đảm bảo bằng hoặc lớn hơn 50% VLXKN trong tổng thể tích khối xây của dự án; ưu tiên sử dụng VLXKN ở các tầng dưới.
Ví dụ 2: Dự án đầu đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế huyện A, có 4 hạng mục công trình đầu tư mới như sau:
- Nhà hành chính 4 tầng: Khối xây gạch 160,0m3 (mỗi tầng 40,0m3);
- Nhà khám 2 tầng: Khối xây gạch 100,0m3 (mỗi tầng 50,0m3);
- Nhà dinh dưỡng 1 tầng: Khối xây gạch 40,0m3;
- Tường rào cổng ngõ dài 430,0m: Khối xây gạch 80,0m3;
Tổng khối xây gạch theo tính toán cho toàn dự án:
Vx = 160,0+100,0+40,0+80,0 = 380m3
Khối xây VLXKN theo yêu cầu của Chỉ thị CT02:
Vvlxkn ≥ 380x50% = 190m3
Chủ đầu tư có thể chọn các hạng mục sử dụng VLXKN như sau:
- Tường rào cổng ngõ: 80,0m3 (xây toàn bộ);
- Nhà dinh dưỡng 1 tầng: 40,0m3 (xây toàn bộ);
- Nhà khám 2 tầng: 50,0m3 (xây tầng 1);
- Nhà hành chính 4 tầng: 40,0m3 (xây tầng 1);
(Tổng cộng VLXKN của dự án: 210m3 ≥ 190m3 đảm bảo theo yêu cầu của Chỉ thị CT02):
c) Để đơn giản trong tính toán kết cấu khi chưa xác định được khối xây toàn bộ dự án, theo quan điểm ưu tiên sử dụng VLXKN, trường hợp dự án có nhà nhiều tầng có thể xác định ngay 50% số tầng sử dụng VLXKN để tính toán kết cấu và thiết kế.
2. Đối với công trình sử dụng VLXKN loại nhẹ (gạch bê tông bọt, gạch bê tông khí chưng áp) quy định tại điểm b) mục 1 của Chỉ thị CT02, để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và chất lượng công trình phải sử dụng vữa xây, vữa trát chuyên dùng đối với gạch xây tương ứng.
3. Chủ đầu tư các dự án đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư nhưng chưa được phê duyệt trước ngày Chỉ thị CT02 có hiệu lực phải kịp thời điều chỉnh phương án thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, báo cáo kinh tế kỹ thuật và dự toán để đáp ứng yêu cầu của Chỉ thị.
4. Các đơn vị sản xuất VLXKN phải đảm bảo chất lượng sản phẩm theo các quy chuẩn hiện hành; tiến hành công bố hợp quy và Sở Xây dựng là cơ quan tiếp nhận công bố hợp quy của tổ chức, cá nhân đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; đăng ký giá bán tại Sở Tài chính Bình Định.
5. Phối hợp thực hiện và chế độ báo cáo:
a) Đối với các đơn vị tham gia thiết kế, thi công và giám sát:
- Nhà thầu tư vấn thiết kế xây dựng công trình có trách nhiệm đưa vào thiết kế các loại VLXKN phù hợp với từng loại kết cấu theo các tiêu chuẩn về VLXKN, phù hợp với Chỉ thị CT02;
- Nhà thầu thi công xây dựng phải tuân thủ quy định của thiết kế về sử dụng VLXKN và các tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật về thi công, nghiệm thu VLXKN theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt;
- Nhà thầu tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình có trách nhiệm giám sát việc sử dụng VLXKN theo đúng thiết kế đã được phê duyệt.
b) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi thẩm tra, thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công, dự toán phải đảm bảo yêu cầu bắt buộc sử dụng VLXKN theo đúng quy định tại Chỉ thị CT02.
c) Các chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng năm (trong quý IV) cho Sở Xây dựng về tình hình sử dụng vật liệu xây không nung tại các dự án xây dựng do mình quản lý, bao gồm: Loại vật liệu xây không nung, quy cách, số lượng sử dụng và tỷ lệ sử dụng (% theo thể tích khối xây) trên tổng số vật liệu xây của công trình.
d) Các cơ sở sản xuất VLXKN báo cáo Sở Xây dựng về tình hình sản xuất của đơn vị mình, bao gồm: Loại vật liệu xây không nung, quy cách sản phẩm, số lượng sản xuất, số lượng tiêu thụ. Báo cáo theo quý vào ngày 25 của tháng cuối quý.
Trên đây là hướng dẫn của Sở Xây dựng về việc thực hiện Chỉ thị CT02 về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh, đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. GIÁM ĐỐC |
- 1 Chỉ thị 02/2014/CT-UBND tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 2 Công văn 164/SXD-XD năm 2014 hướng dẫn sử dụng chủng loại vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh Bến Tre
- 3 Công văn 4987/UBND-XD năm 2013 về tổ chức, thực hiện quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng