Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1685/LĐTBXH-LĐTL
V/v xây dựng kế hoạch tiền lương năm 2012 trong công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu

Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 2012

 

Kính gửi:

- Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty hạng đặc biệt.

 

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành các Nghị định quy định quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện. Căn cứ quy định của Chính phủ, nhiều Tập đoàn, Tổng công ty, công ty đã triển khai thực hiện đúng các quy định, xác định tiền lương gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tiền lương tăng trên cơ sở tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; xây dựng và thực hiện quy chế trả lương gắn với hiệu quả thực hiện công việc. Tiền lương trở thành động lực thúc đẩy người lao động tăng năng suất lao động và hiệu quả làm việc. Tuy nhiên, vẫn có Tập đoàn, Tổng công ty, công ty thực hiện chưa đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Nhà nước, tiền lương tăng chưa dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phân phối tiền lương còn bình quân, tiền lương của viên chức quản lý chênh lệch lớn với tiền lương của người lao động gây mất cân đối trong nội bộ đơn vị và bức xúc trong dư luận xã hội.

Để chấn chỉnh và khắc phục tình trạng nêu trên, trong khi chuẩn bị để thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 5, khóa XI về Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2012 - 2020 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Thủ trưởng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Giám đốc các Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ thành lập, Tổng công ty hạng đặc biệt, Tổng công ty và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu thực hiện ngay một số công việc như sau:

1. Thực hiện đúng các quy định về quản lý lao động, tiền lương tại Nghị định số 86/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007, Nghị định số 141/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007, Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/03/2010, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 03/9/2010, Nghị định số 70/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 27/2010/TT-LĐTBXH ngày 14/9/2010, Thông tư số 19/2007/TT-BLĐTBXH ngày 04/10/2007, Thông tư số 23/2011/TT-BLĐTBXH ngày 16/9/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Khi xác định đơn giá tiền lương, quỹ tiền lương của viên chức quản lý phải bảo đảm đúng các quy định, cụ thể:

a) Đơn giá tiền lương phải xác định căn cứ vào số lao động định biên hợp lý, đúng quy định của Nhà nước; hệ số lương phải phù hợp với cấp bậc công việc và cấp bậc công nhân (không để hệ số lương cấp bậc công việc cao hơn cấp bậc công nhân quá nhiều); mức lương tối thiểu của doanh nghiệp chọn phải bảo đảm đủ các điều kiện về nộp ngân sách, năng suất lao động và lợi nhuận theo quy định của Chính phủ.

b) Xác định quỹ tiền lương của viên chức quản lý phải đúng theo số người đang tham gia quản lý, điều hành và hệ số lương của từng người, gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả điều hành, trên cơ sở bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định của Chính phủ và tách riêng với quỹ tiền lương của người lao động. Việc trả lương theo quy chế của doanh nghiệp, không được nhập chung vào quỹ tiền lương của người lao động để phân phối hoặc sử dụng quỹ tiền lương của người lao động để trả lương cho viên chức quản lý; không được gộp thù lao của các viên chức quản lý không chuyên trách ở công ty và thù lao của các viên chức quản lý là đại diện vốn nhà nước ở các doanh nghiệp khác vào quỹ tiền lương chung của công ty để phân phối, mà phải tách riêng để chi trả theo đúng quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

c) Trong điều kiện sản xuất, kinh doanh nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn, đề nghị các Tập đoàn, Tổng công ty, công ty có các giải pháp cụ thể để tiết kiệm chi phí, ổn định tiền lương, thu nhập của người lao động. Trường hợp bảo đảm các điều kiện theo quy định của Nhà nước thì tiền lương bình quân để xây dựng kế hoạch tiền lương năm 2012 không cao hơn so với mức tiền lương bình quân thực hiện năm 2011, đặc biệt đối với các công ty có mức tiền lương, thu nhập quá cao so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp nhà nước.

2. Chấn chỉnh công tác lao động, tiền lương của công ty, trong đó rà soát, điều chỉnh định mức lao động bảo đảm đúng quy định của Nhà nước và phù hợp với thực tế trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại lao động, xác định nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí, chức danh công việc; tiếp tục hoàn thiện, đổi mới cơ chế trả lương đối với người lao động, bảo đảm tiền lương gắn với năng suất lao động và mức đóng góp của từng người vào kết quả chung của công ty. Khuyến khích các công ty có điều kiện triển khai sớm việc đổi mới cơ chế trả lương gắn với vị trí, chức danh công việc theo định hướng của Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2012 - 2020 Chính phủ trình Hội nghị Trung ương 5, khóa XI. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ các công ty thực hiện đổi mới cơ chế trả lương.

3. Các công ty đã xây dựng đơn giá tiền lương và quỹ tiền lương kế hoạch năm 2012 thì rà soát lại các nội dung theo điểm 1 và điểm 2 nêu trên. Trường hợp chưa xây dựng đơn giá tiền lương và quỹ tiền lương kế hoạch năm 2012 thì phải khẩn trương xây dựng và báo cáo chủ sở hữu theo đúng quy định của Nhà nước. Trong thời gian chưa xây dựng đơn giá tiền lương, quỹ tiền lương năm 2012 thì căn cứ vào tình hình tiền lương năm 2011, kế hoạch kinh doanh năm 2012 để tạm ứng tiền lương tối đa không quá 80% mức đơn giá tiền lương năm 2011 và 70% tiền lương bình quân thực hiện năm 2011 của viên chức quản lý. Đối với công ty lỗ hoặc không có lợi nhuận thì chỉ được xác định và tạm ứng tiền lương theo mức lương tính theo chế độ (hệ số lương theo thang lương, bảng lương nhân với mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định).

4. Đề nghị Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc, chỉ đạo các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, công ty khẩn trương xây dựng đơn giá tiền lương, quỹ tiền lương năm 2012, thực hiện phân phối tiền lương cho người lao động bảo đảm nguyên tắc: dân chủ, công bằng, minh bạch, có sự tham gia của Ban chấp hành công đoàn cơ sở; đồng thời tổng hợp báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tình hình thực hiện lao động, tiền lương, thu nhập năm 2011 và kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tiền lương năm 2012 của các công ty thuộc quyền quản lý theo đúng quy định của Nhà nước.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (để b/c);
- Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền (để b/c);
- Sở LĐTBXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ngân hàng chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển VN;
- Bảo hiểm xã hội tiền gửi VN;
- Lưu VP, Vụ LĐTL (20).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Minh Huân