Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP
CỤC HỘ TỊCH, QUỐC TỊCH, CHỨNG THỰC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1690/HTQTCT-CT
V/v hướng dẫn áp dụng văn bản hợp nhất số 8023/VBHN-BTP

Hà Nội, ngày 01 tháng 04 năm 2014

 

Kính gửi: Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Trong thời gian qua, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực nhận được phản ánh của một số địa phương liên quan đến thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản song ngữ tại văn bản hợp nhất số 8023/VBHN-BTP ngày 10/12/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký (hợp nhất Thông tư số 03/2008/TT-BTP và Thông tư số 19/2011/TT-BTP). Sau khi trao đổi, thống nhất với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Điều 2 Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi là Pháp lệnh hợp nhất) năm 2012 thì: “Hợp nhất văn bản là việc đưa nội dung sửa đổi, bổ sung trong văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của văn bản đã được ban hành trước đó vào văn bản được sửa đổi, bổ sung theo quy trình, kỹ thuật quy định tại Pháp lệnh này”, “Văn bản hợp nhất là văn bản được hình thành sau khi hợp nhất văn bản sửa đổi, bổ sung với văn bản được sửa đổi, bổ sung”. Về nguyên tắc, Khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh Hợp nhất quy định: “Việc hợp nhất văn bản không được làm thay đổi nội dung và hiệu lực của văn bản được hợp nhất”. Như vậy, việc hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật chỉ thuần túy là hoạt động kỹ thuật, văn bản hợp nhất số 8023/VBHN-BTP không tạo ra các quy phạm pháp luật mới cũng như văn bản quy phạm pháp luật mới.

Do đó, mặc dù tại điểm c, khoản 1 Thông tư số 03/2008/TT-BTP có hướng dẫn: “Đối với các giấy tờ, văn bản có tính chất song ngữ… thì người yêu cầu chứng thực được lựa chọn chứng thực tại Phòng Tư pháp cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã”, nhưng Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2012 sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/05/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký quy định việc chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản song ngữ thuộc thẩm quyền của Phòng Tư pháp cấp huyện. Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (khoản 2 Điều 83 về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật) thì phải áp dụng quy định tại Nghị định số 04/2012/NĐ-CP.

Từ những điểm nêu trên, thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản song ngữ phải được xác định và thực hiện theo quy định tại Nghị định số 04/2012/NĐ-CP (thuộc Phòng Tư pháp cấp huyện). Theo đó, UBND cấp xã không có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản song ngữ.

Trên đây là ý kiến của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực về thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản song ngữ tại văn bản hợp nhất số 8023/VBHN-BTP , đề nghị các Sở Tư pháp chỉ đạo thực hiện thống nhất./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- TT. Đinh Trung Tụng (để b/c);
- Các Sở Tư pháp tỉnh, TP trực thuộc TW (để thực hiện);
- Cổng thông tin điện tử;
- Lưu VT, Phòng QLCT, (Hồng).

CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Công Khanh