Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1712/TCT-TCCB
V/v thực hiện Quyết định số 2626/QĐ-BTC ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính

Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 2022

 

Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Căn cứ Quy định số 105-QĐ/TW ngày 27/10/2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Quyết định số 2626/QĐ-BTC ngày 31/12/2021 ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, từ chức, miễn nhiệm; luân chuyển, điều động, biệt phái và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức thuộc Bộ Tài chính;

Tổng cục Thuế đề nghị các đơn vị rà soát, tổ chức thực hiện theo đúng quy định, đồng thời lưu ý một số điểm mới, một số nội dung quan trọng như sau:

1. Về nguyên tắc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ:

Điều 3 Quy chế đã quy định cụ thể các nguyên tắc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ; đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc được quy định, trong đó lưu ý: việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị; phải căn cứ vào phẩm chất, đạo đức, năng lực, sở trường của công chức, viên chức và tiêu chuẩn chức danh; công chức, viên chức bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

2. Về điều kiện bổ nhiệm:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Quy chế: Công chức bổ nhiệm lần đầu phải được quy hoạch chức vụ bổ nhiệm hoặc cao hơn nếu là nguồn nhân sự tại chỗ hoặc được quy hoạch chức vụ tương đương trở lên nếu là nguồn nhân sự từ nơi khác. Đề nghị các đơn vị khi rà soát, thực hiện việc bổ nhiệm hoặc đề xuất chủ trương bổ nhiệm (nhất là đối với nguồn nhân sự tại chỗ) cần làm rõ chức danh công chức đang được quy hoạch (có phải chức vụ bổ nhiệm hoặc cao hơn hay không,...) để việc bổ nhiệm đảm bảo đúng quy định; đồng thời khi phê duyệt quy hoạch cần ghi rõ chức danh quy hoạch cụ thể (ví dụ quy hoạch chức danh Trưởng phòng Tổ chức cán bộ; Phó Trưởng phòng Thanh tra Kiểm tra số 1,....) để thuận lợi cho việc rà soát, đối chiếu, xác định điều kiện bổ nhiệm.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 4 Mục I Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW ngày 15/02/2022: “Không thực hiện đồng thời quy trình bổ sung quy hoạch với quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vào một chức danh lãnh đạo, quản lý. Việc thực hiện quy trình bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức danh quy hoạch chỉ được thực hiện sau khi phê duyệt quy hoạch ít nhất 3 tháng”. Đề nghị các đơn vị nghiên cứu thực hiện theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước và của Bộ Tài chính.

3. Về thời hạn giữ chức vụ:

Theo quy định tại Điều 8 của Quy chế:

“3. Công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương với chức vụ cũ thì thời hạn bổ nhiệm lại được tính từ ngày quyết định điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới có hiệu lực.

4. Trường hợp thay đổi chức danh lãnh đạo do thay đổi tên gọi tổ chức hoặc sau khi hợp nhất, sáp nhập, chia tách, tổ chức lại, chuyển đổi mô hình tổ chức của cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức được bố trí, sắp xếp giữ chức vụ tương đương hoặc thấp hơn chức vụ lãnh đạo, quản lý trước khi hợp nhất, sáp nhập, chia tách, tổ chức lại, chuyển đổi mô hình tổ chức thì thời hạn bổ nhiệm lại được tính từ ngày quyết định bổ nhiệm theo chức vụ cũ có hiệu lực.

5. Trường hợp sau khi hợp nhất, sáp nhập, chia tách, tổ chức lại, chuyển đổi mô hình tổ chức của cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức được bố trí, sắp xếp giữ chức vụ cao hơn chức vụ lãnh đạo, quản lý trước khi hợp nhất, sáp nhập, chia tách, tổ chức lại, chuyển đổi mô hình tổ chức thì thời hạn bổ nhiệm được tính từ ngày quyết định bổ nhiệm chức vụ mới có hiệu lực.”

Đề nghị các đơn vị nghiên cứu, rà soát để thực hiện theo đúng quy định của Bộ Tài chính và các quy định có liên quan.

4. Về việc lấy ý kiến của cấp ủy có thẩm quyền:

Theo quy định thì trong quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, ... có bước lấy ý kiến của cấp ủy có thẩm quyền đối với 02 nội dung: (1) Về kết luận tiêu chuẩn chính trị đối với nhân sự (2) Về ý kiến hiệp y bổ nhiệm, bổ nhiệm lại,...

Trên thực tế, cấp ủy có thẩm quyền Kết luận tiêu chuẩn chính trị có thể khác cấp ủy có thẩm quyền để lấy ý kiến hiệp y bổ nhiệm, bổ nhiệm lại,... (ví dụ khi bổ nhiệm Lãnh đạo Phòng thuộc Cục Thuế, cấp ủy có thẩm quyền kết luận tiêu chuẩn chính trị thường là Đảng ủy khối các cơ quan của tỉnh/thành phố; cấp ủy có thẩm quyền lấy ý kiến hiệp y bổ nhiệm, bổ nhiệm lại,... là Đảng ủy Cục Thuế). Do vậy, đề nghị các đơn vị căn cứ phân cấp cụ thể của cấp ủy Đảng tại địa phương để có văn bản lấy ý kiến cấp ủy có thẩm quyền theo từng nội dung cho phù hợp.

Do việc thẩm tra, kết luận tiêu chuẩn chính trị thường mất nhiều thời gian, vì vậy, đối với các trường hợp triển khai công tác cán bộ theo kế hoạch (như xem xét bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ,...) thì đơn vị cần chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền để sớm có kết luận tiêu chuẩn chính trị phục vụ công tác cán bộ.

5. Về công tác bổ nhiệm lại:

Theo quy định tại Điều 16 của Quy chế:

“3. Công chức, viên chức hết thời hạn bổ nhiệm nhưng chưa có quyết định bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì cấp có thẩm quyền bổ nhiệm có văn bản cho phép nhân sự được tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhưng không được thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền cho đến khi có quyết định bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, cụ thể:

a) Trường hợp người đứng đầu đơn vị chưa có quyết định bổ nhiệm lại thì cấp có thẩm quyền bổ nhiệm cử công chức lãnh đạo quản lý cấp trên trực tiếp hoặc giao cấp phó của đơn vị thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền của người đứng đầu đơn vị cho đến khi có quyết định bổ nhiệm lại.

b) Trường hợp cấp phó của người đứng đầu đơn vị chưa có quyết định bổ nhiệm lại thì cấp có thẩm quyền bổ nhiệm giao người đứng đầu đơn vị căn cứ tình hình thực tế tại đơn vị để xem xét, phân công việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền của người đó cho đến khi có quyết định bổ nhiệm lại.

4. Các trường hợp chưa thực hiện quy trình bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, gồm:

a) Công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử;

b) Công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý đang trong thời gian được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cử đi học tập, công tác ở nước ngoài từ 03 tháng trở lên hoặc đang ở nước ngoài theo chế độ phu quân/phu nhân;

c) Công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý đang trong thời gian điều trị nội trú từ 03 tháng trở lên tại các cơ sở y tế, đang trong thời gian nghỉ chế độ thai sản, nghỉ không lương.

5. Trường hợp, chưa thực hiện quy trình theo quy định tại khoản 4 Điều này thì cấp có thẩm quyền bổ nhiệm phải có thông báo để cơ quan, tổ chức, đơn vị và công chức, viên chức biết.

Thời hạn bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo quản lý đối với các trường hợp tại khoản 4 Điều này được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.”

Đề nghị các đơn vị chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai công tác bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ để việc thực hiện đảm bảo theo đúng quy định hiện hành.

Tổng cục Thuế thông báo để các đơn vị biết, nghiên cứu, tổ chức thực hiện theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước và của Bộ Tài chính./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Các đồng chí Lãnh đạo Tổng cục;
- Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tài chính;
- Các Vụ/đơn vị tại cơ quan Tổng cục;
- Lưu: VT, TCCB (2b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ TỔ CHỨC CÁN BỘ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Dương Văn Hùng