Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1721/UBDT-DTTS
V/v hướng dẫn thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn II)

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2020

 

Kính gửi: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” (gọi chung là Đề án). Ủy ban Dân tộc đã có văn bản số 167/UBDT-DTTS ngày 19 tháng 2 năm 2020, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là UBND tỉnh) chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Đề án giai đoạn 2015-2020 (giai đoạn I) và đề xuất Kế hoạch thực hiện đề án những năm tiếp theo (giai đoạn II, từ 2021-2025)

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu và các nhiệm vụ trong Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban Dân tộc đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án cụ thể như sau:

1. Các hoạt động chủ yếu:

a) Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân.

Căn cứ vào điều kiện và tình hình cụ thể của địa phương lựa chọn phương pháp, hình thức tuyên truyền riêng cho đối tượng đặc thù là người dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, gắn với những tình huống phát sinh trong đời sống hằng ngày, phù hợp với tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số để lựa chọn các hoạt động trong kế hoạch cho phù hợp:

- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi tại các cấp (tỉnh, huyện, xã, trường học ,thôn/bản, hộ gia đình), trên các phương tiện thông tin đại chúng; mở các chuyên trang, chuyên mục trên các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, đài phát thanh-truyền hình, qua hệ thống thông tin, truyền thanh tuyến xã; thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức chiếu phim, video, hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nói chuyện chuyên đề, hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí tại cộng đồng và lưu động tại thôn bản...;

- Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, hoạt động hòa giải tại cộng đồng, các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể, hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các câu lạc bộ, các tổ, nhóm;

- Phát huy vai trò của của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ, bộ đội biên phòng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên, già làng, trưởng bản, trưởng thôn, chức sắc, chức việc, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số. Tham gia tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Dân số & Gia đình và các văn bản liên quan đến công tác triển khai thực hiện Đề án.

b) Tổ chức biên soạn tài liệu, liên quan đến luật hôn nhân và gia đình, phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, dân số... để tuyên truyền Đề án một cách hiệu quả.

- Biên soạn tờ rơi, tờ gấp, pa nô, áp phích, tranh cổ động, khẩu hiệu,…. nội dung đơn giản, dễ hiểu, trọng tâm.

- Biên soạn sổ tay tuyên truyền, biên soạn tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình, sức khỏe bà mẹ, trẻ em....

- Biên soạn sổ tay hướng dẫn, tìm hiểu, hỏi-đáp, phổ biến pháp luật, tuyên truyền viên cơ sở, băng đĩa CD, VCD...

- Căn cứ các sản phẩm truyền thông do Trung ương đã xây dựng (như: Sổ tay hướng dẫn, tìm hiểu, hỏi-đáp, phổ biến pháp luật, tuyên truyền viên cơ sở, băng đĩa CD, VCD...). Các tỉnh có thể gửi văn bản về Ủy ban Dân tộc để xin nhân bản, bổ sung thêm vào bộ tài liệu cho phù hợp với hình thức tuyên truyền tại địa phương.

c) Xây dựng, triển khai nhân rộng mới Mô hình điểm và các mô hình chuyên đề “Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”:

- Đối với các tỉnh đã thành lập mô hình điểm, mô hình chuyên đề:

+ Tiếp tục duy trì thực hiện các Mô hình, câu lạc bộ,... đang triển khai trên địa bàn.

+ Tiếp tục khảo sát, thu thập thông tin, số liệu chính xác liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để đánh giá, lựa chọn địa bàn nhân rộng các mô hình có hiệu quả cao trong giai đoạn I; Triển khai nhân rộng mới Mô hình trong giai đoạn II tại xã, phường, thị trấn và các trường học từ trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường dân tộc nội trú thuộc tỉnh, thành phố (số lượng mô hình do tỉnh xem xét, quyết định).

+ Thường xuyên tổ chức sinh hoạt các Câu lạc bộ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống và tư vấn về sức khỏe sinh sản, sức khỏe, giới tính cho các đối tượng vị thành niên, thanh niên người dân tộc thiểu số trước khi kết hôn.

- Đối với các tỉnh chưa xây dựng mô hình điểm, mô hình can thiệp:

+ Thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) cấp tỉnh hoặc giao nhiệm vụ cho một BCĐ phù hợp khác của tỉnh đảm nhận.

BCĐ tỉnh (nếu thành lập mới) do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban, Phó trưởng Ban Thường trực là Trưởng Ban Dân tộc tỉnh và thành viên là đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan (như: Giáo dục, Y tế, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Phụ nữ, Thanh niên…). Nếu phân công một BCĐ khác mà chưa có Ban Dân tộc thì đề nghị bổ sung Trưởng ban Dân tộc tỉnh là phó Trưởng ban hoặc thành viên tham gia).

+ Thành lập BCĐ xã, Trường học (nơi thực hiện Mô hình điểm) do Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quyết định thành lập. Thành phần gồm: 01 đồng chí Lãnh đạo BDT tỉnh là Trưởng ban; các Phó trưởng Ban là Lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện và Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã; các thành viên là đại diện các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể có liên quan của xã thực hiện Mô hình.

+ BCĐ có nhiệm vụ xây dựng quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên và chỉ đạo xây dựng, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện Mô hình.

+ BDT tỉnh là cơ quan Thường trực, tham mưu giúp BCĐ tỉnh chỉ đạo xây dựng Mô hình trình BCĐ tỉnh quyết định; phối hợp với BCĐ xã tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động của Mô hình. Định kỳ 6 tháng, 1 năm tổng hợp báo cáo tiến độ, kết quả, thuận lợi, khó khăn trong thực hiện kế hoạch và Mô hình điểm với UBND tỉnh và Ủy ban Dân tộc.

d) Tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện Đề án.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số;

- Cung cấp tài liệu tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn và các sản phẩm truyền thông, tài liệu pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình;

- Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu, thăm quan, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình.

e) Các hoạt động chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, đánh giá, sơ, tổng kết thực hiện Đề án.

- Đưa mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, Dân số-kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm của chính quyền các cấp ở địa phương;

- Xây dựng, đưa các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, các quy định pháp luật liên quan khác, xử lý vi phạm vào hương ước, quy ước, tiêu chuẩn bản làng văn hóa, gia đình văn hóa;

- Hỗ trợ hoạt động tư pháp xã thực hiện quản lý, cung cấp thông tin, tư vấn cho các đối tượng chuẩn bị kết hôn, làm giấy đăng ký kết hôn và giấy khai sinh cho trẻ em tại địa bàn;

- Phối hợp và tăng cường các hoạt động giao lưu giữa các địa phương lân cận và thực hiện ngăn ngừa, phòng chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số;

- Kiểm tra, phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình (xử phạt hành chính hoặc hình sự nêu gương).

g) Các hoạt động khác (nếu có)

2. Kinh phí thực hiện

- Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Đề án tại địa phương thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 của Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Hàng năm, căn cứ vào nhiệm vụ thực hiện Đề án được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương theo quy định phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành để thực hiện các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch.

- Đối với các địa phương có khó khăn không thể bố trí được kinh phí để thực hiện các hoạt động của Đề án thì lập dự toán trong kế hoạch ngân sách hằng năm của các tỉnh, thành phố gửi Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc tổng hợp để trình cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thực hiện.

3. Tổ chức thực hiện

a) Phân công trách nhiệm

Căn cứ Khoản 2 Điều 2 của Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo giao Cơ quan công tác dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn II), kế hoạch hằng năm trình cấp thẩm quyền phê duyệt, gửi Ủy ban Dân tộc để tổng hợp và tổ chức thực hiện.

b) Chế độ thông tin, báo cáo:

Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2019/TT-UBDT ngày 31/5/2019 của Ủy ban Dân tộc quy định chế độ thông tin, báo cáo về công tác dân tộc.

Định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện, tình hình giải ngân, thuận lợi, khó khăn, đề xuất kiến nghị trong việc triển khai thực hiện kế hoạch của Đề án giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn II) gửi Ủy ban Dân tộc (qua Vụ Dân tộc thiểu số), địa chỉ số 349 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội (kèm file mềm gửi qua thư điện tử vudantocthieuso@cema.gov.vn) theo quy định báo cáo 6 tháng (gửi trước ngày 20 tháng 6) và báo cáo năm (gửi trước 10 tháng 12).

Trên đây là hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc về việc triển khai thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn II). Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan công tác dân tộc tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Ủy ban Dân tộc để xem xét, giải quyết.

Mọi chi tiết xin liên hệ: Vụ Dân tộc thiểu số, Uỷ ban Dân tộc, 349 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: 04.37349891./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng, CNUB (để b/c);
- Website UBDT;
- Lưu: VT, DTTS (03b)

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
THỨ TRƯỞNG, PHÓ CHỦ NHIỆM




Hoàng Thị Hạnh