Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 173/2002/KHXX

Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2002

 

CÔNG VĂN

CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 173/2002/KHXX NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2002 VỀ VIỆC ÁP DỤNG PHÁP LUẬT KHI XÉT XỬ TỘI HIẾP DÂM TRẺ EM CHƯA ĐỦ 13 TUỔI

Kính gửi: Toà án nhân dân tỉnh Bến Tre

Sau khi nghiên cứu Công văn số 1402 ngày 13-9-2002 của Toà án nhân dân tỉnh Bến Tre, Toà án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:

Nếu như hiếp dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì theo quy định tại Khoản 4 Điều 111 Bộ luật Hình sự, người phạm tội bị phạt tù từ năm năm đến mười năm; phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó. Theo quy định này nếu phạm tội hiếp dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 111 Bộ luật Hình sự, thì Toà án phải áp dụng điểm tương ứng của Khoản 2 và Khoản 4 Điều 111 Bộ luật Hình sự để xử phạt bị cáo theo mức hình phạt quy định tại Khoản 2 là từ bảy năm đến mười lăm năm tù; nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 111 Bộ luật Hình sự, thì Toà án phải áp dụng điểm tương ứng của Khoản 3 và Khoản 4 Điều 111 Bộ luật Hình sự để xử phạt bị cáo theo mức hình phạt quy định tại Khoản 3 là từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Khác với quy định tại Khoản 4 Điều 111, Khoản 4 Điều 112 Bộ luật Hình sự chỉ quy định: "Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình". Do vậy nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều này thì cần xem xét tình tiết định khung hình phạt đó có được quy định là tình tiết tăng nặng tại Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự hay không; nếu 1à tình tiết tăng nặng được quy định tại Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự, thì Toà án áp dụng Khoản 4 Điều 112 Bộ luật Hình sự và các điểm tương ứng về các tình tiết tăng nặng quy định tại Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự để xử phạt bị cáo mức án tương xứng; nếu các tình tiết định khung đó không được quy định 1à tình tiết tăng nặng quy định tại Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự, thì cũng cần phải xem xét để đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội mà xử phạt bị cáo mức hình phạt tương xứng tương tự như hướng dẫn tại Điểm c Thông tư liên tịch số 01/1998/LTLT/TANDTC-VKSNĐTC-BNV ngày 02-01-1998 mà quý Toà đã viện dẫn trong Công văn Số 1402 ngày 13-9-2002 (Cần lưu ý hướng dẫn này là để xử phạt mức hình phạt đối với bị cáo mà không phải để áp dụng các tình Tiết định khung như quý Toà hiểu).

Như vậy, đối với trường hợp Nguyễn Thành Phương nêu trong Công văn số 1402 ngày 13-9-2002 của quý Toà thì việc Toà án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm về áp dụng pháp luật là đúng. Tuy nhiên trong vụ án cụ thể này việc Toà án cấp phúc thẩm nhận định "có tính chất loạn luân" là tình tiết tăng nặng là không đúng theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự và nếu theo đúng quy định của pháp luật thì Nguyễn Thành Phương còn phải bị truy cứa trách nhiệm hình sự về tội loạn luân theo Điều 150 Bộ luật Hình sự, song do các cơ quan điều tra, truy tố không khởi tố và truy tố Phương về tội này và xét thấy trong trường hợp cụ thể này cũng không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Phương về tội loạn luân mà chỉ xem xét tính chất nguy hiểm của hành vi loạn luân để xử phạt bị cáo mức án cao nhất là có đầy đủ căn cứ.

Trên đây là ý kiến của Toà án nhân dân tối cao để quý Toà tham khảo trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

 

Đặng Quang Phương

(Đã ký)