Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1746/LĐTBXH-PC
V/v ban hành Nghị định hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về công đoàn và Nghị định hướng dẫn chương X Bộ luật lao động về lao động nữ

Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 2014

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Công văn số 1189/VPCP-KGVX ngày 21/2/2014 về việc ban hành Nghị định hướng dẫn xử phạt vi phạm vi phạm hành chính về công đoàn và Nghị định hướng dẫn chương X Bộ luật lao động về lao động nữ, sau khi tổ chức cuộc họp với các cơ quan liên quan (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Thủ tướng như sau:

1. Về việc xây dựng Nghị định hướng dẫn Khoản 2 Điều 31 Luật Công đoàn năm 2012 về xử phạt hành chính hành vi vi phạm pháp luật Công đoàn

Khoản 2 Điều 31 Luật Công đoàn: "Chính phủ quy định chi tiết việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về công đoàn"

Hiện nay đang có 2 phương án:

1.1. Phương án 1: ban hành Nghị định riêng về xử phạt hành chính hành vi vi phạm pháp luật công đoàn, với các lý do sau:

- Khoản 2 Điều 31 Luật Công đoàn đã quy định, cần phải có nghị định riêng để điều chỉnh. Việc xây dựng Nghị định về xử phạt hành chính hành vi vi phạm pháp luật công đoàn phù hợp với quan điểm, mục tiêu của Luật Công đoàn (công đoàn rất rộng, bao gồm cả khối cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang).

- Trong quá trình xây dựng Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: dự thảo đã quy định một chương về xử phạt trong lĩnh vực công đoàn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tách ra xây dựng một nghị định riêng xử phạt riêng trong lĩnh vực công đoàn. Bộ Tư pháp thẩm định đề nghị không đưa lĩnh vực công đoàn vào trong dự thảo Nghị định, mà chỉ đưa một điều về công đoàn trong quan hệ lao động (hiện nay là Điều 24 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP).

- Tại Điều 24 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực không có quy định lĩnh vực công đoàn, việc xử phạt vi phạm về tài chính công đoàn thuộc hoàn toàn lĩnh vực công đoàn, không thể coi hành vi này nằm trong lao động để áp dụng mức phạt tiền tối đa như lĩnh vực lao động được. Do đó không có đủ cơ sở xác định hành vi vi phạm về công đoàn nằm trong lao động để áp dụng mức phạt tiền tối đa như lĩnh vực lao động được. Mặt khác tại Khoản 4 Điều 24 Luật xử lý vi phạm hành chính đã quy định "Mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực mới chưa được quy định tại khoản 1 Điều này do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.".

Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đề nghị thực hiện Phương án 1 trình Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt hành chính hành vi vi phạm pháp luật công đoàn, sau khi xin ý kiến Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

1.2. Phương án 2: sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

ý kiến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là thực hiện phương án 2 vì những lý do như sau:

Lĩnh vực lao động vẫn là lĩnh vực chủ yếu và cốt lõi của công đoàn. Mặc dù quan hệ công đoàn rất rộng, ngoài các doanh nghiệp còn có cả các cơ quan nhà nước, nhưng vi phạm nảy sinh trong cơ quan Nhà nước ít. Hơn nữa, yêu cầu về xử phạt trong lĩnh vực công đoàn rất gấp, để đảm bảo nhanh chóng, không phải xin ý kiến Uỷ ban thường vụ Quốc hội về mức phạt tiền trong lĩnh vực công đoàn, đề nghị sửa Nghị định số 95/2013/NĐ-CP.

Mặt khác, mục tiêu của xử phạt vi phạm hành chính về công đoàn là giải quyết vi phạm hành chính về công đoàn trong lĩnh vực lao động. Nghị định số 95/2013/NĐ-CP cơ bản đã có một số hành vi về công đoàn, việc sửa đổi sẽ thêm một số hành vi về tài chính công đoàn, cơ bản giống với bản chất của bảo hiểm xã hội. Do vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2013 /NĐ-CP.

Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội thấy rằng thực hiện phương án nào thì vẫn phải xin ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực công đoàn, bởi vì Điều 24 Luật xử lý vi phạm hành chính không quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực công đoàn (như đã viện dẫn trên). Đây là một nội dung nhạy cảm, phức tạp, hiện đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Do vậy cần có thời gian nghiên cứu thấu đáo cả lý luận, thực tiễn và tham khảo pháp luật một số nước để có đầy đủ cơ sở pháp luật và thực tiễn, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và khả thi.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lựa chọn Phương án 1, đề nghị Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin ý kiến theo đúng quy định tại Điều 24 Luật xử lý vi phạm hành chính.

2. Về việc ban hành Nghị định hướng dẫn Chương X Bộ luật lao động năm 2012 về chính sách đối với lao động nữ thay thế Nghị định số 23/1996/NĐ CP ngày 18/4/1996

Sau khi trao đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, ngành liên quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thấy rằng cần có văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết các quy định về lao động nữ trong Bộ luật lao động năm 2012 để đảm bảo các quy định này được thực hiện trong thực tế. Tuy nhiên, những nội dung nào cần hướng dẫn và hình thức văn bản nào thì vẫn đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất hình thức văn bản cụ thể trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị dự thảo 2 Nghị định: (1) Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công đoàn; (2) Nghị định quy định chi tiết một số chính sách đối với lao động nữ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trân trọng báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.

 

 

BỘ TRƯỞNG




Phạm Thị Hải Chuyền