Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1750/BGDĐT-GDCN
V/v xin ý kiến góp ý Dự thảo Quy chế tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp

Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 2014

 

Kính gửi:

- Các sở giáo dục và đào tạo;
- Các trường trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục khác có đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp;
- Các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan.

 

Thực hiện chương trình công tác năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dự thảo Quy chế tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp thay thế Quyết định số 06/2006/QĐ-BGDĐT ngày 17/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quyết định số 08/2007/QĐ-BGDĐT ngày 06/4/2007 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh TCCN ban hành kèm theo Quyết định số 06/2006/QĐ-BGDĐT ngày 17 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dự thảo được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ (www.moet.gov.vn) để xin ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cả nước.

Để hoàn thiện văn bản trước khi ban hành, Bộ giáo dục và Đào tạo trân trọng đề nghị các sở giáo dục và đào tạo, các trường trung cấp chuyên nghiệp, các cơ sở giáo dục khác có đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan cho ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo Quy chế nói trên. Các ý kiến góp ý đề nghị gửi bằng văn bản về địa chỉ: Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Giáo dục chuyên nghiệp), Số 49 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội và địa chỉ email: ddduc@moet.edu.vn

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TTr. Bùi Văn Ga (để b/c);
- Website Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ GDCN.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT.VỤ TRƯỞNG VỤ GIÁO DỤC CHUYÊN NGHIỆP
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Phạm Như Nghệ

 

DỰ THẢO

 

QUY CHẾ

TUYỂN SINH TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Thông tư số …/2014/TT-BGDĐT ngày … tháng … năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) bao gồm: Các quy định cụ thể về công tác tuyển sinh; điều kiện trúng tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển; chế độ báo cáo và lưu trữ; khen thưởng và xử lý vi phạm.

2. Quy chế này áp dụng đối với các trường TCCN, các cơ sở giáo dục khác có đào tạo trình độ TCCN (sau đây gọi chung là các trường) và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện tuyển sinh TCCN.

3. Quy chế này không áp dụng đối với việc tuyển sinh đi học nước ngoài.

Điều 2. Quản lý công tác tuyển sinh

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) là cơ quan chỉ đạo thống nhất đối với các trường về công tác tuyển sinh TCCN. Bộ trưởng Bộ GDĐT xem xét và quyết định những trường hợp đặc biệt liên quan đến tuyển sinh TCCN.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội; Tỉnh ủy, Thành ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các trường trực thuộc thực hiện các quy định về tuyển sinh TCCN.

Điều 3. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát tuyển sinh

1. Hoạt động thanh tra, kiểm tra tuyển sinh được thực hiện theo quy định hiện hành về tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra các kỳ thi của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội; Tỉnh ủy, Thành ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập các đoàn (hoặc cử cán bộ) phối hợp với Bộ GDĐT tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế tuyển sinh ở các trường trực thuộc.

2. Các trường có trách nhiệm tự tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu trong công tác tuyển sinh theo quy định về công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ GDĐT.

3. Trong năm tuyển sinh, những người có người thân (vợ, chồng, con, anh,

chị, em ruột) dự tuyển TCCN tại trường nào thì không được tham gia công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu trong công tác tuyển sinh tại trường đó.

Điều 4. Hình thức tuyển sinh

Tuyển sinh TCCN bao gồm các hình thức sau đây:

- Xét tuyển;

- Kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển.

Căn cứ vào đặc điểm, tính chất và yêu cầu cụ thể của ngành đào tạo, Hiệu trưởng các trường có thể quyết định việc sơ tuyển trước khi tiến hành các nội dung liên quan đến xét tuyển hoặc thi tuyển.

Điều 5. Thời gian tuyển sinh và công khai thông tin tuyển sinh

1. Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định của năm nào chỉ được áp dụng trong năm đó.

2. Các trường thực hiện tổ chức tuyển sinh sau khi đã xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định và kết thúc công tác tuyển sinh chậm nhất trước ngày 20 tháng 12 hằng năm.

3. Các trường có thể tổ chức một hoặc nhiều đợt tuyển sinh trong năm, số đợt tuyển sinh do Chủ tịch HĐTS trường quy định.

4. Trước mỗi đợt tuyển sinh ít nhất 30 ngày, các trường công bố công khai các thông tin về tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác, các thông tin tối thiểu sau: đối tượng tuyển sinh, hình thức tuyển sinh, điều kiện dự tuyển, tiêu chí xét tuyển, nội dung thi tuyển năng khiếu (nếu có), hồ sơ dự tuyển, thời gian tuyển sinh, vùng tuyển sinh (nếu có), hình thức đào tạo, thời gian đào tạo, địa điểm và học phí toàn khóa.

Điều 6. Điều kiện dự tuyển

1. Thí sinh có đủ các điều kiện sau đây đều được dự tuyển vào TCCN:

a) Đã tốt nghiệp từ trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT), trở lên;

b) Đạt được các yêu cầu sơ tuyển (nếu dự tuyển vào các trường có quy định sơ tuyển);

c) Nộp đầy đủ, đúng thời hạn các giấy tờ và lệ phí tuyển sinh theo quy định;

d) Điều kiện khác (nếu có) do Chủ tịch HĐTS quy định trên cơ sở ý kiến của các thành viên HĐTS.

2. Điều kiện dự tuyển đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội; quân nhân, công an nhân dân tại ngũ; người nước ngoài:

a) Bảo đảm các điều kiện được quy định tại khoản 1 điều này;

b) Cán bộ, công chức, người lao động (nếu dùng ngân sách công) đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội được dự tuyển khi đã được thủ trưởng cơ quan cho phép đi học;

c) Quân nhân và công an nhân dân tại ngũ được dự tuyển vào những trường do Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an quy định sau khi đã được cấp có thẩm quyền cho phép đi học;

d) Đối với thí sinh là người nước ngoài, có nguyện vọng học TCCN tại Việt Nam, hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập ở phổ thông của thí sinh (bảng điểm), kết quả kiểm tra kiến thức và tiếng Việt theo quy định của trường để xem xét, quyết định tuyển vào học.

3. Những người không được tham gia dự tuyển:

a) Không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 điều này;

b) Không chấp hành Luật Nghĩa vụ quân sự;

c) Đang trong thời gian thi hành án hình sự;

d) Bị tước quyền dự tuyển hoặc bị kỷ luật buộc thôi học chưa đủ 12 tháng tính từ ngày ký quyết định kỷ luật đến ngày dự tuyển tại trường ra quyết định kỷ luật.

Điều 7. Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh

1. Chính sách tuyển thẳng

Việc tuyển thẳng được áp dụng đối với những đối tượng sau đây:

a) Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc;

b) Người đã trúng tuyển vào TCCN nhưng ngay năm đó có lệnh điều động đi nghĩa vụ quân sự hoặc đi thanh niên xung phong tập trung, nay đã hoàn thành nghĩa vụ, được phục viên, xuất ngũ;

c) Thí sinh đạt từ giải khuyến khích trở lên trong các kỳ thi Olympic, hội thi khoa học kỹ thuật, thi chọn học sinh giỏi từ cấp tỉnh trở lên tổ chức;

d) Thí sinh đạt từ giải khuyến khích trở lên trong các giải thi đấu thể dục thể thao từ cấp tỉnh trở lên tổ chức;

đ) Thí sinh đạt từ giải khuyến khích trở lên trong các cuộc thi nghệ thuật về ca, múa, nhạc từ cấp tỉnh trở lên tổ chức;

e) Thí sinh thuộc một trong các đối tượng sau đây:

- Con liệt sĩ;

- Con thương binh mất sức lao động từ 81% trở lên;

- Con bệnh binh mất sức lao động từ 81% trở lên;

- Con của người được hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

- Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 81% trở lên;

- Con của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, con của Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, con của Anh hùng lao động;

- Con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

- Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015 được quy định tại Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 01/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ Quyết định về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015;

g) Đối với thí sinh là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật; con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hoá học đang hưởng trợ cấp hàng tháng; Thương binh, bệnh binh, người có “Giấy chứng nhận được hưởng chính sách như thương binh”: Hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập (học bạ) ở phổ thông của học sinh, tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét, quyết định cho vào học;

h) Thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT hoặc học 4 năm và tốt nghiệp THCS tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo hộ khẩu thường trú), tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo và Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo; thí sinh là người dân tộc rất ít người theo Quyết định số 2123/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015 và thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ.

2. Chính sách ưu tiên theo đối tượng

a) Nhóm ưu tiên 1 (ƯT1) gồm các đối tượng:

- Đối tượng 01: Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú ở ngoài khu vực đã quy định tại mục e) khoản 1 điều này;

- Đối tượng 02: Người lao động trực tiếp sản xuất đã làm việc liên tục 03 năm trở lên trong đó có ít nhất 01 năm là chiến sĩ thi đua được cấp tỉnh, Bộ, ngành trở lên công nhận hoặc cấp bằng khen;

- Đối tượng 03:

+ Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945;

+ Con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

+ Con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;

+ Con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;

+ Con của người có công giúp đỡ cách mạng.

- Đối tượng 04:

+ Quân nhân, công an nhân dân tại ngũ được cử đi học;

+ Thanh niên xung phong tập trung được cử đi học;

+ Quân nhân, công an nhân dân đã xuất ngũ được công nhận hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ theo quy định;

+ Con thương binh mất sức lao động dưới 81%;

+ Con bệnh binh mất sức lao động dưới 81%;

+ Con của người được hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%;

+ Con công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động được hưởng trợ cấp thường xuyên;

+ Mồ côi cả cha lẫn mẹ.

b) Nhóm ưu tiên 2 (ƯT2) gồm các đối tượng:

- Đối tượng 05:

+ Người lao động ưu tú thuộc tất cả các thành phần kinh tế được từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh), Bộ, ngành trở lên công nhận danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân được cấp bằng hoặc huy hiệu Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh;

+ Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó ban chỉ huy quân sự xã phường, thị trấn; Thôn đội trưởng, Trung đội trưởng Dân quân tự vệ nòng cốt, Dân quân tự vệ đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ nòng cốt từ 12 tháng trở lên, dự thi vào ngành Quân sự cơ sở;

- Đối tượng 06:

+ Giáo viên chưa có trình độ trung cấp sư phạm (trung học sư phạm trước đây) đã tham gia giảng dạy đủ 3 năm trở lên (tính đến ngày dự tuyển) dự tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên;

+ Y tá, dược tá, hộ lý, kỹ thuật viên các ngành y, dược có bằng sơ cấp đã công tác đủ 3 năm trở lên (tính đến ngày dự tuyển) dự tuyển vào các ngành y, dược;

- Đối tượng 07: Người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó học tập;

Ngoài các đối tượng ưu tiên được quy định tại khoản 2 điều này, các đối tượng ưu tiên khác do Bộ trưởng Bộ GDĐT xem xét, quyết định.

Người có nhiều diện ưu tiên theo đối tượng chỉ được hưởng một diện ưu tiên cao nhất.

3. Chính sách ưu tiên theo khu vực

a) Người dự tuyển học liên tục và tốt nghiệp tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó.

Nếu trong các năm học có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó;

Nếu mỗi năm học một trường hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó;

Trong trường hợp tại khu vực thường trú không có trường, người dự tuyển phải học tại trường đóng ở khu vực có mức ưu tiên thấp hơn so với nơi thường trú thì được hưởng ưu tiên theo khu vực người dự tuyển thường trú;

Quy định này áp dụng cho tất cả các thí sinh, kể cả thí sinh đã tốt nghiệp từ trước năm dự tuyển sinh TCCN.

b) Các trường hợp sau đây được hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú:

- Học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú;

- Học sinh các trường, lớp dự bị;

- Học sinh các lớp tạo nguồn được mở theo quyết định của các Bộ, cơ quan ngang Bộ hoặc UBND cấp tỉnh trở lên;

- Quân nhân, công an nhân dân được cử đi dự tuyển, nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó hoặc theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ, tùy theo khu vực nào có mức ưu tiên cao hơn; nếu dưới 18 tháng thì hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ;

- Học sinh có hộ khẩu thường trú tại các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015 được quy định tại Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 01/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ Quyết định về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 – 2015 nếu học phổ thông tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có các xã trên;

c) Các khu vực tuyển sinh được phân chia như sau:

- Khu vực 1 (KV1) gồm: Các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015 và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015 theo quy định hiện hành;

- Khu vực 2 - nông thôn (KV2-NT) gồm: Các địa phương không thuộc KV1, KV2, KV3;

- Khu vực 2 (KV2) gồm: Các thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, các huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1);

- Khu vực 3 (KV3) gồm: Các quận nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương. Thí sinh thuộc KV3 không thuộc diện hưởng ưu tiên theo khu vực.

4. Khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh

Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 (một) điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 (nửa) điểm.

5. Chính sách cử tuyển

Việc cử tuyển vào TCCN được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về chế độ cử tuyển.

6. Việc tuyển thẳng theo khoản 1 Điều này tiến hành theo những nguyên tắc sau đây:

a) Thí sinh đạt nhiều tiêu chuẩn chỉ được hưởng một tiêu chuẩn có ưu tiên cao nhất;

b) Thí sinh đạt giải trong các kỳ thi Olympic, hội thi khoa học kỹ thuật, thi chọn học sinh giỏi được tuyển thẳng vào học các ngành có môn xét tuyển trùng với môn đạt giải;

c) Thí sinh đạt giải trong các cuộc thi nghệ thuật về ca, múa, nhạc, thể dục thể thao được tuyển thẳng vào học các ngành có môn thi tuyển hoặc xét tuyển trùng với môn đạt giải và được miễn xét tuyển môn văn hoá;

d) Đối với thí sinh là người khuyết tật, Hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập ở phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét, quyết định tuyển thẳng vào học.

đ) Tổng số thí sinh được tuyển thẳng vào TCCN của một trường hoặc một ngành của từng trường quy định tại Điều này không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường hoặc của ngành đó. Nếu số hồ sơ đăng ký tuyển thẳng lớn hơn 20% thì ưu tiên tuyển đối tượng quy định theo thứ tự từ điểm a đến điểm h của khoản 1 Điều này;

e) Thí sinh thuộc diện tuyển thẳng nhưng không sử dụng quyền được tuyển thẳng nếu dự tuyển TCCN theo hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển được cộng thêm 02 điểm vào tổng điểm các môn dự tuyển của thí sinh;

Việc tuyển thẳng được Chủ tịch HĐTS trường quyết định trên cơ sở ý kiến của các thành viên HĐTS nhà trường.

7. Hằng năm, thí sinh dự tuyển thuộc đối tượng tuyển thẳng làm hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng (đơn đăng ký xét tuyển thẳng, các tài liệu minh chứng được hưởng chính sách tuyển thẳng), nộp trực tiếp cho trường dự kiến đăng ký tuyển thẳng trong thời gian thu nhận hồ sơ của nhà trường.

Điều 8. Thủ tục và hồ sơ đăng ký dự tuyển

1. Đăng ký dự tuyển (ĐKDT)

a) Căn cứ vào kế hoạch tuyển sinh của nhà trường, thí sinh ĐKDT vào ngành học của trường phù hợp với nguyện vọng, khả năng và điều kiện của mình;

b) Thí sinh có thể đăng ký dự tuyển vào một hoặc nhiều trường thông qua phiếu đăng ký tuyển sinh. Mẫu phiếu đăng ký tuyển sinh do các trường chịu trách nhiệm phát hành và đăng tải trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

2. Hồ sơ đăng ký dự tuyển, gồm:

- Phiếu đăng ký tuyển sinh;

- Bản sao các loại giấy tờ cần thiết khác tùy theo yêu cầu và tiêu chí xét tuyển hoặc thi tuyển của từng trường.

3. Thủ tục nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển và lệ phí tuyển sinh

Thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự tuyển TCCN vào trường nào thì nộp hồ sơ và lệ phí tuyển sinh về trường đó để ĐKDT. Thủ tục nộp hồ sơ ĐKDT do Chủ tịch HĐTS trường quy định và đăng tải công khai trên trang điện tử của nhà trường hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Điều 9. Trúng tuyển

Thí sinh bảo đảm các điều kiện sau thì thuộc diện trúng tuyển vào trường đã dự tuyển:

1. Đạt điều kiện trúng tuyển do trường quy định cho từng đối tượng, theo từng khu vực;

2. Đã nộp đủ hồ sơ và lệ phí đăng ký dự tuyển;

3. Đạt yêu cầu sơ tuyển (đối với trường có sơ tuyển).

Điều 10. Trách nhiệm của thí sinh trong kỳ tuyển sinh

1. Khai chính xác và nộp đủ hồ sơ dự tuyển cũng như lệ phí tuyển sinh và các loại giấy tờ liên quan khác (theo yêu cầu và tiêu chí xét tuyển hoặc thi tuyển của từng trường) về trường đăng ký dự tuyển trong thời gian quy định của trường, đồng thời có mặt kịp thời tại trường ĐKDT khi có yêu cầu.

2. Thí sinh có trách nhiệm phát hiện, tố giác những hiện tượng vi phạm Quy chế tuyển sinh để HĐTS xử lý kịp thời.

3. Đối với thí sinh dự tuyển theo hình thức thi tuyển năng khiếu, ngoài việc thực hiện các nội dung về trách nhiệm của thí sinh trong kỳ tuyển sinh được quy định tại Quy chế này còn phải thực hiện các nội dung về trách nhiệm của thí sinh trong kỳ tuyển sinh được trường tổ chức thi tuyển năng khiếu quy định.

Điều 11. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng tuyển sinh (HĐTS)

Hằng năm, đối với các trường có tổ chức tuyển sinh, Hiệu trưởng ra quyết định thành lập HĐTS để điều hành các công việc liên quan đến công tác tuyển sinh.

1. Thành phần của HĐTS:

a) Chủ tịch: Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng được Hiệu trưởng uỷ quyền;

b) Phó Chủ tịch: Phó Hiệu trưởng hoặc Trưởng phòng đào tạo;

c) Ủy viên thường trực: Trưởng hoặc Phó Trưởng phòng đào tạo hoặc phòng Khảo thí (nếu có);

d) Các ủy viên: Do Hiệu trưởng quyết định.

Những người có người thân (vợ; chồng; con; anh, chị, em ruột) dự tuyển vào trường năm đó không được tham gia HĐTS.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của HĐTS

- Công bố công khai thông tin tuyển sinh theo quy định;

- Tổ chức thực hiện việc xét tuyển hoặc thi tuyển năng khiếu theo các quy định của Quy chế này;

- Thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh theo quy định;

- Giải quyết thắc mắc và khiếu nại tố cáo liên quan đến kỳ tuyển sinh;

- Quyết định hoặc đề nghị khen thưởng, kỷ luật trong công tác tuyển sinh;

- Tổng kết công tác tuyển sinh, báo cáo về Bộ GDĐT và cơ quan chủ quản.

3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch HĐTS

a) Thành lập các ban giúp việc của HĐTS phù hợp với công tác tuyển sinh của trường, gồm:

- Ban Thư ký; Ban Phúc tra; Ban Đề thi, Ban Coi thi, Ban Chấm thi (đối với trường thi tuyển năng khiếu);

- Các ban khác (nếu có) do Chủ tịch HĐTS quy định trên cơ sở ý kiến của các thành viên HĐTS;

Cơ cấu, số lượng, thành phần, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với các ban giúp việc của HĐTS do Chủ tịch HĐTS trường quy định trên cơ sở ý kiến của các thành viên HĐTS.

Những người có người thân (vợ; chồng; con; anh, chị, em ruột) dự tuyển vào trường năm đó không được tham gia các ban giúp việc của HĐTS.

b) Phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác tuyển sinh theo quy định của Quy chế này;

c) Quyết định và chịu trách nhiệm toàn bộ các mặt công tác liên quan đến tuyển sinh của trường.

4. Phó Chủ tịch HĐTS giúp Chủ tịch HĐTS thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch HĐTS phân công và thay thế Chủ tịch HĐTS giải quyết công việc khi Chủ tịch HĐTS uỷ quyền.

Chương II

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CÔNG TÁC TUYỂN SINH

Mục 1. XÉT TUYỂN

Điều 12. Quy định chung về xét tuyển

1. Các trường thực hiện hình thức xét tuyển (trừ ngành đào tạo năng khiếu) để tuyển sinh.

2. Nếu một trường xét tuyển nhiều loại đối tượng, nhiều loại tiêu chí thì tiêu chuẩn tuyển chọn phải xác định riêng cho mỗi loại tiêu chí theo từng loại đối tượng.

3. Môn xét tuyển, số lượng môn xét tuyển, tiêu chí xét tuyển do Chủ tịch HĐTS quyết định trên cơ sở ý kiến của các thành viên HĐTS bảo đảm phù hợp với đối tượng tuyển sinh, đặc điểm, yêu cầu của ngành đào tạo.

Điều 13. Tiêu chí xét tuyển

1. Đối với thí sinh là học sinh phổ thông:

Môn xét tuyển phải là các môn học trong chương trình THPT hoặc THCS tùy theo đối tượng tuyển, việc xét tuyển của các trường dựa vào một trong các căn cứ dưới đây, trong đó có thể tính hệ số đối với môn học cần ưu tiên:

a) Kết quả công nhận, xếp loại tốt nghiệp THPT (bổ túc THPT), tốt nghiệp THCS của thí sinh;

b) Kết quả học tập, rèn luyện ở THPT (bổ túc THPT) hoặc THCS của thí sinh;

c) Điểm thi tuyển sinh đại học, cao đẳng của thí sinh.

2. Đối với thí sinh đã tốt nghiệp trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề, TCCN, cao đẳng, đại học, sau đại học:

Môn xét tuyển phải là các môn học ở các trình độ tương ứng hoặc trong chương trình THPT, THCS tùy theo đối tượng tuyển, việc xét tuyển của các trường dựa vào một trong các căn cứ dưới đây, trong đó có thể tính hệ số đối với môn học cần ưu tiên:

a) Kết quả học tập, rèn luyện của thí sinh ở các trình độ tương ứng;

b) Kết quả công nhận, xếp loại tốt nghiệp THPT (bổ túc THPT), tốt nghiệp THCS của thí sinh;

c) Kết quả học tập, rèn luyện ở THPT (bổ túc THPT) hoặc THCS của thí sinh.

Điều 14. Trình tự xét tuyển

1. Nhận hồ sơ dự tuyển và phân loại hồ sơ dự tuyển theo tiêu chí xét tuyển;

2. Tổng hợp dữ liệu của thí sinh theo tiêu chí xét tuyển;

3. Kiểm dò kết quả dữ liệu sau khi đã tổng hợp;

4. Thống kê kết quả dữ liệu đã được tổng hợp;

5. Xây dựng các phương án xác định tiêu chuẩn tuyển chọn;

6. Xác định tiêu chuẩn tuyển chọn;

7. Triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập học.

Các nội dung về việc tổng hợp dữ liệu của thí sinh, kiểm dò kết quả dữ liệu, xây dựng các phương án tuyển chọn, tiêu chuẩn tuyển chọn và triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập học do Chủ tịch HĐTS quy định trên cơ sở ý kiến của các thành viên HĐTS.

Mục 2. TUYỂN SINH NGÀNH NĂNG KHIẾU

Điều 15. Quy định chung về tuyển sinh ngành năng khiếu và công tác chuẩn bị cho kỳ thi

1. Các trường tuyển sinh ngành năng khiếu thực hiện việc tổ chức tuyển sinh như sau:

- Môn năng khiếu do Chủ tịch HĐTS nhà trường quy định hình thức tuyển sinh.

Trường hợp môn năng khiếu được tổ chức theo hình thức thi tuyển, Chủ tịch HĐTS chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: Ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi; xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển; giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến kỳ thi;

- Môn văn hoá được thực hiện theo hình thức xét tuyển. Chủ tịch HĐTS quyết định tối thiểu một môn văn hóa phù hợp với ngành đào tạo năng khiếu để xét tuyển.

Các trường kết hợp với điểm môn văn hóa để tổ chức xét tuyển thí sinh trúng tuyển, trong đó điểm môn năng khiếu có thể tính hệ số. Việc xét tuyển được thực hiện theo quy định tại Mục 1, chương II của Quy chế này.

2. Đối tượng tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh cho từng loại đối tượng, hình thức tuyển sinh đối với môn năng khiếu; thời gian tổ chức kỳ thi năng khiếu; thời gian làm bài thi năng khiếu; địa điểm tổ chức thi năng khiếu (có thể tổ chức sơ tuyển, thi tuyển năng khiếu tại trường hoặc ngay tại các địa phương); số lượng phòng thi, không gian phòng thi; trách nhiệm của thí sinh trong kỳ thi; các điều kiện cần thiết khác cùng các thông tin liên quan đến tổ chức thi năng khiếu do Chủ tịch HĐTS trường quy định trên cơ sở ý kiến của các thành viên HĐTS.

3. Trường hợp thí sinh dự thi môn năng khiếu bị thiếu điểm môn thi do lỗi của HĐTS làm thất lạc bài thi hoặc kết quả thi, Chủ tịch HĐTS có trách nhiệm thông báo cho thí sinh biết về quyết định tổ chức thi bổ sung, thời gian thi bổ sung. Chi phí cho việc tổ chức thi bổ sung do trường chịu trách nhiệm. Thí sinh không dự thi bổ sung thì không được xem xét tuyển chọn.

Trong mỗi đợt tuyển sinh, sau khi đã lập xong danh sách phòng thi và in Giấy báo thi, các trường không được tiếp nhận hồ sơ ĐKDT.

Điều 16. Yêu cầu về đề thi môn năng khiếu

1. Đề thi tuyển sinh môn năng khiếu phải đạt được các yêu cầu về kiểm tra những kiến thức và nhận diện được năng khiếu cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh, phù hợp với trình độ chung của thí sinh dự thi.

2. Đề thi phải đạt được yêu cầu phân loại được trình độ thí sinh và phù hợp với thời gian quy định cho mỗi phần thi năng khiếu.

3. Nội dung đề thi phải bảo đảm tính chính xác, rõ ràng, không sai sót. Thống nhất các ký hiệu, thuật ngữ theo quy định hiện hành.

Điều 17. Trình tự ra đề thi

1. Biên soạn và giới thiệu đề;

2. Lựa chọn và hoàn chỉnh đề thi kèm theo đáp án và thang điểm chi tiết;

3. Phản biện đề thi;

4. Hiệu đính đề thi;

5. Đánh máy, in, đóng gói, bảo quản, phân phối, sử dụng đề thi.

Nguyên tắc của việc biên soạn, giới thiệu đề thi chính thức, đề thi dự bị; đáp án, thang điểm; phản biện đề thi, hiệu đính đề thi; tiêu chuẩn và điều kiện người tham gia làm đề thi; khu vực làm đề thi; các công việc liên quan đến đánh máy và in đề thi, đóng gói đề thi, bảo quản và phân phối đề thi, sử dụng đề thi chính thức và đề thi dự bị; bảo mật đề thi; xử lý các sự cố bất thường của đề thi do Chủ tịch HĐTS quy định trên cơ sở các ý kiến của thành viên HĐTS.

Điều 18. Công tác tổ chức kỳ thi

1. Trước ngày thi chính thức, nhà trường hoàn thành các thủ tục cần thiết cho thí sinh dự thi như: Thẻ dự thi, danh sách thí sinh tại các phòng thi; hướng dẫn thí sinh đến phòng thi, địa điểm thi, lịch thi; phổ biến Quy chế thi; bổ sung, điều chỉnh những sai sót về họ, tên, đối tượng, hộ khẩu thường trú, khu vực tuyển sinh, nội dung thi năng khiếu, tên ngành, mã ngành của thí sinh.

2. Tiêu chuẩn, nhiệm vụ, trách nhiệm và các công việc cụ thể của cán bộ coi thi; cán bộ giám sát phòng thi; cán bộ y tế, trật tự viên, công an viên (kiểm soát viên quân sự nếu có); trách nhiệm của thí sinh trong kỳ thi do Chủ tịch HĐTS quy định trên cơ sở các ý kiến của thành viên HĐTS.

Điều 19. Khu vực chấm thi

1. Khu vực chấm thi bao gồm nơi chấm thi và nơi bảo quản kết quả thi. Nơi chấm thi và nơi bảo quản kết quả thi cần được bố trí hợp lý, có lực lượng bảo vệ,

có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy, bảo mật và bảo quản bài thi.

2. Các nội dung cụ thể về việc bảo quản kết quả thi; các phương tiện, tài liệu của thí sinh, giám thị được mang và sử dụng trong khi thi cũng như trong khu vực thi do Chủ tịch HĐTS quy định trên cơ sở các ý kiến của thành viên HĐTS.

Điều 20. Chấm thi và xử lý kết quả thi

Trước khi tiến hành chấm thi chính thức, Trưởng Ban chấm thi quán triệt đối với các cán bộ chấm thi các nội dung về quy chế tuyển sinh, thảo luận đáp án và thang điểm, thống nhất phương án chấm thi. Có thể chấm chung từ 2 đến 3 thí sinh, sau đó thảo luận, rút kinh nghiệm và tổ chức chấm thi chính thức các thí sinh còn lại;

Cán bộ chấm thi phải chấm bài thi đúng theo thang điểm và đáp án chính thức đã được Chủ tịch HĐTS phê duyệt. Trong đó, thang điểm các nội dung thi năng khiếu có thể khác nhau nhưng thang điểm toàn bài phải quy về thang điểm 10;

Những bài dự thi có cách giải sáng tạo, độc đáo so với đáp án có thể được thưởng điểm. Mức điểm thưởng do cán bộ chấm thi đề xuất và do Trưởng Ban chấm thi quyết định nhưng không được vượt quá 10% thang điểm quy định;

Việc xử lý điểm chênh lệch giữa các cán bộ chấm thi có thể được thực hiện ngay sau mỗi phần thi của thí sinh hoặc mỗi buổi thi tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm của các phần thi năng khiếu. Kết thúc mỗi buổi chấm thi, cán bộ chấm thi phải thảo luận, thống nhất điểm chấm cho từng thí sinh đã dự thi, nếu không thống nhất được điểm đã chấm thì báo cáo Trưởng Ban chấm thi quyết định;

Tất cả các tài liệu liên quan đến điểm thi đều phải niêm phong và do Trưởng ban Thư ký trực tiếp bảo quản.

Mục 3. PHÚC TRA

Điều 21. Tổ chức phúc tra và giải quyết khiếu nại

1. Thời hạn phúc tra

HĐTS trường nhận đơn khiếu nại về kết quả xét tuyển của thí sinh trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố kết quả xét tuyển và trúng tuyển. Chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày nhận đơn, HĐTS trường phải trả lời thí sinh. Thí sinh nộp đơn đăng ký phúc tra được miễn hoàn toàn lệ phí;

2. Tổ chức phúc tra

a) Việc tổ chức phúc tra tiến hành dưới sự điều hành trực tiếp của Chủ tịch HĐTS. Các thành viên đã tham gia quá trình nhập điểm và kiểm dò ở các lần trước không thuộc thành phần tham gia phúc tra; thời gian, vị trí làm việc do Chủ tịch HĐTS quy định.

b) Trước khi tiến hành phúc tra, Ban Thứ ký (gồm ít nhất 02 người) tiến hành các việc sau đây:

- Kiểm tra sơ bộ tình trạng hồ sơ ĐKDT của thí sinh, nếu phát hiện có hiện tượng bất thường trong hồ sơ ĐKDT của thí sinh thì lập biên bản và báo cáo Chủ tịch HĐTS trường;

- Lập biên bản bàn giao cho Chủ tịch HĐTS trường các hồ sơ ĐKDT của thí sinh đăng ký phúc tra.

c) Khi tiến hành phúc tra, nhóm phúc tra (gồm ít nhất 02 người) tiến hành các việc sau đây:

- Kiểm tra tình trạng hồ sơ ĐKDT của thí sinh;

- Đối chiếu kết quả xét tuyển do nhà trường thông báo tới thí sinh đăng ký phúc tra với hồ sơ ĐKDT của thí sinh;

- Báo cáo Chủ tịch HĐTS trường sau khi tiến hành đối chiếu kết quả xét tuyển của các thí sinh đăng ký phúc tra.

d) Xử lý kết quả phúc tra

- Nếu kết quả xét tuyển sau khi đã phúc tra giống với dữ liệu trong hồ sơ ĐKDT của thí sinh thì giao kết quả cho Trưởng ban Phúc tra ký xác nhận kết quả chính thức;

- Nếu kết quả xét tuyển sau khi đã phúc tra có sự chênh lệch với dữ liệu trong hồ sơ ĐKDT của thí sinh thì rút hồ sơ ĐKDT giao cho Trưởng ban Phúc tra xem xét và điều chỉnh đúng với hồ sơ ĐKDT của thí sinh, lập biên bản và lưu hồ sơ tuyển sinh;

- Trong trường hợp phúc tra kết quả xét tuyển mà thí sinh chuyển từ diện không trúng tuyển thành trúng tuyển (và ngược lại), Chủ tịch HĐTS tiến hành xác định nguyên nhân sai sót, nếu thấy có biểu hiện và bằng chứng vi phạm thì xử lý theo quy định tại của Quy chế này.

đ) Kết luận phúc tra

- Kết quả phúc tra đã được Trưởng ban Phúc tra ký xác nhận là kết quả chính thức;

- Kết quả được điều chỉnh do Chủ tịch HĐTS quyết định và thông báo đối với thí sinh đăng ký phúc tra.

Điều 22. Kiểm tra kết quả phúc tra

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội; Tỉnh ủy, Thành ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập hội đồng (hoặc cử cán bộ) phối hợp với Bộ GDĐT tiến hành kiểm tra kết quả phúc tra ở các trường trực thuộc nếu nhận được ý kiến phản ánh của thí sinh.

2. Hội đồng Kiểm tra kết quả phúc tra có thẩm quyền quyết định cuối cùng về kết quả chính thức của thí sinh đăng ký phúc tra.

Chương III

ĐIỀU KIỆN TRÚNG TUYỂN VÀ TRIỆU TẬP THÍ SINH TRÚNG TUYỂN

Điều 23. Quy định về việc xác định điều kiện trúng tuyển

1. Căn cứ số lượng chỉ tiêu được xác định theo quy định, sau khi trừ số thí sinh được tuyển thẳng, cử tuyển (nếu có); căn cứ thống kê kết quả tuyển sinh; căn cứ quy định khung điểm ưu tiên, Ban Thư ký HĐTS dự kiến một số phương án tuyển chọn để trình Chủ tịch HĐTS trường xem xét, quyết định.

Các trường có thể xây dựng tiêu chuẩn trúng tuyển chung toàn trường hoặc theo ngành đào tạo thích hợp.

2. Khi số thí sinh trúng tuyển đến trường không đủ, nhà trường có thể hạ tiêu chuẩn tuyển chọn hoặc tuyển bổ sung bằng các đợt tuyển sinh tiếp theo cho đến khi đủ chỉ tiêu. Việc hạ tiêu chuẩn tuyển chọn và tuyển sinh các đợt tiếp theo do Chủ tịch HĐTS quy định trên cơ sở ý kiến của các thành viên HĐTS và phải thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác.

3. Nếu số thí sinh đến trường nhập học đủ so với chỉ tiêu đã xác định ở ngay đợt tuyển sinh tiếp theo, nhà trường không được nhận thêm hồ sơ ĐKDT dù vẫn còn các đợt tuyển sinh như đã thông báo trước đó và phải thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Tiêu chuẩn tuyển chọn ở tất cả các đợt tuyển sinh của nhà trường không nhất thiết phải bằng nhau và do Chủ tịch HĐTS quyết định trên cơ sở ý kiến của các thành viên HĐTS.

4. Đối với những ngành không tuyển đủ chỉ tiêu, sau khi đã xác định tiêu chuẩn tuyển chọn ở mức cho phép theo yêu cầu đào tạo của nhà trường mà vẫn còn thiếu số lượng, nhà trường được phép lấy thí sinh dự tuyển vào trường mình nhưng không trúng tuyển vào những ngành khác, đồng thời đạt tiêu chuẩn tuyển chọn theo quy định và tự nguyện vào học ngành còn thiếu số lượng. Nếu số người đạt đủ tiêu chuẩn tuyển chọn theo quy định chuyển ngành lớn hơn chỉ tiêu thì lấy theo tiêu chuẩn tuyển chọn từ cao xuống thấp cho đến khi đủ số lượng theo một quy trình công khai.

5. Căn cứ các phương án xác định tiêu chuẩn tuyển chọn của Ban Thư ký HĐTS đề xuất, trên cơ sở ý kiến của các thành viên HĐTS, Chủ tịch HĐTS quyết định, chịu trách nhiệm và ký duyệt điều kiện trúng tuyển sao cho số thí sinh trúng tuyển nhập học không vượt quá chỉ tiêu đã xác định. Tiêu chuẩn trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển phải công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Điều 24. Triệu tập thí sinh trúng tuyển đến trường nhập học

1. Chủ tịch HĐTS trực tiếp xét duyệt danh sách thí sinh trúng tuyển do Ban Thư ký trình và ký giấy triệu tập thí sinh trúng tuyển tới nhập học. Trong Giấy triệu tập cần ghi rõ kết quả xét tuyển của thí sinh và những điều kiện cần thiết đối với thí sinh khi nhập học. Không gửi Giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ ĐKDT vào trường.

2. Trước khi vào học chính thức, thí sinh phải qua kỳ kiểm tra sức khoẻ toàn diện do trường tổ chức. Việc khám sức khoẻ phải theo hướng dẫn của Liên Bộ Y tế và Bộ GDĐT. Nếu Nhà trường không tổ chức thành lập Hội đồng khám sức khoẻ thì thí sinh được kiểm tra sức khoẻ tại cơ sở y tế có đủ điều kiện chứng nhận sức khoẻ theo quy định của Bộ Y tế. Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế cấp hoặc do Hội đồng khám sức khoẻ của trường cấp được bổ sung vào hồ sơ quản lý học sinh.

3. Thí sinh trúng tuyển vào trường phải nộp những giấy tờ sau đây:

a) Học bạ THPT (bổ túc THPT) hoặc THCS (tùy theo đối tượng dự tuyển);

b) Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời đối với những người trúng tuyển ngay trong năm tốt nghiệp hoặc bằng tốt nghiệp đối với những người đã tốt nghiệp các năm trước. Những người mới nộp Giấy chứng nhận tạm thời, đầu năm học sau phải xuất trình bản chính bằng tốt nghiệp để đối chiếu, kiểm tra;

c) Giấy khai sinh, hộ khẩu thường trú;

d) Các giấy tờ xác nhận đối tượng ưu tiên (nếu có) như: Chứng nhận con liệt sĩ, thẻ thương binh, chứng nhận được hưởng chính sách như thương binh của bản thân hoặc bố, mẹ thí sinh. Giấy tờ khác (nếu có) do Chủ tịch HĐTS quy định;

đ) Giấy triệu tập trúng tuyển;

Các giấy tờ quy định tại điểm a, b, c, d của khoản này là bản sao chứng thực được nhà trường dùng để quản lý và kiểm tra, đối chiếu với bản chính khi cần thiết.

4. Những thí sinh đến trường nhập học chậm sau 15 ngày trở lên kể từ ngày nhập học ghi trong Giấy báo trúng tuyển, nếu không có lý do chính đáng thì coi như bỏ học. Nếu đến chậm do ốm đau, tai nạn, có giấy xác nhận của bệnh viện quận, huyện trở lên, các trường xem xét, quyết định tiếp nhận vào học hoặc cho bảo lưu kết quả tuyển sinh để thí sinh vào học năm sau.

5. Những thí sinh trúng tuyển nhưng địa phương giữ lại không cho đi học có quyền khiếu nại lên đến UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Bộ GDĐT. Chỉ có Chủ tịch UBND cấp tỉnh mới có quyền ký quyết định giữ lại người đã trúng tuyển, nhưng phải giải thích cho đương sự rõ lý do và căn cứ pháp luật của quyết định đó.

Điều 25. Kiểm tra kết quả xét tuyển, thi tuyển và hồ sơ của thí sinh trúng tuyển

1. Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày thí sinh đến trường nhập học, các trường phải tiến hành kiểm tra kết quả xét tuyển, thi tuyển của tất cả số thí sinh đã trúng tuyển vào trường ở tất cả các khâu. Nếu phát hiện thấy các trường hợp vi phạm quy chế hoặc các trường hợp nghi vấn, cần lập biên bản kiến nghị Hiệu trưởng có biện pháp xác minh, xử lý.

2. Khi thí sinh trúng tuyển đến trường nhập học, trường cử cán bộ thu nhận hồ sơ theo quy định tại Điều 24 của Quy chế này, đồng thời đối chiếu, kiểm tra bản chính các loại giấy tờ của thí sinh và xác nhận đã kiểm tra, đối chiếu.

Trong quá trình thu nhận hồ sơ hoặc trong thời gian học sinh đang theo học tại trường, nếu phát hiện hồ sơ giả mạo thì báo cáo Hiệu trưởng trường xử lý theo quy định của Quy chế.

Chương IV

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ LƯU TRỮ

Điều 26. Chế độ báo cáo

1. Chậm nhất trước ngày 30 tháng 12 hằng năm, các trường báo cáo kết quả tuyển sinh và gửi dự kiến kế hoạch tuyển sinh năm sau về cơ quan chủ quản.

2. Chậm nhất trước ngày 10 tháng 01 năm kế tiếp, các sở GDĐT và các Bộ, ngành có trường tuyển sinh TCCN gửi báo cáo kết quả tuyển sinh và dự kiến kế hoạch tuyển sinh năm sau của các trường trực thuộc về Bộ GDĐT.

Điều 27. Chế độ lưu trữ

Tất cả các tài liệu liên quan đến thí sinh trúng tuyển và các tài liệu liên quan đến kỳ tuyển sinh, các trường phải bảo quản và lưu trữ trong suốt khoá đào tạo theo quy định của Pháp lệnh Lưu trữ. Hết khoá đào tạo, Hiệu trưởng ra quyết định thành lập Hội đồng xét hủy. Các tài liệu liên quan của thí sinh không trúng tuyển, các trường lưu trữ một năm kể từ ngày xét tuyển hoặc thi tuyển chính thức. Các tài liệu và kết quả xét tuyển, thi tuyển (gồm: Tên thí sinh; điểm các môn xét tuyển, thi tuyển; kết quả sơ tuyển; điểm trúng tuyển) phải lưu trữ lâu dài.

Chương V

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 28. Khen thưởng

1. Người có nhiều đóng góp, tích cực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển sinh được giao, tùy theo thành tích cụ thể, được Chủ tịch HĐTS trường khen thưởng hoặc đề nghị Bộ GDĐT, Bộ ngành chủ quản, UBND cấp tỉnh khen thưởng.

2. Quỹ khen thưởng trích trong lệ phí tuyển sinh.

Điều 29. Xử lý cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm quy chế

1. Những người tham gia công tác tuyển sinh có hành vi vi phạm Quy chế (bị phát hiện trong khi làm nhiệm vụ hoặc sau kỳ thi tuyển sinh), nếu có đủ chứng cứ, tùy theo mức độ nặng nhẹ, sẽ bị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định tại Luật cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 của Quốc hội và Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức; Luật viên chức số 58/2010/QH12 của Quốc hội và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức; Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, theo các hình thức sau đây:

a) Khiển trách: Đối với những người phạm lỗi nhẹ trong khi thi hành nhiệm vụ;

b) Cảnh cáo: Đối với những người vi phạm một trong các lỗi sau đây:

- Sửa chữa làm sai lệch hồ sơ của thí sinh (trừ trường hợp sửa chữa điểm của thí sinh);

- Nhập sai điểm của thí sinh dự tuyển (số lượng ít hơn 5 hồ sơ);

- Kiểm dò không chính xác điểm của thí sinh dự tuyển (số lượng ít hơn 5 hồ sơ);

- Chấm thi hoặc cộng điểm bài thi có nhiều sai sót (áp dụng đối với trường thi tuyển sinh ngành năng khiếu);

- Để lộ tiêu chuẩn tuyển chọn trước khi HĐTS chính thức công bố tiêu chuẩn tuyển chọn.

c) Tùy theo mức độ vi phạm có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển làm công tác khác đối với những người vi phạm một trong các lỗi sau đây:

- Nhập sai điểm của thí sinh dự tuyển (số lượng từ 6 hồ sơ trở lên);

- Kiểm dò không chính xác điểm của thí sinh dự tuyển (số lượng từ 6 hồ sơ trở lên);

- Ra đề thi sai (áp dụng đối với trường thi tuyển sinh ngành năng khiếu);

- Gian lận khi chấm thi, cho điểm không đúng quy định, vượt khung hoặc hạ điểm của thí sinh (áp dụng đối với trường thi tuyển sinh ngành năng khiếu).

d) Buộc thôi việc hoặc bị truy tố trước pháp luật đối với người có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Sửa chữa, đánh tráo điểm xét tuyển hoặc điểm thi tuyển của thí sinh;

- Thiếu trách nhiệm trong công tác bảo quản đề thi dẫn đến thất lạc, hư hỏng đề thi (áp dụng đối với trường thi tuyển sinh ngành năng khiếu);

- Có hành vi và bằng chứng nhận hối lộ trong tuyển sinh;

- Gian dối trong việc tuyển chọn và triệu tập thí sinh trúng tuyển (kể cả những hành vi sửa chữa học bạ, gian lận trong việc tính điểm thưởng, điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc THCS để đưa thí sinh vào diện tuyển thẳng hoặc diện trúng tuyển).

đ) Đối với các hành vi vi phạm khác, tùy theo tính chất, mức độ và ảnh hưởng tác hại phải xử lý theo một trong các hình thức quy định tại Điều này, trường hợp vi phạm nghiêm trọng, gây hậu quả lớn, đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố nếu vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Những hình thức kỷ luật nói trên do Hiệu trưởng quyết định nếu người vi phạm thuộc quyền quản lý của nhà trường, hoặc lập biên bản đề nghị Bộ GDĐT có biện pháp xử lý nếu người vi phạm không thuộc quyền quản lý của nhà trường. Trong thời gian của đợt xét tuyển, nếu các Đoàn hoặc cán bộ thanh tra tuyển sinh được thành lập, giao nhiệm vụ theo Quy chế của Bộ GDĐT phát hiện thấy các trường hợp vi phạm quy chế thì lập biên bản tại chỗ và đề nghị Chủ tịch HĐTS trường xử lý ngay theo các quy định của Quy chế này.

e) Nếu xác định tiêu chuẩn tuyển chọn không hợp lý dẫn đến vượt quá nhiều chỉ tiêu đã xác định thì tuỳ theo mức độ sai phạm mà Chủ tịch HĐTS sẽ bị xử lý từ hình thức khiển trách đến cách chức; số thí sinh tuyển vượt chỉ tiêu sẽ bị khấu trừ vào chỉ tiêu tuyển sinh năm sau của trường và nhà trường sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

g) Cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người khác liên quan vi phạm một trong các lỗi sau đây:

- Tuyển sinh những ngành chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mở ngành;

- Xác định sai đối tượng, chỉ tiêu tuyển sinh so với quy định và tuyển sinh vượt chỉ tiêu.

2. Các hình thức xử lý vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này do cơ quan quản lý cán bộ ra quyết định theo thông báo về sai phạm của cơ quan tổ chức kỳ tuyển sinh, có thể kèm theo việc cấm đảm nhiệm những công việc có liên quan đến tuyển sinh từ 01 đến 05 năm.

3. Việc xử lý những cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ hữu của các trường ngoài công lập không phải là công chức, viên chức vi phạm Quy chế Tuyển sinh, do Hiệu trưởng quyết định xử lý theo quy định của pháp luật lao động và Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Điều 30. Xử lý thí sinh dự tuyển vi phạm quy chế

Đối với những thí sinh dự tuyển vi phạm quy chế đều phải lập biên bản và tuỳ mức độ nặng nhẹ xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:

1. Khiển trách: Áp dụng đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây:

a) Nộp không đúng thời hạn các giấy tờ và lệ phí tuyển sinh theo quy định;

b) Không có mặt tại trường đã đăng ký dự tuyển đúng thời gian và địa điểm theo quy định.

2. Cảnh cáo: Áp dụng đối với thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây:

a) Có hành động gây gổ, đe dọa cán bộ có trách nhiệm trong kỳ tuyển sinh hay đe dọa thí sinh khác;

b) Mang vào khu vực tuyển sinh các vũ khí, chất gây nổ, gây cháy và các vật dụng gây nguy hại khác;

Hình thức kỷ luật cảnh cáo do cán bộ làm công tác tuyển sinh tại khu vực tuyển sinh lập biên bản, thu tang vật và ghi rõ hình thức kỷ luật đã đề nghị trong biên bản.

3. Tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ tuyển sinh vào các trường trong 01 năm tiếp theo hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây:

a) Có hành vi giả mạo hồ sơ;

b) Sử dụng văn bằng tốt nghiệp không hợp pháp;

c) Nhờ người khác thi hộ, làm bài hộ dưới mọi hình thức (áp dụng đối với thi tuyển môn năng khiếu);

d) Sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi đại học, cao đẳng không hợp pháp;

đ) Có hành động phá hoại kỳ tuyển sinh, hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác;

e) Có hành vi và bằng chứng hối lộ trong tuyển sinh.

Hình thức kỷ luật này do Chủ tịch HĐTS quy định trên cơ sở ý kiến của các thành viên HĐTS.

4. Đối với các trường hợp vi phạm khác, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, Hiệu trưởng, Chủ tịch HĐTS trường xử lý kỷ luật theo các hình thức đã quy định tại Điều này hoặc theo các quy định hiện hành của pháp luật.

Việc xử lý kỷ luật thí sinh phải được công bố cho thí sinh biết. Nếu thí sinh không chịu ký tên vào biên bản thì người lập biên bản ghi vào biên bản để báo cáo Chủ tịch HĐTS trường quyết định.

Điều 31. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, Thủ trưởng của các đơn vị, ngành liên quan khác chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra và giám sát các trường có liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục TCCN trong việc thực hiện Quy chế này.

2. Căn cứ Quy chế này, Hiệu trưởng quy định cụ thể công tác tuyển sinh phù hợp với điều kiện thực tế của trường. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra và giám sát các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện Quy chế này./.