Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1765/BNN-TCLN
V/v thẩm định Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 – 2020

Hà Nội, ngày 12 tháng 06 năm 2012

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) nhận được Văn bản số 989/UBND-KTN ngày 10/4/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về việc thẩm định báo cáo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT có ý kiến như sau:

I. NHẬN XÉT KẾT QUẢ QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH BÌNH PHƯỚC

1. Về cơ sở pháp lý, khoa học, độ tin cậy của các nguồn thông tin, tư liệu sử dụng, phương pháp sử dụng và nội dung được giải quyết trong bản quy hoạch:

- Báo cáo Quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2020 có bố cục, nội dung được xây dựng dựa theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các văn bản hướng dẫn hiện hành về lập quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh.

- Các thông tin dữ liệu, nội dung trong báo cáo đã kế thừa tài liệu, kết hợp điều tra bổ sung số liệu thực địa về tình hình phát triển lâm nghiệp tại địa phương.

2. Về sự phù hợp của quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng với chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Phước.

Bản quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đã quan tâm theo hướng trồng rừng, bảo vệ rừng kết hợp trồng cây phân tán nên bản báo cáo cơ bản phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 và Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020.

3. Về các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ phát triển rừng và các giải pháp thực hiện quy hoạch.

Theo báo cáo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh:

a) Mục tiêu: (i) Đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng và cây đa mục đích; (ii) Kiện toàn và củng cố hệ thống tổ chức quản lý từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã; (iii) Xây dựng ổn định các vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến lâm sản của tỉnh; (iv) Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh lâm nghiệp.

b. Một số nhiệm vụ chủ yếu:

- Về Phát triển rừng:

(i) Rừng phòng hộ đầu nguồn: Trồng 1.248,6 ha

(ii) Rừng đặc dụng: Trồng 383 ha (giai đoạn 2011 - 2015 trồng 200 ha; giai đoạn 2015 - 2020 trồng 183 ha)

(iii) Rừng sản xuất: Trồng 4.372,6 ha (giai đoạn 2011 - 2015 trồng 2.372,6 ha; giai đoạn 2015 - 2020 trồng 2.000 ha)

(iv) Trồng cây đa mục đích (cao su), tổng diện tích trồng 14.486,2 ha.

(v) Trồng cây phân tán: 100.000 cây/năm.

Báo cáo cần bổ sung làm rõ hiện trạng rừng, đất quy hoạch lâm nghiệp, diện tích rừng đưa vào khoanh nuôi và trồng mới để quy hoạch chi tiết từng loại rừng trong kỳ quy hoạch 2011 - 2020.

- Về Bảo vệ rừng:

Cần xem xét cụ thể về độ che phủ rừng năm 2015 là 60% và năm 2020 là 65% như trong báo cáo đã đề cập; xem xét, thống nhất là diện tích đất và rừng được quy hoạch để bảo vệ, phát triển lâm nghiệp theo giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020.

- Về Sử dụng rừng:

Báo cáo cần bổ sung, làm rõ kết quả về khai thác, sử dụng rừng trong thời gian qua (giai đoạn 2005 - 2010) và kế hoạch các năm tiếp theo trong kỳ quy hoạch đến năm 2020; Tổ chức xác định diện tích rừng trong lưu vực sông có cung cấp dịch vụ môi trường rừng trong phạm vi hành chính của tỉnh làm cơ sở xây dựng các đề án, dự án thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010.

- Về chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ:

Báo cáo cần bổ sung kết quả về tình hình chế biến hàng năm; đánh giá những cơ sở chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ về công suất, nguồn cung và thị trường tiêu thụ; Đánh giá tình hình phát triển công nghiệp chế biến trong giai đoạn 2001 - 2010 về các loại sản phẩm song mây, tre nứa và các mặt hàng lâm sản ngoài gỗ khác; đề xuất các giải pháp nhằm phát triển chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ của địa phương trong kỳ quy hoạch đến năm 2020.

- Về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng

Báo cáo cần làm rõ diện tích rừng, đất lâm nghiệp và đất chưa sử dụng chuyển đổi sang đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, đặc dụng và các mục đích khác trong kỳ quy hoạch trước; Làm rõ các cơ sở (về pháp lý và khoa học) và diện tích chuyển đổi đất lâm nghiệp trong kỳ quy hoạch giai đoạn 2011 - 2020 phân theo các loại rừng.

c. Về các giải pháp thực hiện quy hoạch

Để thực hiện tốt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, các nhóm giải pháp sau cần được xem xét cụ thể và bổ sung làm rõ trong báo cáo:

(i) Giải pháp về cơ chế, chính sách và pháp luật; (ii) Giải pháp đổi mới tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển lâm nghiệp; (iii) Giải pháp về quy hoạch, kế hoạch và giám sát; (iv) Giải pháp về huy động vốn đầu tư; (v) Giải pháp về khoa học công nghệ; (vi) Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực; (vii) Giải pháp hợp tác quốc tế.

4. Về khả năng huy động nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch.

Theo báo cáo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011-2020 là: 5.183.830 triệu đồng, trong đó: giai đoạn 2011 - 2015 là 4.637.086 triệu đồng và giai đoạn 2016 - 2020 là 546.744 triệu đồng. Tổng vốn trên dự kiến phân bổ theo các nguồn như sau:

- Vốn Ngân sách: 131.870 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 2,5% tổng vốn đầu tư.

- Vốn Doanh nghiệp và các thành phần khác tham gia hoạt động sản xuất lâm nghiệp: 5.051.960 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 97,5% tổng vốn đầu tư.

Đề nghị địa phương xem xét lại cơ cấu vốn như đã đề cập trong báo cáo có đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra không, nhất là trồng rừng phòng hộ và đặc dụng; đồng thời xem xét và làm rõ vốn của doanh nghiệp, vốn của các thành phần kinh tế khác. Để dự án quy hoạch có tính khả thi cao cần tính toán lại dự toán cho phù hợp với các định mức, hạng mục và nhu cầu đầu tư theo từng chương trình/dự án cụ thể.

II. ĐÁNH GIÁ BẢN BÁO CÁO QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG

Báo cáo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2020 có bố cục, nội dung được xây dựng dựa theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Các nội dung trong báo cáo cơ bản đã được đề cập nhưng chưa đầy đủ và chặt chẽ; báo cáo cần bổ sung thêm một số nội dung, cập nhật các thông tin, dữ liệu và hoàn chỉnh để phê duyệt (chi tiết được nêu tại Báo cáo thẩm định số 738/BC-TCLN-KHTC ngày 08/06/2012 của Tổng cục Lâm nghiệp kèm theo).

Căn cứ vào các nhận xét, đánh giá nêu trên, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước tổ chức, chỉ đạo bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 của địa phương trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và phê duyệt theo quy định hiện hành.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng cục Lâm nghiệp;
- Sở NN và PTNT Bình Phước;
- Lưu: VT, TCLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đăng Khoa