Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1787/BNN-QLCL
V/v tăng cường kiểm soát Ethoxyquin trong sản xuất kinh doanh thủy sản và thức ăn thủy sản

Hà Nội, ngày 13 tháng 06 năm 2012

 

Kính gửi:

- Tổng cục Thủy sản;
- Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản;
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố;
- Hội Nghề cá Việt Nam;
- Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP).

 

Theo Kế hoạch giám sát thực phẩm xuất khẩu năm 2012 (cập nhật ngày 24/5/2012), Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã quyết định áp dụng chế độ kiểm tra 30% lô hàng tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam về chỉ tiêu Ethoxyquin với mức giới hạn tối đa là 0,01ppm, kể từ ngày 18/5/2012. Nếu phát hiện thêm 02 lô hàng vi phạm, Nhật Bản sẽ áp dụng chế độ kiểm tra 100% lô hàng nhập khẩu và nếu có quá 5% lô hàng vi phạm trong tổng số 60 lô hàng được kiểm tra Nhật Bản sẽ xem xét việc cấm nhập khẩu tôm nuôi của Việt Nam.

Ethoxyquin thường được sử dụng làm chất bảo quản chống oxy hóa trong thức ăn chăn nuôi và thức ăn dùng trong nuôi trồng thủy sản (thức ăn thủy sản). Việc Nhật Bản áp dụng mức giới hạn tối đa của Ethoxyquin trong sản phẩm tôm nuôi là 0,01 ppm sẽ rất khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Để kiểm soát chặt chẽ dư lượng Ethoxyquin trong sản xuất kinh doanh thủy sản tại Việt Nam, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và uy tín của sản phẩm thủy sản của Việt Nam tại các thị trường nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị thực hiện như sau:

1. Tổng cục Thủy sản:

- Kiểm tra, rà soát lập danh mục các sản phẩm thức ăn thủy sản có chứa Ethoxyquin (cả sản xuất trong nước và nhập khẩu) báo cáo Bộ trước ngày 15/8/2012;

- Đề xuất và trình Bộ xem xét quy định mức giới hạn tối đa cho phép của Ethoxyquin trong thức ăn thủy sản, các biện pháp kiểm soát việc sử dụng Ethoxyquin trong sản xuất thức ăn thủy sản và khuyến cáo cơ sở nuôi cách thức sử dụng, ngừng sử dụng thức ăn thủy sản (có chứa Ethoxyquin) phù hợp:

- Thông báo và yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đăng ký lưu hành sản phẩm thức ăn thủy sản có chứa thành phần Ethoxyquin công bố về thành phần và hàm lượng Ethoxyquin trên nhãn sản phẩm theo quy định của Thông tư 66/2011/TT-BNNPTNT ngày 10/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05/02/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi;

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố phổ biến tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản, cơ sở nuôi thủy sản quy định của Nhật Bản về Ethoxyquin và hướng dẫn cơ sở nuôi trồng thủy sản ngừng sử dụng thức ăn thủy sản (có chứa Ethoxyquin) trong thời gian tối đa có thể nhằm đáp ứng quy định của Nhật Bản;

- Cập nhật quy định quốc tế và trình Bộ ban hành quy định về kiểm soát việc sử dụng phụ gia trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản (Danh mục phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất thức ăn thủy sản, mức giới hạn tối đa cho phép, quy định về công bố tên, hàm lượng phụ gia trên nhãn sản phẩm).

2. Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:

- Phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp chế biến thủy sản có biện pháp kiểm soát Ethoxyquin phù hợp nhằm đáp ứng quy định của thị trường nhập khẩu;

- Hoàn thiện phương pháp phân tích Ethoxyquin trong sản phẩm thủy sản để phổ biến, thống nhất áp dụng trong kiểm tra các lô hàng thủy sản xuất khẩu tại các đơn vị trực thuộc và hoạt động tự kiểm soát của các doanh nghiệp;

- Tổ chức làm việc và đề nghị Cơ quan thẩm quyền Nhật Bản rà soát, sửa đổi quy định về giới hạn cho phép của Ethoxyquin trong thực phẩm thủy sản dựa trên đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố:

- Phổ biến tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản, cơ sở nuôi thủy sản trên địa bàn quy định của Nhật Bản về Ethoxyquin;

- Rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thức ăn thủy sản trên địa bàn có sử dụng phụ gia, thống kê rõ các sản phẩm thức ăn thủy sản có chứa Ethoxyquin báo cáo về Tổng cục Thủy sản;

- Chỉ đạo cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản trực thuộc hướng dẫn cơ sở nuôi trồng thủy sản thời gian ngừng sử dụng thức ăn thủy sản (có chứa Ethoxyquin) tối đa có thể nhằm đáp ứng quy định của Nhật Bản.

4. Hội nghề cá Việt Nam

Phổ biến, hướng dẫn tới các cơ sở nuôi thủy sản chủ động thực hiện các biện pháp kiểm soát việc sử dụng thức ăn thủy sản trong quá trình nuôi nhằm đảm bảo không để lại tồn dư Ethoxyquin trong sản phẩm thủy sản nuôi dùng làm thực phẩm.

5. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP):

- Phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp chế biến thủy sản chủ động bổ sung các biện pháp kiểm soát Ethoxyquin vào chương trình quản lý chất lượng của doanh nghiệp nhằm đáp ứng quy định của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Nhật Bản;

- Phối hợp với Hiệp hội nhập khẩu thủy sản Nhật Bản có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, Bộ Nông nghiệp và cơ quan chức năng của Nhật Bản xem xét sửa đổi về mức giới hạn tối đa cho phép đối với hóa chất kháng sinh trong thực phẩm thủy sản dựa trên đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Yêu cầu các đơn vị lưu ý thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- TT. Vũ Văn Tám;
- Cục CBTM NLTS&NM;
- Lưu: VT, QLCL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Xuân Thu