Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1800/BGDĐT-QLCL
V/v tăng cường công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ

Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Các đại học, trường đại học, học viện;
- Các trường cao đẳng sư phạm;
- Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng;
- Cục Đào tạo - Bộ Công an.

Thực hiện quy định của Luật Giáo dục (2019), Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý văn bằng, chứng chỉ (VBCC) trong hệ thống giáo dục quốc dân. Kết quả thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua cho thấy công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ tại các Sở Giáo dục Đào tạo, các Cục, các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng sư phạm đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, vai trò quản lý của các cơ quan quản lý được nâng cao. Tuy nhiên công tác quản lý VBCC còn có những tồn tại, hạn chế, một số nội dung thực hiện chưa đúng quy định. Để bảo đảm công tác quản lý, cấp phát VBCC đúng quy định hiện hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục Đào tạo, các Cục, các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng sư phạm tập trung thực hiện những nhiệm vụ sau:

1. Ban hành hoặc rà soát sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản về quản lý VBCC theo đúng nội dung, yêu cầu quy định tại Thông tư số 21/2019/TT- BGDĐT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp tr ung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân . Nội dung văn bản phải quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của từng đơn vị, cá nhân, chế tài xử lý khi xảy ra sai phạm và chỉ quy định những nội dung Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT giao cho thủ trưởng cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý quy định.

2. Thực hiện cấp VBCC đúng quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp của giáo dục đại học.

3. Thực hiện việc quản lý VBCC chặt chẽ, khoa học, đúng quy định tại Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT, trong đó đặc biệt chú trọng những nội dung:

a) Ký VBCC đúng thẩm quyền (trường hợp người có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ chưa được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 20).

b) Lập và quản lý sổ gốc cấp VBCC, sổ cấp bản sao VBCC đúng quy định (số gốc cấp VBCC đúng mẫu tại Phụ lục Thông tư); chấn chỉnh việc cho phép nhận thay VBCC.

c) Thực hiện việc in, quản lý, cấp phát phôi VBCC và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật trong việc tự chủ in, quản lý phôi VBCC theo quy định tại các điều 9, 10, 11, 12.

d) Thực hiện công khai thông tin cấp VBCC trên trang thông tin điện tử của đơn vị theo quy định tại Điều 26. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý VBCC, xây dựng các phần mềm tra cứu để tạo thuận lợi người có VBCC, cơ quan quản lý và các tổ chức có liên quan tra cứu, xác minh, công nhận VBCC. Việc công khai thông tin cấp VBCC đồng thời phải bảo đảm quyền bảo mật thông tin cá nhân của người được cấp VBCC.

4. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý trong việc việc tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp các loại chứng chỉ. Kiên quyết dừng hoạt động bồi dưỡng, sát hạch và cấp chứng chỉ của các cơ sở giáo dục không đủ điều kiện theo quy định hoặc có sai phạm. Cụ thể:

a) Đối với chứng chỉ ngoại ngữ

Thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

b) Đối với chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin

Triển khai thực hiện đúng Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT- BTTTT ngày 21 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định hoạt động tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin. Các trung tâm sát hạch phải đủ điều kiện về tư cách pháp nhân, nhân sự; cơ sở vật chất, ngân hàng câu hỏi thi, phần mềm tổ chức thi; việc thành lập Hội đồng thi, quy trình tổ chức và phê duyệt kết quả thi đúng thẩm quyền quy định tại Điều 10, Điều 11; ký cấp chứng chỉ theo đúng quy định tại Điều 17. Ngoài ra, hoạt động của các trung tâm sát hạch phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 8 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học.

c) Đối với chứng chỉ bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số

Thực hiện theo Thông tư số 36/2012/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tổ chức dạy học, kiểm tra và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số, Quyết định số 03/2006/QĐ- BGD&ĐT ngày 24 tháng 01 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình khung dạy tiếng dân tộc thiểu số (có chữ viết) cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số và các văn bản quy định chương trình dạy tiếng của một số dân tộc thiểu số do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; trong đó lưu ý điều kiện, thẩm quyền và đối tượng được cấp chứng chỉ quy định tại Điều 8 Thông tư số 36/2012/TT-BGDĐT.

d) Đối với chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh

Thực hiện theo Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.

Các đơn vị không có tên trong Quyết định số 2320/QĐ-BQP ngày 25 tháng 7 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh thì phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tự chủ mới được tổ chức dạy học, kiểm tra và cấp chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh.

e) Đối với chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm

Đơn vị cấp chứng chỉ phải thực hiện bồi dưỡng, kiểm tra, cấp chứng chỉ đúng đối tượng, cấp chứng chỉ đúng thẩm quyền quy định tại các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và các văn bản quy định về bồi dưỡng giáo viên.

5. Tổ chức kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh hoạt động tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học của nước ngoài trên địa bàn. Chỉ cho phép thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục trên địa bàn đối với các đơn vị, tổ chức được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

6. Tổ chức tập huấn cho các cơ sở giáo dục, đơn vị trực thuộc về công tác quản lý VBCC và có hình thức truyền thông phù hợp về quyền lợi, trách nhiệm của người được cấp VBCC.

7. Thực hiện chế độ báo cáo đủ nội dung, đúng thời gian quy định tại Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT và các văn bản khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về bồi dưỡng, sát hạch và cấp chứng chỉ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các các Sở Giáo dục Đào tạo, các Cục, các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng sư phạm thực hiện nghiêm túc các nội dung trên. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Cục Quản lý chất lượng), địa chỉ: 35 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội, ĐT: 024.32181438 để được hướng dẫn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để p/h);
- Cổng TTĐT Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, QLCL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hữu Độ