Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC HẢI QUAN
CỤC HẢI QUAN
TP. HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1835/HQHCM-TXNK
V/v hướng dẫn phân loại mặt hàng “Tủ rượu làm lạnh bằng nhiệt điện, không sử dụng máy nén”

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 6 năm 2020

 

Kính gửi: Công ty TNHH HAFELE Việt Nam (MST 0305067898)
Địa chỉ: Số 9, đường Đoàn Văn Bơ, phường 12, Q.4, TP HCM.

Phúc đáp công văn số 010620/HFL-XĐHS ngày 05/6/2020 của Quý Công ty về việc hướng dẫn phân loại mặt hàng theo khai báo “Tủ rượu làm lạnh bằng nhiệt điện, không sử dụng máy nén”, về việc này Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh hướng dẫn như sau:

1. Hướng dẫn phân loại hàng hóa:

Việc phân loại hàng hóa căn cứ theo các quy định như sau:

Căn cứ quy định tại điều 26 Luật Hải quan: “Phân loại hàng hóa để xác định mã số hàng hóa làm cơ sở tính thuế và thực hiện chính sách quản lý hàng hóa. Khi phân loại hàng hóa phải căn cứ hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để xác định tên gọi, mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam”;

Căn cứ quy định tại khoản 2, điều 16 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015: “Việc phân loại hàng hóa căn cứ vào hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin về thành phần, tính chất lý, hóa, tính năng, công dụng của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”;

Căn cứ Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

Căn cứ Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;

Căn cứ Thông tư số 09/2017/TT-BTC ngày 15/02/2019 sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các phụ lục của thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;

Căn cứ nội dung nhóm 84.18: “Tủ lạnh, tủ kết đông và thiết bị làm lạnh hoặc kết đông khác, loại dùng điện hoặc loại khác; bơm nhiệt trừ máy điều hòa không khí thuộc nhóm 84.15”

Căn cứ nội dung phân nhóm 8418.50: “- Loại có kiểu dáng nội thất khác (tủ, tủ ngăn, quầy hàng, tủ bày hàng và loại tương tự) để bảo quản và trưng bày,lắp thiết bị làm lạnh hoặc kết đông”

Tham khảo nội dung chú giải chi tiết HS 2017 nhóm 84.18:

“(I) TỦ LẠNH, TỦ KẾT ĐÔNG VÀ THIẾT BỊ LÀM LẠNH HOẶC KẾT ĐÔNG KHÁC: “Tủ lạnh và các thiết bị làm lạnh trong nhóm này dạng một máy chính hoặc một dây chuyền thiết bị dùng để tạo ra, với chu kỳ vận hành liên tục, nhiệt độ thấp (trong khoảng 0°C hoặc thấp hơn) tại bộ phận làm lạnh chủ động, bởi sự hấp thụ nhiệt ẩn từ sự bay hơi của khía lỏng (ví dụ: amoniắc, hydro cácbua được halogen hóa), hoặc của chất lỏng dễ bay hơi, hoặc của nước ở một số loại sử dụng trên biển...” Máy làm lạnh thuộc nhóm này gồm hai dạng chính sau: Máy làm lạnh kiểu nén, Máy làm lạnh kiểu hấp thụ.

“...Các thiết bị nêu trên được xếp vào nhóm này khi chúng thuộc ở các dạng sau:.... (2) Tủ các loại hoặc đồ nội thất (cabinets or other furniture), các thiết bị, có gắn với một thiết bị làm lạnh hoàn chỉnh hoặc bộ phận làm bay hơi của một thiết bị làm lạnh, có hoặc không có bộ phận phụ trợ, như máy khuấy, máy trộn, khuôn. Loại này bao gồm tủ lạnh dùng trong gia đình, quầy và kệ bày bán hàng giữ lạnh, tủ đựng kem hay chứa thực phẩm đông lạnh, máy giữ nước lạnh hoặc đồ uống lạnh, thùng làm lạnh sữa, bia, máy làm kem...”

Căn cứ theo các nội dung hướng dẫn phân loại hàng hóa nêu trên, căn cứ hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa nhập khẩu, trường hợp có cơ sở xác định mặt hàng “Tủ rượu làm lạnh bằng nhiệt điện, không sử dụng máy nén, Hiệu Hafele, 70W, dung tích 33 lít” là thiết bị làm lạnh có kiểu dáng nội thất (tủ ngăn - cabinets), có cửa kính trong suốt dễ dàng quan sát rượu bên trong, dùng để bảo quản và trưng bày rượu thì phù hợp thuộc phân nhóm 8418.50 của Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Do không đủ thông tin nên cơ quan hải quan chưa đủ cơ sở để xác định mã số hàng hóa chính xác. Đề nghị quý công ty căn cứ vào các nội dung hướng dẫn nêu trên, hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và hàng hóa thực tế nhập khẩu để xác định mã số phù hợp. Trường hợp phát sinh vướng mắc, công ty liên hệ trực tiếp Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể.

2/Hướng dẫn xác định trước mã số:

Để thuận lợi trong quá trình làm thủ tục Hải quan, đề nghị quý công ty thực hiện xác định trước mã số hàng hóa theo các văn bản hướng dẫn sau:

Thủ tục và điều kiện xác định trước mã số quy định tại Điều 23, Điều 24 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính Phủ. Khoản 11, Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/04/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ.

Hồ sơ xác định trước mã số thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Theo quy định trên, trường hợp Công ty làm thủ tục xác định trước mã số của hàng hóa nhập khẩu thì gửi hồ sơ đến Tổng cục Hải quan (theo địa chỉ: số 9, phố Dương Đình Nghệ, Quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) để được giải quyết theo đúng thẩm quyền.

Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh trả lời để doanh nghiệp được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c Cục trưởng (để báo cáo);
- Các đ/c Phó Cục trưởng (để báo cáo);
- Các Chi cục HQ trực thuộc Cục (để thực hiện);
- Lưu: VT, TXNK. (Q.Hải.04.bản).

TL. CỤC TRƯỞNG
KT. TRƯỞNG PHÒNG
PHÓ TRƯỞNG PHÒNG




Nguyễn Quốc Toản