Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THƯƠNG MẠI
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1877/TM-XNK
V/v bán hàng miễn thuế phục vụ khách nhập cảnh

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2001

 

Kính gửi:

- Bộ Tài chính
- Tổng cục Hải quan

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại công văn số 2587/VPCP-KTTH ngày 14/6/2001 của Văn phòng Chính phủ về việc bán hàng miễn thuế phục vụ khách nhập cảnh, Bộ Thương mại có ý kiến như sau:

1. Về quản lý và hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế nói chung:

Hiện nay, cả nước có 31 cửa hàng tại 10 tỉnh, thành phố được cấp giấy phép kinh doanh hàng miễn thuế phục vụ các đối tượng quy định, trong đó:

- 3 cửa hàng phục vụ các đối tượng ngoại giao

- 2 cửa hàng phục vụ khách nhập cảnh tại cửa khẩu sân bay quốc tế

- 23 cửa hàng phục vụ khách xuất cảnh

- 1 doanh nghiệp bán hàng phục vụ hành khách trên các chuyến bay quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam

- 2 cửa hàng trong nội thành phục vụ khách xuất nhập cảnh.

Về chủ thể kinh doanh: có 13 cửa hàng do doanh nghiệp Việt Nam hợp tác kinh doanh với các Công ty nước ngoài và 18 cửa hàng do các doanh nghiệp Việt Nam tự tổ chức kinh doanh.

Trong những gần đây, doanh số bán hàng miễn thuế có tốc độ tăng trưởng khá cao, tốc độ tăng trưởng cao nhất tập trung ở các cửa hàng miễn thuế phục vụ khách xuất cảnh tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và các cửa hàng miễn thuế phục vụ khách nhập cảnh. Số cửa hàng miễn thuế do các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp nước ngoài đã tăng từ 8 cửa hàng đầu năm 1999 lên 13 cửa hàng năm 2001.

Tổng doanh số bán hàng miễn thuế năm 1998 đạt 17.863.000 USD, năm 1999 đạt 25.230.000 USD và năm 2000 đạt 30.720.000 USD. Trong đó, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp Việt Nam chiếm 54% năm 1998, 70% năm 1999 và giảm xuống 58% năm 2001.

Thực hiện Quyết định số 205/1998/QĐ-TTg ngày 19/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế, các Bộ, ngành chức năng đã ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện. Trong quá trình thực hiện, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã có sự phối hợp tương đối chặt chẽ, tiến hành kiểm tra thực tế, điều chỉnh kịp thời các quy định chưa phù hợp hoặc báo cáo Chính phủ xem xét quyết định những vấn đề vượt quá thẩm quyền.

Đến nay, quy chế quản lý hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế, về cơ bản, đã đáp ứng được yêu cầu quản lý của Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

2. Về vấn đề kinh doanh rượu và thuốc lá tại các Cửa hàng miễn thuế trong nội thành phục vụ khách nhập cảnh nêu tại công văn số 2222/TCHQ-GSQL ngày 31/5/2001 của Tổng cục Hải quan:

Hiện nay, ngoài 2 Cửa hàng miễn thuế phục vụ khách nhập cảnh đặt tại 2 cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất hoạt động theo quy chế về cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế ban hành kèm theo Quyết định số 205/1998/QĐ-TTg ngày 19/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ, cuối năm 1998 và đầu năm 1999 Chính phủ đã cho phép 2 cửa hàng miễn thuế trong nội thành tại T.P Hồ Chí Minh và Hà Nội được bán hàng miễn thuế phục vụ khách nhập cảnh. Doanh số bán hàng phục vụ khách nhập cảnh của 4 cửa hàng trên năm 1998 là 3.696.000 USD, năm 1999 là 8.500.000 USD và năm 2000 là 12.006.000 USD.

Tình hình bán hàng của 2 cửa hàng miễn thuế phục vụ khách nhập cảnh trong nội thành như sau:

 

1999

2000

UTH 6T/201

I. Doanh số bán hàng (USD)

 

 

 

1. SAIGONTOURIST

536.000 USD

1.329.000 USD

884.000 USD

2. SERVICO Hà Nội

253.000 USD

1.068.000 USD

820.000 USD

II. Cơ cấu hàng hóa:

 

 

 

1. SAIGONTOURIST

100%

100%

100%

- Rượu

10%

9%

6%

- Thuốc lá

3%

2%

1%

- Hàng hóa khác

87%

89%

93%

2. SERVICO Hà Nội

100%

100%

100%

- Rượu

9%

8%

9%

- Thuốc lá

3%

3%

3%

- Hàng hóa khác

88%

89%

88%

(Ghi chú: doanh số bán hàng của SAIGONTOURIST có thể bao gồm một phần không lớn doanh số bán cho khách chờ xuất cảnh).

Như vậy, qua thực tế kinh doanh, rượu và thuốc lá chỉ chiếm khoảng trên dưới 10% doanh số bán hàng phục vụ khách nhập cảnh của 2 cửa hàng miễn thuế trong nội thành, trong khi tỷ lệ này của 2 cửa hàng miễn thuế phục vụ khách nhập cảnh tại 2 cửa khẩu sân bay quốc tế đạt 42% ¸ 76%. Tại các cửa hàng miễn thuế trong nội thành, phần lớn khách nhập cảnh có xu hướng sử dụng tiêu chuẩn hành lý miễn thuế để mua các mặt hàng điện lạnh gia dụng mà việc mua sắm và tự vận chuyển về nước từ nước ngoài không thuận tiện. Do đó, việc không tiếp tục cho phép các cửa hàng miễn thuế trong nội thành bán rượu, thuốc lá phục vụ khách nhập cảnh nhìn chung sẽ không có ảnh hưởng lớn đến khách nhập cảnh cũng như các doanh nghiệp kinh doanh. Hơn nữa, việc giảm dần danh mục hàng hóa bán miễn thuế phục vụ khách nhập cảnh trong nội thành là phù hợp với điều kiện giám sát quản lý của cơ quan hải quan hiện nay, phù hợp với xu hướng đơn giản hóa các thủ tục kê khai đối với người xuất nhập cảnh, tiến tới xóa bỏ hẳn hình thức kinh doanh này, tránh tình trạng lợi dụng các quy định của Nhà nước để buôn bán kiếm lời, phần nào hạn chế tốc độ tăng trưởng không khuyến khích đối với hàng miễn thuế đưa vào nội địa. (Về vấn đề này, Bộ Thương mại đã có công văn số 6142/TM-XNK ngày 21/12/1999 đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ).

Xuất phát từ tình hình thực tế trên đây, Bộ Thương mại dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ không cho phép các cửa hàng miễn thuế trong nội thành bán miễn thuế phục vụ khách nhập cảnh 2 mặt hàng rượu và thuốc lá.

Đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan có ý kiến về những vấn đề nêu trên và kiến nghị các biện pháp cần thiết để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế trong tình hình hiện nay. Trên cơ sở đó, Bộ Thương mại sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Văn bản tham gia ý kiến đề nghị gửi về Bộ Thương mại (Vụ Xuất nhập khẩu) trước ngày 7/8/2001.

Rất mong nhận được sự phối hợp của quý Bộ, Tổng cục.

 

 

KT.BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG




Mai Văn Dâu