Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC THÚ Y
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1892/TY-KH
V/v Quản lý, sử dụng vắc xin và hóa chất khử trùng dự trữ quốc gia

Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 2012

 

Kính gửi: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố

Trong những năm qua, nhiều địa phương đã tiếp nhận và sử dụng vắc xin, hóa chất khử trùng dự trữ quốc gia để phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình xin cấp, tiếp nhận, quản lý, phân phối, quyết toán, báo cáo kết quả tiếp nhận, sử dụng; cũng như trách nhiệm của tập thể, cá nhân … còn nhiều lúng túng, bất cập ở một số địa phương.

Để đảm bảo việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng và xử lý các vấn đề liên quan tới vắc xin và hóa chất khử trùng dự trữ quốc gia theo quy định tại các địa phương, Cục Thú y hướng dẫn cụ thể một số nội dung sau:

1. Điều kiện và các văn bản liên quan trình xuất cấp vắc xin, hóa chất khử trùng dự trữ quốc gia

a) Quyết định công bố dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản của UBND cấp tỉnh (còn hiệu lực);

b) Báo cáo về tình hình dịch bệnh và kết quả chống dịch tại địa phương của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó cần:

- Nêu rõ thời gian bắt đầu xuất hiện dịch bệnh đến thời điểm báo cáo; số thôn, xã, huyện xuất hiện dịch bệnh; tổng số gia súc, gia cầm mắc bệnh và tổng số bị chết, tiêu hủy trên tổng số gia súc, gia cầm nuôi tại địa phương; đối với dịch bệnh thủy sản cần báo cáo diện tích thiệt hại do dịch bệnh trên tổng diện tích nuôi thả của địa phương (ha); ngoài ra cần nêu rõ địa phương đã huy động nhân lực, vật lực hết khả năng của mình nhưng vẫn chưa dập tắt dịch.

Đối với trường hợp địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai (bão, lũ, lụt …), báo cáo cần đánh giá chung về thiệt hại của địa phương và nêu rõ mức độ thiệt hại về nông nghiệp (số xã, huyện bị ảnh hưởng; tổng số gia súc, gia cầm bị chết, bị mất do mưa lũ, chuồng trại bị ngập nước, sập đổ, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng …).

- Căn cứ tình hình thực tế và mức độ thiệt hại, đề xuất hỗ trợ số lượng, chủng loại vắc xin và số lượng hóa chất khử trùng phù hợp trên cơ sở tính toán khu vực cần khử trùng tiêu độc, diện tích cần khử trùng tiêu độc và số lượng gia súc, gia cầm có nguy cơ lây nhiễm cao cần tiêm phòng (cách tính toán số lượng hóa chất cần sử dụng như sau: 30 ppm (30 g)/m3 đối với hóa chất Chlorine khử trùng môi trường ao nuôi tôm; 1 lít hóa chất (Benkocid và Iodine)/2.000 m2/1 lần phun khử trùng tiêu độc khu vực xuất hiện dịch bệnh gia súc, gia cầm và khu vực nguy cơ. Lưu ý: Pha loãng các loại hóa chất với nước theo hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi sử dụng).

c) Tờ trình xin hỗ trợ vắc xin và hóa chất khử trùng từ nguồn dự trữ quốc gia để phòng, chống dịch của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc gửi trực tiếp cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ xuất dự trữ quốc gia.

2. Quản lý, phân bổ, sử dụng vắc xin và hóa chất khử trùng dự trữ quốc gia: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 195/2009/TT-BTC ngày 05/10/2009 của Bộ Tài chính Quy định về giao nhận, quản lý, phân phối, sử dụng hàng xuất cấp từ nguồn dự trữ quốc gia không thu tiền để cứu trợ, hỗ trợ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh (có văn bản đính kèm).

a) Khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xuất vắc xin và hóa chất khử trùng dự trữ quốc gia, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ tiếp nhận hàng khẩn trương tiếp nhận và theo dõi, quản lý chặt chẽ; phân bổ, sử dụng đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích theo sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền để hỗ trợ nhân dân địa phương kịp thời phòng chống dịch bệnh.

b) Trường hợp không sử dụng hết số hàng đã tiếp nhận (sau khi kết thúc việc hỗ trợ), các địa phương, đơn vị có trách nhiệm quản lý, sử dụng như tài sản nhà nước giao cho địa phương, đơn vị.

c) Sau khi kết thúc việc hỗ trợ, các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, quản lý sử dụng hàng dự trữ quốc gia, căn cứ chế độ quy định và hướng dẫn hiện hành tổng hợp báo cáo gửi cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan tài chính đồng cấp về kết quả tiếp nhận, phân bổ, sử dụng hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ theo quy định tại Điều 10 Thông tư 195/2009/TT-BTC. Đồng thời gửi Cục Thú y bản copy báo cáo kết quả thực hiện.

3. Bảo quản vắc xin và hóa chất khử trùng dự trữ quốc gia: Thực hiện chế độ bảo quản và sử dụng hiệu quả, an toàn vắc xin và hóa chất khử trùng dự trữ quốc gia theo quy trình, quy định của nhà nước, hướng dẫn của nhà sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước về thú y.

Cục Thú y đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tại địa phương thực hiện theo nội dung hướng dẫn trên.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ NN&PTNT (để b/c);
- Chi cục Thú y các tỉnh/thành phố;
- Chi cục NTTS các tỉnh: Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Trà Vinh và Bạc Liêu;
- Lãnh đạo Cục;
- Cơ quan Thú y vùng;
- Phòng DT, TYTS;
- Lưu VT, KH.

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Thu Thủy