Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1915/BYT-K2ĐT
V/v hướng dẫn thực hiện một số quy định về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học thuộc khối ngành khoa học sức khỏe

Hà Nội, ngày 08 tháng 4 năm 2013

 

Kính gửi: Các cơ sở đào tạo nhân lực y tế

Để triển khai thực hiện Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học; sau khi hiệp y và được sự thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 2145/BGDĐT-GDĐH ngày 02 tháng 4 năm 2013, Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện một số quy định về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học thuộc khối ngành khoa học sức khỏe như sau:

1. Về thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ:

- Các cơ sở đang đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học hình thức chính quy theo niên chế phải thực hiện chuyển đổi sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ.

- Đến 31/12/2015, cơ sở đào tạo nhân lực y tế chưa thực hiện chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ sẽ không được tiếp tục đào tạo liên thông theo hình thức chính quy.

- Không giao mới nhiệm vụ đào tạo liên thông hình thức chính quy các ngành cho các cơ sở đào tạo nhân lực y tế chưa thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ.

2. Về điều kiện dự thi:

2.1. Về văn bằng đăng ký dự thi:

- Những người có bằng tốt nghiệp Y sĩ hoặc Y sĩ đa khoa được đăng ký thi tuyển đào tạo trình độ đại học các ngành Y đa khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng.

- Những người có bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng thuộc khối ngành sức khỏe được tuyển sinh đào tạo trình độ đại học các ngành: Điều dưỡng, Hộ sinh, Y tế công cộng, Kỹ thuật y học.

2.2. Về thâm niên công tác:

- Người có bằng tốt nghiệp từ 36 tháng trở lên đăng ký dự thi tuyển sinh đào tạo liên thông vào các ngành Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyển, Dược sĩ trình độ đại học phải có thời gian làm việc liên tục đúng ngành đào tạo ít nhất là 12 tháng tính từ khi ký hợp đồng lao động hoặc có quyết định tiếp nhận đến thời điểm cơ sở đào tạo bắt đầu nhận hồ sơ dự thi (không bao gồm thời gian thực hành nghề nghiệp để lấy chứng chỉ hành nghề) và được đơn vị tuyển dụng cử đi học (bao gồm đơn vị tuyển dụng thuộc 5 thành phần kinh tế).

- Người có bằng tốt nghiệp dưới 36 tháng đăng ký thi tuyển sinh đào tạo liên thông thực hiện theo điểm b, khoản 1 Điều 9 - Quy định tại Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Về hình thức và chương trình đào tạo:

- Không áp dụng đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học đối với các ngành Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền, Dược sĩ trình độ đại học.

- Chương trình đào tạo đối với người học liên thông theo hình thức chính quy là chương trình đào tạo trình độ đại học chính quy đang áp dụng tại trường, không tổ chức đào tạo theo chương trình riêng.

4. Về môn thi cho đối tượng có bằng tốt nghiệp từ 36 tháng trở lên:

4.1. Môn cơ bản: Môn Toán học.

4.2. Môn cơ sở ngành:

- Các ngành Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật Y học: Thi môn Giải phẫu-Sinh lý (cấu thành một môn thi);

- Ngành Dược sĩ: Thi môn Hóa phân tích.

4.3. Môn chuyên ngành: Là đề thi tổng hợp kiến thức của 4 đến 5 các môn học/học phần chuyên ngành.

5. Điều kiện trúng tuyển:

Ngoài các quy định chung, riêng môn chuyên ngành được quy định cụ thể như sau:

5.1. Đạt 4,0 điểm trở lên đối với các thí sinh thuộc một trong các đối tượng sau:

- Có hộ khẩu thường trú từ 36 tháng trở lên thuộc KV1 hoặc thuộc các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ tính đến thời điểm cơ sở đào tạo bắt đầu nhận hồ sơ dự thi;

- Đang làm việc tại các Khoa/Bệnh viện thuộc 05 chuyên ngành khó tuyển quy định tại Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ là chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y, Giải phẫu bệnh và có thời gian công tác đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm cơ sở đào tạo bắt đầu nhận hồ sơ dự thi;

5.2. Đạt từ 4,5 điểm trở lên đối với các thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 36 tháng trở lên thuộc KV2 nông thôn tính đến thời điểm cơ sở đào tạo bắt đầu nhận hồ sơ dự thi;

5.3. Đạt từ 5,0 điểm trở lên đối với các trường hợp không thuộc diện quy định tại điểm 5.1 và 5.2 nêu trên.

6. Chế độ báo cáo:

Trước ngày 31 tháng 12 hàng năm, cơ sở giáo dục đại học báo cáo kết quả tuyển sinh, tổ chức đào tạo, cấp bằng tốt nghiệp trong năm và kế hoạch tuyển sinh năm sau về Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- BT Nguyễn Thị Kim Tiến (để báo cáo);
- Các đ/c Thứ trưởng;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (để phối hợp chỉ đạo);
- UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc TW;
- Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc TW;
- Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng;
- Y tế các ngành;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, K2ĐT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Viết Tiến