Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1977/TCHQ-TXNK
V/v chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của DNCX

Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 2023

 

Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 428/HQBRVT-TXNK ngày 27/02/2023 của Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vướng mắc về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất (DNCX). Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

Căn cứ khoản 4 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định: “Đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không áp dụng đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác”;

Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 04/6/2016 quy định: “Khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm Điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu”;

Căn cứ Điều 28 Luật Thương mại số 36/2005/QH11 quy định: “Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật”;

Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hóa đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật”;

Căn cứ khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 quy định: “Khu vực hải quan riêng là khu vực địa lý xác định trên lãnh thổ Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam là thành viên; có quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa với phần lãnh thổ còn lại và nước ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu”;

Căn cứ khoản 6 Điều 4 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 quy định: “Hàng hóa bao gồm động sản có tên gọi và mã số theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hoặc được lưu giữ trong địa bàn hoạt động hải quan”:

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định: “Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ bao gồm: Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan”;

Căn cứ khoản 20, khoản 21 Điều 2 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 22/5/2022 của Chính phủ quy định: “20. Hoạt động chế xuất là hoạt động chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu.

21. Doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp thực hiện hoạt động chế xuất trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế”;

Căn cứ khoản 3, Điều 26 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định: “3. Doanh nghiệp chế xuất được hưởng ưu đãi đầu tư và chính sách thuế đối với khu phi thuế quan kể từ thời điểm mục tiêu đầu tư thành lập doanh nghiệp chế xuất được ghi tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh hoặc Giấy xác nhận đăng ký doanh nghiệp chế xuất của cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền. Sau khi hoàn thành quá trình xây dựng, doanh nghiệp chế xuất phải được cơ quan hải quan có thẩm quyền xác nhận việc đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trước khi chính thức đi vào hoạt động. Trường hợp doanh nghiệp chế xuất không được xác nhận đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan thì không được hưởng chính sách thuế áp dụng đối với khu phi thuế quan. Việc kiểm tra, xác nhận, hoàn thiện điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan của doanh nghiệp chế xuất thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu”;

Căn cứ khoản 4 Điều 26 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định: Quan hệ trao đổi hàng hóa giữa doanh nghiệp chế xuất với các khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam, không phải là khu phi thuế quan, là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu ...;

Căn cứ điểm c khoản 6 Điều 26 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định: “6. Doanh nghiệp chế xuất được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan và đảm bảo đáp ứng các điều kiện sau đây:

c) Không được sử dụng tài sản, máy móc thiết bị được hưởng ưu đãi về thuế áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Trường hợp sử dụng tài sản, máy móc thiết bị được hưởng ưu đãi về thuế áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất để thực hiện các hoạt động kinh doanh khác thì phải hoàn trả ưu đãi về thuế đã được miễn, giảm theo quy định của pháp luật về thuế”:

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp chế xuất đáp ứng định nghĩa khu phi thuế quan theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, được xác nhận đáp ứng điều kiện kiểm tra giám sát hải quan thì hàng hóa nhập khẩu của DNCX để phục vụ hoạt động chế xuất và chỉ sử dụng trong DNCX thuộc đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu. DNCX xuất bán sản phẩm từ hoạt động chế xuất vào thị trường nội địa thì quan hệ mua bán giữa DNCX và doanh nghiệp nội địa là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu. DNCX, doanh nghiệp nội địa có hoạt động mua bán hàng hóa, làm thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ theo loại hình tương ứng.

Tổng cục Hải quan có ý kiến như trên để Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTCT. Hoàng Việt Cường (để b/c);
- Lưu: VT, TXNK (3b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ XNK




Lê Như Quỳnh