Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC HẢI QUAN
CỤC HẢI QUAN
TP.HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1998/HQHCM-TXNK
V/v hướng dẫn phân loại và chính sách quản lý đối với mặt hàng thiết bị nhận diện khuôn mặt

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 7 năm 2020

 

Kính gửi: Công TNHH INTERNATIONAL EQUIPMENT SUPPLY.
(Đ/c: số 236/29/2E Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh)

Trả lời công văn số 03-20/CV ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Công ty TNHH INTERNATIONAL EQUIPMENT SUPPLY về việc phân loại hàng hóa và chính sách quản lý đối với mặt hàng thiết bị nhận diện khuôn mặt, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn như sau:

1. Hướng dẫn phân loại hàng hóa: 

Căn cứ Điều 26 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Phân loại hàng hóa để xác định mã số hàng hóa làm cơ sở tính thuế và thực hiện chính sách quản lý hàng hóa. Khi phân loại hàng hóa phải căn cứ hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để xác định tên gọi, mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam”;

Căn cứ khoản 2 Điều 16 Nghị Định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ: “Việc phân loại hàng hóa căn cứ vào hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin về thành phần, tính chất lý, hóa, tính năng, công dụng của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”;

Căn cứ Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/06/2017 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; Thông tư số 09/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại phụ lục của Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/06/2017 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;

Căn cứ Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Căn cứ nội dung chú giải 2,3,4 Phần XVI, ban hành theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính.

Do Quý công ty không cung cấp đủ thông tin cụ thể theo các quy định nêu trên nên cơ quan Hải quan chưa đủ cơ sở để hướng dẫn phân loại, áp mã số hàng hóa chính xác. Để có cơ sở khai báo hải quan, đề nghị Công ty căn cứ hàng hóa thực tế nhập khẩu, nghiên cứu các quy định về phân loại hàng hóa nêu trên, căn cứ hồ sơ, tài liệu kỹ thuật và các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa thực tế nhập khẩu để xác định mã số phù hợp.

2. Hướng dẫn xác định trước mã số.

Để thuận lợi trong quá trình làm thủ tục hải quan, làm cơ sở để khai báo chính xác mã số hàng hóa, doanh nghiệp có thể thực hiện xác định trước mã số hàng hóa theo các văn bản hướng dẫn sau:

 - Thủ tục và điều kiện xác định trước mã số quy định tại Điều 23, Điều 24 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính Phủ được sửa đổi bổ sung tại Khoản 11 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP của Chính Phủ.

- Hồ sơ xác định trước mã số thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính.

Theo quy định trên trường hợp Công ty làm thủ tục xác định trước mã số của hàng hóa nhập khẩu thì gửi hồ sơ đến Tổng cục Hải quan (theo địa chỉ: số 9, phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu giấy, Thành phố Hà Nội) để được giải quyết đúng theo thẩm quyền.

3. Chính sách mặt hàng.

Theo quy định tại Phụ lục I Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Ngoại thương, nếu mặt hàng của Quý công ty dự kiến nhập khẩu mới 100% thì không nằm trong danh mục cấm nhập khẩu, nên công ty nhập khẩu thông thường.

Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh trả lời để doanh nghiệp được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c Cục trưởng (để b/cáo);
- Các đ/c Phó Cục trưởng (để b/cáo);
- Lưu: VT, TXNK. (Thành.03 bản).

TL. CỤC TRƯỞNG
KT. TRƯỞNG PHÒNG
PHÓ TRƯỞNG PHÒNG




Nguyễn Quốc Toản