BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 200/BNN-HTQT | Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2012 |
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai Dự án cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đồng bằng sông Hồng theo Chương trình tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 804/TTg-QHQT ngày 17/6/2005, bao gồm 02 giai đoạn (giai đoạn I tại 4 tỉnh và giai đoạn II tại 8 tỉnh). Đến nay, giai đoạn I đã được triển khai với nhiều kết quả khả quan, trong đó nổi bật là sự thành công của mô hình mới trong quản lý, vận hành, bảo dưỡng của các Công ty cổ phần cấp nước thuộc dự án; Số dân được sử dụng nước sạch 52.750 hộ dân (chiếm 80% dân số xã), bình quân lượng nước sử dụng 6,2 m3/hộ/tháng và giá nước bình quân 4.000 đ/m3 với chất lượng nước đạt quy chuẩn Quốc gia, đấu nối đến từng gia đình đạt tỷ lệ 83%; Mô hình mới trong quy trình vận hành và bảo dưỡng (O&M) và hoạt động vốn vay quay vòng cho vệ sinh hộ gia đình được triển khai có hiệu quả tốt với tỷ lệ thu hồi vốn đạt 100%.
Căn cứ vào lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, dựa trên đề xuất các dự án ưu tiên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó nước sạch và vệ sinh nông thôn là một tiêu chí quan trọng trong phát triển nông thôn Việt Nam theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa và bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, phát triển nông thôn mới là Chương trình mục tiêu Quốc gia quan trọng được triển khai theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ cũng đã chỉ đạo ưu tiên phát triển cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn, đưa việc giải quyết nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trở thành một trong những Chương trình mục tiêu Quốc gia quan trọng nhất từ nay đến 2020. Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi kèm theo công văn này tới quý Bộ đề cương chi tiết Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn phương thức dựa trên kết quả tại 08 tỉnh đồng bằng sông Hồng với một số nội dung chính như sau:
1. Tên dự án: Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn phương thức dựa trên kết quả tại 08 tỉnh đồng bằng sông Hồng
2. Tên nhà tài trợ: Ngân hàng Thế giới (WB)
3. Cơ quan chủ quản dự án:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- UBND các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hóa và TP. Hà Nội.
4. Chủ dự án:
- Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn;
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý dự án 8 tỉnh (PPMU): Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hóa và TP. Hà Nội.
5. Địa điểm thực hiện: Tại 8 tỉnh Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hóa và TP. Hà Nội.
6. Thời gian hoạt động của dự án: 5 năm (từ 2013 - 2017)
7. Mục tiêu và kết quả chủ yếu của dự án
7.1. Mục tiêu
7.1.1. Mục tiêu Phát triển Dự án:
- Là cung cấp khả năng tiếp cận bền vững, và sử dụng hiệu quả dịch vụ cấp nước và vệ sinh ở khu vực nông thôn của 8 tỉnh ĐBSH. Điều này sẽ đạt được bằng cách hỗ trợ và đẩy mạnh CTMTQG3 của Chính phủ Việt Nam tại 8 tỉnh.
- Cách tiếp cận dựa trên kết quả là động lực để các tỉnh sử dụng nguồn lực hiệu quả. Cách tiếp cận này có được tác dụng như vậy là do kinh phí sẽ được giải ngân cho các tỉnh sau khi họ đã đạt được đầu ra và kết quả trong kế hoạch đầu tư. Nhận ra khó khăn của các tỉnh đối với việc tạm ứng trước cho đầu tư, thiết kế của chương trình cũng bao gồm cơ chế về tạm ứng lên tới 25% của tổng khoản vay tín dụng NHTG trên cơ sở các đợt giải ngân theo kết quả đã được lên kế hoạch. Các kết quả được định nghĩa cụ thể và rõ ràng và được liên kết với các đợt giải ngân.
7.1.2. Kết quả Chương trình mang tính chỉ dẫn
- Các hộ gia đình chuyển từ việc dùng nguồn nước không an toàn sang dùng nguồn nước an toàn cho một số mục đích thiết yếu như nước nấu ăn và nước uống.
- Các hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Cung cấp nước và điều kiện vệ sinh ở các trường học, trung tâm y tế, chợ và các công trình công cộng.
- Các tỉnh được nâng cao năng lực phân tích các thông tin liên quan về ngành nước và điều kiện vệ sinh, xác định ưu tiên và công tác quản lý lâu dài cũng như các nhu cầu về đầu tư và chuẩn bị các kế hoạch hoạt động về cung cấp nước và vệ sinh.
- Các tỉnh được nâng cao năng lực đánh giá việc thực hiện của các chương trình đang tiến hành, các khoản đầu tư và có những điều chỉnh phù hợp với quản lý đầu tư và chương trình.
7.2. Kết quả chủ yếu của dự án
Chương trình cấp nước và vệ sinh nông thôn phương thức dựa trên kết quả tại 8 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng hướng đến xây dựng, cải tạo điều kiện tiếp cận nước sạch và vệ sinh trực tiếp cho hơn 1,7 triệu người dân tại 240 xã thuộc 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh lân cận, cụ thể:
- 340.000 điểm đấu nối cấp nước tới hộ gia đình thông qua khoảng 192 hệ thống cấp nước tập trung cho 240 xã;
- Khoảng 1.440 công trình vệ sinh công cộng được xây mới hoặc cải tạo;
- 240.000 nhà tiêu hộ gia đình được xây mới hoặc cải tạo;
- Các cộng đồng hiểu biết và nhận thức tốt hơn về nước sạch và vệ sinh;
- Năng lực của Chính quyền Trung ương và địa phương thực hiện kế hoạch mở rộng trên địa bàn được cải thiện trong công tác quản lý, giám sát và điều hành lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn.
- Công tác xã hội hóa ở các tỉnh được đẩy mạnh, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế, bao gồm cả kinh tế tư nhân tham gia đầu tư, quản lý khai thác công trình cung cấp nước sạch nông thôn.
8. Tổng vốn của dự án
Tổng kinh phí của dự án: 227.000.000 USD, trong đó
Vốn vay Ngân hàng Thế giới: 200.000.000 USD
Vốn đối ứng: 8.500.000 USD
Vốn đóng góp từ cộng đồng: 18.500.000 USD
9. Cơ chế tài chính:
- Vốn vay ODA:
Đối với khoản vay từ IDA - WB, Chính phủ Việt Nam sẽ đóng vai trò bên vay và ký hiệp định vay vốn.
Dự kiến nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ IDA - WB sẽ được Chính phủ vay và chia làm 2 phần: Một phần sẽ được cấp phát để xây dựng các hệ thống cấp nước tập trung và công trình vệ sinh công cộng, hỗ trợ các hộ gia đình nghèo (được lựa chọn theo quy định hiện hành), hình thành quỹ quay vòng; phần vốn còn lại sẽ cho UBND các tỉnh vay.
UBND tỉnh sẽ cho chủ đầu tư vay lại nguồn vốn này. Các tổ chức/chủ đầu tư (chủ sở hữu hệ thống cấp nước) sẽ đảm nhận trách nhiệm vay và trả nợ. Việc thu hồi vốn được thực hiện bằng thu phí sử dụng nước.
- Vốn đối ứng: Ngân sách Trung ương bố trí vốn đối ứng cho Ban quản lý dự án Trung ương để thực hiện nhiệm vụ cấp Trung ương. Ngân sách địa phương để thực hiện các hoạt động dự án ở địa phương.
- Vốn cộng đồng đóng góp: Được sử dụng cho hạng mục xây dựng để kết nối với hệ thống cấp nước tập trung (10% tổng vốn xây dựng cơ bản của công trình).
10. Tổ chức và thực hiện dự án:
10.1. Cấp Trung ương:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Bộ quản lý Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đồng thời là cơ quan chủ quản của Chương trình dựa trên kết quả thực hiện tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng. Văn phòng thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là cơ quan tham mưu giúp Bộ trong việc theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại 08 tỉnh và tổng hợp vào kết quả thực hiện chung của Chương trình hàng năm theo quy định hiện hành.
Ban quản lý Trung ương dự án “Cấp nước và vệ sinh nông thôn đồng bằng sông Hồng” (CPO) - Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn có trách nhiệm giúp Bộ Nông nghiệp và PTNT tổng hợp báo cáo và kế hoạch giám sát hàng năm của 08 tỉnh và các đơn vị thực hiện khác. Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cũng sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo việc bố trí hợp lý công tác giám sát với việc thực hiện cùng với các báo cáo về các chỉ số liên kết giải ngân và các thành tố khác của khung kết quả.
10.2. Cấp địa phương:
- Ban chỉ đạo/chủ nhiệm Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 là cơ quan thay mặt UBND tỉnh chỉ đạo, quản lý, điều hành việc thực hiện chương trình đúng mục tiêu, đảm bảo các kết quả đầu ra như cam kết.
- Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan đầu mối, cơ quan thường trực của Chương trình chịu trách nhiệm báo cáo tổng hợp, thu thập thông tin và đánh giá. Bên cạnh đó, cơ quan này chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực, truyền thông; đầu tư xây dựng các công trình cấp nước, VSMT nông thôn.
Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh có trách nhiệm phê duyệt kết quả đầu ra của chương trình trong phạm vi tỉnh và báo cáo kết quả với Bộ NN&PTNT thông qua Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn dưới sự giám sát của UBND các tỉnh.
Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư các công trình cấp nước; chịu trách nhiệm tổng hợp tất cả các hoạt động giám sát theo yêu cầu của chương trình.
- Sở Y tế: có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai thực hiện các hoạt động về truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh; lựa chọn xây dựng, sử dụng, bảo quản các nhà tiêu HVS. Phối hợp triển khai và phát triển nguồn vốn tín dụng nhằm cải thiện và xây mới nhiều hơn nữa các công trình vệ sinh. Sở Y tế đóng vai trò chủ chốt trong việc giám sát, đánh giá chất lượng xây dựng nhà vệ sinh. Các nhân viên y tế tại các làng, xã sẽ tham gia vào quá trình đánh giá.
- Sở Giáo dục và Đào tạo: Có trách nhiệm chỉ đạo các hoạt động về nước sạch và vệ sinh trong phòng học.
- Hội LHPN tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, thực hiện quỹ quay vòng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn phương thức dựa trên kết quả tại 08 tỉnh đồng bằng sông Hồng để đề nghị Ngân hàng Thế giới tài trợ cho chương trình trong tài khóa năm 2013.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 1256/TTg-QHQT phê duyệt danh mục Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn tại 08 tỉnh đồng bằng sông Hồng do Ngân hàng Thế giới tài trợ của Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 800/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành