Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2004/BYT-KH-TC
V/v xuất khẩu khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn và khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19

Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2020

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Y tế xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số nội dung liên quan đến khả năng cung ứng và nhu cầu trong nước, khả năng xuất khẩu khẩu trang để phòng, chống dịch COVID-19 như sau:

1. Về khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn:

Loại khẩu trang này được các đơn vị sản xuất theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất và quy định tại Quyết định số 870/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn kỹ thuật tạm thời cho khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn. Theo thông tin từ Bộ Công thương và số liệu Bộ Y tế nắm được, hiện nay có 24 doanh nghiệp đã tham gia sản xuất khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn với năng lực là 3,86 triệu chiếc/ngày và có thì tăng công suất sản xuất từ 5 -10 triệu chiếc. Nhu cầu sử dụng trong ngành y tế có mức độ1.

Mặt hàng này không phải khẩu trang y tế nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ về việc áp dụng chế độ cấp phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19. Do đó cần khuyến khích sản xuất để xuất khẩu tùy theo năng lực sản xuất của các đơn vị.

2. Đối với khẩu trang y tế:

2.1. Khẩu trang N95 và tương đương: Loại khẩu trang này rất cần trong phòng, chống dịch COVID-19, theo báo cáo hiện trong nước chỉ có 01 nhà sản xuất sản phẩm tiêu chuẩn tương đương với năng lực sản xuất tối đa 40.000 chiếc/ngày, tuy nhiên do khó khăn về nguyên liệu nên cũng chỉ duy trì được sản xuất trong khoảng 20 ngày/tháng với sản lượng 15.000 chiếc/ngày; hiện nay cũng có một số nhà sản xuất đang nghiên cứu sản xuất loại khẩu trang này tuy nhiên sản lượng thấp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước nên chưa xuất khẩu được.

2.2. Khẩu trang y tế sản xuất theo tiêu chuẩn TCVN 8389-1:2010:

a) Về năng lực sản xuất:

Theo báo cáo, tính đến thời điểm này có 68 doanh nghiệp đăng ký sản xuất khẩu trang y tế với năng lực đăng ký sản xuất khoảng 5,2 triệu chiếc/ngày. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu khó khăn, nguyên liệu chính là màng lọc khuẩn, dây thun, nẹp... chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc; hiện nay rất khó nhập khẩu, giá tăng nên một số doanh nghiệp không đủ hoặc không có nguyên liệu để sản xuất như sản lượng đã đăng ký, một số doanh nghiệp không sản xuất do không nhập được nguyên liệu2.

Bộ Y tế đã có công văn số 1485/BYT-TB-CT ngày 22/3/2020 hướng dẫn việc thay thế màng vi lọc nhập khẩu để sản xuất khẩu trang y tế bằng lớp vải không dệt SMS (Spunbond + Meltblown + Spunbond Nonwovens) nhưng thực tế nhiều đơn vị vẫn chưa chuyển đổi để sản xuất theo nguyên liệu mới được do phải điều chỉnh về tiêu chuẩn, thiết bị, quy trình sản xuất3... và không tiếp cận được nguồn nguyên liệu là vải không dệt SMS. Hiện Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Công Thương làm việc với đơn vị sản xuất nguyên liệu này để đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng và cung ứng cho các cơ sở sản xuất vật tư y tế.

b) Về nhu cầu trong nước:

Trong giai đoạn hiện nay, khẩu trang y tế là loại vật tư cần thiết trong khám, chữa bệnh hàng ngày của các cơ sở y tế (ước khoảng 2 triệu chiếc/ngày) và phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Bộ Y tế để có hướng dẫn loại khẩu trang này chỉ nên sử dụng cho các cơ sở y tế, cơ sở cách ly, cho cán bộ tham gia phòng, chống dịch. Về khẩu trang cho phòng, chống dịch, Bộ Y tế đã xin ý kiến Ban Chỉ đạo quốc gia, trình và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho mua 60 triệu khẩu trang y tế, tính đến 07/4/2020 đã ký hợp đồng mua 46 triệu chiếc, giao hàng trong tháng 4 và tháng 5/2020, đang thương thảo một số hợp đồng mua 14 triệu chiếc còn lại để bảo đảm đến 15/6/2020 mua đủ 60 triệu chiếc.

c) Về khả năng xuất khẩu:

- Năng lực sản xuất các đơn vị đăng ký là rất lớn, tuy nhiên năng lực sản xuất thực sự thấp hơn nhiều do thiếu nguyên liệu như đã nêu trên. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm khẩu trang y tế cho phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản4 gửi các đơn vị sản xuất, cung ứng khẩu trang y tế báo cáo về năng lực sản xuất thực tế, giá và số lượng có thể cung cấp cho Bộ Y tế và các cơ sở y tế. Tính đến thời điểm 09/4/2020, Bộ Y tế chỉ nhận được thông tin về giá và số lượng khẩu trang y tế có khả năng cung cấp của 20/68 đơn vị sản xuất, đã ký hợp đồng mua của 10 đơn vị có khẩu trang bảo đảm chất lượng, giá bán thấp với số lượng 46 triệu chiếc nêu trên. Còn 10 đơn vị có khả năng cung cấp đến 31/5/2020 khoảng 42 triệu chiếc.

Hiện nay có một số đơn vị đã gửi văn bản về Bộ Y tế báo cáo việc đầu tư thêm các dây truyền và tăng công suất sản xuất.

d) Kiến nghị và đề xuất

Để tận dụng thời cơ sản xuất và xuất khẩu khẩu trang y tế, Bộ Y tế xin báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ:

- Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ theo hướng cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế theo nguyên tắc bảo đảm nhu cầu sử dụng trong nước (khoảng 2 triệu chiếc/ngày) còn lại được xuất khẩu.

Do các đơn vị có công suất sản xuất khác nhau nên tỷ lệ điều tiết giữa sử dụng trong nước và xuất khẩu sẽ do Bộ Y tế xem xét sau khi đơn vị báo cáo Bộ Y tế về các hợp đồng đã bán cho các cơ sở y tế trên toàn quốc.

- Các đơn vị xuất khẩu phải tập trung cho các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì, trao đổi với các nước về nhu cầu và thông báo cho các đơn vị xuất khẩu.

- Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh gia tăng nhanh thì lập tức dừng việc xuất khẩu khẩu trang y tế.

Bộ Y tế xin kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTg Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Văn phòng chính phủ;
- Các Bộ: TC, CT, TP;
- Các đ/c Thứ trưởng BYT;
- Lưu: VT, KH-TC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG



Nguyễn Thanh Long

 



1 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 451/QĐ-TTg ngày 03/4/2020 bổ sung kinh phí phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (lần 3), trong đó bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để mua 10 triệu khẩu trang kháng giọt bắn, kháng khuẩn; hiện nay Bộ Y tế đang tiến hành các thủ tục để thực hiện hiệp thương giá theo Thông báo số 122/TB-VPCP ngày 24/3/2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 để mua loại khẩu trang này.

2 Ví dụ Công ty cổ phần Tanaphar: năng lực đăng ký 70.000 chiếc/ngày nhưng ngày 24/3/2020 có văn bản báo cáo hết nguyên liệu sản xuất; Công ty TNHH SX-TM-DV Tân Thái Bình Dương: năng lực đăng ký 50.000 chiếc/ngày nhưng ngày 31/3/2020 có văn bản báo cáo thiếu nguyên liệu sản xuất…

3 Ví dụ Công ty Perfect Việt Nam, Chi nhánh Công ty TNHH XNK Thái Châu báo cáo chưa sản xuất được vì máy móc và nguồn nguyên liệu chưa nhập về…

4 Công văn số 1417/BYT-TB-CT ngày 19/3/2020, công văn số 1658/BYT-TB-CT ngày 27/3/2020 gửi UBND, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát các cơ sở sản xuất để báo cáo Bộ Y tế về số cơ sở, năng lực sản xuất khẩu trang, vật tư y tế chống dịch. Công văn số 1486/BYT-TB-CT ngày 22/3/2020, công văn số 1654/BYT-KH-TC ngày 27/3/2020 đề nghị các đơn vị sản xuất, cung ứng khẩu trang y tế chào giá và số lượng khẩu trang y tế cung ứng cho Bộ Y tế và các cơ sở y tế; Bộ Y tế cũng đã có công văn số 1770/BYT-KH-TC ngày 31/3/2020 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phải rà soát các cơ sở sản xuất, cung ứng khẩu trang y tế đã cấp phép sản xuất và thông báo cho các đơn vị sản xuất, cung ứng cung cấp thông tin về số lượng có thể bán cho Bộ Y tế và các cơ sở y tế.