Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2012/LĐTBXH-BHXH  
V/v trả lời công văn số 10/TGPL ngày 8/3/2010 của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu  

Hà Nội, ngày 21 tháng 06 năm 2010

 

Kính gửi: Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Trả lời công văn số 10/TGPL ngày 08/3/2010 của quý Trung tâm về việc khác nhau giữa Khoản 4 Điều 139 Luật Bảo hiểm xã hội điểm 8 Khoản 11 Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH ngày 23/9/2008, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

Từ ngày 01/01/1995 Bộ Luật Lao động có hiệu lực thi hành, theo đó chính sách bảo hiểm xã hội được thực hiện theo cơ chế mới, cơ chế có đóng-có hưởng. Trước năm 1995, chính sách bảo hiểm xã hội được áp dụng đối với cán bộ, công chức, công nhân, viên chức Nhà nước. Người lao động làm việc cho Nhà nước, được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội mà không phải đóng góp. Thời gian tính hưởng bảo hiểm xã hội là thời gian công tác liên tục trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Nhà nước. Khi người lao động nghỉ việc (không phải do bị phạt tù, bị buộc thôi việc hoặc tự ý bỏ việc) đều được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội hoặc chế độ trợ cấp thôi việc, theo quy định của chính sách Nhà nước thời kỳ đó.

Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều trường hợp người lao động nghỉ việc từ trước ngày 01/01/1995 với nhiều lý do khác nhau như: do chờ sắp xếp công việc, chờ giải quyết chế độ, do ốm đau dài ngày, nên đã không tiếp tục làm việc, mà chưa được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội hoặc trợ cấp thôi việc một lần.

Để đảm bảo quyền lợi đối với người lao động, từ năm 1996 đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động có thời gian làm việc trong khu vực Nhà nước mà nghỉ việc trước ngày 01/01/1995, cụ thể:

- Công văn số 843/LĐTBXH ngày 25/3/1996 hướng dẫn giải quyết tồn đọng về bảo hiểm xã hội trong giai đoạn trước khi Bộ Luật Lao động có hiệu lực thi hành (thời gian thực hiện giải quyết tồn đọng từ năm 1996 đến tháng 10/2001 mới kết thúc).

- Công văn số 2347/LĐTBXH-BHXH ngày 7/8/2001 giải quyết các trường hợp tồn đọng cá biệt về bảo hiểm xã hội.

- Thông tư số 26/2003/TT-BLĐTBXH ngày 9/12/2003 hướng dẫn cấp sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động nghỉ chờ việc trước ngày 01/01/1995 theo quy định tại Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09/01/2003 của Chính phủ, trong đó đối tượng áp dụng là Người lao động làm việc thuộc khu vực nhà nước quản lý, nghỉ chờ việc từ ngày 01/11/1987 đến trước ngày 01/01/1995 do doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức không sắp xếp, bố trí được việc làm. Thông tư này có hiệu lực thi hành đến hết năm 2005.

- Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH ngày 23/9/2008 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/01/2007 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó điểm 8 Khoản 11 hướng dẫn cụ thể việc cấp sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động làm việc thuộc khu vực Nhà nước, nghỉ chờ việc từ ngày 01/11/1987 đến trước ngày 01/01/1995 do doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức không sắp xếp, bố trí được việc làm nhưng chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Mốc thời gian từ ngày 01/11/1987 đến trước ngày 01/01/1995 là thời điểm ban hành Quyết định số 217-HĐBT ngày 14/11/1987 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành các chính sách đổi mới kế hoạch hóa và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đối với xí nghiệp quốc doanh. Theo đó, các xí nghiệp quốc doanh đã được giao quyền chủ động trong tuyển dụng, bố trí và đãi ngộ nhân sự. Thời điểm này, nhiều đơn vị đã cho người lao động nghỉ chờ việc trong lúc sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Nhiều trường hợp người lao động nghỉ chờ việc, sau đó xí nghiệp không bố trí trở lại làm việc. Đây là trường hợp nghỉ việc phổ biến trước năm 1995 của người lao động mà chưa được giải quyết chế độ chính sách.

Còn lại, số ít trường hợp người lao động không thuộc diện nghỉ chờ việc thì thực hiện giải quyết tồn đọng cá biệt trên cơ sở có đầy đủ hồ sơ và văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ, ngành chủ quản trong đó có kết luận về thời gian công tác, lý do nghỉ việc và chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc bảo hiểm xã hội một lần.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời để quý Trung tâm biết.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Sở LĐTBXH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
- Bảo hiểm xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
- Lưu VP, Vụ BHXH.

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ BẢO HIỂM XÃ HỘI




Trần Thị Thúy Nga