Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2016/BHXH-BT
V/v thu BHYT đối với công chức, viên chức trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác

Hà Nội, ngày 09 tháng 06 năm 2014

 

Kính gửi: Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Căn cứ Điều 24 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức; Điều 23 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức; Công văn số 720/BYT-BH ngày 21/2/2014 của Bộ Y tế về thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) đối với công chức, viên chức trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn như sau:

1. Trường hợp khi công chức, viên chức bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác để xem xét, xử lý kỷ luật.

a) Mức đóng hằng tháng: của 50% mức tiền lương theo ngạch bậc và phụ cấp đóng BHYT (nếu có) tháng liền kề trước khi bị tạm giữ, tạm giam hoặc tạm đình chỉ công tác.

b) Thành phần hồ sơ

- Văn bản đề nghị (mẫu D01b-TS); Hai (02) bản danh sách lao động tham gia bảo hiểm xã hội, BHYT (mẫu D02-TS) theo quy định tại Điểm 1.1, Điều 22 Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về ban hành quy định quản lý thu bảo hiểm xã hội, BHYT; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ BHYT (Quyết định số 1111/QĐ-BHXH).

- Bản sao quyết định tạm giữ, tạm giam hoặc quyết định tạm đình chỉ công tác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Trường hợp sau khi thời gian bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác để xem xét, xử lý kỷ luật nếu công chức, viên chức không bị xử lý kỷ luật hoặc được kết luận là oan sai thì thực hiện truy thu BHYT.

a) Mức truy thu BHYT: của 50% số tiền lương theo ngạch bậc và phụ cấp đóng BHYT (nếu có) được truy lĩnh trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam hay tạm đình chỉ công tác.

b) Thành phần hồ sơ

- Văn bản đề nghị (mẫu D01b-TS); Hai (02) bản danh sách lao động tham gia bảo hiểm xã hội, BHYT (mẫu D02-TS) theo quy định tại Điểm 1.1, Điều 22 Quyết định số 1111/QĐ-BHXH.

- Bản sao giấy tờ chứng minh là không bị xử lý kỷ luật hoặc được kết luận là oan sai.

c) Không tính lãi truy thu BHYT đối với trường hợp này.

3) Sử dụng thẻ BHYT

- Trường hợp thẻ BHYT còn giá trị sử dụng thì tiếp tục sử dụng thẻ BHYT cũ đã cấp trong thời gian chưa tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác.

- Trường hợp thẻ BHYT hết giá trị sử dụng thì được cấp thẻ BHYT mới theo mã đối tượng và mã quyền lợi như đơn vị quản lý đối tượng đã đăng ký cho công chức, viên chức ở thời điểm trước khi bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác.

- Trường hợp sau thời gian bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác để xem xét, xử lý kỷ luật nếu công chức, viên chức bị tòa án tuyên là có tội hoặc xử lý kỷ luật đối với hình thức buộc thôi việc thì thực hiện thu hồi thẻ BHYT của công chức, viên chức.

- Trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ công chức, viên chức không được hưởng quyền lợi BHYT và thời gian này được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục.

4. Tổ chức thực hiện

4.1. Trung tâm Công nghệ thông tin có trách nhiệm bổ sung phần mềm phù hợp quy định tại văn bản này.

4.2. Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phản ánh về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để nghiên cứu, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng Giám đốc (để b/c);
- Các Phó Tổng Giám đốc;
- Các Ban: ST, CSYT, CSXH, CNTT;
- Lưu: VT, BT (03b).

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Đỗ Văn Sinh