BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2085/TCT-HTQT | Hà Nội, ngày 05 tháng 06 năm 2014 |
Kính gửi: Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Thiết kế Chuo Senko Việt Nam.
Tiếp theo công văn số 1686/TCT-HTQT ngày 13/5/2014 trả lời Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Thiết kế Chuo Senko Việt Nam (sau đây gọi là CSV) về việc áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Thái Lan (sau đây gọi là Hiệp định), căn cứ ý kiến của Cục Bản quyền tác giả tại công văn số 128/BQTG-TTHTQT ngày 27/5/2014, Tổng cục Thuế có ý kiến về nghĩa vụ thuế của Công ty TNHH Đại chúng Chuo Senko Thái Lan (sau đây gọi là CST) đối với Hợp đồng dịch vụ (Services Agreement) ngày 01/4/2008 giữa CSV và CST (sau đây gọi là Hợp đồng) để sản xuất phim quảng cáo như sau:
1. Quy định tại Hiệp định
Khoản 1, 2 và 3, Điều 12 (Tiền bản quyền) của Hiệp định quy định:
“1. Tiền bản quyền phát sinh tại một Nước ký kết và được trả cho đối tượng cư trú của Nước ký kết kia có thể phải chịu thuế tại Nước kia.
2. Tuy nhiên, những khoản tiền bản quyền đó cũng có thể bị đánh thuế tại Nước ký kết nơi phát sinh và theo luật của Nước này nhưng nếu người nhận là người thực hưởng thì mức thuế được tính sẽ không vượt quá 15% tổng số tiền bản quyền được trả.
3. Thuật ngữ “tiền bản quyền” được sử dụng trong Điều này có nghĩa là các khoản thanh toán ở bất kỳ dạng nào được trả cho việc sử dụng, hoặc quyền sử dụng, bản quyền tác giả của một tác phẩm văn học, nghệ thuật hay khoa học, kể cả phim điện ảnh hoặc các loại phim khác hoặc các loại băng dùng trong phát thanh và truyền hình, bằng phát minh, nhãn hiệu thương mại, thiết kế hoặc mẫu, đồ án, công thức hoặc quy trình bí mật hoặc quyền sử dụng hoặc việc sử dụng thiết bị công nghiệp, thương nghiệp hoặc khoa học, hay trả cho thông tin liên quan đến các kinh nghiệm công nghiệp, thương nghiệp hoặc khoa học.”
2. Quy định tại Hợp đồng
Điểm 5 (trang 5) của Hợp đồng quy định về quyền sở hữu trí tuệ như sau:
“CST và CSV:
(a) thỏa thuận rằng tất cả các quyền sở hữu trí tuệ và bất kỳ giá trị vật chất nào được tạo ra trong quá trình cung cấp các Dịch vụ sẽ thuộc về HVN; và
(b) thừa nhận rằng tất cả các quyền sở hữu trí tuệ trong tương lai theo khoản (a) sẽ thuộc về (vests in) HVN kể từ ngày nó được tạo ra.”
Theo quy định nêu trên, tất cả các quyền sở hữu trí tuệ và bất kỳ giá trị vật chất nào được tạo ra trong quá trình cung cấp các Dịch vụ sẽ thuộc về HVN hay tất cả các quyền sở hữu trí tuệ trong tương lai sẽ thuộc về (vests in) HVN kể từ ngày nó được tạo ra.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2, Điều 39, Luật Sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và Khoản 3, Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong khi đó, giữa CST và HVN không có thỏa thuận nào về việc HVN là chủ sở hữu quyền tác giả đối với các đĩa CD quảng cáo. Đồng thời, tại các bản báo giá do CSV cung cấp mà theo CSV có thể xem như hợp đồng dịch vụ ký giữa HVN và CSV không có thỏa thuận nào về việc HVN là chủ sở hữu quyền tác giả đối với các đĩa CD quảng cáo.
Căn cứ các nội dung nêu trên, không có cơ sở để khẳng định HVN là chủ sở hữu quyền tác giả đối với các đĩa CD quảng cáo.
Do đó, các khoản phí sản xuất phim quảng cáo và phí dịch vụ mà CSV phải trả CST (sau đó HVN sẽ trả cho CSV theo hóa đơn của CSV) chính là các khoản phí trả cho quyền sử dụng các đĩa CD quảng cáo, và cũng không phải trả cho quyền sở hữu các đĩa CD quảng cáo do CST sản xuất.
Như vậy, căn cứ theo quy định tại Khoản 3, Điều 12 (Tiền bản quyền) của Hiệp định nêu trên, khoản thanh toán do CSV trả cho CST là khoản thanh toán trả cho quyền sử dụng các loại phim hoặc các loại băng dùng trong phát thanh và truyền hình (đĩa CD quảng cáo sản phẩm xe Honda hai bánh trên truyền hình), và được coi là thu nhập từ tiền bản quyền.
Đồng thời, căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 12 của Hiệp định, thu nhập nêu trên thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam với mức thuế suất không vượt quá 15% tổng số tiền bản quyền được trả.
Tổng cục Thuế thông báo CSV biết để thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1 Công văn 326/TCT-HTQT năm 2015 áp dụng Hiệp định thuế giữa Việt Nam và Singapore do Tổng cục Thuế ban hành
- 2 Công văn 3866/TCT-HTQT năm 2014 áp dụng Hiệp định thuế Việt Nam - Hà Lan đối với hoạt động chuyển nhượng vốn do Tổng cục Thuế ban hành
- 3 Công văn 1686/TCT-HTQT năm 2014 áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Thái Lan do Tổng cục Thuế ban hành
- 4 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009
- 5 Luật Sở hữu trí tuệ 2005
- 6 Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Thái Lan