Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ
CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 210/BTCCBCP-CQĐP
V/v thi hành Nghị định 09/1998/NĐ-CP, Nghị định 40/1999/NĐ-CP và Nghị định 46/2000/NĐ-CP.

Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm 2001

 

Kính gửi: Ban Tổ chức chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Quá trình triển khai thực hiện các Nghị định 09/1998/NĐ-CP, Nghị định 40/1999/NĐ-CP và Nghị định 46/2000/NĐ-CP, Ban Tổ chức chính quyền của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị hướng dẫn một số nội dung chế độ đối với cán bộ xã, phường, thị trấn, việc bố trí các chức danh khác và phó trưởng Công an xã, phó trưởng Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn theo quy định của Chính phủ.

Trên cơ sở thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam về một số nội dung liên quan đến việc thi hành các Nghị định trên, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn một số nội dung sau đây:

1- Về phụ cấp 5% tái cử đối với cán bộ xã, phường, thị trấn theo khoản 6 Điều 3 Nghị định số 09/1998/NĐ-CP khoản 1.1 điểm 1 Mục I Thông tư Liên tịch số 99/1998/TTLT-TCCP-BTC-BLĐTB&XH:

- Cán bộ giữ chức vụ bầu cử hoặc cán bộ được bổ nhiệm vào các chức danh thuộc số lượng được Chính phủ quy định, không nhất thiết phải giữ cùng một chức danh, nếu công tác liên tục thì từ năm thứ 6 trở đi được hưởng phụ cấp 5% của mức sinh hoạt phí của chức danh đang đảm nhiệm.

- Cán bộ bổ nhiệm vào một trong 4 chức danh chuyên môn đã được hoặc chưa được xếp theo ngạch bậc chuyên môn đều không được hưởng phụ cấp 5% tái cử.

- Những cán bộ giữ chức vụ bầu cử đã được hưởng phụ cấp 5% tái cử theo Nghị định 50/CP ngày 26/7/1995 của Chính phủ thì vẫn tiếp tục được hưởng khoản phụ cấp này theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP.

2- Việc bố trí các chức danh khác thuộc Ủy ban nhân dân dân xã, phường, thị trấn theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 09/1998/NĐ-CP, Nghị định 40/1999/NĐ-CP và Nghị định 46/2000/NĐ-CP:

- Theo số lượng cán bộ được quy định tại Điều 1 Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 của Chính phủ, ngoài các chức danh cán bộ bầu cử và 4 chức danh chuyên môn theo Điều 3 Nghị định số 09/1998/NĐ-CP thì tùy thuộc khối lượng công việc của từng lĩnh vực và khả năng cán bộ có thể bố trí số cán bộ còn lại vào trong số các chức danh khác thuộc Ủy ban nhân dân sau đây: lao động - thương binh và xã hội, văn hóa thông tin - thể dục thể thao, kinh tế (quản lý nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch…), giao thông thủy lợi và phát triển nông thôn (đối với xã), quản lý trật tự xây dựng và môi trường đô thị (đối với phường), kế hoạch - thống kê - dân số và trẻ em. Những nơi đã bố trí các chức danh khác các chức danh trên, cần điều chỉnh lại cho thống nhất. Những lĩnh vực công tác không đủ cán bộ thì bố trí kiêm nhiệm.

- Việc bố trí chức danh khác: phó trưởng Công an thực hiện theo Nghị định 40/1999/NĐ-CP ngày 23/6/1999 của Chính phủ về Công an xã; phó trưởng Ban chỉ huy Quân sự thực hiện theo Nghị định số 46/2000/NĐ-CP ngày 12/9/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/CP ngày 14/6/1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện Pháp lệnh dân quân tự vệ, nếu bố trí chức danh nào thì được cộng thêm chức danh đó ngoài số lượng cán bộ đã quy định tại Điều 1 Nghị định số 09/1998/NĐ-CP.

3- Quyền lợi bảo hiểm xã hội, chế độ trợ cấp nghỉ việc đối với cán bộ xã, phường, thị trấn:

a/ Cán bộ xã, phường, thị trấn có thời gian công tác trước tháng 1 năm 1998 giữ các chức danh chuyên trách được quy định tại các văn bản trước năm 1998 của Chính phủ, của Liên bộ hoặc của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ mà không bị gián đoạn công tác quá 12 tháng thì được tính là liên tục công tác để tính bảo hiểm xã hội theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP (kể cả những trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cử đi học và liền sau đó về địa phương giữ một trong các chức vụ nêu tại các văn bản trên). Cán bộ thực hiện bảo hiểm xã hội theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP được cộng dồn thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

b/ Cán bộ xã, phường, thị trấn có quá trình công tác trước tháng 1 năm 1998 đã từng liên tục giữ các chức danh nêu tại khoản 1 điểm 3 trên đây từ 5 năm trở lên nhưng trong quá trình công tác có thời gian bị gián đoạn quá 12 tháng mà không bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên và chưa hưởng trợ cấp khi nghỉ việc, sau đó lại tiếp tục công tác theo Nghị định 09/1998/NĐ-CP, thì thời gian công tác trước khi bị gián đoạn được giải quyết chế độ trợ cấp một lần, mỗi năm công tác được ngân sách xã trợ cấp một tháng sinh hoạt phí theo mức quy định của chức danh đảm nhiệm tại thời điểm trước khi gián đoạn công tác do Chính phủ quy định.

Ban Tổ chức chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ các nội dung hướng dẫn trên đây, chủ trì và phối hợp với các ngành ở địa phương để tổ chức thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng - Trưởng ban (để báo cáo)
- Như trên (để thực hiện),
- Bộ Tài chính (để phối hợp),
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (để phối hợp),
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam (để phối hợp),
- Lưu VT, CQĐP(2).

KT. BỘ TRƯỞNG - TRƯỞNG BAN
BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
PHÓ TRƯỞNG BAN




Đặng Quốc Tiến