Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2114/BCT-HC
V/v triển khai thực hiện Nghị định số 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón

Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 2014

 

Kính gửi:

- Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón;
- Các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến lĩnh vực phân bón.

 

Ngày 27 tháng 11 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2014. Hiện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xem xét ban hành Thông tư hướng dẫn và quy định cụ thể một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP. Trong thời gian chưa có Thông tư hướng dẫn thi hành, trên cơ sở thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương yêu cầu:

1. Về sản xuất phân bón

Các tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh phân bón nếu chưa đáp ứng đủ điều kiện về sản xuất, kinh doanh phân bón theo Nghị định số 202/2013/NĐ-CP thì trong vòng hai năm, tính từ ngày 01 tháng 02 năm 2014 phải bổ sung đủ điều kiện. Để đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, tổ chức, cá nhân cần chuẩn bị:

- Bổ sung trang thiết bị sản xuất, đo lường, kiểm tra chất lượng sản phẩm phân bón;

- Bổ sung hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải và hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo quy định hiện hành;

- Xác lập quyền sở hữu trí tuệ về thương hiệu cho các sản phẩm phân bón;

- Thực hiện theo các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 202/2013/NĐ-CP do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

2. Về xuất khẩu, nhập khẩu phân bón

2.1. Tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu phân bón thực hiện các quy định về điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu phân bón tại Điều 16, Điều 17 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP. Cụ thể:

- Đối với phân bón vô cơ, các tổ chức chứng nhận do Bộ Công Thương chỉ định;

- Đối với phân bón hữu cơ và phân bón khác, các tổ chức chứng nhận do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định.

2.2. Tạm thời xuất trình cơ quan Hải quan một số giấy tờ, tài liệu sau (quy định tại Điều 16 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP) để tổ chức, cá nhân xuất khẩu phân bón:

- 01 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có ngành nghề về kinh doanh phân bón do cơ quan có thẩm quyền cấp, chỉ xuất trình khi xuất khẩu lần đầu;

- 01 bản sao hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước nhập khẩu;

- Phiếu kiểm nghiệm chất lượng lô phân bón xuất khẩu phù hợp với quy định của hợp đồng xuất khẩu.

2.3. Tạm thời xuất trình cơ quan Hải quan một số giấy tờ, tài liệu sau (quy định tại Điều 17 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP) để tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón:

a) Trường hợp nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh:

- 01 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có ngành nghề về kinh doanh phân bón do cơ quan có thẩm quyền cấp, chỉ xuất trình khi nhập khẩu lần đầu;

- 01 bản sao Thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy về chất lượng loại phân bón nhập khẩu (đối với phân bón hữu cơ và phân bón khác) của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi có trụ sở chính cấp, chỉ xuất trình lần đầu khi nhập khẩu cho mỗi loại phân bón;

- 01 Giấy chứng nhận hợp quy lô phân bón nhập khẩu phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng do tổ chức chứng nhận hợp quy phân bón được chỉ định cấp hoặc Phiếu kết quả thử nghiệm/Giấy chứng nhận do một tổ chức thử nghiệm hoặc tổ chức chứng nhận phân bón trong các nước ký kết Hiệp định/Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (Mutual Recognition Arrangements/Agreements-MRA) cấp.

b) Trường hợp nhập khẩu để khảo nghiệm, nghiên cứu, làm hàng mẫu:

01 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có ngành nghề về kinh doanh phân bón do cơ quan có thẩm quyền cấp, chỉ xuất trình khi nhập khẩu lần đầu.

3. Về khảo nghiệm phân bón

- Đối với các loại phân bón đã qua khảo nghiệm được Hội đồng Khoa học công nghệ nghiệm thu các kết quả khảo nghiệm phân bón mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Trồng trọt) thành lập đã đạt yêu cầu thì được phép thực hiện chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy để sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu;

- Đối với các loại phân bón đã được cấp Giấy chứng nhận khảo nghiệm, đang khảo nghiệm hoặc kết thúc khảo nghiệm theo quy định của Thông tư số 52/2010/TT-BNNPTNT nhưng chưa được Hội đồng Khoa học công nghệ nghiệm thu các kết quả khảo nghiệm phân bón mới thông qua phải thực hiện khảo nghiệm hoặc khảo nghiệm bổ sung theo quy phạm khảo nghiệm phân bón mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành;

- Đối với các loại phân bón chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng quy định tại Điều 18 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP, khi sản xuất hoặc nhập khẩu trên nhãn sản phẩm phải ghi rõ “hàng mẫu” hoặc “sản phẩm nghiên cứu hoặc khảo nghiệm”, không được kinh doanh. Hạn mức sản xuất, nhập khẩu đối với phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ và phân bón khác chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tạm thời dựa trên các căn cứ sau: Liều lượng sử dụng cho loại cây trồng, loại phân bón có trong tài liệu hướng dẫn; tổng diện tích thử nghiệm không được vượt quá 30 ha cho một loại phân bón.

4. Về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy

- Trong vòng 12 (mười hai) tháng, tính từ ngày 01 tháng 02 năm 2014, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phân bón có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy chất lượng đối với loại phân bón đang thực hiện sản xuất, nhập khẩu. Danh mục phân bón phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy chất lượng tạm thời áp dụng theo Phụ lục 1 và Phụ lục 2 kèm theo Công văn này;

- Việc chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với các loại phân bón vô cơ thực hiện theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;

- Việc chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với các loại phân bón hữu cơ và phân bón khác thực hiện theo Thông tư số 55/2012/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thủ tục chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trên đây là một số nội dung triển khai thực hiện Nghị định số 202/2013/NĐ-CP, yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón và các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến lĩnh vực phân bón thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Tổng cục Hải quan (để phối hợp);
- Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNN);
- Các đơn vị: Vụ KHCN, Vụ TTTN, Cục XNK, Cục QLTT;
- Lưu: VT, HC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Cao Quốc Hưng

 

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC PHÂN BÓN PHẢI CHỨNG NHẬN HỢP QUY VÀ CÔNG BỐ HỢP QUY
(Kèm theo Công văn số: 2114/BCT-HC ngày 19 tháng 3 năm 2014 của Bộ Công Thương)

TT

Loại phân bón

Chỉ tiêu phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy

1

Urê

- Hàm lượng Biuret

2

Supe lân

- Hàm lượng a xít tự do

3

Phân lân nhập khẩu, DAP, phân lân nung chảy

- Hàm lượng Cadimi (Cd)

4

Phân hữu cơ

- Hàm lượng hữu cơ tổng số

- Hàm lượng Nts

- Ẩm độ đối với dạng bột

- pH H2O, tỷ trọng đối với phân bón dạng lỏng

5

Phân hữu cơ sinh học

- Hàm lượng hữu cơ tổng số

- Hàm lượng Nts

- Hàm lượng axít Humíc đối với phân bón sản xuất từ nguồn than bùn

- Các chất sinh học đối với phân bón sản xuất từ các nguồn hữu cơ khác ngoài than bùn

- Ẩm độ đối với phân bón dạng bột

- pH H2O, tỷ trọng đối với phân bón dạng lỏng

6

Phân hữu cơ khoáng

- Hàm lượng hữu cơ tổng số

- Ẩm độ đối với phân bón thể rắn

- Tổng hàm lượng: Nts+P2O5hh + K2Oht; Nts+P2O5hh; Nts +K2Oht; P2O5hh +K2Oht

7

Phân hữu cơ vi sinh

- Ẩm độ đối với phân bón dạng bột

- Hàm lượng hữu cơ tổng số

- Mật độ mỗi chủng vi sinh vật có ích đăng ký

8

Phân vi sinh vật

- Mật độ mỗi chủng vi sinh vật có ích đăng ký

9

Phân bón có bổ sung chất điều tiết sinh trưởng

- Hàm lượng mỗi chất điều tiết sinh trưởng đăng ký

- Tổng hàm lượng các chất điều tiết sinh trưởng đăng ký

10

Các loại phân bón: Hữu cơ; Hữu cơ khoáng; Hữu cơ vi sinh; Hữu cơ sinh học sản xuất từ nguyên liệu là rác thải đô thị, phế thải công nghiệp chế biến từ nông sản, thực phẩm, phế thải chăn nuôi.

- Asen (As),

- Cadimi (Cd),

- Chì (Pb),

- Thuỷ ngân (Hg),

- Mật độ Salmonella,

 

PHỤ LỤC 2

CHỈ TIÊU ĐỊNH LƯỢNG BẮT BUỘC TRONG PHÂN BÓN
(Kèm theo Công văn số: 2114/BCT-HC ngày 19 tháng 3 năm 2014 của Bộ Công Thương)

STT

Chỉ tiêu

Định lượng bắt buộc

1

Phân hữu cơ khoáng

 

 

- Hàm lượng hữu cơ tổng số

Không thấp hơn 15%

 

- Ẩm độ: đối với phân bón dạng bột

Không vượt quá 25%

 

- Tổng hàm lượng Nts+P2O5hh + K2Ohh;

Nts+P2O5hh; Nts +K2Ohh; P2O5hh + K2Ohh

Không thấp hơn 8%

2

Phân hữu cơ

 

 

- Ẩm độ đối với phân bón dạng bột

Không vượt quá 25%

 

- Hàm lượng hữu cơ tổng số

Không thấp hơn 22%

 

- Hàm lượng đạm tổng số (Nts)

Không thấp hơn 2,5%

 

- pHH2O (đối với phân hữu cơ bón qua lá)

Trong khoảng từ 5 -7

3

Phân hữu cơ sinh học

 

 

- Ẩm độ đối với phân bón dạng bột

Không vượt quá 25%

 

- Hàm lượng hữu cơ tổng số

Không thấp hơn 22%

 

- Hàm lượng Nts

Không thấp hơn 2,5%

 

- Hàm lượng axit Humic (đối với phân chế biến từ than bùn)

- Tổng hàm lượng các chất sinh học (đối với phân chế biến từ nguồn hữu cơ khác)

Không thấp hơn 2,5%

Không thấp hơn 2,0%

 

- pHH2O (đối với phân hữu cơ sinh học bón qua lá)

Trong khoảng từ 5-7

4

Phân hữu cơ vi sinh

 

 

- Ẩm độ đối với phân bón dạng bột

Không vượt quá 30%

 

- Hàm lượng hữu cơ tổng số

Không thấp hơn 15%

 

- Mật độ mỗi chủng vi sinh vật có ích

Không thấp hơn 1x 106 CFU/g (ml)

5

Phân vi sinh vật

- Mật độ mỗi chủng vi sinh vật có ích

 

Không thấp hơn 1x 108 CFU/g (ml)

6

Phân có bổ sung chất điều tiết sinh trưởng

- Tổng hàm lượng các chất điều tiết sinh trưởng

 

Không vượt quá 0,5%

7

Phân urê

- Hàm lượng biuret

 

Không vượt quá 1,5%

8

Phân supe lân

- Hàm lượng a xít tự do

 

Không vượt quá 4,0%

9

Phân bón hữu cơ; hữu cơ khoáng; hữu cơ vi sinh; hữu cơ sinh học sản xuất từ nguyên liệu là rác thải đô thị, từ phế thải công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, phế thải chăn nuôi; phân bón lá có nguồn gốc hữu cơ

 

 

- Hàm lượng Asen (As)

Không vượt quá 3,0 mg/kg (lít) hoặc ppm

 

- Hàm lượng Cadimi (Cd)

Không vượt quá 2,5 mg/kg (lít) hoặc ppm

 

- Hàm lượng Chì (Pb)

Không vượt quá 300,0 mg/kg (lít) hoặc ppm

 

- Hàm lượng Thuỷ ngân (Hg)

Không vượt quá 2,0 mg/kg (lít) hoặc ppm

 

- Mật độ Vi khuẩn Salmonella

Không phát hiện trong 25g hoặc 25 ml mẫu kiểm tra (CFU)

10

Phân lân nhập khẩu, phân DAP và phân lân nung chảy

- Hàm lượng Cadimi (Cd)

Không vượt quá 12,0 mg/kg hoặc ppm