Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 214/BTP-HTQTCT
V/v tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức làm công tác hộ tịch

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2019

 

Kính gửi: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Theo quy định tại Điều 72 và khoản 3 Điều 76 của Luật Hộ tịch thì từ ngày 01/01/2020 tất cả công chức làm công tác hộ tịch phải có đủ tiêu chuẩn chuyên môn luật (từ trung cấp luật trở lên đối với công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã và cử nhân luật đối với công chức Phòng Tư pháp cấp huyện), được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch và cấp chứng chỉ, đồng thời từ ngày 01/01/2016, UBND các cấp chỉ được bố trí, tuyển dụng mới người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hộ tịch làm công tác hộ tịch.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Luật Hộ tịch, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017- 2024 (ban hành kèm Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 23/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có Quyết định số 2247/QĐ-BTP ngày 25/12/2015 ban hành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch và Quyết định số 2412/QĐ-BTP ngày 15/11/2016 ban hành Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch cho công chức làm công tác hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp xã và cấp huyện. Trong 02 năm 2017, 2018, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo và các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch của địa phương.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Tư pháp, đến nay Học viện Tư pháp và 05 Trường Trung cấp Luật mới phối hợp tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho khoảng 9.000 công chức làm công tác hộ tịch của trên 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trong tổng số 21.036 công chức làm công tác hộ tịch trên cả nước)1. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, chỉ chưa đầy 12 tháng nữa đến mốc thời gian 01/01/2020, vẫn còn gần 20 địa phương và trên 12.000 công chức làm công tác hộ tịch vẫn chưa được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ theo quy định2.

Bộ Tư pháp đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo bố trí kinh phí và giao Sở Tư pháp chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ sở đào tạo và các đơn vị liên quan của Bộ Tư pháp triển khai tổ chức các lớp bồi dưỡng để cấp chứng chỉ nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch của địa phương theo quy định, bảo đảm hoàn thành trước ngày 01/01/2020.

Trên đây là ý kiến của Bộ Tư pháp xin gửi để UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT, HTQTCT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Khánh Ngọc

 



1 Có nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch nhưng chưa bảo đảm cho 100% công chức làm công tác hộ tịch (ở cả cấp xã và cấp huyện).

2 Gồm các tỉnh: Hà Nội, Kon Tum, Cao Bằng, Phú Yên, Bình Thuận, Gia Lai, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nam, Thái Bình, Bình Định, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Bình Phước...