Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2144/BNV-TCBC
V/v trao đổi ý kiến về nội dung bài báo

Hà Nội, ngày 23 tháng 6 năm 2011

 

Kính gửi: Báo Điện tử Đại biểu nhân dân

Sau khi nghiên cứu nội dung bài báo “Bộ Nội vụ giao biên chế công chức cho các tỉnh có đúng thẩm quyền không?” của tác giả Đoàn Nhuận đăng ngày 13/5/2011 trên trang Website của quý Báo tại địa chỉ: http://daibieunhandan.vn (gửi kèm theo bài báo này), Bộ Nội vụ xin trao đổi ý kiến với quý Báo như sau:

1. Tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 66 của Luật Cán bộ, công chức quy định: Chính phủ quyết định biên chế công chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước; căn cứ vào chỉ tiêu biên chế được Chính phủ giao, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định biên chế công chức trong cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập của Ủy ban nhân dân các cấp.

Theo đó, tại Nghị định số 21/2010/NĐ – CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức, Chính phủ đã quy định trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quyết định về biên chế công chức như sau:

a) Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ:

- Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng biên chế công chức, biên chế công chức dự phòng, biên chế công chức làm việc ở nước ngoài của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Khoản 1 Điều 14).

- Giao biên chế công chức sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với từng bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Khoản 2, Điều 14).

b) Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: Quyết định giao biên chế công chức trong cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong biên chế công chức được cấp có thẩm quyền giao (Điều 16).

c) Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

- Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp huyện lập kế hoạch biên chế công chức hàng năm (Khoản 1 Điều 17).

- Trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh biên chế công chức và triển khai thực hiện sau khi được Hội đồng nhân dân quyết định (Khoản 2 Điều 17).

Như vậy, theo những quy định nêu trên, Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định giao biên chế công chức đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và trách nhiệm của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định giao biên chế công chức trong cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong biên chế công chức được Bộ trưởng Bộ Nội vụ giao.

2. Quyết định số 319/QĐ – BNV ngày 28/02/2011 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc giao biên chế công chức năm 2011 trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 187/QĐ – TTg ngày 29/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về biên chế công chức năm 2011 của các cơ quan hành chính nhà nước là có đủ căn cứ pháp lý và đúng thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 21/2010/NĐ – CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức.

Việc Quyết định số 319/QĐ – BNV phản ánh chi tiết số lượng tăng, giảm biên chế công chức đối với từng cơ quan, tổ chức hành chính thuộc địa phương quản lý là căn cứ trên cơ sở đề nghị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm lập kế hoạch biên chế công chức hàng năm gửi về Bộ Nội vụ để thẩm định, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong kế hoạch biên chế công chức hàng năm, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải ghi chi tiết việc tăng hoặc giảm biên chế công chức tại từng cơ quan, tổ chức hành chính cụ thể. Như vậy, Quyết định số 319/QĐ – BNV phản ánh cụ thể việc bổ sung biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính là căn cứ theo đề nghị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi có Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ giao cụ thể biên chế công chức cho địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt biên chế công chức và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; trong đó thể hiện cả số lượng biên chế được bổ sung cho từng cơ quan, tổ chức hành chính của địa phương.

Trên đây là ý kiến của Bộ Nội vụ về bài báo nêu trên để trao đổi, làm rõ hơn với tác giả và những người quan tâm đến việc này. Đồng thời, đề nghị Báo Điện tử Đại biểu nhân dân đăng cải chính theo nội dung công văn này để bạn đọc hiểu đúng thẩm quyền của Bộ Nội vụ về việc quyết định giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- TT Nguyễn Duy Thăng (để b/c)
- Lưu: VT, TCBC (3b)

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ TỔ CHỨC – BIÊN CHẾ




Vũ Văn Thái