BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2146/BNN-HTQT | Hà Nội, ngày 27 tháng 07 năm 2011 |
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Hiệp định vay vốn giữa Chính phủ Việt Nam và Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA), khoản vay số Cr.4518-VN về Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp đã được ký ngày 9/12/2008 và có hiệu lực ngày 9/3/2009. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 1846/QĐ-BNN-HTQT ngày 19/6/2008 về việc phê duyệt dự án Cạnh tranh Nông nghiệp, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) thuộc khoản vay nói trên.
I. TÓM TẮT DỰ ÁN
1. Tên dự án: Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp (ACP).
2. Cơ quan thực hiện: Ban quản lý dự án ACP (PCU) – Ban quản lý các dự án Nông nghiệp.
3. Mục tiêu của dự án: Mục tiêu phát triển của dự án là nâng cao khả năng cạnh tranh của nông dân sản xuất nhỏ tại 8 tỉnh miền Trung tại Việt Nam thông qua việc liên kết sản xuất với khối doanh nghiệp nông nghiệp.
4. Địa điểm đầu tư: 8 tỉnh dự án gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đăk Lăk và tỉnh Lâm Đồng.
5. Nội dung đầu tư: Dự án có 3 hợp phần:
- Hợp phần A: Tăng cường công nghệ nông nghiệp (16,2 triệu USD do IDA tài trợ toàn bộ). Hợp phần này sẽ hỗ trợ xác định và thực hiện các nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các công nghệ sản xuất tiên tiến, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo tính bền vững về môi trường do việc nâng cao tính cạnh tranh của các biện pháp canh tác tạo ra.
- Hợp phần B: Hỗ trợ liên minh sản xuất (28,5 triệu USD). Hợp phần này sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của các hộ nông dân sản xuất nhỏ và doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ thành lập, phát triển theo hướng tư nhân các liên minh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư cho ngành nông nghiệp.
- Hợp phần C: Nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu (24 triệu USD). Hợp phần này giải quyết những nhu cầu cơ sở hạ tầng thiết yếu giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, những hoạt động đầu tư này sẽ đóng góp vào việc giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm chi phí vận chuyển và tăng năng suất nông nghiệp.
- Hợp phần D: Quản lý dự án và phát triển thể chế (6,3 triệu USD). Hợp phần này cung cấp các hỗ trợ cần thiết để đảm bảo việc thực hiện dự án có hiệu quả.
5. Tổng vốn đầu tư và nguồn vốn:
Tổng vốn đầu tư: 75 triệu USD
Trong đó:
- Vốn vay của IDA: 59.8 triệu USD
- Vốn tư nhân: 12.9 triệu USD
- Vốn đối ứng (ngân sách các cấp): 2.3 triệu USD
6. Thời gian thực hiện: 2009 – 2013
II. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN DỰ ÁN.
1. Tiến độ thực hiện
1.1. Hợp phần A: Tăng cường công nghệ nông nghiệp
- Ban quản lý dự án các tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn tròn, tham vấn nông dân và đã xác định được 107 chủ đề nghiên cứu và chuyển giao. WB không phản đối về các điều khoản tham chiếu (TOR) của 87 chủ đề, trong đó đã có 58 chủ đề được phê duyệt và 36 chủ đề được ký hợp đồng với tổng giá trị khoảng 28 tỷ đồng.
- Hỗ trợ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện chương trình giám sát dư lượng hóa chất 2009 – 2010, in ấn và phát hành danh mục thuốc BVTV. Hầu hết các tỉnh đã ký hợp đồng với Chi cục BVTV thực hiện chương trình giám sát dư lượng hóa chất 2010 – 2011; Giám sát trại và chợ buôn bán nông sản: các kết quả này đang được kiểm tra, báo cáo và tổng kết đánh giá kết quả chương trình phân tích nhanh và giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các trang trại và chợ; Tổ chức triển khai các lớp tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông cơ sở và nông dân theo kế hoạch đã được WB không phản đối;
- Dự kiến cam kết thực hiện đến tháng 12/2011 cho Hợp phần A: trao thầu cho các gói thầu tư vấn (A1, A2) của 107 chủ đề khoảng 90 tỷ đồng, dự kiến giải ngân đạt 22 tỷ đồng.
1.2. Hợp phần B: Hỗ trợ liên minh sản xuất
- Tiểu hợp phần B1: Thành lập các liên minh sản xuất mới.
PCU đã tổ chức 04 đợt thẩm định để lựa chọn các liên minh sản xuất (các tỉnh giai đoạn 1 tham gia 4 đợt và các tỉnh giai đoạn 2 tham gia 3 đợt). Tiểu hợp phần B1 đã có 98 đề xuất được WB không phản đối, trong đó có 56 đề xuất đã được WB không phản đối kế hoạch kinh doanh, và 42 liên minh đủ điều kiện giải ngân và đang trong quá trình thực hiện đối với số tiền đã được phê duyệt là 243,5 tỷ đồng.
- Tiểu hợp phần B2: Nhân rộng chuỗi giá trị thành công do PCU trực tiếp quản lý và thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
Đến nay đã có 15 đề xuất mở rộng liên minh sản xuất và có 04 liên minh đã hoàn thành các điều kiện giải ngân và đang triển khai thực hiện với tổng số vốn đã được phê duyệt là khoảng 30 tỷ đồng, các liên minh còn lại đang trong quá trình viết kế hoạch kinh doanh.
- Tiểu hợp phần B3, B4: Thông tin tuyên truyền: Các Ban quản lý dự án các tỉnh (PPMU) đã in ấn và phát tờ rơi nhằm kêu gọi thành lập liên minh, in các pano và tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm quảng bá, tuyên truyền về dự án; Thiết lập và duy trì các Website của dự án tạo ra một diễn đàn trao đổi thông tin, tuyên truyền và xây dựng mạng lưới kết nối giữa các đối tác (nông dân, doanh nghiệp) với dự án; PCU đang phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn để nghiên cứu các biện pháp tăng cường hiệu quả các nguồn hỗ trợ của nhà nước đối với liên minh sản xuất, hoàn thiện chính sách liên kết các đối tác và sửa đổi Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/06/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng cho phù hợp với giai đoạn hiện nay.
- Dự kiến cam kết thực hiện đến tháng 12/2011: Các liên minh đủ điều kiện giải ngân (B1, B2) khoảng 400 tỷ đồng, dự kiến giải ngân khoảng 120 tỷ đồng.
1.3. Hợp phần C: Cơ sở hạ tầng thiết yếu
- Dựa trên đề xuất các công trình thiết yếu được xác định bởi cấp địa phương và các tiêu chí hướng dẫn đánh giá của dự án, PPMUs của 08 tỉnh tham gia đã xác định được 90 công trình được WB không phản đối trong đó (77 C1 và 13 C2) được WB thông qua; 58 công trình đã được Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật.
- Có 24 công trình C1 ký hợp đồng với tổng giá trị khoảng 67 tỷ đồng
- Có 23 công trình đang thực hiện công tác đấu thầu.
- Đối với 11 công trình đã được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo Kinh tế Kỹ thuật (KT-KT), các PPMU đang trong quá trình lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng và Báo cáo về chính sách an toàn xã hội, cam kết bảo vệ môi trường.
- Đối với 32 công trình còn lại các PPMU đang tổ chức thiết kế, thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo KT-KT để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo: An toàn môi trường, xã hội GPMB; sau đó thực hiện công tác đấu thầu.
- Dự kiến cam kết thực hiện đến tháng 12/2011 cho Hợp phần C: trao thầu cho 90 công trình đã được xác định khoảng 240 tỷ đồng, dự kiến giải ngân khoảng 120 tỷ đồng.
1.4. Hợp phần D: Quản lý dự án
- Về nhân sự: hầu hết các PPMU đã hoàn thiện việc tuyển chọn các vị trí cán bộ/tư vấn theo đúng yêu cầu của dự án, gia hạn hợp đồng đối với các tư vấn làm việc tại các PPMU.
- Trang thiết bị làm việc cho các PPMU đã hoàn thành.
- Đã tổ chức hội nghị hướng dẫn về nghiệp vụ mua sắm, đấu thầu, quản lý tài chính và mua sắm cho Hợp phần B.
- Công tác giám sát, đánh giá đã và đang được tăng cường.
- Từ ngày 15/2 đến ngày 8/3/2011, Dự án đã tổ chức đoàn đánh giá giữa kỳ dự án và xem xét việc mở rộng dự án đối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
- Dự án đã tổ chức đoàn công tác/học tập về liên minh sản xuất tại Colombia, tổ chức hội thảo giám sát đánh giá dự án; Hội nghị rủi ro giá cà phê…
2. Tình hình giải ngân
2.1. Kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm 2011: Tổng khối lượng thực hiện trong 6 tháng đầu năm là 124 tỷ đồng đạt 46% kế hoạch năm, trong đó giải ngân là 68,7 tỷ đồng đạt 25% kế hoạch năm (272,2 tỷ đồng).
2.2. Dự kiến cam kết thực hiện đến tháng 12/2011:
- Hợp phần A: Trao thầu cho các gói thầu tư vấn (A1, A2) của 107 chủ đề khoảng 90 tỷ đồng.
- Hợp phần B: Các liên minh đủ điều kiện giải ngân (B1, B2) khoảng 440 tỷ đồng.
- Hợp phần C: Trao thầu cho 90 công trình đã được xác định khoảng 240 tỷ đồng.
- Hợp phần D: Trao thầu khoảng 80 tỷ đồng.
Như vậy ước tổng số vốn trao thầu đến 31/12/2011 đạt khoảng 850 tỷ đồng chiếm khoảng 54% tổng số vốn dự án, dự kiến giải ngân năm 2011 là 260 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch năm 2011.
3. Đánh giá chung
Tình hình thực hiện dự án đã được cải thiện đáng kể từ năm 2011, khối lượng công việc đã triển khai khá lớn, nhiều nội dung hoạt động đã gần đạt được mục tiêu đề ra, nhìn chung tiến độ thực hiện công việc là khá tốt. Mặc dù số vốn giải ngân còn thấp (khoảng 13%) nhưng nếu tính thêm vào số vốn đã cam kết dưới dạng các hợp đồng và kế hoạch kinh doanh đang thực hiện (khoảng 25 triệu USD) thì tổng số vốn giải ngân và cam kết đạt hơn 50% sau 2 năm thực hiện. Ban điều phối dự án dự tính tình hình giải ngân sẽ tiến triển tốt và đạt được mục tiêu trong thời gian thực hiện còn lại.
III. TIẾP NHẬN VỐN VIỆN TRỢ KHÔNG HOÀN LẠI CỦA CƠ QUAN PHÁT TRIỂN QUỐC TẾ CANADA
- Dự án ACP được thiết kế với cách tiếp cận mới nhằm tăng cường tính cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam sau khi gia nhập WTO. Do đó, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và tăng cường năng lực cho các cơ quan thực hiện dự án đóng vai trò quan trọng then chốt. Trong quá trình chuẩn bị dự án từ năm 2008, WB và Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ động tìm kiếm các nhà tài trợ song phương để hỗ trợ thêm cho dự án, mặc dù có một số nơi quan tâm nhưng chưa có nhà tài trợ nào chính thức cam kết. Trong quá trình thực hiện dự án, WB, Bộ Nông nghiệp và PTNT và PCU tiếp tục chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ không hoàn lại của để tài trợ cho các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực nhằm thay thế một phần nguồn vốn vay tín dụng IDA theo chủ trương của Chính phủ trong quá trình đàm phán ký Hiệp định tài trợ vào tháng 12/2008.
- Trong suốt năm 2010, Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (CIDA) đã quan tâm, tìm hiểu nội dung hoạt động, phương pháp tiếp cận của dự án ACP, đặc biệt là khả năng mở rộng dự án ra các tỉnh ĐBSCL (chi tiết nêu trong Bản ghi nhớ của Đoàn đánh giá của WB lần thứ 3 và Đánh giá giữa kỳ MTR). Những nội dung hoạt động của Dự án ACP phù hợp với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam về lĩnh vực nông nghiệp của tổ chức CIDA. Chính vì vậy, CIDA đã chính thức đồng ý tài trợ không hoàn lại cho dự án ACP khoản tiền là 3.097.835 đô la CAD (Ba triệu không trăm chín mươi bảy nghìn tám trăm ba mươi lăm Đô la Canada); tương đương với 3.2 triệu USD, tài trợ ủy thác qua WB.
- Trong hội thảo đánh giá giữa kỳ tổ chức tại Cần Thơ ngày 01/3/2011 và tại cuộc họp tổng kết đánh giá giữa kỳ ngày 08/3/2011 tại Hà Nội do Thứ trưởng Bùi Bá Bổng chủ trì, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thống nhất với WB về mục đích sử dụng nguồn vốn không hoàn lại của CIDA để tài trợ các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật được thiết kế trong dự án ACP nhằm để thay thế một phần nguồn vốn vay của IDA (xem bảng bên dưới). Đối với nguồn vốn dôi dư ra từ nguồn IDA, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tham vấn với WB để xem xét trình Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng thêm cho các hoạt động đầu tư cần thiết nhất là khi có chủ trương mở rộng địa bàn dự án ra các tỉnh ĐBSCL để hỗ trợ các liên minh sản xuất lúa gạo và cây ăn quả, nhằm đảm bảo tốt mục tiêu an ninh lương thực cho đất nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng này.
TT | Dự kiến nội dung thực hiện | Số tiền (1.000 USD) |
1 | Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật dự án (RTAO) | 2.182 |
2 | Các chuyên gia tư vấn trong nước cho các PPMUs | 768 |
3 | Nâng cao năng lực cho cán bộ PCU, RTAO, PPMUs: tập huấn, hội nghị hội thảo, thăm quan học tập trong và ngoài nước | 250 |
| Tổng | 3.200 |
Ngân hàng Thế giới với vai trò quản lý nguồn vốn ủy thác của CIDA đã có thư chính thức và Dự thảo Hiệp định Tài trợ không hoàn lại gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 08/7/2011 về việc tiếp nhận nguồn vốn và thời hạn tiếp nhận chậm nhất là 45 ngày (kể từ ngày 08/7/2011). Tiếp sau đó ngày 19/7/2011, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 5526/NHNN-HTQT gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc đề nghị Bộ tiến hành các thủ tục tiếp nhận khoản đồng tài trợ của CIDA cho Dự án ACP theo Quy định tại Nghị định 131/2006/NĐ-CP ngày 09/11/2006 của Chính phủ ban hành.
Trong bối cảnh khan hiếm các nguồn vốn đầu tư cho ngành nông nghiệp và khoản viện trợ từ CIDA là viện trợ không hoàn lại, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và tiến hành các thủ tục cần thiết để tiếp nhận khoản viện trợ nêu trên.
Cảm ơn sự hợp tác của Quý Bộ./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 3965/VPCP-QHQT về cơ cấu lại vốn để mở rộng Dự án "Cạnh tranh nông nghiệp" do Ngân hàng Thế giới tài trợ của Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Công văn 3826/BNN-HTQT năm 2011 về đề cương cơ cấu lại vốn để mở rộng phạm vi thực hiện Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3 Công văn 3847/TCHQ-TXNK về hàng viện trợ không hoàn lại làm từ thiện do Tổng cục Hải quan ban hành
- 4 Quyết định 3056/QĐ-BNN-TC năm 2010 Hướng dẫn tổ chức và hoạt động cho các liên minh sản xuất thuộc dự án Cạnh tranh Nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5 Công văn số 492/TTg-QHQT về việc phê duyệt danh mục Dự án Cạnh tranh nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Nghị định 131/2006/NĐ-CP ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức
- 7 Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Công văn số 492/TTg-QHQT về việc phê duyệt danh mục Dự án Cạnh tranh nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Công văn số 929/TTg-KTN về việc khung chính sách đền bù và tái định cư Dự án Cạnh tranh nông nghiệp vay vốn Ngân hàng Thế giới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 3056/QĐ-BNN-TC năm 2010 Hướng dẫn tổ chức và hoạt động cho các liên minh sản xuất thuộc dự án Cạnh tranh Nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4 Công văn 3847/TCHQ-TXNK về hàng viện trợ không hoàn lại làm từ thiện do Tổng cục Hải quan ban hành
- 5 Công văn 3965/VPCP-QHQT về cơ cấu lại vốn để mở rộng Dự án "Cạnh tranh nông nghiệp" do Ngân hàng Thế giới tài trợ của Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6 Công văn 3826/BNN-HTQT năm 2011 về đề cương cơ cấu lại vốn để mở rộng phạm vi thực hiện Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành