Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2147/TCT-TNCN
V/v hướng dẫn chính sách thuế thu nhập cá nhân, thuế TNDN

Hà Nội, ngày 02 tháng 07 năm 2013

 

Kính gửi:

Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn
(Địa chỉ: Số 6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh)

 

Trả lời công văn số 249/BSG-KTTK ngày 2/5/2013 của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn về việc thù lao của người đại diện phần vốn của Tổng công ty vào doanh nghiệp khác, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Về thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thù lao người đại diện Tổng công ty:

Theo hướng dẫn tại khoản 1, mục II, Phần D Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08/9/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân thì:

"Khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của đối tượng nộp thuế trước khi trả thu nhập".

Theo hướng dẫn tại Thông tư số 242/2009/TT-BTC ngày 30/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Quy chế quản lý tài chính của Công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 5/2/2009 của Chính phủ.

Trường hợp theo Quy chế tài chính Tổng công ty yêu cầu các công ty con liên kết chuyển trả các khoản thù lao của người đại diện Tổng công ty cho Tổng công ty để Tổng công ty trả cho người đại diện thì các công ty con, liên kết không phải khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của người đại diện. Khi Tổng công ty trả tiền thù lao cho người đại diện phải thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

2. Về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp:

Tại khoản 2, khoản 3, Điều 15 Thông tư số 242/2009/TT-BTC ngày 30/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Quy chế quản lý tài chính của Công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 5/02/2009 của Chính phủ thì:

"Trường hợp người đại diện là thành viên kiêm nhiệm không tham gia chuyên trách trong ban quản lý, điều hành doanh nghiệp khác được doanh nghiệp khác trả thù lao có trách nhiệm thông báo cho doanh nghiệp mà người đại diện được giao làm đại diện phần vốn nhà nước để doanh nghiệp đó chuyển trực tiếp các khoản thù lao cho đại diện cho chủ sở hữu quản lý và chi trả theo quy định. Trong đó:

- Trường hợp đại diện chủ sở hữu là công ty nhà nước;

- Toàn bộ khoản thu từ tiền thù lao do doanh nghiệp có người đại diện kiêm nhiệm nộp về được hạch toán vào thu nhập khác của công ty.

- Toàn bộ số chi trả phụ cấp người đại diện được hạch toán vào chi phí khác của công ty.

- Trường hợp đại diện chủ sở hữu là các cơ quan quản lý nhà nước thì khoản thu về thù lao của người đại diện được theo dõi riêng để thực hiện chi trả phụ cấp người đại diện theo chế độ quy định.

Hàng năm, căn cứ vào kết quả phân loại đánh giá hoạt động quản lý điều hành doanh nghiệp khác và kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đại diện, đại diện chủ sở hữu quyết định mức chi trả phụ cấp người đại diện cho các cá nhân được cử làm người đại diện phần vốn nhà nước ở doanh nghiệp khác theo quy định".

Tại khoản 23 Điều 7 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 và hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008, Nghị định số 122/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì:

"Thu nhập khác là các khoản thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế mà khoản thu nhập này không thuộc các ngành, nghề lĩnh vực kinh doanh ghi trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Thu nhập khác bao gồm các khoản thu nhập sau:

…23. Các khoản thu nhập khác theo quy định của pháp luật".

Tại khoản 1, Điều 6 Thông tư số 123/2012/TT-BTC nêu trên quy định về khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng được các điều kiện:

"Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật".

Tại điểm 2, điểm 4 Điều 4 Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu quy định:

"… Đối với viên chức quản lý được cử đại diện vốn góp ở nhiều công ty, doanh nghiệp khác thì khoản thù lao do công ty, doanh nghiệp khác trả được nộp về công ty để chi trả theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ, nhưng tối đa không vượt quá 50% mức tiền lương thực tế được hưởng tại công ty. Phần còn lại (nếu có) được hạch toán vào thu nhập khác của công ty.

Tiền lương, thù lao của viên chức quản lý được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh và được thể hiện thành một mục trong báo cáo tài chính hàng năm của công ty".

Theo hướng dẫn nêu trên thì trường hợp Tổng công ty nhận được khoản tiền thù lao trả cho người đại diện từ các công ty con, liên kết, Tổng công ty hạch toán khoản tiền nhận được này vào thu nhập khác để xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; trường hợp Tổng công ty chi trả tiền phụ cấp cho người đại diện theo quy định và hạch toán vào chi phí khác thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện nêu tại khoản 1, Điều 6 Thông tư số 123/2012/TT-BTC nêu trên.

Tổng cục Thuế trả lời để Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn được biết.

 

 

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ QL THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Duy Minh