- 1 Chỉ thị 7823/CT-BGDĐT năm 2009 về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm 2009 - 2010 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2 Quyết định 179/QĐ-BGDĐT năm 2010 phê duyệt Chương trình hành động triển khai Nghị quyết 05-NQ/BCSĐ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2196/BGDĐT-GDĐH | Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 2010 |
Kính gửi: | - Các đại học, học viện; |
Thực hiện Chỉ thị số 7823/CT-BGDĐT ngày 27 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm học 2009-2010 và Quyết định số 179/QĐ-BGDĐT ngày 11/01/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Phê duyệt Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ ngày 06/01/2010 của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, các trường ĐH, CĐ cần tổ chức xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho các ngành nghề đào tạo của trường. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm học này, là một trong những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của từng cơ sở đào tạo và toàn ngành, là cam kết của các cơ sở giáo dục đại học về chất lượng đào tạo với xã hội, về năng lực của người học sau khi tốt nghiệp.
Để thống nhất về nội dung, cách thức xây dựng và công bố chuẩn đầu ra các ngành đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và công bố chuẩn đầu ra các ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học như sau:
1. Khái niệm chuẩn đầu ra ngành đào tạo
Chuẩn đầu ra là quy định về nội dung kiến thức chuyên môn; kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức công nghệ và giải quyết vấn đề; công việc mà người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp và các yêu cầu đặc thù khác đối với từng trình độ, ngành đào tạo.
2. Mục tiêu xây dựng và công bố chuẩn đầu ra
a) Công khai với xã hội về năng lực đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường để: Người học, phụ huynh, nhà tuyển dụng biết và giám sát; Thực hiện những cam kết của nhà trường với xã hội về chất lượng đào tạo để cán bộ quản lý, giảng viên và người học nỗ lực vươn lên trong giảng dạy và học tập; Đổi mới công tác quản lý đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá và đổi mới phương phương pháp học tập; đồng thời, xác định rõ nghĩa vụ và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên trong các hoạt động giảng dạy, phục vụ giảng dạy và quản lý nhằm giúp người học vươn lên trong học tập và tự học để đạt chuẩn đầu ra.
b) Công khai để người học biết được các kiến thức sẽ được trang bị sau khi tốt nghiệp một chuyên ngành, một trình độ về chuẩn năng lực nghề nghiệp, về kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức và giải quyết vấn đề, công việc mà người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp.
c) Tạo cơ hội tăng cường hợp tác, gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng nhân lực cho xã hội, đáp ứng yêu cầu của các nhà sử dụng lao động.
3. Nội dung của chuẩn đầu ra
Căn cứ vào mục tiêu, yêu cầu chuyên môn của từng ngành đào tạo, nhà trường xây dựng và công bố chuẩn đầu ra trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài; thực tiễn đào tạo và điều kiện đặc thù của trường để bảo đảm chuẩn đầu ra có tính khoa học, thực tiễn và thực hiện được trên thực tế. Chuẩn đầu ra của ngành đào tạo ở mỗi trình độ bao gồm các nội dung sau:
a) Tên ngành đào tạo: tiếng Việt và tiếng Anh;
b) Trình độ đào tạo: cao đẳng hoặc đại học;
c) Yêu cầu về kiến thức: tri thức chuyên môn, năng lực nghề nghiệp,…
d) Yêu cầu về kỹ năng:
- Kỹ năng cứng: Kỹ năng chuyên môn, năng lực thực hành nghề nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giải quyết vấn đề,…
- Kỹ năng mềm: Kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm, khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học, …
đ) Yêu cầu về thái độ:
- Phẩm chất đạo đức, ý thức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân;
- Trách nhiệm, đạo đức, tác phong nghề nghiệp, thái độ phục vụ;
- Khả năng cập nhật kiến thức, sáng tạo trong công việc.
e) Vị trí làm việc của người học sau khi tốt nghiệp;
g) Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường;
h) Các chương trình, tài liệu, chuẩn quốc tế mà nhà trường tham khảo.
4. Quy trình xây dựng và công bố chuẩn đầu ra
Bước 1. Hiệu trưởng thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của trường. Thành phần gồm: Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo, Trưởng phòng Kế hoạch Tài vụ, Trưởng phòng Đào tạo, Trưởng phòng Khoa học, Trưởng các Khoa, Trưởng các bộ môn, các chuyên gia thuộc bộ môn hoặc đại diện các khoa khác đối với một số ngành đào tạo mang tính liên ngành, đại diện các nhà tuyển dụng (sử dụng lao động).
(Đối với các đại học, việc xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo do các trường thành viên thực hiện).
Bước 2. Ban chỉ đạo xây dựng và công bố chuẩn đầu ra tổ chức các phiên họp, thảo luận và thống nhất về mục tiêu, nội dung, cấu trúc, kế hoạch thời gian, cách thức triển khai, các nguồn lực và giao nhiệm vụ cho các khoa xây dựng chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo thuộc quản lý của Khoa.
Bước 3. Các khoa tổ chức xây dựng dự thảo chuẩn đầu ra, tổ chức hội thảo rộng rãi để lấy ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các nhà khoa học, giảng viên, các nhà tuyển dụng lao động, cựu sinh viên,… và hoàn thiện chuẩn đầu ra của từng ngành đào tạo.
Bước 4. Các khoa gửi dự thảo chuẩn đầu ra để lấy ý kiến phản hồi từ các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp, cựu sinh viên…
Bước 5. Hội đồng khoa học – đào tạo khoa bổ sung, hoàn thiện dự thảo chuẩn đầu ra ngành đào tạo trên cơ sở thu thập và phân tích ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, các cựu sinh viên… và báo cáo Hội đồng khoa học – đào tạo trường.
Bước 6. Hội đồng Khoa học – Đào tạo trường tổ chức hội thảo, lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo chuẩn đầu ra của tất cả các ngành đào tạo.
Bước 7. Công bố dự thảo chuẩn đầu ra các ngành đào tạo trên trang Web của trường để cán bộ quản lý, các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên, các nhà tuyển dụng, cựu sinh viên, các trường/khoa cùng khối ngành,… trong và ngoài trường cho ý kiến đóng góp.
Bước 8. Tiếp thu, hoàn thiện và Hiệu trưởng ký công bố chuẩn đầu ra các ngành đào tạo của trường thông qua website của trường, sổ tay sinh viên, sổ tay cán bộ giảng viên, tờ rơi; công bố cho xã hội thông qua báo chí và gửi văn bản báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Giáo dục Đại học, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục).
Bước 9. Chuẩn đầu ra phải được rà soát, điều chỉnh và bổ sung định kỳ, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu ngày càng cao của xã hội, của người sử dụng lao động.
Hằng năm, nhà trường rà soát, điều chỉnh chuẩn đầu ra cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, sự phát triển của khoa học, công nghệ và đặc biệt là đáp ứng nhu cầu xã hội, yêu cầu của các nhà tuyển dụng theo từng thời kỳ.
5. Các điều kiện đảm bảo chuẩn đầu ra
Trên cơ sở chuẩn đầu ra đã được công bố công khai, các trường cần tập tập trung củng cố và tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng để thực hiện đúng cam kết theo chuẩn đầu ra, cụ thể là đảm bảo các chuẩn về: chương trình đào tạo, thư viện giáo trình, cơ sở vật chất thiết bị, thí nghiệm, thực hành, thực tập, đội ngũ giảng viên, phương pháp giảng dạy, thi kiểm tra, đánh giá, liên kết giữa trường với doanh nghiệp và các hoạt động xã hội nghề nghiệp khác.
Việc xây dựng và công bố chuẩn đầu ra là yêu cầu bắt buộc, là cam kết của các trường về năng lực và chất lượng đào tạo để xã hội giám sát, vì vậy, căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng tổ chức triển khai xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho từng ngành, từng trình độ đào tạo ngay trong học kỳ II năm học 2009 - 2010.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Quyết định 179/QĐ-BGDĐT năm 2010 phê duyệt Chương trình hành động triển khai Nghị quyết 05-NQ/BCSĐ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2 Chỉ thị 7823/CT-BGDĐT năm 2009 về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm 2009 - 2010 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành