Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2215/VPCP-QHQT
V/v tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế.

Hà Nội, ngày 21 tháng 03 năm 2019

 

Kính gửi:

- Ban Đối ngoại Trung ương;
- Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội;
- Các Bộ: Ngoại giao; Công Thương; Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Ủy ban nhân dân các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng;
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- Hội Nông dân Việt Nam;
- Đài Truyền hình Việt Nam;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Tiếp theo Công văn số 613/VPCP-QHQT ngày 22 tháng 01 năm 2019 về tổ chức Phiên họp lần thứ ba Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế, căn cứ đề nghị của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:

1. Đồng ý tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo quốc gia) nhân 5 năm thành lập với các nội dung sau:

a) Mục tiêu của Hội nghị: đánh giá toàn diện kết quả Chính phủ thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị Khóa 11 về Hội nhập quốc tế và Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 05 tháng 11 năm 2016 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa 12 về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, với trọng tâm là thời kỳ 2014-2019, rút ra các bài học kinh nghiệm và đề ra các biện pháp tăng cường hội nhập quốc tế phù hợp trong thời gian tới.

b) Chủ đề Hội nghị: "Tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững".

c) Thời gian: trong nửa ngày đầu tháng 4 năm 2019.

d) Thành phần:

- Thủ tướng Chính phủ và các Thành viên Chính phủ.

- Đại diện lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước theo dõi lĩnh vực đối ngoại.

- Địa phương: mời lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố dự trực tuyến.

- Các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam.

- Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số Hiệp hội doanh nghiệp tiêu biểu.

- Một số tổ chức quốc tế ở Việt Nam, gồm: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Cơ quan Hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA).

2. Chương trình Hội nghị có các hoạt động chính sau:

a) Phóng sự truyền hình ngắn (khoảng 15 phút) về Kết quả hội nhập quốc tế 5 năm 2014-2019 (thay cho đọc báo cáo), với trọng tâm là tổng quan tình hình và kết quả Chính phủ thực hiện Nghị quyết 22 BCT khóa XI và Nghị quyết 06/TW Khóa 12 về hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực.

b) Tham luận của các cơ quan trung ương:

- Tham luận của đại diện Lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương về “Tăng cường công tác đối ngoại Đảng, góp phần triển khai hiệu quả hội nhập quốc tế sâu rộng”: mời đồng chí Hoàng Bình Quân, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương phát biểu.

- Tham luận của đại diện Lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Quốc hội về “Chủ động, tích cực triển khai định hướng chiến lược hội nhập quốc tế trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội”: mời đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phát biểu.

c) Tham luận của đại diện lãnh đạo địa phương, tổ chức nghề nghiệp, quần chúng, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp (mỗi phát biểu 5-7 phút), gồm:

- Tham luận của đại diện lãnh đạo các địa phương về “Vai trò của hội nhập quốc tế đối với sự phát triển của địa phương và những nhiệm vụ trọng tâm hội nhập của địa phương đến 2021”: mời đồng chí Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đồng chí Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu.

- Tham luận của đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Vai trò của Công đoàn Việt Nam trong hội nhập quốc tế”: mời đồng chí Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn phát biểu.

- Tham luận của đại diện lãnh đạo Hội nông dân Việt Nam về “Cơ hội và thách thức đối với nông dân Việt Nam trong hội nhập quốc tế, những kiến nghị để hội nhập quốc tế thực sự phục vụ phát triển nhanh và bền vững”: mời đồng chí Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam phát biểu.

- Tham luận của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về “Đánh giá của doanh nghiệp về kết quả hội nhập quốc tế và đề xuất vị trí và vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong liên kết kinh tế khu vực”: mời đồng chí Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu.

- Tham luận của Hiệp hội Da giày Việt Nam về “Những cơ hội và thách thức, và đề xuất các biện pháp tận dụng cơ hội cho các doanh nghiệp da giày Việt Nam từ các Hiệp định thương mại tự do”: mời Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam phát biểu.

d) Tham luận của đại biểu nước ngoài về “Hội nhập quốc tế: động lực quan trọng cho phát triển bền vững của Việt Nam”: mời ông Ousmann Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu.

đ) Phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên ngành hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng về “Kinh nghiệm và các bài học rút ra trong quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng; những trọng tâm hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh quốc phòng đến 2021”.

e) Phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế “kinh nghiệm và các bài học rút ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua; những trọng tâm hội nhập kinh tế quốc tế đến 2021”.

g) Phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên ngành hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học kỹ thuật và các lĩnh vực khác “kinh nghiệm và các bài học rút ra trong quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học kỹ thuật thời gian qua; những trọng tâm hội nhập trong lĩnh vực này đến 2021”.

h) Thủ tướng Chính phủ phát biểu kết luận.

3. Phân công chuẩn bị:

a) Văn phòng Chính phủ:

- Chuẩn bị công tác lễ tân, hậu cần và kết nối trực tuyến với các tỉnh, thành phố.

- Chủ trì, phối hợp với 03 Ban chỉ đạo liên ngành để hoàn thiện nội dung phát biểu của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam hoàn thiện phóng sự, báo cáo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh duyệt trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.

b) Cơ quan đầu mối Văn phòng các Ban Chỉ đạo liên ngành, gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng Chính phủ để chuẩn bị về nội dung; chủ trì chuẩn bị phát biểu của các Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành, trong đó nêu bật được các ưu tiên của hội nhập trên từng lĩnh vực để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, báo cáo các Phó Thủ tướng trước ngày 25 tháng 3 năm 2019.

c) Bộ Ngoại giao đề xuất Đề án tuyên truyền cho Hội nghị, bảo đảm hiệu quả cao nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định trước ngày 25 tháng 3 năm 2019; phối hợp với các cơ quan có tham luận để cung cấp các thông tin theo yêu cầu.

d) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất danh sách các Hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp tham dự Hội nghị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

đ) Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, cơ quan thường trực 03 Ban chỉ đạo liên ngành xây dựng Phóng sự truyền hình ngắn (khoảng 15 phút) về Kết quả hội nhập quốc tế 5 năm 2014-2019, báo cáo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh duyệt nội dung trước ngày 25 tháng 3 năm 2019.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TTg, các PTTg (để b/c);
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TKBT, KTTH, KGVX, PL, CN, NN, TH, TTTH, Cục Quản trị, TGĐ Cổng TTĐTCP;
- Lưu: VT, QHQT(3)M.A

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng