Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2237/BGDĐT-TCCB
V/v Hướng dẫn thực hiện chính sách quy định tại các Quyết định số 24,25,26,27/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 113/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2012

 

Kính gửi:

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ.

 

Thực hiện Quyết định số 24/2008/QĐ-TTg ngày 05/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010; Quyết định số 25/2008/QĐ-TTg ngày 05/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2010; Quyết định số 26/2008/QĐ-TTg ngày 05/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010; Quyết định số 27/2008/QĐ-TTg ngày 05/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010; Quyết định số 113/2009/QĐ-TTg ngày 11 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Quyết định: số 24/2008/QĐ-TTg; số 25/2008/QĐ-TTg; số 26/2008/QĐ-TTg và số 27/2008/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 (sau đây viết tắt là Quyết định số 24/2008/QĐ-TTg; Quyết định số 25/2008/QĐ-TTg; Quyết định số 26/2008/QĐ-TTg; Quyết định số 27/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 113/2009/QĐ-TTg);

Căn cứ công văn số 7642/VPCP-KGVX ngày 31 tháng 10 năm 2011 và công văn số 2440/VPCP-KGVX ngày 11 tháng 4 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân về việc hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách;

Theo thỏa thuận của Bộ Tài chính tại văn bản số 1259/BTC-HCSN ngày 01 tháng 02 năm 2012 về hướng dẫn Quyết định số 24/2008/QĐ-TTg, số 25/2008/QĐ-TTg, số 26/2008/QĐ-TTg, số 27/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 113/2009/QĐ-TTg,

Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; vùng Tây Nguyên; vùng đồng bằng sông Cửu Long thực hiện chi trả chế độ hỗ trợ, phụ cấp quy định tại Quyết định số 24/2008/QĐ-TTg, số 25/2008/QĐ-TTg, số 26/2008/QĐ-TTg, số 27/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 113/2009/QĐ-TTg, như sau:

1. Về thực hiện chi trả chế độ phụ cấp đối với giáo viên mầm non, nhà trẻ, mẫu giáo (sau đây gọi chung là giáo viên mầm non) thôn, bản ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

1.1 Đối tượng được hưởng: giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, không được xếp và hưởng lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; không được hưởng phụ cấp ưu đãi quy định tại Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ; không được hưởng các chính sách quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các giáo viên mầm non trên đã trực tiếp dạy và chăm sóc trẻ trong giai đoạn từ ngày 01/3/2008 đến ngày 31/12/2010 ở các cơ sở giáo dục mầm non (cơ sở giáo dục mầm non bao gồm: cơ sở giáo dục mầm non công lập, cơ sở giáo dục mầm non bán công chưa chuyển đổi loại hình, cơ sở giáo dục mầm non dân lập) tại các thôn, bản ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ ở các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ.

1.2 Thời gian tính hưởng và mức hưởng phụ cấp

a) Thời gian tính hưởng phụ cấp là số tháng thực dạy từ ngày 01/3/2008 đến ngày 31/12/2010.

b) Mức hưởng cho mỗi tháng thực dạy, như sau:

Thời gian

Mức hưởng/tháng

Ghi chú

Từ tháng 3/2008 đến 4/2009

270.000 đ

50% mức lương tối thiểu chung 540.000 đ

Từ tháng 5/2009 đến 4/2010

325.000 đ

50% mức lương tối thiểu chung 650.000 đ

Từ tháng 5/2010 đến 12/2010

365.000 đ

50% mức lương tối thiểu chung 730.000 đ

1.3 Quy trình thực hiện

a) Phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non trực thuộc lập danh sách giáo viên mầm non thuộc đối tượng hưởng phụ cấp và dự toán số kinh phí chi trả chính sách (mẫu 1). Niêm yết danh sách đối tượng hưởng phụ cấp (mẫu 1) ở cơ sở giáo dục mầm non trong thời gian 05 ngày làm việc. Tổng hợp, tiếp thu góp ý, chỉnh sửa sai sót (nếu có), hoàn chỉnh thủ tục duyệt, ký danh sách và chuyển về phòng giáo dục và đào tạo để tổng hợp, phối hợp với phòng tài chính cấp huyện trình Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện duyệt (mẫu 4A, 4B), gửi sở giáo dục và đào tạo.

b) Sở giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với sở tài chính tổng hợp số giáo viên mầm non thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ và nhu cầu kinh phí chi trả, trình Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố (sau đây gọi chung là Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phê duyệt (mẫu 5A, 5B) và cấp ngân sách thực hiện.

c) Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan liên quan hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện chi trả và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Việc cấp kinh phí cho các cơ sở giáo dục, thực hiện chi trả và thanh quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành.

1.4 Nguồn kinh phí

Kinh phí thực hiện chi trả chế độ phụ cấp đối với giáo viên mầm non thôn, bản quy định tại điểm 1.1 mục này đề nghị tổng hợp vào nhu cầu thực hiện cải cách tiền lương hàng năm của địa phương và xử lý nguồn theo quy định hiện hành.

2. Về thực hiện chi trả chính sách hỗ trợ đối với giáo viên (kể cả nhà sư) dạy bổ túc chữ Khmer ở các chùa quy định tại Quyết định số 26/2008/QĐ-TTg

2.1 Đối tượng được hưởng chính sách: giáo viên (kể cả nhà sư) dạy bổ túc chữ Khmer ở các chùa từ ngày 01/3/2008 đến ngày 31/12/2010 thuộc thành phố Cần Thơ và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

2.2 Cách tính và mức hưởng

a) Cách tính

- Đối với giáo viên: Lấy số tiết thực dạy bổ túc chữ Khmer ở chùa (từ ngày 01/3/2008 đến ngày 31/12/2010) cộng với số tiết thực dạy tại nhà trường trong năm 2008, 2009, 2010 sau đó trừ đi định mức tiết dạy từng năm, số tiết dư là số tiết được tính để hưởng phụ cấp.

- Đối với nhà sư: Tính theo số tiết thực tế đã dạy cho mỗi lớp ở chùa từ ngày 01/3/2008 đến ngày 31/12/2010.

b) Mức hỗ trợ

- Đối với giáo viên:

Mức hỗ trợ cho tiết dạy được tính để hưởng phụ cấp đối với giáo viên quy định tại tiết a điểm 2.2 trên đây thực hiện theo quy định về tiền lương dạy thêm giờ tại Thông tư liên tịch số 50/2008/TTLT–BGDĐT–BNV-BTC ngày 09/9/2008

của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

- Đối với nhà sư:

Mức hỗ trợ đối với 01 tiết dạy là 25.000đ và tính theo số tiết thực tế đã dạy cho mỗi lớp ở chùa.

2.3 Quy trình thực hiện

a) Phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc ở các xã, phường, thị trấn có dạy bổ túc chữ Khmer ở chùa lập danh sách giáo viên (mẫu 2A), danh sách các nhà sư (mẫu 2B) và dự toán số kinh phí chi trả cho mỗi người; niêm yết danh sách giáo viên dạy bổ túc chữ Khmer ở trường học và danh sách nhà sư dạy bổ túc chữ Khmer ở chùa (nơi mở lớp) trong thời gian 05 ngày làm việc; tổng hợp, tiếp thu góp ý, bổ sung, chỉnh sửa sai sót (nếu có), chuyển về phòng giáo dục và đào tạo để tổng hợp và phối hợp với phòng tài chính cấp huyện trình Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện duyệt (mẫu 4A, 4B), gửi sở giáo dục và đào tạo.

b) Sở giáo dục và đào tạo tổng hợp số giáo viên và nhà sư thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ và nhu cầu kinh phí chi trả, phối hợp với sở tài chính trình Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt (mẫu 5A, 5B).

c) Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan có liên quan cấp kinh phí cho các cơ sở giáo dục để thực hiện chi trả cho đối tượng hưởng là giáo viên, cấp kinh phí cho các chùa để thực hiện chi trả cho đối tượng hưởng là nhà sư và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Việc cấp kinh phí cho các cơ sở giáo dục, cấp kinh phí cho các chùa, thực hiện chi trả và thanh quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành.

2.4 Nguồn kinh phí

- Kinh phí thực hiện chi trả chế độ đối với giáo viên dạy bổ túc chữ Khmer ở các chùa được tổng hợp vào nhu cầu thực hiện cải cách tiền lương hàng năm của địa phương và xử lý nguồn theo quy định hiện hành.

- Kinh phí thực hiện chi trả chế độ đối với nhà sư dạy bổ túc chữ Khmer ở các chùa do ngân sách địa phương đảm bảo. Đối với địa phương khó khăn, đề nghị tổng hợp báo cáo về Bộ Tài chính để xem xét bổ sung theo quy định.

3. Về thực hiện chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số nghèo thuộc diện học ở trường dân tộc nội trú mà theo học ở các trường công lập, bán công quy định tại Quyết định số 24/2008/QĐ-TTg, số 25/2008/QĐ-TTg, số 26/2008/QĐ-TTg, số 27/2008/QĐ-TTg.

3.1 Đối tượng được hưởng học bổng

- Học sinh là người dân tộc thiểu số con hộ nghèo (hoặc người giám hộ thuộc hộ nghèo) đã được ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) phê duyệt học ở các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, nhưng không theo học tại trường nội trú mà học ở các trường công lập, bán công khác;

- Học sinh là người dân tộc thiểu số con hộ nghèo (hoặc người giám hộ thuộc hộ nghèo) đã tốt nghiệp THCS ở các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, nhưng không theo học tại trường PTDT nội trú tỉnh, thành phố mà học ở các trường công lập, bán công khác.

3.2 Thời gian tính hưởng và mức hưởng học bổng

a) Thời gian được tính để thực hiện học bổng chính sách của các đối tượng quy định tại điểm 3.1 là thời gian thực học (tính theo tháng) của các năm học giai đoạn từ ngày 01/3/2008 đến ngày 31/12/2010.

b) Mức hưởng học bổng bằng 50% mức học bổng của học sinh phổ thông dân tộc nội trú thời điểm từ ngày 01/3/2008 đến ngày 31/12/2010. Cụ thể, như sau:

Thời gian thực hiện

Mức hưởng học bổng/ tháng

Ghi chú

Từ tháng 3/2008 đến 4/2009

216.000 đ

Tính theo mức lương tối thiểu chung 540.000 đ

Từ tháng 5/2009 đến 4/2010

260.000 đ

Tính theo mức lương tối thiểu chung 650.000 đ

Từ tháng 5/2010 đến 12/2010

292.000 đ

Tính theo mức lương tối thiểu chung 730.000 đ

Trường hợp các đối tượng trên nếu đã được hưởng học bổng chính sách do Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quy định và có mức hưởng thấp hơn mức quy định trên đây thì được truy lĩnh số tiền chênh lệch theo tháng để đảm bảo đạt học bổng chính sách quy định tại các Quyết định số 24/2008/QĐ-TTg, số 25/2008/QĐ-TTg, số 26/2008/QĐ-TTg, số 27/2008/QĐ-TTg.

3.3. Quy trình thực hiện

a) Phòng giáo dục và đào tạo tổng hợp số lượng đối tượng được hưởng chính sách và nhu cầu kinh phí, phối hợp với phòng tài chính cấp huyện trình Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện duyệt (mẫu 3B và mẫu 4A,4B), gửi sở giáo dục và đào tạo tổng hợp.

b) Sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc lập danh sách học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách và nhu cầu kinh phí chi trả (theo mẫu 3A); phối hợp với sở tài chính trình Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt (mẫu 5A, 5B) và cấp ngân sách để phòng giáo dục và đào tạo chi trả đối với học sinh trung học cơ sở và trường trung học phổ thông chi trả đối với học sinh trung học phổ thông, đồng thời báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Việc cấp kinh phí, thực hiện chi trả và thanh quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành.

3.4 Nguồn kinh phí

a) Thực hiện Quyết định số 24/2008/QĐ-TTg, số 25/2008/QĐ-TTg, số 26/2008/QĐ-TTg, số 27/2008/QĐ-TTg; trên cơ sở số học sinh dân tộc bán trú năm 2007, năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2007 – 2010 (năm 2007 đã hỗ trợ cho các địa phương theo mức 140.000đ/học sinh trong số bổ sung cân đối là 124,62 tỷ đồng); hàng năm căn cứ vào lộ trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu chung, Bộ Tài chính đã cấp và tạm ứng kinh phí cho các địa phương thực hiện chính sách học bổng học sinh dân tộc thiểu số nghèo thuộc diện học ở trường nội trú nhưng học ở các trường công lập, bán công do điều chỉnh mức học bổng theo tiền lương tối thiểu chung, cụ thể:

Năm 2008: Cấp bổ sung có mục tiêu do nâng mức từ 140.000đ/học sinh lên 216.000đ/học sinh (theo mức tiền lương tối thiểu chung 540.000đ) là 65,412 tỷ đồng

Năm 2009 là 90,462 tỷ đồng, gồm: Bố trí dự toán năm 2009 (theo mức 216.000đ/học sinh) là 65,522 tỷ đồng; tạm ứng phần tăng thêm do nâng mức lên 260.000đ/học sinh là 24,94 tỷ đồng.

Năm 2010 là 120,39 tỷ đồng, gồm: Bố trí dự toán năm 2010 (theo mức 260.000đ/học sinh) là 102,03 tỷ đồng; tạm ứng phần tăng thêm do nâng mức lên 292.000đ/học sinh là 18,36 tỷ đồng.

Vì vậy, đề nghị các địa phương báo cáo kết quả chi trả thực tế tại địa phương từ năm 2008 – 2010; trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ thực hiện cấp, đồng thời thu hồi số kinh phí đã tạm ứng; trường hợp số kinh phí chi trả lớn hơn số kinh phí đã tạm ứng sẽ thực hiện cấp tiếp số kinh phí cho địa phương thực hiện.

b) Trên cơ sở báo cáo kết quả chi trả thực tế tại địa phương từ năm 2008 – 2010 (mẫu 5C), Bộ Tài chính sẽ bố trí nguồn kinh phí bổ sung kinh phí cho các địa phương, đồng thời thu hồi số kinh phí đã tạm ứng.

4. Tổ chức thực hiện

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở ban ngành của tỉnh và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoàn thành việc chi trả theo hướng dẫn tại công văn này và báo cáo kết quả thực hiện về tỉnh, thành phố trước ngày 31/8/2012;

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính trước ngày 30/9/2012 để tổng hợp báo cáo Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ;

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu các tỉnh, thành phố không cân đối được ngân sách theo các quy định nêu trên, cần báo cáo gấp về Bộ Tài chính để được xem xét cấp bổ sung;

Các địa phương thuộc địa bàn áp dụng chính sách theo hướng dẫn tại văn bản này nếu đã hoàn thành việc thanh toán hoặc rà soát không có đối tượng thụ hưởng cũng báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Quốc hội; (đã ký)
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tư pháp;
- Ủy ban Dân tộc;
- Các sở: tài chính, giáo dục và đào tạo, ban dân tộc các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Lưu: VT, TCCB.

BỘ TRƯỞNG




Phạm Vũ Luận