BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2252/TCHQ-TXNK | Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2020 |
Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Trong quá trình kiểm tra xử lý hàng hóa nhập khẩu là linh kiện của xe đạp, xe đạp điện, cơ quan hải quan phát hiện dấu hiệu rủi ro về gian lận xuất xứ hàng hóa do doanh nghiệp lợi dụng khai báo mã số không chính xác. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
Căn cứ Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Căn cứ Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và Thông tư 09/2019/TT-BTC ngày 15/02/2019 sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các Phụ lục của Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017:
Căn cứ quy tắc 2a trong 6 quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam dựa trên Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (HS) của Tổ chức Hải quan thế giới, theo đó:
“Một mặt hàng được phân loại vào một nhóm hàng thì mặt hàng đó ở dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện cũng thuộc nhóm đó, nếu đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa đó khi đã hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện. Cũng phân loại như vậy đối với hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện hoặc đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện (hoặc được phân loại vào dạng hàng hóa đã hoàn chỉnh hay hoàn thiện theo nội dung Quy tắc này), nhưng chưa lắp ráp hoặc tháo rời.”
Tham khảo Chú giải chi tiết HS phần khái quát chung Chương 87:
“Xe chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện, đã hoặc chưa lắp ráp, được phân loại như các xe đã hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện với điều kiện chúng có các đặc trưng cơ bản của xe đã hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện (xem Quy tắc tổng quát (2a). Ví dụ:
(A) Xe có động cơ, chưa lắp bánh xe hoặc lốp và ắc quy.
(B) Xe có động cơ chưa lắp động cơ hoặc nội thất.
(C) Xe đạp không có yên và lốp.”
Tham khảo ý kiến phân loại của WCO tại Tuyển tập ý kiến phân loại năm 2017 đối với các trường hợp áp dụng quy tắc 2(a) để phân loại vào nhóm 87.12, phân nhóm 8712.00:
“1. Phụ tùng xe đạp, hiện diện cùng hay rời rạc, phù hợp cho cùng một bộ (model) của xe đạp, không gồm tất cả các chi tiết cần phải có để lắp ráp hoàn thiện chiếc xe đạp, với các dạng sau: Khung; Càng; Ghi đông; Cần phanh; Pô - tăng (nối giữa càng xe và ghi - đông); Tay phanh; Bộ đùi đĩa đầy đủ; Bộ chuyển số (shifters); Cơ cấu phanh/phanh; Các bộ phận của đùm (bottom bracket (BB) parts); Yên xe; Cọc yên xe; Xích xe.
2. Phụ tùng xe đạp, hiện diện cùng hay rời rạc, phù hợp cho cùng một bộ (model) của xe đạp, không gồm tất cả các chi tiết cần phải có để lắp ráp hoàn thiện chiếc xe đạp, với các dạng sau: Khung; Càng; Ghi đông; Pô - tăng (nối giữa càng xe và ghi - đông); Phanh và bộ chuyển số và dây phanh; Phanh; Tay đùi; Bộ đùi; Líp; Ốc vặn líp; Cơ cấu dẫn hướng trước; Kẹp giữ cọc yên.
3. Phụ tùng xe đạp, hiện diện cùng hay rời rạc, phù hợp cho cùng một bộ (model) của xe đạp, không gồm tất cả các chi tiết cần phải có để lắp ráp hoàn thiện chiếc xe đạp, với các dạng sau: Khung; Càng; Ghi đông; Pô - tăng (nối giữa càng xe và ghi - đông); Tay phanh và dây phanh.”
Theo đó, trên cơ sở hàng hóa thực tế nhập khẩu, hồ sơ, tài liệu kỹ thuật, ..., trường hợp hàng hóa theo khai báo là linh kiện/phụ tùng/bộ phận/phụ kiện của xe đạp, xe đạp điện, phù hợp lắp ráp cho cùng một model xe ở dạng xe hoàn chỉnh hay hoàn thiện hoặc đã có đặc trưng cơ bản của xe ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện thì áp dụng quy tắc 2(a) để phân loại theo xe nguyên chiếc; trường hợp xác định là các phụ tùng, bộ phận và phụ kiện của xe đạp, xe đạp điện nhưng không phải là các loại phù hợp lắp ráp cho cùng một bộ (model) của xe hoàn chỉnh hoặc của sản phẩm đã có đặc trưng cơ bản của xe ở dạng hoàn chỉnh thì được phân loại riêng.
Nhằm đảm bảo việc phân loại thống nhất, yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo hướng dẫn doanh nghiệp khai báo trung thực, đầy đủ; đồng thời rà soát, kiểm tra việc nhập khẩu các mặt hàng linh kiện lắp ráp xe đạp, xe đạp điện để phân loại theo đúng quy định.
Tổng cục Hải quan thông báo để các Cục Hải quan tỉnh, thành phố biết và thực hiện./.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1 Thông tư 09/2019/TT-BTC sửa đổi Phụ lục của Thông tư 65/2017/TT-BTC về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2 Công văn 4261/TCHQ-TXNK năm 2018 về phân loại linh kiện, bộ phận của máy phát điện do Tổng cục Hải quan ban hành
- 3 Công văn 165/TCHQ-TXNK năm 2018 về công văn 3222/HQHCM-TXNK vướng mắc phân loại linh kiện xe gắn máy do Tổng cục Hải quan ban hành
- 4 Thông tư 65/2017/TT-BTC Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 5 Công văn 1186/TCHQ-TXNK năm 2015 về phân loại linh kiện ô tô đầu kéo do Tổng cục Hải quan ban hành
- 6 Thông tư 14/2015/TT-BTC Hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1 Công văn 4261/TCHQ-TXNK năm 2018 về phân loại linh kiện, bộ phận của máy phát điện do Tổng cục Hải quan ban hành
- 2 Công văn 165/TCHQ-TXNK năm 2018 về công văn 3222/HQHCM-TXNK vướng mắc phân loại linh kiện xe gắn máy do Tổng cục Hải quan ban hành
- 3 Công văn 1186/TCHQ-TXNK năm 2015 về phân loại linh kiện ô tô đầu kéo do Tổng cục Hải quan ban hành