BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2282/BVHTTDL-VHCS | Hà Nội, ngày 14 tháng 07 năm 2009 |
Kính gửi: | - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; |
Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Vụ Văn hóa Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức kiểm tra, khảo sát đánh giá công tác quản lý tổ chức lễ hội tại một số tỉnh, thành phố; Để công tác quản lý và tổ chức các hoạt động lễ hội đi vào nề nếp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các cơ quan nghiên cứu báo cáo chuyên đề ngày 24 tháng 6 năm 2009 của Vụ Văn hóa Văn nghệ, đồng thời rà soát, chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, tập trung vào một số nội dung cụ thể như sau:
1. Về thời gian tổ chức lễ hội: tiến hành rà soát lại các lễ hội, tránh tình trạng mở hội liên tục, gây lãng phí tốn kém nhất là các lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch.
2. Về nội dung lễ hội:
- Phần lễ: đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức nghi thức dâng hương, nghi thức và lễ rước trang trọng, thể hiện sự tôn nghiêm và kế thừa nghi lễ truyền thống lịch sử, phản ánh được bản sắc văn hóa địa phương, trang trọng, tiết kiệm.
- Phần hội: kết hợp tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao truyền thống và hiện đại, khôi phục các trò chơi trò diễn dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, giới thiệu về lịch sử của danh nhân và các nhân vật thờ tự gắn với nguồn gốc, xuất xứ của lễ hội, tăng cường giới thiệu thành tựu kinh tế xã hội, địa điểm, tour, tuyến du lịch và sản vật của địa phương cho du khách.
3. Về cơ sở vật chất, hoạt động kinh doanh dịch vụ và vệ sinh môi trường: tăng cường công tác đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ lễ hội, đặc biệt chú trọng vấn đề vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, chú trọng việc trồng cây xanh tạo môi trường xanh, sạch, đẹp trong không gian tổ chức lễ hội. Có biện pháp ngăn ngừa tình trạng nâng giá, ép giá hàng quá cao tại lễ hội.
4. Về sử dụng nguồn lực tham gia lễ hội: chú trọng sử dụng nguồn lực tại chỗ, lực lượng quần chúng tham gia chương trình hoạt động lễ hội, giao cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch của địa phương tổ chức thực hiện, hạn chế việc thuê khoán dàn dựng kịch bản gây nhàm chán, tốn kém hiệu quả thấp gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.
5. Thực hiện nếp sống văn hóa: tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động dịch vụ văn hóa và có biện pháp ngăn chặn các sai phạm, tệ nạn nảy sinh trong lễ hội. Không khuyến khích tổ chức các lễ hội các nội dung phản cảm, hiệu quả giáo dục thấp. Tuyên truyền, giáo dục cán bộ công chức thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc, không lạm dụng thời gian tham gia hoạt động lễ hội.
6. Về quản lý sử dụng tiền công đức: quản lý và sử dụng nguồn thu công đức đúng mục đích nhằm khai thác có hiệu quả lễ hội và bảo vệ di tích, đảm bảo sự minh bạch, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Chấn chỉnh việc đặt nhiều hòm công đức, nhiều ban thờ trong di tích làm sai lệnh ý nghĩa từ tâm hướng thiện của nơi thờ tự.
Lễ hội là di sản của mỗi địa phương và cả nước, trước áp lực nhu cầu tổ chức lễ hội và lực lượng du khách tham dự lễ hội ngày càng cao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện để hoạt động lễ hội gắn với hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, đồng thời giữ gìn sự trong sáng của lễ hội.
Trân trọng cảm ơn sự phối hợp chỉ đạo thực hiện của Quý Cơ quan.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
| Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 2009 |
BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CÔNG TÁC TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ LỄ HỘI NĂM 2009
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các lễ hội được tổ chức, chỉ đạo và quản lý tốt, được nhân dân các địa phương hưởng ứng, tạo nên một đời sống văn hóa tinh thần phong phú trong cộng đồng các dân tộc.
Lễ hội là di sản văn hóa dân tộc, là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng hấp dẫn, thu hút mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia, hưởng thụ. Lễ hội là chứng chỉ quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc. Những năm trước đây, do nhận thức chưa đúng trong quản lý xã hội và văn hóa, ở nhiều địa phương đã coi các cơ sở thờ tự: đình, chùa đền, miếu và hoạt động lễ hội là tàn dư của chế độ cũ, cần dẹp bỏ. Nhu cầu chính đáng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân chưa được coi trọng đúng mức. Trong một thời gian dài các hoạt động lễ hội không được tổ chức hoặc tổ chức một cách hình thức (nhà nước hóa), nhiều hình thức tế lễ, trò chơi dân gian bị loại bỏ khiến cho lễ hội trở nên đơn điệu, thiếu hấp dẫn. Những năm gần đây, lễ hội ngày càng được phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Nó là một sinh hoạt văn hóa cần thiết để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc nhưng cũng do đặc thù của nhiều lễ hội, phong tục, tín ngưỡng ở một số nơi, môi trường lễ hội dễ phát sinh những hạn chế, bất cập, hủ tục…
1. Tình hình tổ chức lễ hội hiện nay
Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2008, cả nước có 7966 lễ hội, có tài liệu ghi có gần 8300 lễ hội được tổ chức trên phạm vi cả nước, trong đó, riêng các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc bộ có gần 4.300 lễ hội (chiếm hơn 50%) qui mô từ làng xã đến cấp Quốc gia và mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền. Các địa phương có nhiều lễ hội như: Hà Nội: 1078; Bắc Giang: 495; Bắc Ninh: 465; Thái Bình: 450; Hải Dương: 567; Hưng Yên: 364…Ở các địa phương này, hầu như làng (thôn) nào cũng có lễ hội riêng của mình. Ngoài ra, khu vực này còn là nơi tập trung những lễ hội cấp quốc gia, vùng miền tiêu biểu như: Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng, Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), Lễ hội Côn Sơn – Kiếp bạc (Hải Dương); Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Lễ hội Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Lễ hội Phủ Dày (Nam Định), Hội Lim (Bắc Ninh)…
Việc tổ chức lễ hội ở các tỉnh khu vực phía Bắc mấy năm gần đây đã dần đi vào ổn định. Cơ sở hạ tầng ở các di tích được đầu tư tốt. Công tác tổ chức ngày càng tốt hơn, đã dẹp bỏ được nhiều điểm thờ tự giả (Chùa Hương, Yên Tử), bảo đảm an toàn cho khách hành hương, dẹp bỏ được nhiều tệ nạn và trò lừa gạt du khách. Các nghi lễ, trò chơi dân gian truyền thống được phục hồi, tổ chức trang trọng. Nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức góp phần làm phong phú phần hội, thu hút đông đảo quần chúng tham gia.
Các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên có số lượng lễ hội ít, quy mô nhỏ. Số tỉnh lễ hội rất ít, như: Hà Giang: 10; Yên Bái: 27; Lai Châu: 29; Nghệ An: 29; Đà Nẵng: 19; Lâm Đồng: 16; Quảng Bình: 42… Hầu hết lễ hội ở các tỉnh miền núi phía Bắc là lễ hội xuống đồng, mở đầu mùa trồng trọt. Các tỉnh khu vực miền Trung chỉ có một số lễ hội mới: Lễ hội thống nhất non sông ở Quảng Trị, Festival Huế, Quảng Nam – Hành trình di sản… được tổ chức với quy mô lớn. Lễ hội dân gian có lễ hội Quan Thế âm ở Đà Nẵng, lễ hội Vía Bà Thiên Yana ở Quảng Nam là có quy mô khu vực, còn lại chủ yếu là lễ hội cầu ngư của các cư dân ven biển, gắn kết nghi thức sinh hoạt văn hóa dân gian với ý nghĩa ngày hội nghề nghiệp.
Khu vực các tỉnh phía Nam có đặc điểm khác biệt là số lượng lễ hội tôn giáo và lễ hội lịch sử cách mạng chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số lễ hội. Trong số 2.269 lễ hội ở khu vực này, có tới 859 lễ hội tôn giáo và 209 lễ hội lịch sử cách mạng (chiếm gần 50%). Cả nước có khoảng 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài thì phần lớn đều ở các tỉnh phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh). Một số lễ hội lớn quy mô khu vực ở các tỉnh phía Nam đều là lễ hội tôn giáo và lễ hội lịch sử cách mạng, như: Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang) mỗi năm đón hàng triệu du khách; lễ hội Đền Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá – Kiên Giang) mỗi năm thu hút hơn nửa triệu người dự.
2. Đánh giá về công tác quản lý và tổ chức lễ hội
a. Những việc đã làm được
- Công tác quản lý và tổ chức lễ hội nhìn chung ngày càng tốt hơn, thực hiện theo đúng tinh thần các văn bản chỉ đạo của Đảng, các Nghị định của Chính phủ và Quy chế của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Qua hoạt động của các Ban tổ chức lễ hội, vai trò chỉ đạo, quản lý của chính quyền cơ sở, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa ngày càng được nâng cao, đồng thời vai trò chủ động, sáng tạo của quần chúng nhân dân cũng được phát huy. Hạn chế dần được hình thức nhà nước hóa các lễ hội dân gian truyền thống.
- Công tác tuyên truyền phục vụ lễ hội ngày càng đa dạng, phong phú góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân về giá trị di sản và công đức các danh nhân, từ đó việc giáo dục truyền thống của lễ hội đạt kết quả tốt. Có nhiều địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, góp phần không nhỏ trong việc kéo khách trong và ngoài nước đến lễ hội.
Ví dụ: Nhờ làm tốt công tác này, từ dịp kỷ niệm 100 năm Sapa (năm 2003) đến năm 2004 lượng du khách tham quan Sapa tăng gấp 1,5 lần, số quốc gia có khách đến Sapa tăng 2 lần. Từ năm 2005 đến nay, bình quân khách tới Sapa tăng từ 18-25%/năm.
Năm 2005, cơ quan thiên văn – vũ trụ thông tin về hiện tượng Nhật thực toàn phần, thì ở Việt Nam địa điểm Mũi Né, Bình Thuận là nơi quan sát rõ nhất. Tận dụng cơ hội này, tỉnh Bình Thuận đã tập trung tuyên truyền, tổ chức lễ hội “Bình Thuận – Hội tụ xanh” thu hút được lượng khách rất lớn đến Mũi Né. Thấy được tiềm năng lớn về du lịch của vùng đất này, nhiều công ty trong và ngoài nước đầu tư phát triển các ngành dịch vụ, du lịch. Từ đó đến nay, lượng khác du lịch đến đây tăng đột biến, tạo ra một cú hích cho sự phát triển kinh tế và cũng từ đó Bình Thuận coi sự kiện Nhật thực như một mốc son cho sự phát triển của địa phương.
- Cơ sở vật chất tại các di sản văn hóa, các khu di tích lịch sử cách mạng ngày càng được chú ý đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt quy hoạch và tổ chức dịch vụ, hạn chế được tình trạng lộn xộn, bắt chẹt, lừa đảo du khách.
- Hoạt động lễ hội kết hợp với hoạt động văn hóa, du lịch góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt mục tiêu xóa đói giảm nghèo trong tổ chức các hoạt động lễ hội.
3. Một số tồn tại yếu kém cần lưu ý, khắc phục
- Tổ chức lễ hội tràn lan, phô trương, lãng phí.
Một số địa phương tổ chức các lễ hội: Lễ hội văn hóa – du lịch, Fertival, lễ kỷ niệm thành lập, tái lập địa phương … bằng ngân sách Nhà nước nhưng hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây lãng phí tiền bạc và thời gian. Bình quân mỗi lễ hội văn hóa – du lịch chi phí từ 5 đến 15 tỷ.
Một vấn đề khiến dư luận xã hội quan tâm là sự tham gia tổ chức và quản lý lễ hội của các công ty Quảng cáo, công ty Tổ chức sự kiện vào các lễ hội lớn ở các địa phương. Một số ý kiến ủng hộ thì cho rằng, muốn tổ chức lễ hội có chất lượng thì phải nhờ cơ quan có chuyên môn sâu, đó là các công ty Quảng cáo, công ty Tổ chức sự kiện. Các Công ty này mới có đủ năng lực hợp tác với các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực tổ chức lễ hội để thực hiện. Ngược lại, nhiều ý kiến (chủ yếu là cán bộ lãnh đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) lại phản đối cho rằng các công ty này không có chuyên môn về văn hóa, thể thao, du lịch, lại không am hiểu cái hồn, cái bản sắc văn hóa địa phương, họ chỉ là những cai thầu không có quân, trong báo cáo thì dự định mời rất nhiều chuyên gia có tên tuổi tham gia, khi thực hiện thì không phải vậy, quanh quẩn lại chỉ có một người hoặc một nhóm người, dẫn đến tình trạng kịch bản lễ hội các địa phương và vật dụng biểu diễn thường na ná giống nhau. Một lý do gây bức xúc nhất là kinh phí tổ chức được giao cho các công ty này thường cao hơn nhiều lần so với nếu giao cho ngành văn hóa thực hiện và đáng lẽ ngành văn hóa thể thao du lịch là chủ (phải được lãnh đạo tỉnh giao cho thực hiện) thì lại chỉ là người làm thuê cho các công ty kia (giao cho việc huy động nhân lực tại chỗ, thực hiện một số việc mang tính trợ giúp và được trả một khoản chi phí nào đó). Ý kiến của đa số đại biểu tại các buổi tọa đàm là sở dĩ các công ty Quảng cáo và Tổ chức sự kiện nhận được việc tổ chức lễ hội là do có sự “giới thiệu” của một số cán bộ có chức quyền ở cả Trung ương và địa phương.
Việc lễ hội tổ chức tràn lan, lãng phí, có xu hướng thương mại hóa một phần là do có những biểu hiện tiêu cực trong việc tổ chức các lễ hội mới. Đây là điều các cấp cần nghiêm túc xem xét, chấn chỉnh.
- Sự phục hồi theo xu hướng nệ cổ máy móc hoặc cải biên, đưa thêm nhiều nghi thức tế lễ pha tạp, vay mượn vào các lễ hội dân gian tạo ra sự phản cảm, làm mất bản sắc văn hóa của lễ hội truyền thống. Ví dụ: nhiều lễ hội truyền thống địa phương trước đây không có hình thức tế lễ, như: tế Nữ quan, múa Sinh tiền, múa Rồng, múa Lân, nhưng do các địa phương lận cận muốn đưa các hình thức tế lễ ấy sang tham gia, làm cho nhiều lễ hội phát sinh thêm nhiều hình thức tế lễ vốn xưa không có.
Kịch bản của các lễ hội văn hóa – du lịch, phần lễ còn nặng về sân khấu hóa tốn kém, đơn điệu, các hoạt động biểu diễn không có sự đầu tư kỹ về nội dung, chất lượng nghệ thuật nên lễ hội của các địa phương đều na ná như nhau, tạo ra sự nhàm chán. Theo thống kê của các nhà chuyên môn, năm 2003 có 8 kịch bản của lễ hội văn hóa – du lịch ở 8 địa phương giống như đúc (của 1 hoặc 1 nhóm tác giả).
- Thời gian tổ chức lễ hội có xu hướng kéo dài hơn, vượt quá quy định, đặc biệt là các lễ hội lớn. Mật độ lễ hội thường tập trung dày đặc vào đầu năm âm lịch, lại bị ảnh hưởng bởi tâm lý “ra giêng ngày rộng tháng dài” nên nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức cho cán bộ, công nhân viên đi lễ hội, hoặc nhân lễ hội kéo nhau đi giao lưu, gây lãng phí thời gian, tiền bạc cũng tạo ra bức xúc trong dư luận xã hội.
- Một số vấn đề đáng lo ngại nữa là vấn đề ý thức người dân tham gia lễ hội. Ý thức người dân đi hội ngày xưa khác hơn so với ngày nay. Xưa, trước tiên người ta đi hội là để lễ Thánh, cầu Phật, do vậy ý thức về sự thiêng liêng và sự thành kính được đặt lên hàng đầu. Đi hội là cái tâm phải thiện. Làm việc gì xấu người ta cũng liên tưởng đến sự trừng phạt của thánh thần mà hậu quả khó lường trước. Nay, nhiều người đi hội ít bị chi phối bởi tâm lý đó nên khi đến hội họ làm những gì họ muốn như viết, khắc tên vào di tích, bẻ cây, ngắt hoa… Điển hình như ở các kỳ lễ hội hoa Anh đào ở Hà Nội. Các năm trước, chưa đến ngay kết thúc lễ hội đã chẳng còn nhành hoa nào, năm nay, hoa không bị bẻ là do mỗi gốc hoa có tới hơn chục người đứng gác. Vì vậy, có một nghịch lý: hình như nếp sống văn minh khi đi hội của người dân ngày xưa tốt hơn ngày nay, mặc dù dân trí nay cao hơn nhiều so với xưa.
- Ô nhiễm môi trường ở các lễ hội cũng là vấn đề nan giải. Có một thực tế là, xưa kia, mức sống còn thấp nên khi đi hội, người dân chỉ có ít đồ lễ, thức ăn và đều là những thứ dễ tự hủy sau thời gian hội. Nay thì đồ hộp, túi nilông, vàng mã toàn bằng giấy trang kim… Bên cạnh sự thay đổi về điều kiện sinh hoạt còn do ý thức con người. Dân chưa có thói quen, khi đó cơ quan quản lý chưa có biện pháp khả thi. Do vậy, cứ sau ngày hội ở một số địa điểm tổ chức lễ hội chẳng khác mấy cảnh bãi rác và nồng nặc mùi sú uế.
- Xu hướng gia tăng các hiện tượng tiêu cực trong tổ chức, hoạt động lễ hội:
+ Biểu hiện bức xúc nhất, khó khắc phục nhất là việc người dân chiếm dụng không gian di tích mở hàng quán dịch vụ lộn xộn, lợi dụng tâm lý người đi hội để lừa đảo, ép giá.
+ Nạn cờ bạc trá hình, núp dưới các trò chơi giải trí ăn tiền để lừa bịp, móc túi những người nhẹ dạ, cả tin, hám lợi được tổ chức công khai và thường sử dụng loa đài có công suất lớn lấn át không khí lễ hội và tạo sự phản cảm với du khách.
+ Các hoạt động mê tín dị đoan ngày càng phát triển và công khai: xóc thẻ, đốt vàng mã, bày bán các ấn phẩm có nội dung mê tín, lên đồng, bói toán… thậm chí có nơi còn lợi dụng đưa tượng, ảnh Bác vào nơi thờ tự nhằm trục lợi về kinh tế.
+ Tình trạng ùn tắc giao thông, mất an toàn cho du khách ngày càng tăng, tạo tâm lý khó chịu, lo sợ cho du khách.
- Về công tác xã hội hóa tổ chức lễ hội.
Chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa trong việc tổ chức lễ hội đang có xu hướng bị hiểu và thực hiện một cách sai lệch:
+ Việc cúng tiến, công đức của các tổ chức, cá nhân cho tu bổ di tích ngày một tăng nhưng hiện tượng tùy tiện tu sửa, không được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa đã làm phá vỡ yếu tố nguyên gốc của di tích. Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đang tập trung phản ánh nhiều vấn đề bức xúc trong công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa. Có tới gần 1500 tỷ đồng chi cho việc trùng tu, tôn tạo di tích trong vài năm gần đây (trong đó ngân sách nhà nước cho trên 900 tỷ đồng). Do sự kém hiểu biết của một số chính quyền địa phương và sự thiếu chỉ đạo chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, một số di tích lịch sử - văn hóa lâu đời, khi xuống cấp, được dỡ bỏ để xây mới hoàn toàn, điển hình như đền thờ Lý Chiêu Hoàng ở Bắc Ninh (một đền thờ vào loại cổ được xây dựng từ hơn 700 năm trước và ln đền thờ vị vua nữ). Việc công đức mang tính phô trương, tạo sự lãng phí và phản cảm (cung tiến cặp bánh trưng, bánh dày ở lễ hội đền Hùng năm 2008).
+ Chủ trương xã hội hóa cũng đang bị hiểu sai khi thực hiện việc đấu thầu quản lý và khai thác các di tích hoặc để cho cá nhân, đơn vị bao thầu tổ chức lễ hội. Việc cho phép khoán thầu trong việc quản lý di tích và tổ chức hoạt động lễ hội ở một số địa phương đã gần như chuyển quyền quản lý, sử dụng di tích vốn là của chung dân chúng thành của riêng một số gia đình (điển hình là khu vực Phủ Dày – Nam Định).
4. Một số đề xuất, kiến nghị:
- Trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa (lễ hội), đang nảy sinh những mâu thuẫn:
+ Nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân ngày càng cao dẫn đến nhu cầu tổ chức lễ hội ngày càng gia tăng ở các địa phương trong khi khả năng tổ chức, quản lý còn nhiều bất cập, còn thiếu những hướng dẫn, quy định cụ thể, phù hợp nên dễ nảy sinh xu hướng tổ chức tràn lan, phô trương, lãng phí, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây bức xúc dư luận.
+ Nhiều lễ hội truyền thống gắn với những phong tục, tập quán lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống hiện đại nhưng nếu bỏ đi phong tục cũ có thể không còn gì là bản sắc, nếu giữ lại thì không còn phù hợp, gây phản cảm … (Ví dụ như lễ hội đâm trâu, lễ hội bỏ mả của đồng bào dân tộc khu vực miền Trung – Tây Nguyên).
+ Một số lễ hội du nhập từ nước ngoài vào không phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của dân ta, thường được một bộ phận lớp trẻ tiếp nhận một cách lai căng, nhưng nếu ngăn cấm thì không phù hợp với chủ trương hội nhập văn hóa…
Những vấn đề trên, đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ trên lĩnh vực này.
- Công tác tuyên truyền trước đây chủ yếu chú trọng việc quảng bá thông tin để kéo du khách đến với lễ hội, chưa chú trọng nội dung thông tin mang tính phổ biến, giáo dục để du khách nắm được quy định, tự điều chỉnh hành vi, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, hạn chế các biểu hiện tiêu cực (trong cách ăn mặc, vui chơi, lễ bái, mua sắm, giữ gìn vệ sinh…).
- Cần có quy hoạch và quy định cụ thể, chặt chẽ về việc tổ chức các dịch vụ phục vụ tại khuôn viên các khu di tích, tránh tình trạng hàng quán lộn xộn, chiếm dụng hết không gian di tích, tạo sự phản cảm cho du khách như hiện nay ở một số lễ hội lớn: Chùa Hương, Phủ Dày, Bà chúa Xứ núi Sam, Hội Lim…
- Trong tình hình thực tế hiện nay, các địa phương cân nhắc giao cho các công ty Quảng cáo, công ty Tổ chức sự kiện (theo kiểu giao khoán) trong việc tổ chức các lễ hội văn hóa – du lịch khi họ chưa có đủ điều kiện tổ chức, nên xem xét giao cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức thực hiện để giúp cán bộ trong ngành có dịp thể hiện, góp phần nâng cao trách nhiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, tránh được sự lãng phí và những dị nghị, bức xúc trong dư luận xã hội.
- Các cơ quan Đảng cần có quy định và biện pháp ngăn chặn, xử lý việc tổ chức cho cán bộ, nhân viên đi lễ hội vào ngày làm việc, sử dụng xe công đi hội. Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các đồng chí có chức có quyền, cán bộ cấp cao nên tránh đến những điểm thờ tự, nơi tổ chức các lễ hội mang tính tâm linh – mê tín để tránh kẻ xấu lợi dụng tung những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ danh dự cán bộ, gây hiểu lầm trong quần chúng.
VỤ VĂN HÓA – VĂN NGHỆ
- 1 Công văn 155/BVHTTDL-VHCS năm 2016 về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 2 Công văn 1552/BYT-VPB1 năm 2015 tăng cường công tác quản lý và tổ chức Lễ hội do Bộ Y tế ban hành
- 3 Công điện 229/CĐ-TTg năm 2015 tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Công văn 2946/BVHTTDL-DSVH năm 2014 kiện toàn bộ máy quản lý di tích do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 5 Công văn 1185/VPCP-KGVX về quản lý, tổ chức lễ hội do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1 Công văn 1185/VPCP-KGVX về quản lý, tổ chức lễ hội do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Công văn 2946/BVHTTDL-DSVH năm 2014 kiện toàn bộ máy quản lý di tích do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 3 Công điện 229/CĐ-TTg năm 2015 tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Công văn 1552/BYT-VPB1 năm 2015 tăng cường công tác quản lý và tổ chức Lễ hội do Bộ Y tế ban hành
- 5 Công văn 155/BVHTTDL-VHCS năm 2016 về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành