Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2346/LĐTBXH-VPQGGN
V/v tổ chức đánh giá giữa kỳ CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2023

 

Kính gửi: …………………………………….

Thực hiện Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (sau đây gọi tắt là Nghị định số 27/2022/NĐ-CP), Thông tư số 10/2022/TT-BLĐTBXH ngày 31/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Thông tư số 10/2022/TT-BLĐTBXH), để đánh giá kết quả đạt được so với tiến độ, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị quý Cơ quan tổ chức đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH

1. Đánh giá giữa kỳ những kết quả đạt được so với tiến độ, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình).

2. Phân tích làm rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình.

3. Đề xuất, kiến nghị việc hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo; giải pháp huy động, bố trí và sử dụng nguồn lực; giải pháp chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình từ nay đến năm 2025.

II. YÊU CẦU

1. Đánh giá giữa kỳ được thực hiện trong phạm vi cả nước; được tổ chức thực hiện từ cơ sở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) trở lên, có sự tham gia của người dân.

2. Nội dung đánh giá giữa kỳ đảm bảo theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và Thông tư số 10/2022/TT-BLĐTBXH.

3. Đánh giá hiệu quả, tác động của các cơ chế, chính sách giảm nghèo làm căn cứ đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo.

III. TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ

Đánh giá giữa kỳ Chương trình cần đáp ứng được các tiêu chí sau:

1. Tính kịp thời trong việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách giảm nghèo; các văn bản hướng dẫn và bố trí vốn để thực hiện Chương trình.

2. Tính phù hợp của cơ chế, chính sách để thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung hoạt động thuộc Chương trình nhằm đạt được mục tiêu giảm nghèo. Sự phù hợp cần được xem xét trên các phương diện phù hợp về đối tượng thụ hưởng, đặc điểm vùng miền (dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, bãi ngang, ven biên, thôn nghèo, xã nghèo, huyện nghèo, vùng kinh tế - sinh thái ...), phù hợp với nguồn lực và năng lực thực thi Chương trình của địa phương.

3. Tính đồng bộ và hệ thống của cơ chế, chính sách và giải pháp giảm nghèo hiện hành. Tiêu chí này thể hiện ở hệ thống cơ chế, chính sách của các bộ, ngành tham mưu và sự triển khai của các cấp có xuất phát từ đặc điểm của đối tượng thụ hưởng, có thống nhất, không mâu thuẫn, tạo điều kiện để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo đa chiều ở các địa phương hiện nay.

4. Tính đầy đủ thể hiện ở mức độ bố trí nguồn lực đảm bảo tính đầy đủ và kịp thời cho thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung hoạt động thuộc Chương trình.

5. Tính hiệu lực và hiệu quả thực thi chính sách và giải pháp giảm nghèo thể hiện ở các lĩnh vực sau: (i) Cụ thể hóa của địa phương trong việc đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện Chương trình tới đối tượng thụ hưởng, ban hành các chính sách đặc thù trên địa bàn; (ii) sự phối kết hợp các ngành, các cấp liên quan ở Trung ương và địa phương để thực hiện chính sách và giải pháp thực hiện Chương trình đã ban hành; (iii) bố trí và sử dụng nguồn lực; (iv) tác động của việc thực hiện chính sách và giải pháp giảm nghèo đến đối tượng thụ hưởng.

IV. NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ

Để đạt được mục tiêu trên, đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình cần tập trung vào những nội dung cơ bản sau:

1. Công tác quản lý Chương trình

a) Công tác chỉ đạo, điều hành Chương trình

- Đánh giá công tác kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia ở các cấp.

- Đánh giá tình hình chỉ đạo, điều hành, phối hợp của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia ở các cấp.

- Đánh giá mức độ đầy đủ, kịp thời của các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình.

b) Công tác điều hành, phối hợp, thực hiện Chương trình: Đánh giá công tác phối hợp giữa các bộ ngành, sở ngành, các cấp trong tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án, hoạt động của Chương trình.

c) Kết quả xây dựng chính sách quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.

d) Kết quả hoạt động truyền thông, thông tin và theo dõi, giám sát, đánh giá Chương trình.

đ) Công tác chấp hành chế độ giám sát của cơ quan dân cử.

2. Tình hình huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn

a) Ngân sách trung ương bố trí (trong đó: đầu tư phát triển; sự nghiệp); ngân sách địa phương bố trí (trong đó: đầu tư phát triển; sự nghiệp); huy động khác (theo các nguồn).

b) Mức độ đầy đủ và kịp thời về kinh phí so với nhu cầu để thực hiện từng hoạt động của dự án, tiêu dự án.

c) Mức huy động từ các nguồn vốn khác cho công tác giảm nghèo (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, đóng góp từ doanh nghiệp, từ các tổ chức quốc tế, của cộng đồng và cá nhân).

d) Các vướng mắc, bất cập trong bố trí, sử dụng vốn.

3. Kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ

a) Kết quả thực hiện mục tiêu của Chương trình

- Kết quả thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo so với kế hoạch của giai đoạn (tỷ lệ giảm nghèo chung của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số).

- Kết quả thực hiện mục tiêu đưa các địa bàn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn so với kế hoạch của giai đoạn (gồm huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo).

- Kết quả thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể khác của Chương trình.

b) Tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình: Có đúng tiến độ như kế hoạch giai đoạn 5 năm hay không? nguyên nhân của việc chậm tiến độ (nếu có).

c) Đánh giá mức độ tham gia, hướng lợi của các đối tượng thuộc Chương trình

- Đánh giá sự tham gia của các đối tượng hưởng lợi vào công tác lập kế hoạch trung hạn và hàng năm của Chương trình (tổng số cuộc họp thôn lập kế hoạch, số lượt người tham gia các cuộc họp thôn lập kế hoạch trong đó ghi rõ tổng số, số người nghèo, người cận nghèo, phụ nữ, dân tộc thiểu số).

- Đánh giá sự tham gia của người dân trong tổ chức thực hiện theo các dự án, tiểu dự án, nội dung hoạt động của Chương trình (mức độ đóng góp, tham gia vào giám sát, tham gia vận hành và duy tu, bảo dưỡng).

- Đánh giá mức độ hưởng lợi của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, phụ nữ, dân tộc thiểu số... trong các dự án, tiểu dự án, nội dung hoạt động của Chương trình.

4. Đánh giá hiệu quả, tác động của các cơ chế, chính sách giảm nghèo

a) Chính sách giảm nghèo thường xuyên

- Kết quả thực hiện.

- Tồn tại, hạn chế.

b) Chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với công tác giảm nghèo

- Kết quả thực hiện.

- Tồn tại, hạn chế.

5. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

a) Thuận lợi.

b) Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.

c) Bài học kinh nghiệm

- Bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành và quản lý Chương trình.

- Bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung hoạt động của Chương trình.

6. Các đề xuất và kiến nghị

Từ kết quả đánh giá 5 nội dung tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 nêu trên, đánh giá giữa kỳ sẽ nêu ra các đề xuất, kiến nghị nhằm khắc phục những bất cập và những vấn đề nảy sinh trong thực hiện Chương trình, chính sách được phát hiện trong đánh giá giữa kỳ. Những đề xuất và kiến nghị sẽ tập trung vào các vấn đề sau:

a) Kiến nghị điều chỉnh mục tiêu và thiết kế

- Đề xuất về điều chỉnh, hoàn thiện nội dung các dự án thuộc Chương trình trên các phương diện: mục tiêu, đối tượng thụ hưởng của dự án, các hoạt động dự án, cơ chế thực hiện, nguồn vốn, các đầu ra của dự án.

- Đề xuất về đối tượng hưởng lợi của Chương trình (cách xác định đối tượng, các đối tượng cần bổ sung...).

b) Đề xuất bố trí vốn và cơ chế huy động vốn

- Đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp bố trí và phân bổ vốn đảm bảo đủ và kịp thời lượng vốn cho thực hiện Chương trình.

- Đề xuất về cơ chế quản lý tài chính phù hợp để thúc đẩy tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình.

c) Đề xuất về chỉ đạo, điều hành và quản lý Chương trình

- Đề xuất hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, điều hành và phối kết hợp của các Bộ, ngành, sở ngành và các cấp trong triển khai thực hiện Chương trình.

- Đề xuất hoàn thiện về cách thức tổ chức, quản lý thực hiện Chương trình (hệ thống tổ chức quản lý: nhân lực, bộ máy, trang thiết bị, chế độ chính sách; công tác kiểm tra và giám sát, đánh giá...).

- Đề xuất khen thưởng các địa phương có kết quả xuất sắc trong tổ chức thực hiện Chương trình; các mô hình cần nhân rộng.

d) Đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo.

7. Đầu ra của đánh giá giữa kỳ

Đầu ra của đánh giá giữa kỳ Chương trình bao gồm các báo cáo sau:

a) Báo cáo tổng hợp về kết quả Đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình.

b) Báo cáo đánh giá độc lập (nếu có).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công tác chỉ đạo

a) Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia các cấp ở địa phương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện việc đánh giá giữa kỳ Chương trình trên địa bàn; tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo cấp trên theo quy định.

b) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo kết quả đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình gửi cấp có thẩm quyền theo quy định.

c) Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được phân công thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung hoạt động của Chương trình thu thập, tổng hợp thông tin tại các biểu chỉ tiêu theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung hoạt động của Chương trình, tổng hợp báo cáo đánh giá theo quy định tại Thông tư số 10/2022/TT-BLĐTBXH.

2. Thời gian tổ chức đánh giá giữa kỳ

a) Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình hoàn thành trong tháng 8 năm 2023.

Trước ngày 01/9/2023, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương gửi báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình (giai đoạn 2021-2023) về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung hoạt động. Báo cáo của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương gửi theo đường công văn và gửi file mềm qua địa chỉ email: giamngheo@molisa.gov.vn và tổng hợp, báo cáo trên Hệ thống quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

b) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo đánh giá giữa kỳ; tổ chức các cuộc hội thảo, lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia; hoàn thiện trình Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, trình Chính phủ báo cáo sơ bộ trước 30/10/2023 và báo cáo chính thức trước ngày 31/12/2023.

Trên đây là hướng dẫn tổ chức đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình. Trong quá trình thực hiện, có vấn đề vướng mắc, đề nghị quý cơ quan thông tin về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, số 35 phố Trần Phú, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) để nghiên cứu, giải đáp.

Trân trọng cảm ơn sự phối hợp của cơ quan./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTgCP Trần Lưu Quang (để báo cáo);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Sở LĐTBXH các tỉnh, tp trực thuộc TW;
- Các đơn vị thuộc Bộ: Vụ KHTC, Tổng cục GDNN. Cục VL, Cục QLLĐNN;
- Lưu: VT, VPQGGN (3b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Văn Thanh

 

DANH SÁCH CÁC ĐƠN VỊ NHẬN VĂN BẢN

(Ban hành kèm theo Công văn 2346/LĐTBXH-VPQGGN ngày 26 tháng 6 năm 2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

I. Bộ, ngành

1. Ban Tuyên giáo trung ương

2. Văn phòng Quốc hội

3. Bộ Quốc phòng

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

5. Bộ Thông tin và Truyền thông

6. Bộ Y tế

7. Bộ Xây dựng

8. Bộ Tư pháp

9. Bộ Công Thương

10. Bộ Văn hóa, TT và DL

11. Bộ Giao thông vận tải

12. Bộ Giáo dục và Đào tạo

13. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

14. Bộ Tài nguyên và Môi trường

15. Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ

16. Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

17. Hội Cựu chiến binh Việt Nam

18. Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam

19. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

20. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

21. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

22. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam

23. Hội Bảo trợ người khuyết tật và Trẻ em mồ côi

24. Đài Truyền hình Việt Nam

25. Đài Tiếng nói Việt Nam

26. Thông tấn xã Việt Nam

27. Báo Nhân dân

28. Kiểm toán Nhà nước

29. Tòa án Nhân dân tối cao

II. Địa phương

1. Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương./.