Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2352/TCHQ-PC
V/v trả lời vướng mắc, kiến nghị tại Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính với doanh nghiệp Hàn Quốc

Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2024

 

Kính gửi: Đại sứ quán Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam.

Ngày 29/02/2024, Bộ Tài chính phối hợp với Đại sứ quán Đại hàn Dân Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và Doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024. Tại Hội nghị, Tổng cục Hải quan đã nhận được 09 câu hỏi, vướng mắc kiến nghị của doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực hải quan. Các ý kiến này đã được Tổng cục Hải quan trả lời trực tiếp tại Hội nghị cũng như thực hiện đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử của ngành Hải quan.

Tổng cục Hải quan xin gửi Đại sứ quán Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam các câu hỏi, vướng mắc, kiến nghị của Doanh nghiệp Hàn Quốc có liên quan đến lĩnh vực hải quan nhận được tại Hội nghị và nội dung trả lời (đính kèm).

Tổng cục Hải quan trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Đại sứ quán Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Tài chính (để b/c);
- Lưu: VT, PC (02b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Hoàng Việt Cường

 

CÁC CÂU HỎI NHẬN ĐƯỢC CỦA DOANH NGHIỆP HÀN QUỐC

(Kèm theo Công văn số 2352/TCHQ-PC ngày 28/5/2024 của Tổng cục Hải quan)

I. Các vấn đề về thủ tục hải quan

Câu 1. Nhóm các ý kiến về hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ

Ý kiến 1. Cơ quan Hải quan cập nhật thời điểm dự kiến những quy định/ hướng dẫn cụ thể liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ được ban hành chính thức? Đồng thời cần có những đánh giá tác động toàn diện để đưa ra các giải pháp, chính sách thuế và thủ tục Hải quan liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ phù hợp.

Trả lời:

Bộ Tài chính đã dự thảo công văn báo cáo thủ tướng Chính phủ kèm theo bản báo cáo đánh giá tác động khi sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ tại Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP trong đó đề xuất cụ thể:

- Đối với nội dung thanh toán quốc tế qua ngân hàng: Đề xuất lãnh đạo Bộ báo cáo Phó Thủ tướng giao Ngân hàng nhà nước sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến thanh toán quốc tế qua ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác;

- Đối với đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách thuế liên quan đến hàng hóa XNK tại chỗ: Kiến nghị Bộ giao Tổng cục Thuế chủ trì, xây dựng các giải pháp về Thuế GTGT;

+ Đánh giá, xây dựng các nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến chính sách thuế GTGT và thuế nhập khẩu phát sinh tại khâu thay đổi mục đích sử dụng, xuất khẩu, đồng thời làm đầu mối trao đổi với Tổng cục Thuế, Vụ Thanh toán - NHNN liên quan đến chính sách thuế và thanh toán quốc tế qua ngân hàng;

+ Đánh giá tác động liên quan đến chi phí tuân thủ, nguồn lực của doanh nghiệp;

+ Tiếp tục hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ lấy ý kiến các Bộ, Ngành, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.

Trong khi hoàn thiện các chính sách liên quan đến thuế, thanh toán quốc tế, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP. Tổng cục Hải quan dự kiến bổ sung 01 điều khoản chuyển tiếp để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ trong giai đoạn chuyển giao, trong đó quy định: “Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam được tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ trong thời hạn tối đa không quá 01 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực và phải đáp ứng điều kiện thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương.”

Ý kiến 2. Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam sau khi ký hợp đồng bán hàng với thương nhân nước ngoài thì cung cấp hàng hóa cho doanh nghiệp chế xuất theo chỉ định của thương nhân nước ngoài có thực hiện thủ tục XNK tại chỗ không? Đề nghị hướng dẫn thủ tục trong trường hợp này?

Trả lời:

Trường hợp DN hỏi thuộc trường hợp mua bán hàng hóa quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP. Theo đó, trường hợp thương nhân nước ngoài đã có hiện diện tại Việt Nam thì không thuộc trường hợp xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Trường hợp thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam thì DN thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định.

Ý kiến 3. Hoạt động trong nước của doanh nghiệp chế xuất cũng như giao dịch với khách hàng tại Việt Nam đều là hoạt động xuất khẩu, vì vậy đề nghị loại bỏ đối tượng là doanh nghiệp chế xuất trong điều khoản dừng hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ.

Trả lời:

- Hiện nay thủ tục hải quan đối với hàng hóa mua bán giữa DN chế xuất và DN nội địa thực hiện theo quy định hiện hành tại điểm b khoản 1 Điều 35 Nghị định số 089/2015/NĐ-CP, không có quy định dừng hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ đối với giao dịch này.

- Trường hợp DNCX mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài nhưng được chỉ định giao hàng hóa cho 1 DN Việt Nam khác thì để được thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ phải đáp ứng điều kiện thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam.

Ý kiến 4. Doanh nghiệp chế xuất đặt trụ sở tại Việt Nam, đã ký hợp đồng cung cấp hàng hóa với đối tác ở nước ngoài, sau đó cung cấp hàng cho một doanh nghiệp chế xuất khác. Doanh nghiệp kiến nghị hướng dẫn quy trình Hải quan sẽ áp dụng trong trường hợp này:

(1) Liệu có thể được lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục hải quan theo Điều 74 của Thông tư số 38/2015/TT-BTC đối với hàng hóa di chuyển từ doanh nghiệp chế xuất này đến doanh nghiệp chế xuất khác theo đơn đặt hàng của đối tác thương mại quốc tế hay không?

(2) Nếu lựa chọn thực hiện thủ tục Hải quan, liệu có phải tuân theo các thủ tục Hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ theo Điều 86 Thông tư số 38/2015/TT-BTC hay không? Nếu tuân theo quy trình xuất nhập khẩu tại chỗ theo Điều 86, liệu có thể áp dụng các quy định theo điểm b, khoản 1, Điều 86 không?

Trả lời:

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 74 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 50 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính, trường hợp hàng hóa mua, bán, thuê, mượn giữa các doanh nghiệp chế xuất với nhau thì doanh nghiệp chế xuất và đối tác của doanh nghiệp chế xuất được lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục hải quan.

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 75 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 51 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính, đối với hàng hóa mua, bán giữa hai doanh nghiệp chế xuất, trường hợp lựa chọn làm thủ tục hải quan thì thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại Điều 86 Thông tư này. Theo đó, trường hợp DNCX mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài và được chỉ định giao nhận hàng hóa cho 1 DN Việt Nam khác thì phải đáp ứng điều kiện thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam. Trường hợp thương nhân nước ngoài đã có hiện diện tại VN thì không thuộc trường hợp xuất nhập khẩu tại chỗ quy định tại Điều 35 Nghị định số 08Điều 86 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.

Câu 2. Thủ tục Hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu bị gửi nhầm

Trong hoạt động thực tế của doanh nghiệp, khi nước đối tác gửi nhầm hàng hóa hoặc có trường hợp hàng hóa thuộc danh mục không được nhập khẩu theo quy định của Việt Nam nhưng lại bị gửi nhầm, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục xuất khẩu trả hàng hóa đối với hàng hóa đã được nhập khẩu vào Việt Nam Tuy nhiên, hiện nay sẽ phải mất ít nhất từ 01 tháng trở lên để tiến hành thủ tục hải quan để xuất khẩu trả lại hàng hóa. Việc lưu kho hàng hóa trong thời gian dài như vậy gây ra những khó khăn lớn như phát sinh chi phí lưu kho, hư hỏng v.v...

Kiến nghị: hướng dẫn về thủ tục hải quan đối với thủ tục hoàn trả sản phẩm lỗi theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC và Thông tư số 39/2018/TT-BTC. Đồng thời, đề nghị đơn giản hóa thủ tục hoàn trả sản phẩm bằng cách xem xét lại quy định kiểm tra hàng hóa trong các quy định liên quan.

Trả lời:

Khi người nhận hàng có văn bản đề nghị tái xuất, cơ quan hải quan phải tiến hành kiểm tra hồ sơ do người đề nghị tái xuất cung cấp; kiểm tra thực tế hàng hóa và xác minh các thông tin liên quan việc nhầm lẫn, thất lạc hoặc từ chối nhận hàng của người nhận hàng trên vận đơn. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp, cơ quan Hải quan phải tiến hành thủ tục tìm kiếm chủ hàng đối với trường hợp gửi nhầm, thất lạc, chủ hàng trên vận đơn không bỏ hàng, không thực hiện thủ tục hải quan.

Trường hợp không đủ cơ sở để xác định tính phù hợp của các chứng từ chứng minh việc nhầm lẫn, thất lạc hoặc từ chối nhận hàng hoặc có dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại thì cơ quan Hải quan phải thực hiện xác minh với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, các cơ quan trong nước khác có liên quan (hãng tàu, công ty giao nhận, ngân hàng, công ty bảo hiểm) và các cơ quan có liên quan ở nước ngoài (hải quan nước xuất khẩu, hãng tàu, đại lý hãng tàu nước xuất khẩu, người xuất khẩu, tham tán hải quan ở nước ngoài).

Theo đó, thời gian tiến hành xác minh đề nghị tái xuất thực hiện theo quy định tại Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan.

Do nội dung không có thông tin cụ thể về việc bị kéo dài thời gian thực hiện thủ tục tái xuất hàng do nhầm lẫn, thất lạc, người nhận từ chối nhận hàng nên Tổng cục Hải quan không có cơ sở để trả lời chi tiết. Theo đó, đề nghị doanh nghiệp căn cứ theo các quy định dẫn trên để thực hiện.

Đối với đề nghị của Đại sứ quán Hàn Quốc về việc đơn giản hóa thủ tục liên quan đến xuất khẩu hoàn trả hàng. Tổng cục Hải quan ghi nhận và sẽ xem xét khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Câu 3. Các câu hỏi về xuất xứ hàng hóa

- Trong trường hợp tại thời điểm doanh nghiệp xin cấp C/O sử dụng định mức/ tỷ lệ hao hụt dự kiến (kỹ thuật), nhưng tại thời điểm kiểm tra sau thông quan, doanh nghiệp cung cấp giải trình và cơ quan Hải quan xác định việc sử dụng định mức thực tế có ảnh hưởng đến bản chất xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu đã được cấp C/O. Hành vi này nên bị xử phạt đối với hành vi khai sai hải quan theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP, và không phải là hành vi giả mạo xuất xứ theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP.

Kiến nghị:

- Quan điểm của Tổng cục Hải quan về việc áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai hải quan (theo Điều 8 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP), trong trường hợp định mức thực tế của lô hàng xuất khẩu có ảnh hưởng đến bản chất xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, như được đề cập ở trên?

- Thay mặt Korcham, chúng tôi kiến nghị tới cơ quan Hải quan cần có những đánh giá toàn diện về hoạt động xuất khẩu của cộng đồng doanh nghiệp và việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do, để đưa ra những hướng dẫn cụ thể về hành vi như nào được xem là "giả mạo xuất xứ", và hướng dẫn rằng những trường hợp việc áp dụng định mức thực tế có ảnh hưởng đến bản chất hàng hóa, nên xử phạt khai sai hải quan, không phải hành vi giả mạo xuất xứ, để doanh nghiệp và hải quan địa phương có căn cứ thực hiện trong quá trình kiểm tra sau thông quan.

Trả lời:

- Theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 18 Luật Hải quan năm 2014 thì người khai hải quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình; về sự thống nhất nội dung thông tin giữa hồ sơ lưu tại doanh nghiệp với hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan.

- Về nguyên tác xử phạt vi phạm hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định:

Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Như vậy, việc xác định hành vi vi phạm và áp dụng chế tài xử phạt cần căn cứ vào quy định tại văn bản quy phạm pháp luật.

- Đối với hành vi khai sai về xuất xứ quy định tại Điều 8 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan, có thể được xác định khi có hành vi khai sai so với xuất xứ thực tế (hồ sơ, chứng từ đi kèm tờ khai hải quan, hàng hóa đều đúng và phù hợp với nhau, chỉ có tờ khai hải quan khai sai xuất xứ so với thực tế).

Trường hợp tại thời điểm xin cấp C/O, doanh nghiệp nộp định mức, tỷ lệ hao hụt dự kiến trong trường hợp chưa có định mức kỹ thuật và đã được Bộ Công Thương chấp nhận và cấp C/O.

Sau khi doanh nghiệp có định mức kỹ thuật, định mức thực tế dẫn đến thay đổi xuất xứ hàng hóa so với C/O đã được Bộ Công Thương cấp trước đó, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ xin cấp lại C/O. Trường hợp được Bộ Công Thương cấp lại C/O cho doanh nghiệp theo định mức thực tế, định mức kỹ thuật thì doanh nghiệp thực hiện thủ tục khai bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Hải quan, Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC.

- Đối với việc xác định xuất xứ hàng hóa của Việt Nam hoặc được sản xuất tại Việt Nam, gần đây khi góp ý[1] vào dự thảo Đề án của Bộ Công Thương về “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa”, Tổng cục Hải quan cũng đã có các kiến nghị về hoàn thiện văn bản pháp luật trong việc này. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xác định hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Câu 4. Đối tượng hưởng ưu đãi doanh nghiệp chế xuất

Chúng tôi đang tiến hành dự án lắp đặt hệ thống năng lượng điện mặt trời trên mái của một doanh nghiệp chế xuất EPE (miễn thuế) có tên là A.

Dự án năng lượng mặt trời mà chúng tôi lắp đặt phục vụ 100% cho doanh nghiệp chế xuất A, không bán điện cho bên thứ ba, bao gồm cả EVN.

Doanh nghiệp chế xuất A là một nhà máy lớn chuyên sản xuất sản phẩm công nghệ cao, có hệ thống giám sát điều khiển/quan sát toàn bộ hệ thống điện của nhà máy, theo đó hệ thống điện mặt trời chúng tôi lắp đặt cũng được kết nối với hệ thống giám sát nói trên và được giám sát đồng thời theo thời gian thực tế.

Chúng tôi xin gửi 2 câu hỏi như sau:

1. Vì năng lượng mặt trời do chúng tôi cung cấp được sử dụng 100% để sản xuất các sản phẩm chính của Doanh nghiệp chế xuất A nên được coi là dự án gắn liền với hoạt động kinh doanh chính, vậy công ty chúng tôi có thể được hưởng quyền lợi của doanh nghiệp chế xuất không?

2. Nếu công ty chúng tôi không được hưởng quyền lợi của doanh nghiệp chế xuất thì trong trường hợp chúng tôi sử dụng chung văn phòng với Doanh nghiệp chế xuất (gồm cả trường hợp dùng địa chỉ văn phòng này để đăng ký Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp), việc một doanh nghiệp không phải doanh nghiệp chế xuất (công ty chúng tôi) nằm trong khu vực chế xuất (địa điểm doanh nghiệp A) thì điều này có gây bất lợi cho quyền lợi liên quan tới doanh nghiệp chế xuất mà công ty A đang được hưởng không?

Trả lời:

Liên quan đến câu hỏi của Công ty về việc hưởng quyền lợi của doanh nghiệp chế xuất khi Công ty lắp đặt hệ thống năng lượng điện mặt trời trên mái của doanh nghiệp chế xuất (DNCX), đề nghị Công ty liên hệ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn.

Ngoài ra, liên quan đến việc DNCX cho doanh nghiệp nội địa thuê mái nhà xưởng để sản xuất điện mặt trời, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 5519/TCHQ-GSQL ngày 24/11/2021 hướng dẫn. Theo đó:

1. Việc DNCX cho doanh nghiệp nội địa thuê mái nhà xưởng để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Trong thời gian cho thuê DNCX phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện về khu phi thuế quan theo quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Nghị định số 82/2018/NĐ-CP và điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với DNCX là khu phi thuế quan theo Điều 28a Nghị định số 18/2021/NĐ-CP.

2. Trước khi thực hiện việc cho doanh nghiệp nội địa lắp đặt hệ thống điện mặt trời, DNCX phải có văn bản gửi Chi cục Hải quan quản lý DNCX kèm theo hợp đồng thuê mái nhà xưởng. Nội dung văn bản nêu rõ tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân thuê; thời gian, địa điểm, vị trí, diện tích cho thuê; vị trí tập kết hàng hóa; tên, số lượng, ký hiệu hàng hóa, máy móc, thiết bị, công cụ (sau đây gọi chung là hàng hóa) dự kiến đưa vào DNCX để lắp đặt, vận hành, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện mặt trời; phương thức vận chuyển, lưu trữ và giám sát hàng hóa đưa vào, ra phải đảm bảo hàng hóa đưa vào khu vực DNCX phải cho thuê để lắp đặt hệ thống điện mặt trời phải được tập kết tại khu vực riêng, không được đưa vào khu vực sản xuất, lưu trữ hàng hóa của DNCX và đảm bảo điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa của DNCX.

Căn cứ đề nghị của DNCX, Chi cục Hải quan quản lý DNCX thực hiện kiểm tra hiện trạng địa điểm, vị trí phục vụ cho hoạt động lắp đặt, sửa chữa hệ thống điện mặt trời, đối chiếu với quy định về điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa của DNCX tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Nghị định số 82/2018/NĐ-CP và Nghị định số 18/2021/NĐ-CP của Chính phủ để đảm bảo việc lắp đặt, sửa chữa hệ thống điện mặt trời không ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan đối với hàng hóa của doanh nghiệp.

3. Trước khi chấm dứt hợp đồng cho thuê mái nhà xưởng với doanh nghiệp nội địa, DNCX có văn bản thông báo cho Chi cục Hải quan quản lý DNCX, trong đó nêu rõ toàn bộ hàng hóa của doanh nghiệp thuê mái nhà xưởng đã đưa ra khỏi DNCX. DNCX chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cho thuê nhà xưởng, quản lý hàng hóa và đảm bảo điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định trong thời gian cho thuê.

4. Chi cục Hải quan quản lý DNCX thực hiện kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu nghi vấn không đảm bảo điều kiện kiểm tra, giám sát Hải quan đối với hàng hóa của DNCX.

II. Các vấn đề về chính sách thuế

Câu 5. Kiến nghị giảm thuế trường hợp doanh nghiệp bị hỏa hoạn

Các doanh nghiệp kiến nghị áp dụng thống nhất hồ sơ xét giảm thuế do hỏa hoạn đối với các trường hợp đã phát sinh trước thời điểm hiệu lực của Nghị định số 18/2021/NĐ-CP.

Trả lời:

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tổng hợp các trường hợp vướng mắc liên quan đến việc giảm thuế của các doanh nghiệp bị thiệt hại do hỏa hoạn để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Câu 6. Đề xuất ban hành quy định thực hiện miễn thuế đối với hàng hóa tái nhập sau sửa chữa hoặc thay thế

Điều khoản miễn thuế hải quan đối với hàng hóa tái nhập sau sửa chữa hoặc tái chế được quy định cụ thể tại Điều 2.6 của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc. Tuy nhiên, bởi vì thiếu các quy định thực thi nội địa tại Việt Nam cho điều khoản này của Hiệp định liên quan đến hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc, được sửa chữa tại Hàn Quốc và sau đó được trả lại Việt Nam. Doanh nghiệp hiện không được hưởng miễn thuế hải quan một cách hợp lý khi tái nhập hàng hóa sau sửa chữa hoặc thay thế.

Chúng tôi kiến nghị ban hành thêm các quy định nội địa để hướng dẫn thực thi các điều khoản miễn thuế đặc biệt đối với hàng hóa tái nhập vào Việt Nam sau khi được sửa chữa tại Hàn Quốc.

Trả lời:

Căn cứ quy định tại khoản 9 Điều 16 Luật Thủ xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định, bao gồm:

"a) Hàng hóa tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để tổ chức hoặc tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, sự kiện thể thao, văn hóa, nghệ thuật hoặc các sự kiện khác; máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất để thử nghiệm, nghiên cứu phát triển sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định hoặc phục vụ gia công cho thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất;

b) Máy móc, thiết bị, linh kiện, phụ tùng tạm nhập để thay thế sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài hoặc tạm xuất để thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay Việt Nam ở nước ngoài; hàng hóa tạm nhập, tái xuất để cung ứng cho tàu biển, tàu bay nước ngoài neo đậu tại cảng Việt Nam;

c) Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế;

d) Phương tiện quay vòng theo phương thức tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

đ) Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn tạm nhập, tái xuất (bao gồm cả thời gian gia hạn) được tổ chức tín dụng bảo lãnh hoặc đã đặt cọc một khoản tiền tương đương số tiền thuế nhập khẩu của hàng hóa tạm nhập, tái xuất”.

Căn cứ khoản 2 Điều 13 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế quy định tại điểm c khoản 9 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải đảm bảo không làm thay đổi hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa tạm nhập, tạm xuất và không tạo ra hàng hóa khác”

Như vậy, tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 và Nghị định 134/2016/NĐ-CP đã quy định hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế được miễn thuế nếu đảm bảo quy định không làm thay đổi hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa tạm nhập, tạm xuất và không tạo ra hàng hóa khác đã được quy định.

Căn cứ khoản 4 Điều 17 Thông tư 39/2015/TT-BTC quy định: “Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng hóa đưa ra nước ngoài sửa chữa, khi nhập khẩu về Việt Nam thuộc đối tượng chịu thuế thì trị giá hải quan là chi phí thực trả để sửa chữa hàng hóa nhập khẩu phù hợp với các chứng từ liên quan đến việc sửa chữa hàng hóa”.

Căn cứ quy định này thì trường hợp hàng hóa đưa ra nước ngoài để sửa chữa khi nhập khẩu trở lại Việt Nam nếu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế thì trị giá hải quan là chi phí thực trả để sửa chữa hàng hóa nhập khẩu.

Như vậy, các quy định tại Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13 và các văn bản hướng dẫn là phù hợp với nội dung tại Điều khoản miễn thuế hải quan đối với hàng hóa tái nhập sau sửa chữa, tái chế tại Điều 2.6 Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc.

Câu 7. Quy định liên quan đến hoàn thuế đối với nguyên liệu nhập khẩu theo loại hình nhập kinh doanh sản xuất (A12) giao đi gia công lại

Kế hoạch của Bộ Tài chính, và Tổng cục Hải quan trong việc sửa đổi quy định hoàn thuế, theo định hướng cho phép hoàn thuế đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh theo mã loại hình A12 (đã nộp thuế nhập khẩu) sau đó được giao gia công lại?

Chúng tôi kiến nghị Cơ quan Hải quan cần có những đánh giá toàn diện về thực tế quản lý chuỗi cung ứng, cũng như hoạt động sản xuất xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, để đề xuất những sửa đổi về mặt quy định hoàn thuế, theo định hướng cho phép hoàn thuế đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh theo mô loại hình A12 (đã nộp thuế nhập khẩu) sau đó được giao gia công lại.

Trả lời:

Căn cứ điểm b, khoản 1, Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016; khoản 1, Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định hoàn thuế đối với trường hợp người nộp thuế đã nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và đã xuất khẩu sản phẩm. Cơ sở để xác định hàng hóa được hoàn thuế thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

Về câu hỏi doanh nghiệp nêu liên quan đến kế hoạch sửa đổi quy định về thuế: Nghị định số 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành để quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016, đã được sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ.

Theo lộ trình xây dựng văn bản quy pháp pháp luật về thuế xuất khẩu thuế nhập khẩu, sau khi Quốc hội ban hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi hoặc thay thế Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi hoặc thay thế Nghị định số 134/2016/NĐ-CP. Bộ Tài chính đã có Công văn số 13824/BTC-CST ngày 28/12/2022 gửi Bộ Tư pháp để trình Chính phủ về việc nghiên cứu sửa đổi Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, theo đó đã đề xuất trình Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và trình Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI.

Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp để xem xét đánh giá nếu phù hợp.

Câu 8. Chính sách thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhà thầu nhập khẩu để xây dựng nhà xưởng, văn phòng cho doanh nghiệp chế xuất

Các doanh nghiệp phản ánh vướng mắc về chính sách thuế đối với hàng hóa do nhà thầu nhập khẩu từ nước ngoài để xây dựng nhà xưởng, văn phòng, lắp đặt thiết bị theo kết quả đấu thầu cho doanh nghiệp trong khu phi thuế quan.

Trả lời:

Căn cứ Điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 quy định thuế GTGT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.

Căn cứ Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 thì hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế GTGT, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này.

Căn cứ Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 quy định người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế GTGT.

Căn cứ khoản 20 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 thì hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Căn cứ khoản 20 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Trường hợp nhà thầu (không nằm trong khu phi thuế quan) nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài để xây dựng doanh nghiệp chế xuất thì phải kê khai, nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu theo quy định.

Câu 9. Hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa đã xuất khẩu của Công ty TNHH điện tử Sam Sung HCMC CE Complex

Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex có nguyên vật liệu nhập khẩu, mua từ nội địa cho mục đích sản xuất xuất khẩu là đối tượng không chịu thuế GTGT. Vì lý do không còn nhu cầu sử dụng một lượng nguyên vật liệu vào sản xuất trong giai đoạn Covid, công ty khai chuyển mục đích sử dụng nguyên vật liệu, kê khai và nộp thuế như hình thức sử dụng để tiêu thụ nội địa theo quy định. Đối với phần nguyên liệu bán vào nội địa, công ty đã xuất hóa đơn, kê khai thuế GTGT. Đối với phần nguyên liệu xuất khẩu ra nước ngoài, công ty đăng ký tờ khai và xuất hóa đơn GTGT với thuế suất GTGT 0% và đề nghị hoàn thuế GTGT đầu vào theo trường hợp xuất khẩu tại Cục Thuế TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã có báo cáo Tổng cục Thuế và chuyển cơ quan Hải quan thực hiện thủ tục xử lý tiền thuế nộp thừa.

Trả lời:

Ngày 06/3/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Quyết định số 422/QĐ-BTC về việc thành lập Tổ công tác xử lý hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa đã xuất khẩu của Công ty TNHH điện tử Sam Sung HCMC CE Complex.

Ngày 14/3/2024, Tổng cục Hải quan có Công văn số 1038/TCHQ-TXNK về việc hoàn thuế GTGT gửi Công ty TNHH điện tử Sam Sung HCMC CE Complex và Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh. Theo đó, Tổng cục Hải quan đề nghị Công ty liên hệ với Cục Thuế TP Hồ Chí Minh để được hướng dẫn hoàn thuế theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở báo cáo của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, ngày 09/5/2024, Tổng cục Hải quan đã có văn bản số 115/TCHQ-TXNK (NB) gửi Tổng cục Thuế có ý kiến về việc xử lý hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa đã xuất khẩu của Công ty TNHH điện tử Samsung HCMC CE Complex.



[1] Công văn số 6083/TCHQ-GSQL ngày 24/11/2023 của Tổng cục Hải quan về việc góp ý Đề án nâng cao hiệu quả QLNN về xuất xứ hàng hóa