Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23624/CTHN-TTHT
V/v kê khai thuế GTGT

Hà Nội, ngày 28 tháng 06 năm 2021

 

Kính gửi: Công ty TNHH Kurita - GK Việt Nam
(Đ/c: Phòng 305, tầng 3, Trung tâm Công nghệ, Khu công nghiệp Thăng Long, Xã Kim Chung, Huyện Đông Anh, Hà Nội)
MST: 0107595328

Trả lời công văn số 202105-CV/chính sách thuế đề ngày 20/05/2021 của Công ty TNHH Kurita - GK Việt Nam hỏi về chính sách thuế, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Căn cứ Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng

Tại Điều 15 quy định điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào

1. Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

2. Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ trường hợp tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt gồm chứng từ thanh toán qua ngân hàng và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khác hướng dẫn tại khoản 3 và khoản 4 Điều này…

- Căn cứ Thông tư 130/2016/TT-BTC ngày 12/08/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế và sửa đổi một số điều tại các Thông tư về thuế

Tại Khoản 3 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 18 Thông tư 219/2013/TT-BTC

“Điều 1...

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 18 như sau:

“1. Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trong quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.

Trường hợp cơ sở kinh doanh có số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết phát sinh trước kỳ tính thuế tháng 7/2016 (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trước kỳ tính thuế quý 3/2016 (đối với trường hợp kê khai theo quý) đủ điều kiện hoàn thuế GTGT theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư số 219/2013/TT-BTC thì cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế theo quy định của pháp luật.

…5. Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế giá trị gia tăng khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế giá trị gia tăng nộp thừa hoặc số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết.

Cơ sở kinh doanh trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng phải giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động chưa phát sinh thuế giá trị gia tăng đầu ra của hoạt động kinh doanh chính theo dự án đầu tư thì chưa phải điều chỉnh lại số thuế giá trị gia tăng đã kê khai, khấu trừ hoặc đã được hoàn. Cơ sở kinh doanh phải thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định.

Trường hợp cơ sở kinh doanh sau khi làm đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản thì đối với số thuế GTGT đã được hoàn thực hiện theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản và quản lý thuế; đối với số thuế GTGT chưa được hoàn thì không được giải quyết hoàn thuế.

Trường hợp cơ sở kinh doanh chấm dứt hoạt động và không phát sinh thuế GTGT đầu ra của hoạt động kinh doanh chính thì phải nộp lại số thuế đã được hoàn vào ngân sách nhà nước. Trường hợp có phát sinh bán tài sản chịu thuế GTGT thì không phải điều chỉnh lại số thuế GTGT đầu vào tương ứng của tài sản bán ra.”

- Căn cứ Thông tư 156/2013/TT-BTC của ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ

Tại Tiết c Khoản 1 Điều 11 quy định về khai thuế GTGT:

“Điều 11. Khai thuế giá trị gia tăng

1. Trách nhiệm nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế

c) Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc kinh doanh ở địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc nộp h sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị trực thuộc; nếu đơn vị trực thuộc không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính của người nộp thuế.”

- Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 của Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam

Tại Điều 30 quy định về nơi nộp hồ sơ đăng ký thuế:

“1. Người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Đối tượng đăng thuế bao gồm:

a) Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện đăng thuế theo cơ chế một cửa liên thông cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thực hiện đăng ký thuế mực tiếp với cơ quan thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

4. Đăng ký thuế bao gồm:

a) Đăng ký thuế lần đầu;

b) Thông báo thay đi thông tin đăng ký thuế;

c) Thông báo khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh;

d) Chấm dứt hiệu lực mã s thuế;

đ) Khôi phục mã số thuế.”

- Căn cứ Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, quy định:

Tại Điều 11 quy định địa điểm nộp hồ sơ khai thuế:

2. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế có hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 45 Luật Quản lý thuế thực hiện hạch toán tập trung tại trụ sở chính (trừ các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều này) tại cơ quan thuế quản lý trụ sở chính. Đồng thời, người nộp thuế phải nộp Bảng phân bổ số thuế phải nộp (nếu có) theo từng địa bàn cấp tỉnh nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) cho cơ quan thuế quản lý trụ sở chính.

Tại Điều 43 quy định chuyển tiếp

“3. Các trường hợp được Chính phủ cho phép gia hạn thời gian nộp thuế thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Chính phủ. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn các trường hợp thuộc diện kê khai thuế theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 11 Nghị định này đảm bảo thực hiện cho năm đầu tiên của thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo kể từ khi Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực thi hành.

- Căn cứ Điều 14 Thông tư số 71/2020/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán năm 2021, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2021 -2023 hướng dẫn:

“Dự toán NSĐP năm 2021 được xây dựng theo quy định năm 2021 là năm kéo dài của thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017-2020.”

- Căn cứ Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 122/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội:

“5. Kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021.”

- Căn cứ công văn số 1938/BTC-TCT ngày 26/02/2021 của Bộ Tài chính về việc thực hiện Thông tư 156/2013/TT-BTC và các Thông tư khác quy định:

“2. Các quy định tại các Thông tư nêu tại điểm 1 công văn này (trừ những nội dung đã được quy định cụ thể tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ) tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác thay thế.”

Căn cứ các quy định trên, trường hợp Chi nhánh Công ty TNHH Kurita - GK Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh (là đơn vị trực thuộc của Công ty TNHH Kurita có trụ sở chính tại Hà Nội) đã đăng ký kê khai, nộp thuế GTGT thì Chi nhánh nộp hồ sơ khai thuế GTGT cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của Chi nhánh là Cục Thuế tỉnh Bình Dương. Số thuế GTGT đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh của Chi nhánh thì Chi nhánh kê khai khấu trừ tại Chi nhánh theo quy định. Trường hợp Chi nhánh là đơn vị trực thuộc không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu và muốn kê khai tập trung tại trụ sở chính thì Chi nhánh nộp hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế theo cơ chế một cửa liên thông cho cơ quan đăng ký kinh doanh để thay đổi không kê khai, nộp thuế GTGT. Hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế của Chi nhánh thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và đề nghị đơn vị liên hệ với cơ quan đăng ký kinh doanh để được hướng dẫn cụ thể. Số thuế GTGT đầu vào còn được khấu trừ của Chi nhánh không thuộc trường hợp được hoàn thuế theo quy định tại Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC và chưa có cơ sở hướng dẫn để chuyển sang Công ty kê khai khấu trừ tiếp.

Từ ngày 05/12/2020, việc kê khai, nộp thuế thực hiện theo quy định của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14. Thông tư số 156/2013/TT-BTC tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác thay thế. Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Cục Thuế TP Hà Nội sẽ đăng tải nội dung trên trang web https://hanoi.gdt.gov.vn để hướng dẫn người nộp thuế khi các văn bản được ban hành.

Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty TNHH Kurita - GK Việt Nam được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng TTKT2;
- Phòng NVDTPC;
- Website Cục Thuế;
- Lưu: VT, TTHT(2).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Tiến Trường