Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2376/TCT-CS
V/v Thuế GTGT, thuế tài nguyên bồi thường cây rừng.

Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 2012

 

Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng.

Trả lời Công văn số 588/CT-TTHT ngày 29/3/2012 của Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng về thuế giá trị gia tăng và thuế tài nguyên bồi thường tài nguyên rừng, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1) Về thuế giá trị gia tăng:

- Tại điểm 1 và điểm 6 mục II, Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Khoản 1 và khoản 6 Điều 4 Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 và Nghị định số 121/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng:

“1. Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.

Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt lát, ướp muối, bảo quản lạnh và các hình thức bảo quản thông thường khác.

Ví dụ 1: phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt lát các sản phẩm trồng trọt; làm sạch, phơi, sấy khô, ướp muối, ướp đá các sản phẩm thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt khác”.

“6. Chuyển quyền sử dụng đất.”

- Tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 06/2012/TT-BTC nêu trên quy định các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng:

“2. Các khoản thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng phát thải và các khoản thu tài chính khác, trừ khoản lãi cho vay do doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng nhận được”.

Căn cứ các quy định trên thì sản phẩm rừng chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc mới qua sơ chế bán ra và chuyển quyền sử dụng đất rừng không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng hoặc thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật. Do đó, khoản thu tiền bồi thường tài nguyên rừng được xác định trên cơ sở không bao gồm thuế giá trị gia tăng.

2) Về thuế tài nguyên:

- Tại Điều 3 Luật Thuế tài nguyên quy định:

“1. Người nộp thuế tài nguyên là tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên.

2. Người nộp thuế tài nguyên trong một số trường hợp được quy định cụ thể như sau:

a) Doanh nghiệp khai thác tài nguyên được thành lập trên cơ sở liên doanh thì doanh nghiệp liên doanh là người nộp thuế;

b) Bên Việt Nam và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh khai thác tài nguyên thì trách nhiệm nộp thuế của các bên phải được xác định cụ thể trong hợp đồng hợp tác kinh doanh;

c) Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua và tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết chấp thuận bằng văn bản về việc kê khai, nộp thuế thay cho tổ chức, cá nhân khai thác thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế.”

Căn cứ quy định nêu trên, yêu cầu Cục thuế hướng dẫn cơ sở kinh doanh khai thác tài nguyên kê khai, nộp thuế tài nguyên theo đúng quy định.

Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế được biết.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- PTCT - Cao Anh Tuấn (để báo cáo);
- Lưu: VT, CS (2b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Ngô Văn Độ