Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UBND TỈNH HÀ TĨNH
SỞ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 246/SXD-KTXD
Về hướng dẫn tính chi phí dự phòng trượt giá trong giá gói thầu xây dựng đấu thầu trọn gói

Hà Tĩnh, ngày 02 tháng 3 năm 2015

 

Kính gửi:

- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng;
- Các doanh nghiệp tư vấn xây dựng,

 

Việc tính chi phí dự phòng trượt giá trong dự toán gói thầu để thực hiện việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức hợp đồng trọn gói theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ. Theo đó, giá hợp đồng sẽ được khoán gọn cho nhà thầu thi công theo thiết kế, tiến độ và giá trúng thầu được duyệt. Giá trúng thầu trọn gói được duyệt đã bao gồm khoản chi phí dự phòng trượt giá và không vượt giá dự toán gói thầu. Do vậy, trong giá gói thầu đấu thầu trọn gói phải bao gồm khoản chi phí dự phòng trượt giá có thể xẩy ra trong quá trình thực hiện, nên việc xác định chi phí dự phòng này phải đảm bảo mức dự báo trượt giá phù hợp với sự biến động của các yếu tố chi phí theo thời gian thực hiện gói thầu, nhằm tránh thất thoát lãng phí vốn đầu tư vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh có hiệu quả của nhà thầu. Bên cạnh đó, mỗi gói thầu lại có quy mô, tính chất, cơ cấu tỷ trọng các yếu tố chi phí, tiến độ và thời gian thực hiện khác nhau nên mức độ trượt giá của từng gói thầu cũng khác nhau. Để đáp ứng yêu cầu này, việc xác định chi phí dự phòng trượt giá phải được thực hiện theo từng gói thầu. Để thực hiện việc tính chi phí dự phòng trượt giá được phù hợp, Sở Xây dựng đã có hướng dẫn phương pháp xác định tại văn bản số 1221/SXD-KTXD ngày 26/9/2014. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện một số chủ đầu tư và đơn vị tư vấn còn có khó khăn. Nhằm giúp việc tính toán xác định được khoản chi phí dự phòng trượt giá trong giá gói thầu ở mức phù hợp, Sở Xây dựng hướng dẫn cụ thể theo trình tự và phương pháp sau đây.

I. Trình tự thực hiện và phương pháp tính toán

1. Xác định các dữ liệu tính toán

1.1. Xác định độ dài thời gian thực hiện gói thầu (T)

Độ dài thời gian thực hiện gói thầu tính theo quý hoặc năm. Đây là một trong các yếu tố quan trọng để tính toán mức độ trượt giá của gói thầu. Việc xác định thời gian thực hiện gói thầu, phụ thuộc vào các yếu tố: yêu cầu về tiến độ của việc đưa công trình vào sử dụng; quy mô, tính chất và yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu; thời gian bố trí vốn cho gói thầu. Từ các yếu tố này, chủ đầu tư xem xét để xác định thời gian thực hiện gói thầu một cách phù hợp làm cơ sở cho việc xác định mức độ trượt giá theo thời gian. Thời gian thực hiện gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

1.2. Xác định tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư theo thời gian thực hiện gói thầu (theo quý hoặc năm), (Vt)

Thời gian thực hiện gói thầu từ một năm trở xuống thì thực hiện phân bổ theo quý. Tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư căn cứ theo khả năng bố trí nguồn vốn và giá trị khối lượng hoàn thành theo tiến độ dự báo ở từng giai đoạn (theo quý hoặc năm). Tỷ lệ phân bổ vốn hàng quý hoặc năm có tác động đến trị số trượt giá chung nên chủ đầu tư cần xem xét việc phân bổ có cơ sở đảm bảo sự phù hợp với thực tế.

1.3. Xác định giá trị dự toán gói thầu theo mặt bằng giá ở các thời điểm GXDt

Lập dự toán gói thầu theo mặt bằng giá ở thời điểm từng quý hoặc từng năm. Đối với trường hợp phân bổ vốn theo quý thì lập tối thiểu với 4 quý (trường hợp phân bổ vốn theo năm thì lập với tối thiểu với 3 năm) liến kề ngay trước thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

1.4. Xác định mức độ biến động giá gói thầu bình quân theo thời gian (IXDbq)

- Xác định hệ số trượt giá thời điểm theo giá trị dự toán gói thầu của các quý (hoặc năm) liền kề, bằng cách lấy GXDt ở thời điểm tính toán chia cho GXDt ở thời điểm liền trước.

- Xác định mức độ trượt giá từng thời điểm, bằng cách lấy hệ số trượt giá thời điểm trừ cho 1.

- Xác định mức độ biến động giá gói thầu bình quân theo thời gian (IXDbq) bằng cách tính bình quân số học của các mức độ trượt giá từng thời điểm trên đây.

1.5. Xác định mức dự báo mức độ biến động giá của gói thầu theo sự biến động của các yếu tố chi phí, giá cả trong thời gian thực hiện ngoài các yếu tố đã tính toán (ΔIXD)

Đối với những gói thầu xây lắp thông thường hiện nay, ΔIXD có thể được dự báo là do yếu tố giá nhân công trên thị trường có sự biến động. Tuy nhiên với gói thầu có thời gian thực hiện từ 01 năm trở xuống thì có thể không xét đến yếu tố này.

2. Tính toán tỷ lệ trượt giá.

Từ các dữ liệu đã xác định nêu trên, việc tính chi phí dự phòng trượt giá được thực hiện theo Công thức (1) như sau:

          T

GDP = ∑Vt {[1+ ( IXDbq )t ] - 1} + ΔIXD (1)

           t=1

Trong đó:

- T : Độ dài thời gian thực hiện gói thầu (quý hoặc năm);

- t: số thứ tự quý hoặc năm phân bổ vốn thực hiện gói thầu ( t=1÷ T);

- Vt : Vốn đầu tư dự kiến thực hiện trong quý hoặc năm thứ t

- IXDbq: Mức độ biến động giá gói thầu bình quân theo thời gian.

- ΔIXD : Mức dự báo về biến động của chi phí, giá cả ngoài mức đã tính toán như chi phí nhân công do giá thị trường thay đổi hoặc khi nhà nước điều chỉnh mức tiền lương chung gây nên giá nhân công thị trường có biến động. Trong trường hợp này, cần xác định tỷ trọng chi phí nhân công chiếm trong giá gói thầu lập tại thời điểm tính toán và dự báo mức độ biến động chi phí nhân công trên thị trường trong thời gian thực hiện gói thầu theo công thức sau:

ΔIXD =

NC

x k (2)

GXD

Trong đó:

- NC: Chi phí nhân công trong dự toán giá gói thầu

- GXD: Giá dự toán gói thầu;

- K: Tỷ lệ dự báo mức độ biến động chi phí nhân công trên thị trường trong thời gian thực hiện gói thầu (%).

3. Xác định chi phí dự phòng trượt giá trong giá hợp đồng

Chi phí dự phòng trượt giá của gói thầu gồm hai yếu tố chi phí là dự phòng trượt giá, được xác định theo mức độ biến động giá thực tế theo thời gian và dự phòng dự báo mức độ biến động của các yếu tố chi phí, giá cả. Hai yếu tố chi phí này đều mang tính dự báo về sự biến động giá có thể xẩy ra trong quá trình thực hiện gói thầu, nhằm tránh các rủi ro. Vì vậy, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, trong quá trình thương thảo hợp đồng phải căn cứ vào mức độ biến động giá trên thực tế để vận dụng cho phù hợp, đảm bảo quản lý giá hợp đồng trọn gói một cách hợp lý và không vượt mức dự phòng đã tính toán trong giá gói thầu được duyệt.

II. Tổ chức thực hiện

1. Để tính toán chi phí dự phòng được phù hợp, chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp với đơn vị tư vấn để thực hiện làm cơ sở cho việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về việc xác định thời gian thực hiện gói thầu và phân bổ vốn đầu tư trong từng giai đoạn một cách phù hợp. Việc tính toán xác định số liệu cụ thể, chủ đầu tư có thể thuê đơn vị tư vấn thực hiện.

2. Sở Xây dựng giúp cho các chủ đầu tư và đơn vị tư vấn trong việc kiểm tra số liệu tính toán chi phí dự phòng trong giá gói thầu theo yêu cầu để đảm bảo sự phù hợp. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị liên hệ với Sở Xây dựng đề cùng xem xét và hướng dẫn cụ thể.

Các nội dung tính toán nêu trên được minh họa bằng ví dụ kèm theo văn bản này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- UBND tỉnh (để BC);
- Lãnh đạo Sở;
- L­ưu: VT-KTXD.

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Trần Hậu Thành