TÒA ÁN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 246/TANDTC-KT | Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2014 |
Kính gửi: | - Chánh án các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; |
Trong thời gian qua một số Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các Tòa phúc thẩm TANDTC đã thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm hoặc thủ tục phúc thẩm đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài (trong đó có yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài thuộc Hiệp hội bông Quốc tế (ICA) có trụ sở tại Liverpool Vương quốc Anh). Tòa án nhân dân tối cao thấy đa số các quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài hoặc quyết định không công nhận quyết định của Trọng tài nước ngoài là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, cũng có một số quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài hoặc quyết định không công nhận quyết định của Trọng tài nước ngoài còn phạm một số sai sót cụ thể như: Hội đồng xét đơn yêu cầu đã xem xét lại cả nội dung của vụ tranh chấp đã được Trọng tài nước ngoài giải quyết hoặc chỉ căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam để xác định các bên ký kết thỏa thuận trọng tài không có năng lực để ký kết thỏa thuận đó; xác định thỏa thuận trọng tài không có giá trị pháp lý; xác định cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thi hành không được thông báo kịp thời và hợp thức về việc chỉ định Trọng tài viên, về thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại Trọng tài nước ngoài; xác định thành phần của Trọng tài nước ngoài, thủ tục giải quyết tranh chấp của Trọng tài nước ngoài không phù hợp với pháp luật Việt Nam; chưa yêu cầu các đương sự cung cấp đầy đủ tài liệu, không kiểm tra, thu thập thêm tài liệu về những vấn đề các bên còn có ý kiến khác nhau hoặc chưa xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc...
Để khắc phục những sai sót trên, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Chánh án các Tòa nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chánh tòa các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao quán triệt để các Thẩm phán lưu ý một số vấn đề sau đây:
1. Khi Tòa án giải quyết “yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài”, nếu thấy việc giải quyết các vụ việc đó có tác động đến chính trị và đối ngoại thì đó là một trong những loại việc thuộc quy định tại phần 2, mục I Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07/7/2007 của Bộ Chính trị, các Tòa án cần thực hiện đúng quy định tại Chỉ thị số 15-CT/TW nêu trên.
2. Khi xét đơn yêu cầu, ngoài việc căn cứ các quy định của pháp luật Việt Nam để xem xét, xử lý các vấn đề có liên quan, Hội đồng xét đơn yêu cầu còn phải căn cứ vào Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có liên quan; pháp luật của nước mà các bên đã chọn để áp dụng hoặc theo pháp luật của nước nơi quyết định đã được tuyên, nếu các bên không chọn pháp luật áp dụng cho thỏa thuận đó; quy tắc trọng tài của Trọng tài nước ngoài mà các bên thỏa thuận lựa chọn giải quyết tranh chấp... để ra quyết định. Ví dụ, khi xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài thuộc Hiệp hội bông Quốc tế (ICA) có trụ sở tại Liverpool Vương quốc Anh, Hội đồng xét đơn yêu cầu phải căn cứ vào Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài; Quy tắc trọng tài của Trọng tài thuộc Hiệp hội bông Quốc tế (ICA); pháp luật mà các bên đương sự lựa chọn áp dụng và các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, các quy định khác của pháp luật Việt Nam để giải quyết.
3. Về căn cứ xác định năng lực (thẩm quyền) ký kết thỏa thuận trọng tài: Hội đồng xét đơn yêu cầu căn cứ vào pháp luật được áp dụng cho mỗi bên để xác định người ký kết thỏa thuận trọng tài có năng lực (thẩm quyền) để ký kết thỏa thuận trọng tài đó hay không; không được căn cứ quy định của pháp luật Việt Nam để xác định người ký kết thỏa thuận trọng tài của phía nước ngoài không có năng lực (thẩm quyền) để ký kết thỏa thuận trọng tài đó và ngược lại không được căn cứ quy định của pháp luật của nước ngoài để xác định người ký thỏa thuận trọng tài của phía Việt Nam không có năng lực (thẩm quyền) để ký kết thỏa thuận đó.
4. Về căn cứ xác định giá trị pháp lý (hiệu lực) của thỏa thuận trọng tài: Hội đồng xét đơn yêu cầu căn cứ vào pháp luật của nước mà các bên đã chọn để áp dụng hoặc căn cứ vào pháp luật của nước nơi quyết định đã được tuyên, nếu các bên không chọn pháp luật áp dụng cho thỏa thuận trọng tài đó, để xác định thỏa thuận trọng tài có giá trị pháp lý hay không.
Theo quy định tại Điều 19 Luật Trọng tài thương mại Việt Nam năm 2010 (quy định về tính độc lập của thỏa thuận trọng tài) thì: “Thỏa thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thỏa thuận trọng tài”.
5. Về căn cứ xác định thành phần của Trọng tài nước ngoài,
thủ tục giải quyết tranh chấp của Trọng tài nước ngoài: Hội đồng xét đơn yêu cầu căn cứ vào thỏa thuận trọng tài hoặc căn cứ vào pháp luật của nước nơi quyết định của Trọng tài nước ngoài được tuyên, nếu thỏa thuận trọng tài không quy định về các vấn đề đó, để xác định có đúng thành phần, thủ tục đó hay không.
6. Khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng xét đơn yêu cầu cần phải thực hiện đúng quy định tại khoản 4 Điều 369 Bộ luật Tố tụng dân sự là không xét xử lại vụ tranh chấp đã được Trọng tài nước ngoài giải quyết mà chỉ kiểm tra, đối chiếu quyết định của Trọng tài nước ngoài, các giấy tờ, tài liệu kèm theo với các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, các quy định khác của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có liên quan để giải quyết.
Khi xem xét các tài liệu, chứng cứ, đặc biệt là các chứng cứ có liên quan đến thủ tục tố tụng (tống đạt các văn bản tố tụng của trọng tài) phải căn cứ vào các quy định trong quy tắc trọng tài nước ngoài mà các bên đã lựa chọn để xem xét, làm rõ việc Trọng tài nước ngoài (ví dụ Trọng tài thuộc Hiệp hội bông Quốc tế - ICA) đã gửi các văn bản thông báo cho bên Việt Nam có theo đúng Quy tắc trọng tài hay không?
Theo quy định tại các khoản 3, 4, 5 và khoản 15 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 về thói quen trong hoạt động thương mại, tập quán thương mại, về thông điệp dữ liệu và các hình thức có giá trị tương đương văn bản thì việc gửi thông báo qua thư điện tử (email) cá nhân có thể được chấp nhận nếu có căn cứ cho rằng đây là thói quen trong hoạt động thương mại hoặc tập quán thương mại.
Trong trường hợp Bên yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài, ngoài việc chứng minh đã gửi thông báo về thủ tục tố tụng trọng tài qua
thư điện tử, còn cung cấp tài liệu, chứng cứ về việc gửi thông báo, tài liệu có liên quan đến phán quyết trọng tài cho phía Việt Nam bằng việc chuyển phát nhanh quốc tế, bằng fax, điện báo... Nếu Bên phải thi hành phán quyết trọng tài không thừa nhận đã nhận được các văn bản tố tụng của Trọng tài nước ngoài thì Hội đồng xét đơn yêu cầu, yêu cầu Bên phải thi hành phán quyết trọng tài cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh về việc không nhận được các văn bản tố tụng đó. Tùy theo tài liệu, chứng cứ mà bên bị yêu cầu đã chứng minh, Hội đồng xét đơn yêu cầu, yêu cầu Bên có đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ...
Trong trường hợp cần thiết hoặc theo yêu cầu của đương sự (căn cứ quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và tài liệu, chúng cứ có trong hồ sơ), Tòa án tiến hành thu thập, kiểm tra tài liệu, chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quết được đúng pháp luật.
7. Trong quá trình xét đơn yêu cầu mà đương sự có yêu cầu thì Hội đồng xét đơn yêu cầu tạo điều kiện cho các bên hòa giải, thỏa thuận về các vấn đề liên quan đến phán quyết trọng tài. Trên cơ sở thỏa thuận của các bên, tùy từng trường hợp mà Hội đồng xét đơn yêu cầu ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu hay mở phiên họp xét đơn yêu cầu theo quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều 368 Bộ luật Tố tụng dân sự.
| KT.CHÁNH ÁN |