Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2503/BCT-PVTM
V/v Thông báo danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp quý 1-2020

Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2020

 

Kính gửi:

- Bộ Tài chính;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Thông tin truyền thông;
- Bộ Công an;
- Bộ Ngoại giao;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố;
- Tổng cục Hải quan;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Triển khai nhiệm vụ tại Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4 tháng 7 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẫn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” và Nghị quyết 119/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, Bộ Công Thương đã tiến hành cập nhật Danh sách theo dõi các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Danh sách được xây dựng trên cơ sở theo dõi biến động xuất khẩu của những mặt hàng đã bị thị trường xuất khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc các biện pháp hạn chế thương mại khác với nước thứ ba nhưng chưa áp dụng đối với Việt Nam.

Qua theo dõi 26 mặt hàng trong danh sách, hiện tại theo đánh giá của Bộ Công Thương có 12 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc điều tra phòng vệ thương mại, cụ thể như sau:

1. Gỗ dán t nguyên liệu gỗ cứng (hardwood plywood) xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã giảm mạnh từ 1,1 tỷ USD năm 2016 xuống còn 215,6 triệu USD năm 2019. Trong cùng giai đoạn, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng nhanh từ 33,4 triệu USD năm 2016 lên 322,2 triệu USD năm 2019. Riêng trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 63,7% so với năm 2018. Tháng 10/2019, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ thông báo chính thức điều tra trốn thuế phòng vệ thương mại đối với một số công ty Hoa Kỳ nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam. Tháng 1/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với toàn bộ sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Hiện tại, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang thụ lý hồ sơ và cân nhắc việc khởi xướng điều tra.

2. Đệm mút (mattress) xuất khu sang Hoa Kỳ

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã giảm mạnh từ 436 triệu USD năm 2017 xuống 167 triệu USD năm 2019. Trong cùng giai đoạn, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng từ 64.000 USD năm 2017 lên tới 166 triệu USD năm 2019. Đặc biệt, kim ngạch tăng nhanh kể từ giữa năm 2019. Tháng 3/2020, một số công ty sản xuất đệm mút của Hoa Kỳ đã nộp hồ sơ đề nghị Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đệm mút nhập khẩu từ 7 nước, trong đó có Việt Nam. Hiện tại, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang thụ lý hồ sơ và cân nhắc việc khởi xướng điều tra.

3. T gỗ (Wooden cabinets and vanities) xuất khu sang Hoa Kỳ

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã giảm từ 4 tỷ USD năm 2018 xuống còn 2,5 tỷ USD năm 2019. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh từ 913 triệu USD năm 2018 lên 1,37 tỷ USD năm 2019 (tăng 50%). Xu hướng tăng đặc biệt thấy rõ kể từ tháng 3/2019 khi Hoa Kỳ bắt đầu điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc.

4. Đá nhân tạo (Quartz surface products) xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Mặt hàng này đã bị thị trường Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với Trung Quốc, sau khi bị áp dụng thuế CBPG và thuế CTC, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã giảm mạnh, từ mức trung bình khoảng 58,5 triệu USD/tháng xuống chỉ còn vài trăm ngàn USD mỗi tháng trong quý III và quý IV năm 2019. Trong năm 2019, nhập khẩu đá nhân tạo của Hoa Kỳ từ Việt Nam tăng gấp 2,5 lần so với năm 2018, từ 46,3 triệu USD lên 118,2 triệu USD. Đặc biệt từ thời điểm tháng 6 năm 2019 sau khi biện pháp CBPG và CTC chính thức được áp dụng với sản phẩm của Trung Quốc, nhập khẩu đá nhân tạo từ Việt Nam đã tăng rất mạnh. Hoa Kỳ đã điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù kim ngạch xuất khẩu của hai đối tác này thấp hơn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nên rất có khả năng trong tương lai gần Hoa Kỳ sẽ tiếp tục điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đá nhân tạo của Việt Nam.

5. Lốp xe tải và xe khách (Tyres for buses or lorries) xuất khu sang EU

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường EU đã giảm từ 618,5 triệu Euro năm 2017 xuống còn 180 triệu Euro năm 2019. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 11.700 Euro năm 2017 lên 69 triệu Euro năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu lốp xe tải/xe khách khách bắt đầu gia tăng từ tháng 5/2018 trùng với thời điểm EU áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

6. Xe đạp điện (Electric bicycles) xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU

Xe đạp điện của Trung Quốc đang bị thị trường EU áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp và bị thị trường Hoa Kỳ áp thuế 25% theo Mục 301 Luật Thương mại 1974. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng từ 74 triệu Euro năm 2018 lên 87,5 triệu Euro năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng từ 4,5 triệu USD năm 2018 lên 18,6 triệu USD năm 2019. Hiệp hội các Nhà sản xuất xe đạp châu Âu đã bày tỏ quan ngại về một doanh nghiệp của Trung Quốc có dấu hiệu gian lận xuất xứ của Việt Nam để lẩn tránh biện pháp PVTM của EU áp dụng đối với sản phẩm Trung Quốc.

7. Ống đồng (Seamless refined copper pipe and tube) xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Mặt hàng ống đồng của Trung Quốc bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá từ tháng 10/2010. Sau khi Hoa Kỳ áp dụng biện pháp CBPG đối với ống đồng nhập khẩu từ Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu ống đồng của Hoa Kỳ từ Trung Quốc có xu hướng giảm. Đặc biệt kể từ năm 2015 trở đi, kim ngạch nhập khẩu mỗi năm chỉ còn từ 2 đến 5 triệu USD so với kim ngạch trên 150 triệu USD trước khi biện pháp chống bán phá giá được áp dụng. Cùng với thời điểm kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc giảm mạnh, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam tăng nhanh. Kim ngạch nhập khẩu ống đồng của Hoa Kỳ từ Việt Nam đã tăng từ 38 triệu USD năm 2015 lên 138 triệu USD năm 2018.

8. Khp nối bằng thép (Forge steel fittings) xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Mặt hàng này đã bị thị trường Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc, Ý và Đài Loan (Trung Quốc). Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 7,7 triệu USD năm 2018 và 6,3 triệu USD năm 2019. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam không lớn và không có tăng trưởng đột biến, tuy nhiên qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện có trường hợp doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ của công ty có chức năng giám định để chứng nhận hàng hóa là khớp nối bằng thép có xuất xứ tại Việt Nam và cấp giấy chứng nhận có hình thức tương tự như giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền phát hành tuy giấy chứng nhận này không có giá trị pháp lý đối với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu.

9. Bánh xe thép (Steel wheels) xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã giảm từ 465 triệu USD năm 2018 xuống còn 310 triệu USD năm 2019. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 7,1 triệu USD năm 2018 lên 35,1 triệu USD năm 2019 (tăng gần gấp 4 lần). Kim ngạch bắt đầu tăng nhanh từ tháng 9/2018 sau khi Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

10. Thép tiền chế (Fabricated structural steel) xuất khu sang Hoa Kỳ

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã giảm từ 1,2 tỷ USD năm 2018 xuống còn 711 triệu USD năm 2019. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 29 triệu USD năm 2018 lên 52,4 triệu USD năm 2019 (tăng 80%). Kim ngạch bắt đầu tăng nhanh từ tháng 6/2019 sau khi Hoa Kỳ tiến hành khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép tiền chế nhập khẩu từ Trung Quốc.

11. Vỏ bình ga (Steel propane cylinders) xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã giảm từ 96 triệu USD năm 2018 xuống còn 71,7 triệu USD năm 2019. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 30.000 triệu USD năm 2018 lên 3 triệu USD năm 2019. Kim ngạch bắt đầu tăng nhanh từ tháng 4/2019 sau khi Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

12. Ghim đóng thùng (Carton-closing staples) xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã giảm từ 95 triệu USD năm 2018 xuống còn 79 triệu USD năm 2019. Trang khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 98.000 USD năm 2018 lên 1,9 triệu USD năm 2019. Kim ngạch bắt đầu tăng nhanh từ tháng 4/2019 sau khi Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bộ Công Thương kính gửi quý Cơ quan thông tin theo dõi đối với 12 mặt hàng nêu trên trong tài liệu đính kèm để quý Cơ quan chủ động triển khai nhiệm vụ liên quan tại Quyết định 824/QĐ-TTg và Nghị quyết 119/NQ-CP. Bộ Công Thương lưu ý quý Cơ quan chỉ sử dụng Danh sách với mục đích quản lý nhà nước, không công bố các thông tin ra bên ngoài.

Mọi thông tin chi tiết đề nghị liên hệ: Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương - 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024 3703 7898 (máy lẻ 114), Thư điện tử:

……………………………………

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Cục XNK.
- Vụ AM, AP.
- Lưu: VT, P3 (3).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quốc Khánh

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN