BỘ NÔNG NGHIỆP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2527/QLCL-CL1 | Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2014 |
Kính gửi: Công ty TNHH Highland Dragon
Phúc đáp các công văn số 18/CV-CT/2014 ngày 03/11/2014 và 16/CV-CT/2014 ngày 16/9/2014 của Công ty TNHH Highland Dragon (DH 149) về những vướng mắc trong thủ tục nhập khẩu nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác để chế biến và xuất khẩu vào Thụy Sỹ, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản có ý kiến như sau:
1. Về quy định vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu thủy sản nhập khẩu để chế biến xuất khẩu vào Thụy Sỹ:
Cộng đồng Châu Âu (European Community - EC) và Thụy Sỹ đã có Hiệp định thương mại về các sản phẩm nông nghiệp có hiệu lực từ 01/6/2002, trong đó có nội dung quy định về việc động vật và sản phẩm động vật của các nước ngoài EU xuất khẩu vào Thụy Sỹ cũng phải đáp ứng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của EU đối với các nước thứ 3, chi tiết xin xem hướng dẫn của Cơ quan thẩm quyền về An toàn thực phẩm và Thú y Liên bang Thụy Sỹ (FSVO) tại địa chỉ website: http://www.blv.admin.ch/ein_ausfuhr/04035/index.html?lang=en. và Cơ quan thẩm quyền Châu Âu tại địa chỉ website: http://ec.europa.eu/food/international/trade/agreements_en.htm).
Do đó, các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào Thụy Sỹ và các nước thuộc EU có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu cũng phải tuân thủ các quy định của Cộng đồng Châu Âu (EC) về vệ sinh an toàn thực phẩm như sau:
- Cơ sở sản xuất nguyên liệu thủy sản (bao gồm tàu cá chế biến, tàu đông lạnh, xuất khẩu vào Việt Nam) phải có tên trong Danh sách các cơ sở sản xuất được Cơ quan thẩm quyền EU cho phép sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU hoặc được Cơ quan thẩm quyền quản lý VSATTP nước xuất khẩu kiểm tra, chứng nhận đáp ứng yêu cầu tương đương với quy định của Ủy ban Châu Âu (EC) về vệ sinh an toàn thực phẩm. Riêng đối với tàu khai thác và cơ sở thu gom chỉ thực hiện bảo quản thủy sản mà không áp dụng bất cứ hoạt động xử lý, chế biến nào ảnh hưởng đến sự nguyên vẹn của động vật thủy sản thì không bắt buộc phải được Cơ quan thẩm quyền EU công nhận; tuy nhiên cơ sở/tàu khai thác này vẫn phải được Cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu kiểm tra, chứng nhận đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm tương đương với quy định của EU.
- Lô hàng nguyên liệu thủy sản được sản xuất tại các cơ sở đáp ứng yêu cầu nêu trên phải được Cơ quan thẩm quyền quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm của nước xuất khẩu kiểm tra, chứng đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm của EU (không bắt buộc áp dụng đối với tàu cá khai thác, bảo quản, chế biến cập cảng và bán trực tiếp thủy sản vào Việt Nam).
2. Riêng về chứng nhận khai thác đối với nguyên liệu nhập khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác:
Hiện nay, Hiệp định thương mại về các sản phẩm nông nghiệp giữa Cộng đồng Châu Âu (EC) và Thụy Sỹ và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa đề cập đến các quy định về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Quy định IUU) giữa hai bên. Ngoài ra, theo phản ánh của doanh nghiệp về việc Cơ quan thẩm quyền Thụy Sỹ không yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp Giấy chứng nhận khai thác (Catch certificate) và cam kết thủy sản có nguồn gốc từ thủy sản khai thác hợp pháp nhập khẩu theo Quy định IUU đối với lô hàng thủy sản xuất khẩu vào Thụy Sỹ. Đề nghị doanh nghiệp chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu Thụy Sỹ để đề nghị Cơ quan thẩm quyền Thụy Sỹ có văn bản hoặc cung cấp thông tin có liên quan về yêu cầu nêu trên (nếu có).
Trong trường hợp doanh nghiệp, nhà nhập khẩu Thụy Sỹ của doanh nghiệp không cung cấp được thông tin, tài liệu nêu trên nhưng doanh nghiệp cam kết tự chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu xảy ra khó khăn, vướng mắc về việc thông quan lô hàng tại Thụy Sỹ liên quan đến vấn đề IUU, Cục đồng ý để các Trung tâm CL NLS&TS thực hiện kiểm tra, cấp chứng thư cho các lô hàng của doanh nghiệp xuất khẩu vào Thụy Sỹ và không yêu cầu cung cấp các Giấy chứng nhận khai thác đối với nguyên liệu nhập khẩu để xác nhận cam kết theo Quy định IUU.
Yêu cầu đơn vị lưu ý thực hiện.
Nơi nhận: | KT. CỤC TRƯỞNG |
- 1 Công văn 2500/QLCL-CL1 năm 2014 về nguyên liệu cồi điệp nhập khẩu từ Faroe và chế biến xuất khẩu vào EU do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản ban hành
- 2 Công văn 360/BNN-CB năm 2006 về kiện toàn hệ thống quản lý Nhà nước ngành chế biến nông lâm sản và nghề muối do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3 Công văn số 1255/BTS-CLATVS&TY của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc kiểm tra nguyên liệu thủy sản nhập khẩu
- 1 Công văn 2500/QLCL-CL1 năm 2014 về nguyên liệu cồi điệp nhập khẩu từ Faroe và chế biến xuất khẩu vào EU do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản ban hành
- 2 Công văn 360/BNN-CB năm 2006 về kiện toàn hệ thống quản lý Nhà nước ngành chế biến nông lâm sản và nghề muối do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành