Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số: 2546/BTP-PLDSKT
V/v kiến nghị của Bệnh viện Đại học Cimax-tỉnh Đồng Nai

Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2019

 

Kính gửi: Văn phòng Chính phủ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4476/VPCP-ĐMDN ngày 27/5/2019 của Văn phòng Chính phủ về kiến nghị của Bệnh viện Đại học Cimax (tỉnh Đồng Nai), Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế để xem xét, xử lý và trả lời kiến nghị của Bệnh viện Đại học Cimax về việc vướng mắc khi áp dụng luật và trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:

Ngày 31/5/2019, Bộ Tư pháp có Công văn số 1996/BTP-PLDSKT gửi Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị cung cấp thông tin và cho ý kiến đối với kiến nghị của Bệnh viện Đại học Cimax. Đến nay, Bộ Tư pháp mới nhận được ý kiến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam1, chưa nhận được ý kiến của Bộ Y tế. Trên cơ sở ý kiến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và tài liệu được cung cấp, Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:

1. Về quy định liên quan đến người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám chẩn đoán hình ảnh, phòng X-Quang theo quy định tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế có trái luật không?

- Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 thì Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về khám bệnh, chữa bệnh; chiến lược phát triển, quy hoạch hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Khoản 1 Điều 170 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật; nếu phát hiện có quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội thì tự mình hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới hoặc thay thế văn bản quy phạm pháp luật. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 139 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản do mình ban hành hoặc chủ trì soạn thảo.

- Theo quy định tại điểm a, điểm e khoản 6 Điều 2 Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế thì, Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định chuyên môn, các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các định mức kinh tế-kỹ thuật về lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy định chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.

Căn cứ các quy định trên thì Bộ Y tế là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có các quy định về cấp giấy chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Vì vậy, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 170 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015điểm a khoản 1 Điều 139 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Bộ Y tế có trách nhiệm rà soát các quy định tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP , nếu phát hiện quy định tại Nghị định này chưa phù hợp với Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, thay thế cho phù hợp.

2. Về việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam không thanh toán khi cử nhân X-Quang thực hiện và mô tả hình ảnh X-Quang theo quy định tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP có vi hiến hay không?

Như đã nêu ở trên, ngày 31/5/2019, Bộ Tư pháp đã gửi Công văn số 1996/BTP-PLDSKT đến Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ngày 10/6/2019, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn số 1982/BHXH-CSYT gửi Bộ Tư pháp về kiến nghị của Bệnh viện Đại học Cimax. Theo Công văn số 1982/BHXH-CSYT thì thực tế thời gian qua, để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội vẫn đang thực hiện thanh toán chi phí các dịch vụ kỹ thuật đã được thực hiện bởi người chưa được cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo đúng quy định tại Nghị định số 109/2016/NĐ-CP và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP (có Công văn kèm theo).

Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị xem xét lại thông tin của Bệnh viện Đại học Cimax-tỉnh Đồng Nai nêu tại kiến nghị gửi kèm theo Công văn số 4476/VPCP-ĐMDN.

3. Ngày 25/6/2019, Bộ Tư pháp nhận được Công văn số 83/BVSM ngày 17/6/2019 của Bệnh viện Đại học y dược Shing Mark, theo đó, tại Công văn này, Bệnh viện Đại học y dược Shing Mark có nêu: tên đơn vị, địa chỉ, email, điện thoại, nội dung kiến nghị đề cập tại Công văn số 4476/VPCP-ĐMDN ngày 27/5/2019 của Văn phòng Chính phủ không phải của Bệnh viện Đại học y dược Shing Mark và không liên quan đến Bệnh viện này (có Công văn kèm theo).

Trên đây là ý kiến của Bộ Tư pháp về kiến nghị của Bệnh viện Đại học Cimax-tỉnh Đồng Nai, xin gửi Văn phòng Chính phủ./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, Vụ PLDSKT (LĐASTH, Lam).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phan Chí Hiếu

 



1 Công văn số 1982/BHXH-CSYT ngày 10/6/2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về kiến nghị của Bệnh viện Đại học Cimax, tỉnh Đồng Nai. Bộ Tư pháp chưa nhận được ý kiến tham gia của Bộ Y tế.