BỘ TÀI NGUYÊN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2592/BTNMT-TCMT | Hà Nội, ngày 29 tháng 06 năm 2015 |
Kính gửi: Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Theo thông tin phản ánh từ các tổ chức xã hội, cơ quan thực thi pháp luật và báo chí, trong thời gian qua, việc xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến các loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP còn gặp nhiều lúng túng và chủ yếu áp dụng hình thức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm với các loài động vật thuộc Danh mục này. Trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các hành vi vi phạm liên quan đến các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định nêu trên sẽ áp dụng quy định tại Điều 190 Luật số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Chính vì vậy, để tăng cường thực hiện Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ cũng như thực thi hiệu quả Điều 190 Luật số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa tội phạm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Chỉ đạo các cơ quan thực thi pháp luật có liên quan triển khai, áp dụng đúng quy định tại Điều 190, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2009 đối với các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, các hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó phải truy cứu trách nhiệm hình sự bất kể số lượng, khối lượng hay giá trị tang vật.
2. Khuyến cáo các cơ quan chức năng tại địa phương không tiến hành bán đấu giá, phát mại đối với tang vật là các loài động vật hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bị thu giữ trong các vụ vi phạm pháp luật có liên quan. Hướng dẫn các cơ quan thực thi pháp luật vận dụng và xử lý tang vật theo quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP. Cụ thể là:
(i) Các cá thể còn sống chỉ được phép tái thả lại nơi sinh sống tự nhiên phù hợp hoặc chuyển giao cho các Trung tâm cứu hộ nếu ốm yếu hoặc bị thương;
(ii) Các cá thể chết trong quá trình cứu hộ sẽ được chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành để nghiên cứu, lưu giữ, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng hoặc tiêu hủy đối với các cá thể bị chết do bệnh dịch hoặc không thể xử lý được bằng biện pháp nói trên.
Bộ Tài nguyên và Môi trường mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của quý Cơ quan ./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 79/YDCT-QLHN năm 2015 tăng cường bảo vệ động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm do Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền ban hành
- 2 Nghị định 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ
- 3 Bộ luật hình sự sửa đổi 2009
- 4 Luật đa dạng sinh học 2008