Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC THÚ Y
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2642/TY-KD
V/v trả lời kiến nghị của Công ty TNHH TM DV Tân Nhật Minh

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2016

 

Kính gửi: Công ty TNHH TM DV Tân Nhật Minh

Cục Thú y nhận được Công văn số 01122016 ngày 27/12/2016 của Công ty TNHH TM DV Tân Nhật Minh về việc kiểm dịch sản phẩm sữa nhập khẩu. Về vấn đề này, Cục Thú y có ý kiến như sau:

1. Quy định của Việt Nam về kiểm dịch sữa và sản phẩm sữa:

- Theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật thú y, trong đó có giao cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch.

- Thực hiện Luật thú y, ngày 30/6/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn (sau đây gọi tắt là Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT), theo đó sản phẩm sữa thuộc diện phải kiểm dịch.

2. Quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), của CODEX về chứng nhận kiểm dịch sữa và sản phẩm sữa trong thương mại quốc tế:

a) Quy định của OIE: Bộ luật về động vật trên cạn của Tổ chức OIE quy định nội dung chứng nhận kiểm dịch đối với sữa và sản phẩm sữa trong thương mại quốc tế, đặc biệt là việc kiểm soát đối với các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao lây truyền qua dạng sản phẩm này như bệnh Lở mồm long móng, bệnh Lao bò, Sảy thai truyền nhiễm...; đồng thời quy định cơ quan Thú y có thẩm quyền của nước nhập khẩu yêu cầu lô hàng sữa và sản phẩm sữa nhập khẩu phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thú y của nước xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa (nội dung chứng nhận được quy định tại Điều 11.5.10, Điều 8.8.24, Điều 8.8.25 của Bộ luật của OIE 2016 (xin gửi kèm theo).

b) Quy định của Codex: Theo quy định của Codex về sữa và sản phẩm từ sữa: Sữa phải có nguồn gốc từ động vật xuất phát từ vùng hoặc quốc gia không có dịch bệnh do Tổ chức Thú y chứng nhận các bệnh như Lao, Sảy thai truyền nhiễm,... (theo Code of Hygiene Practice for Milk and Milk Products - tái bản lần 2 năm 2011, trang 203).

3. Thỏa thuận về yêu cầu vệ sinh thú y đối với Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa (gồm cả sữa chế biến) từ các các nước vào Việt Nam:

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh động vật, đặc biệt là bệnh truyền lây từ động vật sang người có thể xâm nhiễm vào Việt Nam, căn cứ theo các quy định của Luật Thú y thế giới, các quy định về kiểm dịch sản phẩm động vật của Việt Nam và đề nghị của cơ quan thú y có thẩm quyền của các nước xuất khẩu sản phẩm sữa vào Việt Nam, Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thỏa thuận về Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa với nhiều nước trong thời gian vừa qua (như Niu Di lân, Úc, Canada, Hoa Kỳ, Cộng hòa Pháp, Vương quốc Hà Lan, Đan Mạch, Vương quốc Anh,...); nội dung chứng nhận thú y trong các giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu sản phẩm sữa phải được cơ quan thú y có thẩm quyền của nước xuất khẩu chứng nhận sản phẩm sữa có nguồn gốc từ quốc gia, hoặc vùng không có một số dịch bệnh truyền nhiễm động vật như bệnh Lở mồm long móng, Sẩy thai truyền nhiễm, Lao bò, Dịch tả trâu bò,... và sản phẩm sữa phải được kiểm tra không có các chất tồn dư độc hại (kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, hóc môn, chất phóng xạ,...) và không có các vi sinh vật gây hại,...

4. Về kiểm dịch sữa nhập khẩu:

Việc kiểm dịch sữa và sản phẩm sữa do Cơ quan thú y tại cửa khẩu thực hiện, việc kiểm dịch gồm: kiểm tra các nội dung chứng nhận trong Giấy chứng nhận kiểm dịch có đúng với nội dung đã thỏa thuận hay không; kiểm tra cảm quan và các chỉ tiêu vệ sinh thú y gồm các vi sinh vật truyền lây giữa người và động vật gồm Enterobacteriacea, Staphylococcus, Salmonella, Listeria,..., hoặc tùy vào tình hình dịch bệnh của nước xuất khẩu có thể kiểm tra bệnh Sẩy thai truyền nhiễm, Lao bò,.. nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh động vật trong nước và an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.

Cục Thú y trân trọng thông báo để Quý Công ty được biết. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị Công ty liên hệ với Cục Thú y để được phối hợp giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng cục Hải quan;
- Cục trưởng (để b/c);
- Doanh nghiệp có liên quan;
- Lưu: VT, KD.

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Đàm Xuân Thành