BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2685/BCA-V03 | Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2018 |
Kính gửi: Văn phòng Chính phủ
Ngày 14/9/2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 8867/VPCP-ĐMDN; 8869/VPCP-ĐMDN; 8876/VPCP-ĐMDN đề nghị Bộ Công an nghiên cứu, xem xét, trả lời 03 phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức liên quan đến các quy định trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, về các vấn đề này, Bộ Công an trả lời như sau:
Đối với phản ánh, kiến nghị của công dân Hoàng Xuân Quang - Công ty TNHH TUV RHEINLAND Việt Nam (địa chỉ tại phòng 805-806, 106 Nguyễn Văn Trỗi, Phường 8, Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh) về năng lực người thực hiện kiểm tra bảo dưỡng hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động.
Căn cứ Khoản 1, Điều 34, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy quy định:
“1. Cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội Phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành, được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy theo nội dung sau đây:
a) Kiến thức pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy phù hợp với từng đối tượng.
b) Phương pháp tuyên truyền, xây dựng phong trào quần chúng phòng cháy chữa cháy.
c) Biện pháp phòng cháy.
d) Phương pháp xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy.
đ) Phương pháp bảo quản, sử dụng các phương tiện phòng cháy, chữa cháy.
e) Phương pháp kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy”.
Theo đó, những người trong nội bộ của Công ty đã huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy theo quy định tại Điều 34, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ được thực hiện bảo dưỡng bình chữa cháy và kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động; Tuy nhiên, cơ sở cần phải có đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng các hệ thống, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, đồng thời phải chịu trách nhiệm về chất lượng công tác kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Bộ Công an khuyến cáo Công ty nên cử nhân viên có trình độ chuyên môn phù hợp, có kiến thức, hiểu biết về các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy được trang bị tại công ty để huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy.
Đối với phản ánh, kiến nghị của Công ty cổ phần Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam (địa chỉ số 10 Trần Quý Cáp, Tam Kỳ, Quảng Nam) kiến nghị về văn bằng, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy
- Căn cứ Điều 47, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy, văn bằng về phòng cháy, chữa cháy gồm: Bằng Đại học chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy; Bằng Cao đẳng chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy; bằng Trung cấp chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy; chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy, chữa cháy.
- Văn bằng, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy, chữa cháy do Hiệu trưởng Trường Đại học phòng cháy, chữa cháy cấp.
- Về thời gian và địa điểm học tập để được cấp văn bằng, chứng chỉ về phòng cháy, chữa cháy đề nghị Công ty liên hệ với Trường Đại học phòng cháy, chữa cháy để được hướng dẫn chi tiết (địa chỉ số 243 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội; số điện thoại: 0243.553.7511).
- Về Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy: đối tượng và thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy để được cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy quy định tại Khoản 1, Điều 16 và Điểm a, Khoản 3, Điều 16 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy, cụ thể như sau:
+ Đối tượng huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy: người có chức danh chỉ huy chữa cháy quy định tại Khoản 2, Điều 37, Luật Phòng cháy, chữa cháy; cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành; người làm việc trong môi trường có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; người chỉ huy tàu thủy, tàu hỏa, tàu bay, người làm việc và phục vụ trên phương tiện giao thông cơ giới có từ 30 chỗ ngồi trở lên, trên phương tiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; người làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phương tiện phòng cháy, chữa cháy; các cá nhân khác có yêu cầu được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy.
+ Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy làn đầu: từ 16 giờ đến 24 giờ.
Như vậy, Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy không phải là cơ sở để cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy, chữa cháy, Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy.
- Theo quy định của pháp luật người đứng đầu hoặc người đại diện pháp luật phải có văn bằng, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy, chữa cháy. Trường hợp Công ty muốn ủy quyền cho phó Tổng Giám đốc thì phải bổ sung người này là người đại diện theo pháp luật vào Giấy đăng ký kinh doanh.
Đối với phản ánh, kiến nghị của công dân Phạm Khánh Vương - Công ty Thiết bị Bảo vệ và Điện tử tin học Việt Anh (địa chỉ tại phòng 1607, tầng 16, tòa nhà 101 Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) kiến nghị về Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng.
Đối với doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh về phòng cháy, chữa cháy đã đủ điều kiện năng lực thi công lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật (được quy định tại Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy).
Riêng đối với các hoạt động xây dựng khác: theo quy định của pháp luật, tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng vẫn phải bảo đảm năng lực hoạt động xây dựng; các trường hợp này, đề nghị ông liên hệ với Bộ Xây dựng để được hướng dẫn chi tiết.
Trên đây là kết quả trả lời 03 phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức liên quan đến các quy định trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an; xin trao đổi để Văn phòng Chính phủ biết./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Nghị quyết 563/NQ-UBTVQH14 năm 2018 về danh sách Ủy viên Đoàn giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 2 Nghị quyết 62/2018/QH14 về thành lập Đoàn giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018 do Quốc hội ban hành
- 3 Công văn 2310/VPCP-NC năm 2018 về kết quả sơ kết 02 năm thực hiện Chỉ thị 47-CT/TW về phòng cháy, chữa cháy do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4 Thông tư 66/2014/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi do Bộ Công an ban hành
- 5 Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi
- 6 Luật phòng cháy và chữa cháy 2001
- 1 Công văn 2310/VPCP-NC năm 2018 về kết quả sơ kết 02 năm thực hiện Chỉ thị 47-CT/TW về phòng cháy, chữa cháy do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Nghị quyết 62/2018/QH14 về thành lập Đoàn giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018 do Quốc hội ban hành
- 3 Nghị quyết 563/NQ-UBTVQH14 năm 2018 về danh sách Ủy viên Đoàn giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành