Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2755/TCHQ-GSQL
V/v tạm xuất tái nhập hàng hóa của doanh nghiệp FDI

Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2020

 

Kính gửi: Bộ Công Thương.

Trả lời công văn số 2479/BCT-XNK ngày 08/4/2020 của Bộ Công Thương trao đổi về một số nội dung liên quan đến hoạt động tạm nhập tái xuất của thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI), Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Về nguyên tắc quản lý và căn cứ pháp lý liên quan đến hoạt động tạm xuất tái nhập hàng hóa để sửa chữa, bảo hành:

- Chính sách quản lý đối với hàng hóa tạm xuất tái nhập của thương nhân nói chung thực hiện thống nhất theo quy định tại Điều 42 Luật Quản lý ngoại thươngĐiều 17 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ.

- Đối với doanh nghiệp FDI: việc tạm xuất tái nhập hàng hóa là máy móc, thiết bị đã qua sử dụng để sửa chữa, bảo dưỡng phải đảm bảo đúng nội dung quy định tại giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành;

- Về quyền xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối của doanh nghiệp FDI thực hiện theo quy định tại Điều 3, Điều 6 và Điều 7 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ quy định về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đề nghị Bộ Công Thương làm rõ quyền xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối tại Nghị định số 09/2018/NĐ-CP của doanh nghiệp FDI có bao gồm hoạt động tạm xuất tái nhập hàng hóa hay không?

Do nội dung liên quan đến chính sách quản lý đối với hàng hóa tạm xuất tái nhập và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp FDI theo Luật Đầu tư, Luật Quản lý ngoại thương nên đề nghị Bộ Công Thương trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan để hướng dẫn thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

2. Về thủ tục hải quan:

Trên cơ sở chính sách quản lý đối với hàng hóa tạm xuất tái nhập theo quy định tại Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản hướng dẫn thi hành, cơ quan Hải quan thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa tạm xuất tái nhập để sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng thực hiện theo quy định tại Điều 55 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015, sửa đổi, bổ sung tại khoản 28 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2028 của Chính phủ.

- Người khai hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ, cụ thể như sau:

“1. Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp chủ hàng hóa là thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục hải quan thông qua đại lý làm thủ tục hải quan.

2. Chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hoặc người được chủ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh ủy quyền.

3. Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án đầu tư miễn thuế.

4. Người thực hiện dịch vụ quá cảnh hàng hóa, trung chuyển hàng hóa;

5. Đại lý làm thủ tục hải quan.

6. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trừ trường hợp chủ hàng có yêu cầu khác.”

Căn cứ vào các quy định, trường hợp thương nhân được cấp giấy phép tạm xuất tái nhập hàng hóa không thuộc quyền sở hữu ra nước ngoài để sửa chữa, khi làm thủ tục hải quan vẫn phải đáp ứng quy định về người khai hải quan theo quy định nêu trên.

Trên đây là ý kiến của Tổng cục Hải quan, xin chuyển Quý Bộ tham khảo./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, GSQL(03 bản).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Mai Xuân Thành