Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 276/NHNN-TTr

Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2002

 

CÔNG VĂN

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 276/NHNN-TTR NGÀY 21 THÁNG 3 NĂM 2002 VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA TRONG NGÀNH NGÂN HÀNG

Kính gửi:

- Giám đốc chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố
- Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thời gian qua, hoạt động thanh tra ngân hàng đã có những chuyển biến nhất định, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng; thúc đẩy quá trình chấn chỉnh, củng cố và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại; kịp thời ngăn chặn những sai phạm phát sinh; có nhiều đề xuất, kiến nghị và các giải pháp xử lý lên các cấp có thẩm quyền.

Qua kiểm tra việc thực hiện chương trình công tác thanh tra năm 1999, 2000 và 2001 tại một số chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố cho thấy nhìn chung các chi nhánh đã thực hiện tương đối tốt chương trình công tác thanh tra hàng năm; về cơ bản các cuộc thanh tra thực hiện theo quy định hiện hành về trình tự, thủ tục tiến hành cuộc thanh tra; đã phát hiện nhiều sai phạm của các tổ chức tín dụng, từ đó có cơ sở pháp lý để kết luận, kiến nghị xử lý phù hợp và hiệu quả.

Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra của Thanh tra ngân hàng cũng còn một số tồn tại như: hiện tượng thanh tra, kiểm tra tràn lan, chưa thực sự đi vào trọng tâm, trọng điểm, thiên về số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra và số đơn vị được thanh tra, kiểm tra; có cuộc thanh tra can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng; một số kết luận thanh tra thiếu trung thực, không thể hiện đầy đủ các sai phạm của đối tượng được thanh tra; có trường hợp kết luận thanh tra còn chung chung không thuyết phục đối tượng được thanh tra... dẫn đến hiệu quả thanh tra thấp; chưa thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc chỉnh sửa sau thanh tra của các tổ chức tín dụng; thiếu kiên quyết trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng; một số cán bộ thanh tra có biểu hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn sách nhiễu tổ chức tín dụng nhằm mưu lợi cá nhân...

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra; thực hiện tốt kế hoạch thanh tra năm 2002 và những năm tiếp theo; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 22/2001/CT-CP của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các việc như sau:

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 22/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và công văn số 1186-NHNN-TTr ngày 3/10/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về triển khai công tác thanh tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

2. Khẩn trương triển khai chương trình công tác thanh tra năm 2002 theo văn bản số 1783/CV-TTr ngày 27/11/2001 của Ngân hàng Nhà nước; căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và đặc thù của từng loại hình tổ chức tín dụng, trên cơ sở đề cương hướng dẫn chung của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước tại công văn số 04/ĐC-TTr ngày 17/1/2002, để lựa chọn những nội dung thanh tra trọng tâm, phù hợp nhằm đảm bảo mục tiêu của hoạt động thanh tra ngân hàng là sự an toàn của các tổ chức tín dụng; xử lý triệt để đối với các tổ chức tín dụng có nhiều vấn đề, có vụ việc nổi cộm và hoạt động kém hiệu quả.

3. Chấn chỉnh việc thực hiện quy định về qui trình và thủ tục tiến hành thanh tra theo Nghị định 61/1998/NĐ-CP và qui chế hoạt động của Đoàn thanh tra ban hành kèm theo quyết định 1776/TTNN ngày 27/12/1998 của Tổng thanh tra Nhà nước. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra ngân hàng qua việc kết luận chính xác và xử lý kiên quyết các sai phạm sau thanh tra đối với các tổ chức tín dụng;

4. Nghiêm khắc xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động Ngân hàng theo quy định hiện hành. Xử lý thích đáng đối với những tập thể và cá nhân gây thiệt hại cho tổ chức tín dụng. Trường hợp nghiêm trọng, có dấu hiệu cấu thành tội phạm phải kiên quyết chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

5. Đẩy mạnh quá trình chấn chỉnh, củng cố các tổ chức tín dụng nói chung, trong đó cần đặc biệt quan tâm, theo dõi chặt chẽ đối với việc chấn chỉnh, củng cố các Ngân hàng Thương mại cổ phần và hệ thống quĩ tín dụng nhân dân. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố phải thường xuyên báo cáo, phản ảnh về ngân hàng Nhà nước (qua thanh tra ngân hàng Nhà nước) tình hình thực hiện việc chấn chỉnh củng cố các tổ chức tín dụng trên địa bàn; nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo thanh tra theo quy định hiện hành.

6. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ quá hạn, nợ khó đòi tồn đọng; phát mại tài sản thế chấp, cầm cố của các tổ chức tín dụng, chú trọng kiểm tra việc xử lý nợ quá hạn, nợ khó đòi tồn đọng không có tài sản bảo đảm theo văn bản số 174/NHNN-TD ngày 21/2/2002 của Ngân hàng Nhà nước.

7. Tăng cường giám sát từ xa, nâng cao kỹ năng phân tích đánh giá tình hình của tổ chức tín dụng theo các chuẩn mực an toàn. Kết hợp chặt chẽ giữa giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ để có các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

8. Các đơn vị có thẩm quyền xem xét và chấp thuận cho tổ chức kiểm toán, các kiểm toán viên được thực hiện kiểm toán tại các tổ chức tín dụng theo quy định tại qui chế ban hành kèm theo quyết định số 322/1999/ QĐ-NHNN5, quyết định 499/2000/QĐ-NHNN (sửa đổi, bổ xung một số điều của qui chế ban hành kèm theo quyết định số 322) phải nghiên cứu xem xét, đánh giá chất lượng các báo cáo kiểm toán và báo cáo kết quả về thanh tra ngân hàng nhà nước để làm cơ sở khi xem xét và thông báo việc tổ chức kiểm toán đăng ký tham gia kiểm toán các tổ chức tín dụng cho các năm sau; kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc để có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

9. Xử lý kịp thời đúng quy định của pháp luật đối với các đơn thư khiếu nại, tố cáo; hạn chế và phấn đấu chấm dứt hiện tượng để các đơn thư tồn đọng, để dân khiếu kiện vượt cấp. Nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp dân; yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng phải có lịch tiếp dân; bố trí cán bộ có trình độ nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật, có thái độ lịch sự... khi tiếp công dân, tránh để dân phải đi lại nhiều lần.

10. Phối hợp chặt chẽ với kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng để hoàn thành chương trình công tác thanh tra năm 2002; phối hợp với tổ chức thanh tra nhà nước các cấp, các cơ quan bảo vệ pháp luật để tránh chồng chéo trong quá trình thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng.

11. Kiện toàn tổ chức, biên chế thanh tra Ngân hàng nhằm đáp ứng yêu cầu công tác chuyên môn cả về chất lượng và số lượng cán bộ. Đối với những chi nhánh chưa bổ nhiệm Chánh thanh tra cần sớm lựa chọn và làm thủ tục trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm chức danh này để trực tiếp điều hành công việc.

12. Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, trau dồi đạo đức, bản lĩnh chính trị cho cán bộ thanh tra; xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra có đạo đức, phẩm chất đi đôi với tăng cường công tác đào tạo để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Thường xuyên kiểm tra để đánh giá chất lượng, hiệu quả của từng cán bộ thanh tra trong đơn vị. Kiên quyết xử lý kỷ luật những cán bộ thanh tra gây phiền hà, sách nhiễu đối với đối tượng thanh tra để vụ lợi cá nhân; trường hợp nghiêm trọng phải đề nghị truy tố trước pháp luật. Phát động phong trào thi đua trong toàn hệ thống thanh tra Ngân hàng nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động thanh tra.

Giao cho Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra và báo cáo tình hình thực hiện định kỳ hàng tháng lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

 

Trần Minh Tuấn

(Đã ký)